24/10/2019

Biển Đông : Ngoại giao Mỹ dùng lời cực nặng tố cáo Trung Quốc bắt nạt






Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói chuyện với các nhà báo tại sân bay Narita, Nhật Bản, ngày 11/07/2019REUTERS/Kim Kyung-Hoon/File Photo
Từ ngày Trung Quốc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đồng thời tung tàu hải cảnh cản trở công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam, Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối.


Nhân buổi điều trần hôm 16/10/2019 trước Tiểu Ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, một lần nữa, bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc, nhưng lần này với những lời lẽ nặng nề hiếm thấy, không mang tính chất chung chung thường gặp trong ngôn từ ngoại giao.

Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ về chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương, đã tập trung mũi dùi tố cáo một loạt những hành vi bị lên án là bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, và không ngần ngại khẳng định rằng Bắc Kinh là mối đe dọa đối với mọi nước, chứ không riêng gì đối với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông hoặc các quốc gia Đông Nam Á nói chung.

Ông Stilwell trước hết cực lực đả kích các hành vi của Trung Quốc nhằm dọa nạt, bức hiếp các láng giềng. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại nhắc lại câu nói của ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực khối ASEAN (ARF) năm 2010 ở Hà Nội, khi trước việc Bắc Kinh bị tố cáo là kẻ gây hấn trên Biển Đông ông đã giận dữ và nói rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và thực tế là như vậy”.

Theo ông Stilwell, cách Bắc Kinh “bắt nạt” các láng giềng vào lúc này cũng nằm trong chiều hướng tuyên bố của ông Dương Khiết Trì vào năm 2010, và quan niệm lẽ phải thuộc về kẻ mạnh là một “mối đe dọa đối với chủ quyền, hòa bình, phẩm giá và thịnh vượng” của một khu vực năng động nhất thế giới.

Đối tượng công kích thứ hai là đường chín đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi hỏi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã cho rằng đó là một yêu sách “phi lý”, vừa phi pháp, vừa không chính đáng. Theo ông, những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, đã gây tổn hại các nước khác, nhất là khi Bắc Kinh bằng những biện pháp khiêu khích liên tục nhằm áp đặt đường 9 đoạn, đã cản trở không cho các nước ASEAN tiếp cận 2,5 ngàn tỷ đô la trữ lượng dầu khí, đồng thời gây bất ổn định và tạo nguy cơ xung đột.

Sau cùng, nhà ngoại giao Mỹ đã nêu bật ví dụ về vụ Trung Quốc đang đánh phá Việt Nam trên Biển Đông để tỏ ý hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trong việc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.

Trợ lý ngoại trưởng nhấn mạnh : “Trong khi hô hào quyết tâm theo đuổi hòa bình, thực tế cho thấy là các lãnh đạo Trung Quốc - thông qua Hải Quân, các cơ quan chấp pháp và lực lượng dân quân biển - tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác. Việc họ liên tục quấy rối cơ sở của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính là một trường hợp điển hình.

Trong tình hình đó, ông Stilwell cho rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông sẽ có hại cho khu vực và cho tất cả những ai yêu chuộng tự do hàng hải nếu Trung Quốc sử dụng bộ Quy Tắc đó để “hợp pháp hóa các hành vi thô bạo, các yêu sách trên biển phi pháp của họ, cũng như để nuốt các cam kết mà Bắc Kinh đã ký theo luật quốc tế”.

Phát biểu của trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã được nhiều chuyên gia tán đồng. Trên mạng Twitter, ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI ngày 17/10 hoan nghênh “Trợ lý ngoại trưởng Stilwell đã có những phát biểu hay nhất về Biển Đông từ trước đến nay đến từ một người trong chính quyền.”

Chuyên gia này ghi nhận nhiều yếu tố tích cực trong đó có việc ông Stilwell đã chỉ trích hành vi xâm phạm quyền của nước khác trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, nêu rõ trường hợp Bãi Tư Chính, vạch mặt lực lượng dân quân biển và nêu bật mối quan ngại của Mỹ hiện nay về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20191018-bien-dong-ngoai-giao-my-dung-loi-cuc-nang-to-cao-trung-quoc-bat-nat

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire