22/09/2019

Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam


20/09/2019 10:00 Hồng Thủy
 

Người phát ngôn 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc 
Cảnh Sảng, ảnh: SCMP.
 (GDVN) - Sau khi Tòa trọng tài bác "quyền lịch sử" trong phạm vi đường lưỡi bò, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy thuyết "Tứ Sa", tiếp tục âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Ngày 18/9/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc có cái gọi là "quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển phụ cận bãi Vạn An thuộc quần đảo Nam Sa" [1].
Phát biểu này của ông Cảnh Sảng là phản ứng chính thức mới nhất xung quanh sự kiện tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.

Trung Quốc ngụy biện cho các hành vi vi phạm bằng cách bóp méo UNCLOS 1982

Ngày 19/9/2019, trang mạng Hải ngoại (haiwainet.cn) của Nhân dân Nhật báo dành cho người Trung Quốc ở nước ngoài đăng tải bài viết "Đây mới là lựa chọn tốt nhất để giải quyết vấn đề bãi Vạn An" của Lôi Tiểu Lộ, Phó giáo sư Viện nghiên cứu Biển và biên giới Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán. [2]
Bãi Vạn An là tên Trung Quốc gọi bãi Tư Chính - một rặng san hô nằm hoàn toàn dưới mặt nước biển trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Cái gọi là "quần đảo Nam Sa" mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề cập là tên Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó giáo sư Lôi Tiểu Lộ lập luận rằng, bãi Tư Chính là một bộ phận cấu thành của quần đảo Trường Sa chứ không phải nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bằng cách đánh tráo, nhập nhèm các khái niệm trong UNCLOS 1982 như sau:
"Căn cứ vào Công ước và luật pháp quốc tế thông thường, khái niệm "quần đảo" không chỉ bao gồm các đảo, đá, mà còn bao gồm các vùng nước tiếp liền hoặc các địa hình tự nhiên khác.
Hiển nhiên bãi Vạn An thuộc bộ phận cấu thành của quần đảo Nam Sa. Cho dù xét riêng một đảo / đá, vùng biển liền kề này cũng nằm trong phạm vi 200 hải lý của đảo Nam Uy."
(Nam Uy là tên Trung Quốc gọi đảo Trường Sa Lớn trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam - người viết chú thích).
Thứ nhất, xin được lưu ý rằng bãi Tư Chính là tên gọi một cụm rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển phía Nam Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160 hải lý.


Vị trí bãi ngầm Tư Chính (đánh dấu màu đỏ), ảnh chụp màn hình Google Maps.

Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo này không bao gồm Tư Chính mà bãi ngầm này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và không có tranh chấp nào ở đây.
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam trên một phạm vi rộng hơn, chứ không chỉ ở khu vực bãi ngầm Tư Chính.
Thứ hai, quan trọng hơn là theo UNCLOS 1982, quần đảo Trường Sa không có đường cơ sở thẳng để xác định các vùng biển, không một thực thể nào ở Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
ĐIỀU 46, Phần IV, UNCLOS 1982 về sử dụng các thuật ngữ trong công ước, quy định: 
a) “Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa. 
b) “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử. 
Khoản 1, Điều 47, Phần IV, UNCLOS 1982 quy định rõ: 
Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1. [3]
Trung Quốc yêu sách rằng quần đảo Trường Sa mà họ tuyên bố "chủ quyền" có đường cơ sở thẳng, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế là trái với quy định tại điểm a) Điều 46 và Khoản 1, Điều 47, Phần IV, UNCLOS 1982 nêu trên.
Trước tiên, Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo, không thể hưởng quy chế của "quốc gia quần đảo". Hơn nữa, tỷ lệ diện tích nước với đất ở Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế đường cơ sở thẳng.

Phiên tòa xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS 1982 ở Biển Đông, ảnh: pca-cpa.org

Tòa trọng tài thành lập theo quy định của Phụ lục VII của UNCLOS trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã bác bỏ yêu sách này tại đoạn 573-576, trang 236-237, Phán quyết ngày 12/7/2016. [4]
Cả quần đảo này không có đường cơ sở thẳng nên không có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời không có bất kỳ đảo / đá nào trong quần đảo Trường Sa được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Điều 121, Phần VIII, UNCLOS 1982.
Điều này đã được Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 nêu rõ trong Đoạn 646, trang 259-260, Phán quyết Trọng tài 12/7/2016. [4]
Như vậy, lập luận của Phó giáo sư Lôi Tiểu Lộ rằng Tư Chính nằm trong phạm vi 200 hải lý của đảo Trường Sa Lớn chẳng có ý nghĩa gì, không chỉ ngô nghê mà còn cố tình bóp méo UNCLOS 1982.

Từ dã tâm lưỡi bò đến "Tứ Sa"

Sau Phán quyết trọng tài ngày 12/7/2016 bác bỏ yêu sách "quyền lịch sử" bên trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông, Bắc Kinh bắt đầu tung ra chiến lược mới, được gọi là "Tứ Sa".
Theo Báo Thanh Niên ngày 22/9/2017, yêu sách Tứ Sa là chiến thuật mới thay thế đường lưỡi bò được Vụ phó Vụ Điều ước và pháp luật thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân đưa ra trong cuộc họp kín với Hoa Kỳ ở thành phố Boston vào ngày 28/8/2017 và 29/8/2017. 
Trung Quốc yêu sách cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tứ Sa” bao gồm:
Đông Sa (nhóm đảo Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (quần đảo Trường Sa) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield); đồng thời Bắc Kinh cũng đòi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh bốn cụm cấu trúc này. [5]

Vị trí bãi ngầm Macclesfield nằm hoàn toàn dưới mực nước biển mà Trung Quốc gọi là "quần đảo Trung Sa" (đánh dấu màu đỏ), ảnh chụp màn hình Google Maps.

Với thủ đoạn "Tứ Sa", Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, rộng hơn cả phạm vi đường lưỡi bò trước đó.
Dã tâm của Trung Quốc biến Biển Đông thành ao nhà bất chấp luật pháp quốc tế không những không thay đổi sau Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, mà quy mô còn bành trướng hơn trước.
Ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Pratas là một nhóm đảo nằm ở vị trí 20°43′B 116°42′Đ ở đông bắc Biển Đông, cách Hồng Kông 340 km, cách Đài Bắc 850 km, hiện do Đài Loan quản lý, Việt Nam không có yêu sách với cấu trúc địa lý này.
Pratas chưa đủ điều kiện để xác định là một quần đảo theo quy định tại Điều 46 của UNCLOS.
Cái Trung Quốc gọi là "quần đảo Trung Sa" thực tế là một bãi ngầm dạng rạn vòng hoàn toàn chìm dưới mặt nước Biển Đông, theo UNCLOS 1982 không thể gọi đó là "quần đảo", không thể bao gồm bãi Scarborough như cách giải thích của Trung Quốc.
Tóm lại, để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, sau khi đường lưỡi bò bị Tòa Trọng tài bác bỏ, Trung Quốc lại thúc đẩy thuyết "Tứ Sa" bằng cách cố tình giải thích và vận dụng sai Điều 46 và Điều 47, UNCLOS 1982 cho 4 cụm cấu trúc địa lý ở Biển Đông.
Theo quy định của UNCLOS 1982, cả 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) lẫn Pratas và bãi ngầm Macclesfield đều không thể có đường cơ sở thẳng của một "quốc gia quần đảo".
Nhà giàn DK1 hiên ngang trên thềm lục địa và những câu chuyện chưa bao giờ kể
Điều này một lần nữa cho thấy, mặc dù từng là thành viên tích cực tham gia tiến trình đàm phán xây dựng UNCLOS 1982, nhưng để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã bất chấp lý lẽ và luật pháp, sẵn sàng bóp méo, chà đạp lên UNCLOS 1982 để phục vụ mục tiêu này.
Tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông bất chấp lẽ phải và luật pháp đã bộc lộ từ rất sớm. Sau khi dùng vũ lực cưỡng chiếm Gạc Ma và một số cấu trúc địa lý trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam tháng 3/1988, Trung Quốc đã bắt đầu nhòm ngó các bãi ngầm nằm sâu trong thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Cảnh giác trước âm mưu này, ngay từ cuối thập niên 1980, bất chấp những khó khăn vô cùng to lớn về đối nội và đối ngoại sau các cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, Việt Nam đã tập trung nhân lực, vật lực xây dựng hệ thống nhà dàn DK1.
Đây là các cụm công trình dịch vụ khoa học kĩ thuật phục vụ mục đích dân sự trên biển tại các bãi đá ngầm san hô trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam như Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính, Huyền Trân.
Hệ thống nhà dàn DK1 có vai trò đặc biệt về quốc phòng, an ninh trên hướng Đông Nam của Tổ quốc, có thể xem như đây là phên dậu quốc gia trên Biển Đông, chặn đứng âm mưu hiện thực hóa tham vọng lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.
Những lúc nguy nan nhất, các thế hệ cha anh người Việt Nam đã đổ bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông để giữ vững cơ đồ cho thế hệ hôm nay, và quyết tâm này sẽ không có gì thay đổi được.


Trước đó, ngày 12/9/2019, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cập nhật thông tin về nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do những hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông cũng như ở khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan tới hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền được xác định theo đúng quy định của UNCLOS năm 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình.
Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982.
Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982. Việt Nam cũng khẳng định lập trường của mình đối với chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa." [6]

Tài liệu tham khảo:

[1]//www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1698946.shtml
[2]//nanhai.haiwainet.cn/n/2019/0919/c3542184-31631675.html
[3]//vea.gov.vn/SiteCollectionDocuments/cong%20uoc%20LHQ%20ve%20luat%20bient%201982.pdf
[4]//pca-cpa.org/wp-content/uploads/sites/6/2016/07/PH-CN-20160712-Award.pdf
[5]//thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-chuyen-chien-thuat-duong-luoi-bo-o-bien-dong-878116.html
[6]//www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/tt_baochi/pbnfn/ns190913133010

Hồng Thủy



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire