Bắc Kinh trong ô nhiễm |
Mấy năm nay, các chuyên viên thường than phiền là những dự án
của Trung Quốc tại Việt Nam không có kỹ thuật cao, mau hư hỏng, gây ô
nhiễm môi trường. Các dự án này không phải là viện trợ cho không, mà
đảng CSVN đã vay nhiều tiền để trả cho nó. Kỹ thuật của TQ không cao
bằng các nước Âu Mỹ, mà ngay cả so sánh với các dự án tại TQ thì
các dự án của TQ tại VN có chất lượng thấp hơn hẳn. Tại sao ?
20 năm qua, nền kỹ nghệ TQ phát triển nhanh chóng. Nó tạo ra
nhiều của cải vật chất và việc làm, nhưng cũng thải ra nhiều chất
độc làm ô nhiễm môi trường. TQ bị cai trị bởi đảng CS độc tài, không
chấp nhận các ý kiến phản biện. Những lời kêu gọi phải kiểm soát
và dẹp bỏ các nhà máy gây nhiều ô nhiễm bị để ngoài tai, bị xem là
chống lại chính sách của đảng CS. Các quan chức CS không có khả năng
chuyên môn để thấy được vấn đề, họ cũng không quan tâm đến hàng triệu
người dân bị ảnh hưởng xấu của nhà máy.
Phải đợi đến ngày người đảng viên CS và con cháu họ khi bước
ra đường thì thấy hít thở khó khăn, mắt bị cay, da bị ngứa, thì họ
mới hiểu được nỗi khổ của hàng triệu người dân ở gần nhà máy phải
chịu đựng trong nhiều năm qua. Bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe
của mình, đảng CSTQ mới chịu nghe vài ý kiến phản biện, một nguyên
nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường là việc đốt than đá để chạy các
nhà máy. Hàng năm, TQ tiêu thụ nhiều than đá bằng tất cả các nước
khác cộng lại, và các nhà máy sắt thép, xi măng, nhiệt điện là tai
hại nhất.
Năm 2007, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo thông báo các qui định môi trường
chặt chẽ hơn, hủy bỏ trợ cấp cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Tháng 9
năm 2013, nhà cầm quyền TQ ra kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường,
giảm bớt tiêu thụ than đá, từng bước đóng cửa các nhà máy gây nhiều
ô nhiễm. Các máy móc và nguyên vật liệu cho các nhà máy sắt thép,
xi măng, nhiệt điện chạy bằng than đá đứng trước nguy cơ phá sản, trở
thành đống sắt vụn.
Một sự trùng hợp "ngẫu nhiên", đầu tư của TQ vào VN
trong khoảng thời gian này tăng mạnh ở các ngành sắt thép, xi măng,
nhiệt điện. Như là nhà máy thép khổng lồ Formosa tại Hà Tĩnh, TQ làm tổng
thầu cho 23 dự án xi măng, 15 dự án nhiệt điện như nhà máy nhiệt điện Vĩnh
Tân tại Bình Thuận. Chúng lại có mẫu số chung là chạy bằng than đá.
Trong khi các quốc gia khác rời bỏ than đá thì đa số các dự
án công nghiệp tại VN trong 10 năm qua lại chọn chạy bằng than đá. Nó
nhiều đến nỗi VN phải nhập cảng rất nhiều than đá để chạy các nhà
máy (và làm ô nhiễm đất nước). Trong 5 tháng đầu năm 2019, VN đã nhập
cảng hơn 17 triệu tấn than đá, trị giá khoảng 1,65 tỉ USD. Sự trùng
hợp không còn là "ngẫu nhiên", những gì TQ sắp cấm hay không
dùng nữa thì được đem sang VN.
Trong khi nhân dân VN không muốn những dự án gây ô nhiễm môi
trường thì đảng CSVN đi vay nhiều nợ để mua chúng về. Tại sao các
quan chức ĐVCS lại làm vậy? Câu trả lời là vì quyền lợi cho cá nhân
họ. Các công ty TQ hứa hẹn sẽ giúp họ lên chức qua đường dây của
đảng CS Trung Quốc. Các công ty lại quả (hối lộ) những số tiền lớn
để các quan chức đảng viên CSVN ký vay những món nợ lớn hơn 10 lần.
Các món nợ này không phải trả bây giờ. 20 năm sau, con cháu của nhân
dân sẽ phải trả.
Quan trọng hơn là vấn đề sức khỏe của người dân. Nhiều năm
qua, hàng triệu người dân sống gần 20 nhà máy nhiệt điện, thép
Formosa, bauxite Tây nguyên, than phiền là không khí bị ô nhiễm bụi than,
ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em. Theo thống kê,
20 nhà máy nhiệt điện đã thải ra hơn 15 triệu tấn tro than và xỉ
trong năm 2016. Một số không được xử lý nhanh và đúng đã bay vào không
khí, và sau đó đi vào lá phổi của người dân. Nếu tính thêm các nhà
máy thép, xi măng, phân đạm thì ghê gớm hơn nữa. Nhiều năm trôi qua,
đảng CS vẫn làm lơ, không chia sẻ sự đau khổ của nhân dân, tình trạng ô
nhiễm vẫn tiếp tục.
Những nhà máy chạy bằng than đá là một thí dụ cho thấy
tính tham lam, ích kỷ và vô cảm của các đảng viên cộng sản. Họ đem
những cái xấu về cho đất nước, họ không có khả năng giải quyết các
khó khăn của nhân dân, họ hành xử theo kiểu "sống chết mặc bay,
tiền thầy bỏ túi". Đảng cộng sản đã gây ra quá nhiều lỗi lầm,
tính chính danh đã mất, không được phép độc quyền lãnh đạo để tiếp
tục làm khổ nhân dân. Chúng ta muốn thay đổi.
Trần Mai Trung
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire