Tổng thống Mỹ Donald Trump được chào đón trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017. Ảnh: ARTYOM IVANOV/TASS/GETTY IMAGES. |
Trung Quốc muốn Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, bởi vì ông rất yếu
đuối.
Điều này có lẽ trái với cách nhìn nhận của nhiều người, trong đó có một bộ
phận lớn người Việt Nam. Quan điểm này được trình bày trong bài viết “Trump is Beijing’s Best Asset” đăng trên tờ
Foreign Policy ngày 15/10/2019 của hai tác giả Paul Haenle, cựu giám đốc phụ
trách Trung Quốc của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ dưới thời hai tổng thống
George W. Bush và Barack Obama, nay là Chủ tịch của Trung tâm
Carnegie-Tsinghua; và tác giả Sam Bresnick, biên tập viên của Trung tâm
Carnegie-Tsinghua – một dự án hợp tác giữa Quỹ Hoà bình Quốc tế Carnegie (Hoa
Kỳ) và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Trong bài viết, hai tác giả cho biết họ ghi nhận quan điểm này sau nhiều
cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ và học giả Trung Quốc. Họ nhận thấy
ngày càng có nhiều người mong Tổng thống Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm
tới. Những quan chức và học giả Trung Quốc mà họ gặp lập luận rằng bất chấp
những lời lẽ cứng rắn về Trung Quốc, Tổng thống Trump đang tạo cơ hội cho Trung
Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, và quan trọng hơn, làm suy yếu một cách toàn
diện vị trí lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Từ góc nhìn của một cuộc chơi có tổng
bằng không (zero-sum), nhiều người Trung Quốc kết luận rằng chính sách của
Trump là rất tốt cho Trung Quốc về mặt chiến lược dài hạn.
Có ba lập luận mà các học giả Trung Quốc đưa ra để chứng minh cho quan điểm
này: Trump đang phân cực hoá chính trị nội bộ Hoa Kỳ, làm tổn hại uy tín quốc
tế và địa vị lãnh đạo thế giới của Washington, và làm xói mòn các liên minh lâu
đời của siêu cường số một thế giới này.
Tất cả những điều này là “thời cơ chiến lược tuyệt vời nhất [cho Trung
Quốc] kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, ông Yan Xuetong, một trong những
chuyên gia chiến lược nổi tiếng nhất Trung Quốc, cho biết.
Chó sủa to nhưng không cắn đau
Nhiều người có thể thấy cách ví von trên là xúc phạm đối với Tổng thống
Donald Trump (và có thể cả với nước Mỹ), nhưng đó là cách mô tả của tờ Foreign
Policy khi đề cập đến cách tiếp cận của ông Trump với Trung Quốc (nguyên văn: a
dog with a big bark but little bite).
Ngay sau khi đắc cử năm 2016, Trump đã thử thái độ của Trung Quốc bằng cách
chấp nhận một cuộc gọi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), một
việc bị Trung Quốc cho là vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”. Trump sau đó đã
nói ông sẽ tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc” này và cho biết ông sẽ hỏi
trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) nếu có một cuộc gọi khác
với Tổng thống Đài Loan. Mặc dù chính quyền Trump đã bật đèn xanh cho một số
thương vụ vũ khí với Đài Loan, việc Trump có bảo vệ Đài Loan trong trường hợp
Trung Quốc tấn công hay không vẫn còn là điều phải nghi vấn. Các tác giả sử
dụng từ “mercenary” để miêu tả thái độ của Trump đối với sức mạnh quân sự Mỹ,
nghĩa là ông chỉ quan tâm tới việc kiếm tiền.
Tổng thống Donald Trump (phải) tiếp phái đoàn thương mại Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu Ha dẫn đầu, công bố “vòng một” của thoả thuận thương mại, tháng 10/2019. Ảnh: Win McNamee/Getty Images |
Về thương mại, Trump đang tạo ra nhiều khoảng trống cho Trung Quốc tiến vào thế chỗ.
Trump gần như đã không còn coi trọng các toà án xử lý tranh chấp của Tổ
chức Thương mại Thế giới (WTO) và không bổ nhiệm người vào cơ quan có thẩm
quyền phúc thẩm các phán quyết của tổ chức này. Những động thái này được cho là
sẽ khuyến khích các nước khác vi phạm luật quốc tế.
Nếu không gây tổn hại gì cho các thiết chế quốc tế vốn giúp Mỹ giữ được địa
vị siêu cường, thái độ chống đối của Trump đối với các hiệp định thương mại
quốc tế cũng mở đường cho Trung Quốc lấn tới. Khi Trump xé bỏ Hiệp định Đối tác
Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một di sản của thời Obama – Trung Quốc đang tích
cực đàm phán các hiệp định thương mại khu vực, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác
Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 10 nước ASEAN cùng với Ấn Độ, Nhật Bản,
Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Nếu thoả thuận này được ký kết, Mỹ sẽ rơi vào
thế nằm ngoài hai hiệp định thương mại quốc tế lớn nhất thế giới là RCEP và
CPTPP (một phiên bản khác của TPP sau khi Mỹ rút lui).
Với việc Mỹ tỏ thái độ quay lưng với các thiết chế quốc tế, Trung Quốc đang
dần mở rộng ảnh hưởng trong cơ quan Liên Hiệp Quốc và WTO, đồng thời gây dựng
Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) như một lựa chọn thay thế cho Ngân hàng
Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – vốn là hai định chế tài chính do
Mỹ và phương Tây kiểm soát phần lớn. Mỹ cũng chưa có phương án nào để đối phó
với Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.
Về quân sự, Trump đang đẩy các đồng minh truyền thống vào thế ngờ vực. Trong gần ba
năm cầm quyền, ông đã bỏ rơi lực lượng người Kurds, một đồng minh lâu năm ở
Trung Đông; bỏ lửng cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
(NATO); và để cho mạng lưới các đồng minh Đông Á suy yếu.
Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng làm nên xương sống của chiến
lược an ninh Đông Bắc Á của Mỹ, đang lâm vào một cuộc tranh chấp căng thẳng,
dẫn đến việc hai nước đóng băng một phần quan hệ giao thương. Trong khi Tổng
thống Trump gần như làm ngơ trước xung đột này thì Trung Quốc đang chìa tay ra
đề nghị làm trung gian hoà giải.
Trung Quốc có đang hưởng lợi từ mối quan hệ rạn nứt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc? Ảnh: Tokyo Review. |
Một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở châu Á là Philippines lại đang tiến
rất gần tới Trung Quốc trong vài năm qua. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte,
nắm quyền từ năm 2016, đã đi thăm Trung Quốc năm lần nhưng chưa một lần tới Mỹ.
Nước này cũng dùng tiền viện trợ của Trung Quốc để xây dựng một thành phố mới
nằm ngay trên một phần đất trước đây là căn cứ không quân Clark của Mỹ ở
Philippines. Tất cả những động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp
tục phớt lờ phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về tranh
chấp ở Biển Đông, vốn là phán quyết có lợi cho Philippines.
Trong những năm qua, Mỹ đã được lợi nhờ các nước đồng minh chia sẻ các giá
trị, lịch sử và mục đích chung. Điều này có vẻ không còn đúng với cách tiếp cận
của Mỹ với châu Á thời Trump. Ông Michael Green, cựu giám đốc cấp cao về châu Á
của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ thời Tổng thống George W. Bush, khi điều
trần ở Quốc hội, nói rằng, “không có đồng minh nghĩa là chúng ta chẳng có chiến
lược nào với Trung Quốc”.
Về nhân quyền, Tổng thống Donald Trump cũng đang làm lợi cho Trung Quốc khi ông gần như
chỉ nhìn quan hệ với Trung Quốc qua nhãn quan thương mại.
Ông Trump đã gạt bỏ ý kiến của các cố vấn muốn ông cứng rắn hơn với Trung
Quốc trong vấn đề nhân quyền, đồng thời lựa chọn mềm dẻo hơn trong việc trừng
phạt Trung Quốc liên quan đến các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong khi đó, nhiều ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, mà nhất là Elizabeth
Warren, đang kêu gọi Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc, trong đó có vấn đề nhân
quyền và Hong Kong.
Lộ điểm yếu
Gần đây, ông Trump đã đạt được một thoả thuận thương mại mini với Trung
Quốc. Theo đó, Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm nông sản Mỹ và hai bên sẽ trì hoãn
đánh thuế trong tương lai. Tuy vậy, thoả thuận này lại bị cho là làm lộ điểm
yếu của ông Trump.
Vốn dĩ, kế hoạch của ông Trump là dùng chiến tranh thương mại để ép Trung
Quốc phải cải cách cấu trúc nền kinh tế để Mỹ có thể cân bằng thương mại với
Trung Quốc về dài hạn. Nhưng thoả thuận này lại không đề cập đến những cải cách
hệ thống, chẳng hạn như cải thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mà gần
như chỉ có tác dụng giúp Trump giảm áp lực ở những bang nông nghiệp ở Mỹ trong
quá trình vận động tái tranh cử của mình.
Thoả thuận mini này cũng đồng thời được xem là một thắng lợi cho Tập Cận
Bình, và càng chứng tỏ một điều rằng Trung Quốc có thể chịu đựng được và kiểm
soát được cách hành xử thất thường của ông Trump. Việc Trump xuống nước làm lộ
điểm yếu của ông này khi ông phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Quốc
hội Mỹ và một mùa bầu cử căng thẳng sắp tới.
***
Hai tác giả Paul Haenle và Sam Bresnick cũng lưu ý rằng không phải quan
chức hay học giả Trung Quốc nào muốn Trump làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Chẳng hạn
như giáo sư Da Wei của Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Trump đang làm
tổn hại lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, và điều này có thể dẫn tới một trật tự
thế giới phân hoá sâu sắc, đồng thời cản trở sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Tuy vậy, những ai mong Tổng thống Donald Trump làm thêm bốn năm nữa nhìn
nhận thế cuộc hiện nay là thời cơ chiến lược chưa từng có tiền lệ cho Trung
Quốc. Và khi một tổng thống mới lên cầm quyền ở Mỹ vào năm 2025, bất kể người
đó thuộc đảng Cộng hoà hay Dân chủ, đều sẽ phải đối phó với một Trung Quốc có
địa vị chiến lược thuận lợi hơn nhiều.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire