17/11/2019

CÁC BẠN CÓ Ý ĐỊNH THEO NGHỀ LUẬT SƯ NÊN ĐỌC




6h sáng xuất phát từ Hà Nội để về gặp thân chủ đang bị tạm giam tại trại tạm giam công an tỉnh Hà Nam. Sau khi ăn sáng và thưởng thức 1 ly cafe thì tôi vào làm thủ tục tại trại lúc 8h.
Qua vòng kiểm tra giấy tờ phía ngoài cổng, tôi được hướng dẫn vào trong để làm thủ tục trích xuất bị can. Anh đại uý trẻ sau khi nhận hồ sơ niềm nở mời tôi ngồi đợi, vừa xem hồ sơ anh ta vừa nói “vụ án đã được chuyển sang viện kiểm sát nên em phải gọi xin ý kiến họ rồi mới cho anh gặp được”

Cậu ta nhấc máy lên gọi “Alo anh Nam à, có anh luật sư đến gặp bị can... vâng, vâng...”


Buông máy, anh đại uý quay sang bảo tôi: - Anh Nam kiểm sát viên nói anh sang viện kiểm sát để làm việc để họ xem xét có cho gặp hay không.

- Anh không cần biết Nam là ai, anh không có trách nhiệm phải sang vks làm việc. Họ không có quyền cho anh gặp thân chủ hay không!

Cậu đại uý lúng túng: Luật đã quy định như thế.

- Mày đưa luật cho anh xem.

Cậu đại uý lúng túng và miễn cưỡng lôi luật ra tìm. Tôi vỗ nhẹ vào vai cậu ta bảo rằng “đừng tìm vô ích, nếu khó xử thì gọi lãnh đạo trại để anh gặp”.

Sau 30 phút thì phó giám thị xuất hiện, anh ta như muốn ăn tươi nuốt sống luật sư. Tôi lôi điện thoại ra bật chế độ ghi âm để lên bàn. Anh phó giám thị quát “anh không được ghi âm ở đây”, tôi đáp lại “anh làm đúng sợ gì ghi âm, nhưng thôi được, tôi sẽ tắt để thể hiện tôn trọng anh”

- Theo luật thì vụ án đang ở giai đoạn VKS thụ lý, họ phải đồng ý chúng tôi mới cho anh gặp.

- Chả có luật nào như thế, anh đưa luật ra cho tôi xem.

Anh phó giám thị đứng dậy tìm luật, trong lúc ấy tôi nói “Tôi là luật sư nên chắc giỏi luật hơn anh đấy, anh đừng tìm phí công. Luật chỉ quy định trách nhiệm của các anh phải cho luật sư gặp chứ không có quy định ngăn cản luật sư đâu.”

Tôi nói tiếp “bây giờ các anh có 2 lựa chọn, 1 là cho tôi gặp, 2 là lập biên bản nêu rõ lý do không cho tôi gặp thân chủ để tôi có bằng chứng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của các anh lên Bộ công an và cục cảnh sát quản lý giam giữ.”

- Anh đừng doạ tôi! Anh tố cáo đi.

- Tôi không doạ anh đâu, anh cứ thử không cho tôi gặp đi xem sao.

Anh phó giám thị dịu giọng: “Anh thông cảm, chúng tôi ở giữa rất khổ, cho anh gặp mà họ không đồng ý khi họp giao ban liên ngành trên tỉnh rất mệt”

- Tôi nghĩ các anh cần làm việc theo luật. Các anh là cơ quan độc lập, hoạt động theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, luật tạm giữ, tạm giam và luật công an nhân dân. Đó là cách để các anh bảo vệ mình!

Nghe xong anh phó giám thị gọi điện sang Viện kiểm sát quát: “Các anh đừng làm khó chúng tôi, nếu các anh muốn giám sát luật sư thì 15 phút nữa phải có mặt, nếu không chúng tôi sẽ trích xuất bị can để luật sư gặp”

Anh phó giám thị vui vẻ hẳn, anh tâm sự về các khó khăn và nỗi khổ của các “chỉ đạo mồm”. Tôi cũng cởi mở và góp ý cho anh ta các vấn đề chuyên môn.

11h trưa, trời mưa tầm tã. Viên Kiểm sát viên đợi sẵn ở buồng hỏi cung. Tôi hỏi han thân chủ về sức khoẻ, hỏi ý kiến của thân chủ về bản kết luận điều tra mới được nhận và hướng dẫn thân chủ viết đơn khiếu nại.

- Anh không được hướng dẫn đơn từ cho bị can - Kiểm sát viên ngắt lời.

Tôi quát: Tôi đang thực hiện quyền bào chữa và hỗ trợ pháp lý cho thân chủ theo quy định của pháp luật. Anh hôm nay là khách không được mời, nếu anh muốn thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng thì chỉ được phép ngắt lời khi tôi có hành vi vi phạm pháp luật!

Kiểm sát viên dịu giọng: - Mời luật sư tiếp tục làm việc.

13h buổi làm việc kết thúc, các anh công an quản lý trại giam tươi cười gọi theo “Anh tên gì?” “Mọi người hay trìu mến gọi anh là Hếu”.
Trời vẫn mưa tầm tã, tôi ra về trong tâm trạng trĩu nặng, vấn đề luật đã quy định rõ ràng mà mất cả nửa ngày để cãi vã, mất công mất việc của bao nhiêu con người, bảo sao đất nước này mãi nghèo.

Cải cách tư pháp có lẽ trước tiên cần loại khỏi bộ máy các bộ óc trì trệ, bảo thủ và những cái đầu u tối!


https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2155386518097641

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire