04/12/2019
THĂM CỤ VĨNH VÀ NGẪM NGHĨ…
Mạc Văn Trang
Chiều qua cùng chị Kim Chi và anh Lê Thân vào thăm cụ Nguyễn Trọng Vĩnh trong BV Hữu Nghị. Cụ sống nhờ truyền dinh dưỡng và ô-xy, nhưng tai vẫn nghe được và Não vẫn hoạt động tốt đấy nhé! Hỏi cái gì ưng, Cụ gật gật; hỏi cái gì không ưng, Cụ lắc đầu nguầy nguậy. Nhìn Cụ thương quá!
Nhưng nghĩ, cuộc đời 104 tuổi của Cụ quá tuyệt vời rồi. Giờ Cụ ra đi vào CÕI NGƯỜI HIỀN, cũng thật là mỹ mãn, linh diệu…
Trước khi vào Viện, gặp chị Nguyễn Nguyên Bình, con gái Cụ tại nhà riêng của Cụ, được chị tặng 2 cuốn sách: “KỂ LẠI CUỘC ĐỜI”- Hồi ức của Cụ Vĩnh và cuốn “PHẢI, TRÁI SỰ ĐỜI”, tập hợp hơn 100 bài viết phản biện của Cụ từ 2004 đến 2015 (Những bài phản biện từ 2016 đến 2019 chưa xuất bản).
Mở đầu cuốn này, Cụ viết câu thơ:
“Còn hơi, còn sức còn lên tiếng
Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm”.
Trời đất ạ, đây là những gì Cụ viết vào giai đoạn từ 90 tuổi trở đi, mà nhiều bài viết có tầm minh triết, tư duy mạch lạc, phân tích sắc bén, dẫn chứng cụ thể, đầy thuyết phục.
Đặc biệt, mới đọc được Chương I: “Thời niên thiếu” trong cuốn “KỂ LẠI CUỘC ĐỜI”, thấy Cụ nhớ lại từng chi tiết từ lúc 5-6 tuổi cho tới năm 18 tuổi , thật khâm phục. Xin tóm tắt đôi nét về thời Thơ ấu của Cụ.
Nguyễn Trọng Vĩnh mồ côi Mẹ lúc 1 tuổi. Dì ruột thương Vĩnh mới 1 tuổi và anh Thọ, anh trai Vĩnh 4 tuổi bơ vơ, nên lấy bố Vĩnh, làm Mẹ kế. Bố vĩnh một ông Đồ xứ Thanh Hóa, chả biết làm gì, ngoài dạy chữ Nho vào lúc đã suy, nên nhà nghèo túng quanh năm.
Bố đi dạy học mãi Kiến An, Vĩnh ở quê, lúc 6 tuổi được bác dạy cho chữ Nho, hết cuốn Tam tự kinh và Tam Thiên tự…
Năm Vĩnh 8 tuổi, bố đón 3 mẹ con lên Hà Nội, ở nhờ nhà bà con. Bố vẫn đi dạy học ở Kiến An, nhưng chỉ đủ nuôi thân là chính. Ba mẹ con xoay xỏa nuôi nhau. Vĩnh và anh hàng ngày đi bán bánh mì dạo (lúc đó gọi là bánh Tây)…
Năm Vĩnh lên 9, bố bị xã gọi về đóng thuế Thân, 2 đồng rưỡi 1 suất. Bố không có tiền đóng thì bị bắt, còn bị hành hạ… Thế là đành bán Vĩnh cho một nhà ở Hà Nội lấy 6 đồng, bên ngoài gọi là “con nuôi”. 6 năm thực chất là đi ở, phục vụ mọi người, mọi việc trong nhà này vô cùng vất vả, cực nhọc. Nhưng Vĩnh rất chịu khó, tinh nhanh, nên mọi việc đều vượt qua. Có một bà cô trong nhà rất thương quý Vĩnh, cho tiền để Vĩnh lén đi học chữ quốc ngữ, về đọc chuyện cho bà nghe…
Mãi năm Vĩnh 15 tuổi (1929), cha mới dành đủ 6 đồng, đến chuộc Vĩnh, đưa về quê, để đi học trường Cao đẳng Tiểu học của Tây. Vĩnh người cũng nhỏ, khai rút tuổi xin vào lớp Năm (lớp 1). Lên lớp Tư, thấy Vĩnh học giỏi quá, nên cô giáo xin cho lên lớp Ba, sau đó lên Nhì, lớp Nhất. Vĩnh luôn đứng số 01. Trong những năm ở quê một mình đi học, bố gửi cho mỗi tháng 01 đồng rưỡi để “tự túc”, tiền học không phải đóng…
Hết lớp Nhất, thi tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học, Vĩnh phải cơm nắm muối vừng đi bộ từ nhà lên Tỉnh lị Thanh Hóa 44km mất 1 ngày rồi thi 2 ngày...
Ở tuổi 90 Cụ nhớ lại, giáo viên rất giỏi, tận tâm, công bằng, các môn học ít thôi, nhưng có ích cho suốt cuộc đời, nhất là môn tiếng Pháp, được dùng từ lớp Ba, rất hữu ích cho công việc sau này…
Có mấy chuyện vui vui. Hồi học lớp Nhì, Vĩnh đã được một gia đình khá giả mời về dạy cho mấy con trong nhà. Có cô bé 13 tuổi con ông chủ đã mê “thầy”. Hai bên “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”…
Lúc Vĩnh đang học năm cuối, vừa 18 tuổi, ông bác mai mối, đưa Vĩnh sang nhà Chánh tổng giàu có để gán ghép lấy con gái Chánh tổng, may quá, cô ta không ưng. Sau mới biết cô này đang mang thai hoang. Hú vía!
Nhưng sau khi Vĩnh tốt nghiệp, bố Vĩnh gọi ra Hà Nội, thế là phải chia phôi mối tình đầu với cô bé 13…
Cụ Vĩnh nhớ lại, lúc đi học, học sinh Tiểu học đã bàn luận về chính trị, biết có những Hội kín hoạt động yêu nước; đã truyền tay nhau đọc những bài thơ văn của các Chí sĩ kêu gọi yêu nước, “gây chấn động”, “sôi máu trong huyết quản”…
Đó cũng là men say để chàng trai Vĩnh sớm tham gia vào các phong trào yêu nước, cách mạng, mà Trái tim và Tâm hồn luôn vang vọng lời Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi, Vĩnh đọc từ năm Tiểu học:
…“Con đang độ đầu son tuổi trẻ
Bước gian nan há kể nhường ai
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng ham phú quý mà nguôi tấc lòng
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa, xá kể làm chi
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thể cũng vì nước non”…
Những dấu ấn từ thuở niên thiếu ấy cứ in đậm mãi trong tâm khảm suốt quá trình hoạt động sau này, cho đến trên 100 tuổi, vẫn chỉ một lòng vì Dân, vì Nước, bất chấp vinh hoa mua chuộc hay nguy nan đe dọa.
Cụ Vĩnh sẽ thanh thản về cõi Vĩnh hằng. “CÁI CÒN LẠI” của Cụ chẳng phải là những tấm Huân chương, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng … mà là những bài viết Góp ý, Phản biện nóng bỏng Thời sự, chứa chan lòng Yêu Nước, Thương Dân, đầy Trí tuệ sắc bén, và một Nhân cách sống giản dị, thanh cao, đáng nêu gương cho những người tử tế.
02/12/2019
Mạc Văn Trang
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire