11/12/2019

Mọi cái tột cùng đều xấu xí !

Trần Trường Sa

Ông Nguyễn Phú Trọng: “không biết hết thế kỷ này đã thấy CNXH hay chưa?”. Bộ trưởng Nguyễn Quang Vinh: “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có đâu mà tìm!”.

Con người ta thường hay mơ đến cái “tột cùng”. Nhưng cái tột cùng thường không bao giờ có, hoặc nếu (tưởng như là) có thì chắc chắn kẻ sở hữu và xây dựng nên nó sẽ hoàn toàn vỡ mộng vì nó vô cùng xấu xí mà ngay người tạo nên nó cũng không thể nào tưởng tượng ra được!
Ví như một nhà kinh doanh với mục đích cuối cùng là có nhiều tiền nhất thế gian; khi đạt được mục đích đó, cái tột cùng vẫn không tới, chỉ lơi lỏng một tí là kẻ khác qua mặt ngay. Nếu quyết duy trì hiện trạng đó bằng mọi giá thì chắc chắn sẽ hiện ra một khuôn mặt vô cùng xấu xí trong kinh doanh. 
Tôi nghe rằng “Chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa xã hội”. Nay chúng ta hảy thử xem xét cái đẹp đẽ, cái xấu xí trong các giai đoạn phát triển của CNXH như thế nào!


Về lý thuyết thì cái đối lập với chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa tư bản. Tinh thần cá nhân và tinh thần xã hội vốn tồn tại cùng nhau từ ngàn xưa. Đó là sự dung hợp giữa hai mặt đối lập. Một bên thể hiện vai trò và sở hữu thành quả lao động, hoặt động kinh doanh của cá nhân; còn bên kia là chia xẻ một phần cho cộng đồng. Không một xã hội nào có thể tồn tại bền vững mà không có sự dung hợp đó. Như vậy ta có thể hình dung hai chuổi phát triển tư tưởng khác nhau như sau : 
Tư tưởng tư hữu 🡪
tinh thần cá nhân  🡪
chủ nghĩa tư bản 🡪
lý tưởng phát xít
Tư tưởng cộng đồng   🡪
tinh thần xã hội     🡪
chủ nghĩa xã hội  🡪
lý tưởng cộng sản
Hai luồng tư tưởng cùng tồn tại một cách tự nhiên trong cùng một xã hội mà không có sự xung đột nào. Hai tinh thần mâu thuẩn cùng tồn tại và cạnh tranh ảnh hưởng trong cùng một đất nước. Hai chủ nghĩa khác nhau không thể cùng tồn tại bền vững trong cùng một quốc gia. Hai lý tưởng khi hiện thực hóa lại có điểm tương đồng, đó là chuyên chế, nhưng không thể tồn tại bền vững một mình hay cùng nhau trên các vùng lảnh thổ có giao lưu. Mọi cái tột cùng đều xấu xí !
Những người theo chủ nghĩa Mac-Lenin trước đây thường gọi các nhà nước theo chủ nghĩa này là các nhà nước cộng sản, còn các nhà nước có nền kinh tế phát triển khác là các nhà nước tư bản. Sự sắp xếp này không đúng với thực tế. Thực ra, chỉ có nhà nước chuyên chế và nhà nước dân chủ. Ví như nước ta hiện nay mà bảo là được điều hành bởi một nhà nước cộng sản là không đúng. Cái tên “cộng sản” của đảng cộng sản Việt Nam không đủ để xác định nó là một “đảng cộng sản”. Đây chỉ là một đảng chuyên chế mang tên “cộng sản”. Họ đang điều hành xã hội, xây dựng một nền kinh tế tư bản ở thời kỳ man rợ. Vì thế, tinh thần xã hội rất thấp. Hầu hết những người lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay đều bị đảng và nhà nước cho là “âm mưu thay đổi chế độ”. Nhưng thực ra, phần lớn trong số họ muốn giãm thiểu tính man rợ của nền kinh tế do các nhóm lợi ích (chắc chắn ở trong đảng) mang lại mà thôi. Giả sử rằng tính man rợ của nền kinh tế không giãm bớt mà còn tăng lên, tính chuyên chế của nhà nước thắt chặt hơn, nền kinh tế phát triển mạnh lên thì nước ta sẽ được điều hành bởi một nhà nước phát xít chứ không phải là nhà nước theo lý tưởng cộng sản (Trung quốc hiện nay là một hình mẫu). Thế thì mô hình nhà nước theo lý tưởng cộng sản là nhà nước nào ?
Từ khi hình thành khối XHCN đến khi khối này tan rả, chỉ có Khmer đỏ đã đưa Campuchia đi theo lý tưởng cộng sản thực sự. Các nhà nước Bắc Triều tiên hay Cu ba có lúc có mức độ chuyên chế cao nhưng việc xóa bỏ quyền tư hữu chưa đủ để có thể hình thành xã hội cộng sản. Liên xô, Trung quốc hay Việt Nam tuy có những đợt tiêu diệt tư sản dữ dội nhưng thực tế cho thấy đó chỉ là khởi đầu cho các hình thức tư hữu mới với thành phần mới nắm giử mà thôi (có lúc dân chúng gọi đó là tư sản đỏ). Thực tế cho thấy Campuchia thời Ponpot (1975-1979) không tồn tại lâu, không nước nào ủng hộ (ngoài Trung Quốc nhằm chống phá Việt Nam) và bị chính nước XHCN anh em là Việt Nam tiêu diệt! Một hình ảnh cực kỳ xấu xí của lý tưởng cộng sản lộ diện ở Campuchia trong thời kỳ này không khác gì hình ảnh những trại tập trung thời Đức quốc xã phơi bày cái xấu xí của lý tưởng phát xít!
Có thể có một nước XHCN dân chủ hay không? Câu trả lời là không thể ! 
Có nhiều người cho rằng các nước Bắc Âu là các nước XHCN dân chủ. Đó là một sự gán ghép hàm hồ. Bởi vì ở đó hình thức sở hửu các doanh nghiệp đa phần thuộc về tư nhân, được nhà nước bảo vệ và khuyến khích. 
Tại sao lại có sự ngộ nhận này? 
Vì ở đó tinh thần xã hội rất được đề cao và được cụ thể hóa trong chính sách nhà nước như : mọi người được chửa bệnh không mất tiền, trẻ em được đi học (thậm chí nuôi ăn) đến lúc trưởng thành…. và còn rất nhiều điều kỳ diệu khác.
Chỉ có thể gọi đó là các nước dân chủ có tinh thần xã hội rất cao.
Đi theo CNTB thì nhà nước có thể là nhà nước chuyên chế hay dân chủ. Nếu là nhà nước chuyên chế thì tột cùng của nó là nhà nước phát xít. Nếu là nhà nước dân chủ thì tinh thần xã hội luôn làm cho nước đó không đạt đến cái tột cùng của CNTB. Trên thực tế thì do quyền lực kinh tế nằm trong tay nhiều cá nhân nên các nước theo CNTB có nhà nước chuyên chế hoặc chậm phát triển (do bị nền chính trị chuyên chế kìm hãm) hoặc dần dần được dân chủ hóa. Nếu các tập đoàn tư bản bị nhà nước chuyên chế kiểm soát, định hướng, thao túng (chủ tập đoàn chỉ giữ vai trò điều hành, hưởng lợi nhuận) và có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào nếu làm trái ý nhà nước thì nguy cơ đất nước đó đi theo lý tưởng phát xít là rất cao (đó là khả  năng của Trung quốc hiện nay). Trong trường hợp này, một thảm họa toàn cầu là khó tránh khỏi!
Tại sao một nước theo CNXH không thể có dân chủ ? Khác với CNTB có chủ sở hữu các doanh nghiệp là cá nhân hay tập thể nhiều cá nhân (theo cổ phần vốn). Các nước này cũng chấp nhận một số doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nhưng thường rất hạn chế và phải bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp khác về mặt pháp luật. Một số nước khác cho tư nhân đấu thầu các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước để khai thác. Như vậy, một nước theo CNTB chấp nhận đa thành phần kinh tế về lâu dài. Một nước theo CNXH thì không thế, chỉ chấp nhận việc hướng tới một thành phần kinh tế duy nhất, đó là doanh nghiệp nhà nước. Việc tồn tại doanh nghiệp thuộc sở hữu tập thể nhiều cá nhân (theo đầu người) mang tên hợp tác xã được xem là bước chuẩn bị tiến tới việc thiết lập doanh nghiệp nhà nước trong tương lai. Tất cả các doanh nghiệp nhà nước trong các nước theo CNXH nếu gọi đúng theo bản chất thì đó là các “doanh nghiệp công”. Các hoạt động kinh tế gia đình mang tính cá nhân không được khuyến khích và bị phân biệt đối xử. Nhà nước xem các hoạt động này là của những người chưa giác ngộ nên chưa tự nguyện đi theo nền kinh tế XHCN. Một nước theo CNXH không chấp nhận đa thành phần kinh tế, về lâu dài chỉ có một thành phần kinh tế duy nhất do nhà nước quản lý. Như vậy, nhà nước dân chủ chỉ tồn tại trong một nước theo CNXH khi toàn dân của nước đó tự nguyện từ bỏ quyền tư hữu trong sản xuất kinh doanh! Nhưng đó lại là điều không tưởng! Vì thế chỉ có nhà nước chuyên chế mới có thể bắt ép được người dân tuân thủ sự từ bỏ này. Trong thực tế, phần lớn các nước theo CNXH gặp sự phản kháng rất dữ dội cho việc này. Xương máu đã đổ cho cuộc thí nghiệm loại hình kinh tế XHCN không hề nhỏ.
Hệ thống các nước theo XHCN sụp đổ không phải do sự phản kháng đó. Nó sụp đổ do người lao động ù lỳ trong doanh nghiệp công, động lực làm việc của cả người trực tiếp lao động và người quản lý đều rất thấp. Sản phẩm làm ra giảm đi nhanh chóng. Sự thiếu thốn làm nẩy sinh quá nhiều xung đột trong giới lãnh đạo với nhau, cũng như giữa giới lãnh đạo và nhân dân. Đó là căn nguyên của sự sụp đổ khi CNXH chưa chiếm lĩnh 100% nền kinh tế trong nước. 
Có người nhầm tưởng là CNXH không sụp đổ ở Trung quốc và Việt Nam do có “đổi mới”. Thực ra ở hai nước này, CNXH đã sụp đổ khi nhà nước công nhận đa thành phần kinh tế. Chỉ có sự cầm quyền chuyên chế của hai đảng cộng sản là không sụp đổ mà thôi. 
Đảng CSTQ kiểm soát chặt chẻ các doanh nghiệp tư nhân hơn không phải theo hướng kìm hảm sự phát triển mà tiếp sức cho chúng phát triển mạnh trên cơ sở bóc lột môi trường và lao động … Nhưng bắt buộc các doanh nghiệp phải theo định hướng bành trướng do nhà nước đề ra. Điều này biến Trung quốc thành một nước theo CNTB theo định hướng của nhà nước và dần dần đi theo lý tưởng phát xít. 
Việt Nam thì không thế! Đảng CSVN không định hướng nổi các doanh nghiệp tư nhân. Do tư tưởng định hướng XHCN nên việc kiểm soát của nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân thường kìm hảm sự phát triển của chúng. Các doanh nghiệp nhà nước thì nạn tham nhũng tràn lan gây lổ lả triền miên, người dân đóng thuế phải giải quyết hậu quả. Do các quan chức trong đảng cũng muốn làm giàu, nên dần dần các doanh nghiệp tư nhân trở thành các sân sau của nhiều quan chức trong đảng. Việt Nam trở thành một nước theo CNTB lủng đoạn. Tôi gọi đó là CNTB man rợ! Các nhà tư bản mặc sức buôn vua, buôn chính sách. Kết quả là môi trường cũng bị tàn phá, người lao động cũng bị bóc lột nhưng chậm hơn và ít hơn Trung quốc. Dĩ nhiên nền kinh tế cũng chậm phát triển hơn.
Đó là lý do tại sao ông Nguyễn Phú Trọng cứ trăn trở “không biết hết thế kỷ này đã thấy CNXH hay chưa?”. Và bộ trưởng Nguyễn Quang Vinh thì đáp lại là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có đâu mà tìm!”. Nói tóm lại là CNXH đã sụp đổ ở Việt Nam từ cuối thế kỷ trước. 
Chúng ta mỗi lần nói đến CNXH đều cho rằng đó là ý tưởng xấu xa. Thực ra, nó xuất phát từ ý tưởng rất đẹp đẻ và nhân văn. Đó là “tư tưởng cộng đồng”. Chỉ có trên đường hướng tới cái tột cùng của nó mới nảy sinh nhiều nét xấu xí mà thôi! 
Đến đây chúng ta cần phân biệt hai khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” và “doanh nghiệp công”. Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia, nhà nước quản lý. Nhà nước có thể cử người hoặc tập thể người lao động bầu ra ban lảnh đạo hoặc cho tư nhân đấu thầu điều hành hoạt động để làm ra hàng hóa, vận hành đúng quy luật thị trường. Nhà nước chỉ thu về lợi nhuận (hoặc bù lổ). Doanh nghiệp công là doanh nghiệp có tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia do nhà nước điều hành để phục vụ cho các kế hoạch của nhà nước đề ra, nhằm đáp ứng một số trong các nhu cầu về an ninh, quốc phòng, y tế, giáo dục, sinh hoạt, lương thực thực phẩm …. cho người dân. Vì thế các doanh nghiệp công thường không hạch toán lời lổ, họ nhận đầu vào từ ngân sách và trả lại đầu ra cho nhà nước phân phối. Phần lớn các nước đều có doanh nghiệp công trong lĩnh vực nghiên cứu, quốc phòng. Dễ hiểu nhất ta có thể thấy trường học, bệnh viện trước năm 1975 ở miền Bắc VN và rất nhiều trường trường học, bệnh viện ở miền Nam VN là doanh nghiệp công. Sau 1975 tất cả các trường học và bệnh viện trong nước là doanh nghiệp công. Cho đến sau 1985, tính chất các đơn vị này dần dần thay đổi. Hiện nay, có thể nói hầu hết các trường học và bệnh viện tại VN là doanh nghiệp nhà nước. Các đơn vị này đều có thu phí, hạch toán lời lổ (có phần hổ trợ của nhà nước). Cả hai lỉnh vực này đều đang cố gắng hướng tới tự chủ tài chính trong từng đơn vị. Chỉ còn các trường tiểu học công lập còn mang tính chất doanh nghiệp công. Các nước phương Tây chỉ công nhận một nước nào đó có nền kinh tế thị trường khi ở nước đó không còn doanh nghiệp công (ngoại trừ một vài lỉnh vực đặc biệt không có cạnh tranh toàn cầu) và nhà nước không trợ cấp, bù lổ cho các doanh nghiệp nhà nước.
Tinh thần xã hội được thể hiện trong các nước theo TBCN như thế nào? Làm sao người dân có thể đi học, chửa bệnh … không mất tiền trong lúc không có doanh nghiệp công? Chúng ta thường nói một cách đơn giản là đi học, chửa bênh … miển phí. Thực ra có hai hình thức miển phí. Một là không thu phí ở các doanh nghiệp công (thể hiện xu hướng theo CNXH). Hai là có thu phí, nhưng phí đó do người khác hoặc nhà nước trả (thể hiện tinh thần xã hội). Ví dụ bạn nấu cơm từ thiện đến cấp phát cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện, đó là cách miển phí thứ nhất. Bạn liên kết với một số quán ăn (bình dân) ở cạnh một bệnh viện, rồi bạn đi cấp phát phiếu ăn miễn phí cho các bệnh nhân nghèo trong bệnh viện đó. Người bệnh nhận phiếu có thể ăn ở bất cứ quán ăn nào mà bạn có liên kết, vào bất cứ lúc nào (trong thời hiệu ghi trên phiếu), bạn sẽ trả tiền theo số lượng phiếu mà các quán ăn trả lại cho bạn, đó là cách miển phí thứ hai. Tương tự trong giáo dục, nhà nước hoặc một số tổ chức cá nhân cấp học bổng cho toàn bộ hoặc một phần trong số các học sinh đang theo học ở trường. Trong y tế, nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế cho toàn dân hoặc một bộ phận dân chúng. Có nước, cuối năm kiểm soát ngân sách, thấy dư nhiều, nhà nước còn chia cho người dân để chi tiêu. Nhờ vậy, các nước theo TBCN, tinh thần xã hội vẫn có thể đưa lên rất cao ngay cả khi hầu hết các doanh nghiệp, bệnh viện, trường học… đều thuộc quyền sở hữu tư nhân.
Hiện nay, nhiều nguồn dư luận cho rằng chủ trương của một số ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ muốn đưa nền kinh tế Hoa Kỳ đi theo CNXH. Suy nghĩ như vậy là không đúng. Các ƯCV này muốn đưa tinh thần xã hội ở Mỹ lên rất cao mà thôi. Ví dụ như họ muốn cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho nhiều thành phần dân chúng hơn, thậm chí cho toàn dân và còn rất nhiều chính sách xã hội khác tương tự. Donald Trump không muốn thế, ông ta cho rằng như thế sẽ làm giãm động lực phấn đấu của người dân, sẽ làm nền kinh tế Mỹ suy trầm. Vì vậy ông ta cực lực lên án CNXH làm cho một số người hiểu nhầm như trên. Thực ra theo hướng nào cũng có lý cả, chỉ có điều mỗi hướng đi thích hợp cho từng thời kỳ phát triển kinh tế khác nhau mà thôi!
Venezuela thì khác, Hugo Chavez muốn đưa đất nước mình theo chủ nghĩa Bolivar (một mơ tưởng về loại hình CNXH dân chủ). Ông ta đắc cử tổng thống và nắm giữ nhà nước trên tinh thần dân chủ do đa số người dân ủng hộ ông ta. Người dân mơ ước có nhà ở mà không phải mua vì nhà nước sẻ xây nhà ở cho toàn dân …. Nhưng như đã nói ở trên, rỏ ràng là đất nước Venezuela nhanh chóng suy kiệt do người dân không còn động lực làm việc. Tài sản tư bàn trong nước cũng như tư bản nước ngoài, bị quốc hữu hóa, nhanh chóng tiêu tan mà sản xuất thì giật lùi. Đến đời Nicolas Maduro thì phải dùng đến chiêu trò “dân chủ gian lận” để thắng cử. Một nhà nước chuyên chế đủ mạnh không thể hình thành được do phe đối lập chiếm đa số trong quốc hội. Người dân, mới được nhà nước cấp nhà, cũng phải bỏ nhà mà trốn sang nước khác do đời sống quá thiếu thốn. Trường hợp này cho thấy câu nói bất hủ “Muốn chiến thắng cộng sản thì hảy để cộng sản thắng” thật là có lý. Rất nhiều người dân, kể cả thành phần trí thức mơ về một thiên đường CNXH. Nếu không để cho họ xây dựng cái CNXH ấy thì ước mơ bao giờ cũng đẹp. Khi bắt tay vào xây dựng rồi, mọi cái xấu xí mới bộc lộ ra. Chỉ có một cơ chế dân chủ thực sự mới ngăn chận kịp thời trước khi xã hội đổ vỡ.
Tóm lại, nước nào biết dừng lại ở giai đoạn hai tinh thần cá nhân và xã hội đấu tranh với nhau giành ảnh hưởng trong một xã hội dân chủ mà không tiêu diệt lẩn nhau thì nước đó mới phát triển bền vững. Cả hai tinh thần đó nếu phát triển thành chủ nghĩa độc tôn thì chắc chắn sự xấu xí sẽ bộc lộ. Và nếu cố vươn tới cái tột cùng thì chắc chắn mẫu số chung sẽ hiện ra, đó là nhà nước cực kỳ chuyên chế, thảm họa diệt chủng sẽ hiện ra sau cái bóng ma tột cùng ấy.
%  % %

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire