14/12/2019

Bộ phim ‘chỉnh đốn đảng’ còn bao nhiêu tập?


11/12/2019

 
Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN lại tiếp tục khuấy động dư luận qua việc xác định cần “xem xét kỷ luật” thêm một số viên chức cao cấp nữa (1). Đứng đầu danh sách mới nhất cần “xem xét kỷ luật” là ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội và trong danh sách này còn có thêm hai nhân vật khác góp phần khắc họa: “Chỉnh đốn đảng” giống hệt một bộ phim và không thể dựa vào luật pháp hay điều lệ đảng để dự đoán hồi kết!


Theo UBKT của BCH TƯ đảng CSVN, sở dĩ họ phải đề nghị Bộ Chính trị “xem xét kỷ luật” ông Hoàng Trung Hải vì khi là Phó Thủ tướng, ông có “một số vi phạm, khuyết điểm” trong chỉ đạo thực hiện Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn hai của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2).

TISCO 2 hiện là một công trình bỏ hoang với nhiều đống sắt vụn sau khi ngốn khoảng 8.000 tỉ đồng của công khố. Không những không sinh lợi, TISCO 2 còn tạo ra khoản nợ khoảng 4.000 tỉ đồng và vào lúc này, mỗi tháng, công khố mất thêm chừng 40 tỉ để trả lãi cho các khoản mà TISCO 2 đã vay (2).

TISCO 2 đã chết từ lâu, chỉ chưa được chôn cất. Tại sao đến bây giờ UBKT của BCH TƯ đảng CSVN mới xem xét trách nhiệm của ông Hoàng Trung Hải? Ai hoặc những ai phải chịu trách nhiệm khi bỏ qua “một số vi phạm, khuyết điểm” của nhân vật từng có tới hai nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng (2007-2016) và nâng ông ta lên đưa vào Bộ Chính trị?

Không xem xét - truy cứu trách nhiệm của những người gạt bỏ “một số vi phạm, khuyết điểm”, tiếp tục quy hoạch ông Hải làm một trong những “cán bộ chiến lược” ở cấp cao nhất, sau đó sắp đặt để ông Hải đảm nhận vai trò “vua thủ đô” thì “chỉnh đốn đảng” có khác gì làm phim, tác giả kịch bản và đạo diễn cố tình… gây bất ngờ để khán giả chú ý?

Cần phải lưu ý, TISCO 2 nói riêng và các đại dự án thua lỗ nhiều ngàn tỉ đồng đã được xem đi, xét lại từ giữa thập niên 2010 nhưng tác giả kịch bản và đạo diễn “Chỉnh đốn đảng” không cho UBKT của BCH TƯ đảng CSVN phát giác ông Hải có “một số vi phạm, khuyết điểm”.

Rất khó đoán vì sao tác giả kịch bản và đạo diễn “Chỉnh đốn đảng” lại cho ông Hải trúng “miểng”, đồng thời sắp xếp để ông Vũ Huy Hoàng “tái ngộ khán giả”, kích thích khán giả dự đoán tác xem số phận ông Hoàng sẽ như thế nào (?). Trước đây, khán giả từng thấy ông Hoàng có vô số sai phạm nghiêm trọng (3), từng ồ lên… tiếc rẻ khi chỉ tác giả kịch bản và đạo diễn chỉ “cảnh cáo” ông Hoàng và quyết định tước bỏ các chức vụ trong đảng và chính phủ mà ông… từng mang!

Lần này, ông Hoàng “tái ngộ khán giả” và được xác định là có trách nhiệm liên đới đối với sự thua lỗ trầm trọng của TISCO 2 song không thể nào dựa vào luật pháp hay điều lệ đảng để dự đoán nhân vật từng là Bộ trưởng Công Thương hai nhiệm kỳ sẽ đối diện với chuyện gì? Sẽ hết sức… bất hợp lý nếu ông Hoàng bị tống giam, phạt tù. Trước, ông từng bị xem là một trong những thủ phạm chính làm thất thoát đến 30.000 tỉ đồng của năm đại dự án (4) nhưng đâu có bị xử lý hình sự!

Tương tự, trong tập mới công chiếu, việc UBKT của BCH TƯ đảng CSVN đề nghị Bộ chính trị “xem xét, kỷ luật” ông Triệu Tài Vinh, cựu Bí thư Hà Giang cũng là một tình tiết bất ngờ (5). Dẫu ông Vinh nổi như cồn vì nhiều scandal nhưng không xử lý, chỉ rút về làm Phó ban Kinh tế, nay mới xuống tay, rõ ràng đã giúp tăng sức hấp dẫn của phim “chỉnh đốn đảng”. Tác giả kịch bản và đạo diễn đã khai thác sự lắt léo này vài lần nhưng nhiều khán giả chưa thấy nhàm, còn nhiều người hả hê thì sự lắt léo này còn… đắt!


***

Nhìn một cách tổng quát, tuy càng ngày càng có nhiều người chỉ trích nhưng “Chỉnh đốn đảng” vẫn còn thu hút một bộ phận công chúng. Cũng vì vậy, có lẽ tác giả kịch bản và đạo diễn sẽ còn giới thiệu thêm nhiều tập khác cho đến khi mọi người cùng nhận ra… phim không thể đem lại cơm áo, “công bằng, dân chủ, văn minh” trong đời thực.

Thực tế cho thấy, khán giả chỉ là một trong các đối tượng mà tác giả kịch bản và đạo diễn “Chỉnh đốn đảng” nhắm đến. Đối tượng còn lại đồng thời là đối tượng chính mà tác giả kịch bản và đạo diễn nhằm vào là “đồng chí, đồng đội”. Không phải tự nhiên mà qua những tập đã công chiếu, cả tác giả kịch bản lẫn đạo diễn cố tình khắc họa thâm ý: Ai cũng có thể bị vời làm… diễn viên!

Chuyện phải thủ… “vai chính” hay may mắn chỉ được giao… “vai phụ” không phụ thuộc vào nhiều tội hay ít tội, trọng tội hay khinh tội, cũng không dựa trên qui định của luật pháp hay điều lệ đảng mà do tác giả kịch bản và đạo diễn quyết định. Bộ phim “Chỉnh đốn đảng” chính là cách giới thiệu một kiểu thâu tóm quyền lực bằng… chỉnh đốn! 


Chú thích












Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire