16/01/2020
NHỮNG CÂU HỎI CHO TRUNG TƯỚNG LƯƠNG TAM QUANG
Lưu Trọng Văn
Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, cảnh sát vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để "kịp thời bảo vệ người dân" trước lời đe dọa của nhóm chống đối.
"Theo kế hoạch, ngày 9/1, tường rào sẽ xây đến khu vực Đồng Sênh của xã Đồng Tâm nên từ rạng sáng Công an Hà Nội lập các chốt an ninh trong xã. Nguồn tin từ Bộ Công an thông báo "khi đi đến làm nhiệm vụ tại cổng làng Hoành, cán bộ của chốt số 16 bị ném quả nổ, bom xăng và bị phi dao phóng lợn". Khi bị cảnh sát truy đuổi, hơn 20 người chạy vào các căn nhà nằm sát nhau của Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Chức, ném chai xăng từ tầng 2-3 xuống.
Khi bị nhóm 3 cảnh sát do thượng tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô) chỉ huy truy đuổi, những người chống đối chạy vào nhà Lê Đình Chức, rồi sang nhà Lê Đình Hợi. "Giữa hai nhà có một hố kỹ thuật, sâu khoảng 4 m, không nắp, cảnh sát đã ngã xuống và bị tưới xăng, châm lửa đốt theo chỉ đạo của Lê Đình Kình".
Việc cụ Kình chỉ đạo tưới xăng nếu là sự thật thì đó là tội ác. Tuy vậy xin có câu hỏi với tướng Quang: nhà cụ Kình chật, cái hố giếng trời nhỏ khi tấn công cụ Kình có ba sĩ quan an ninh của lực lượng CSCĐ vô cùng tinh nhuệ được đào tạo cơ bản tại sao lại dàn hàng ngang để rồi cùng rơi xuống hố vậy? Bởi vì theo nguyên tắc đánh trận thì người theo hàng dọc, người này bọc lót cho người kia thì người đi trước lọt hố, người sau sẽ biết để dừng lại và dùng bộ đàm kêu cứu tiếp viện cứu người lọt hố. Cả ba người lọt một hố chỉ có thể ngây ngô dàn hàng ngang mà thôi.
Cứ cho rằng cả ba người tiên phong đan hàng ngang để rồi cùng sập hố đi chăng nữa thì tại sao chỉ để ba người xông lên mà không có lực lượng bọc lót? Đánh trận kiểu gì kì cục vậy? Nếu sự thật đánh trận liều lĩnh, coi tính mạng của đồng đội rẻ vậy, thì phải kỉ luật ngay viên chỉ huy trận đánh.
Nếu có bọc lót thì khi cả ba sĩ quan cùng ngã hố sâu 4 m họ sẽ không bị chết ngay, sẽ la lên thì lực lượng bọc lót sẽ lập tức bảo vệ, khống chế cụ Kình làm sao có chuyện bị thiêu cháy?
Thứ trưởng Quang cho hay: "Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác."
Như vậy thông tin ban đầu cho rằng cụ Kình bị bắn khi đang đập phá hàng rào sân bay cách nhà cụ 3 km, chống đối người thi hành công vụ lúc 4 g sáng là bịa đặt.
Tại sao phải bịa đặt như vậy? Kẻ nào bịa đặt? Và, bịa đặt để làm gì?
Hình ảnh cụ Kình bị bắn trúng tim đã rõ. Ai bắn? Tại sao một ông già 84 tuổi bị gãy chân rồi bị bắn trúng tim lại có thể chết đứng như Từ Hải để trên tay vẫn còn cầm một trái lựu đạn?
Nếu đúng như trung tướng Quang nói thì cụ Kình chỉ có thể đang nằm trên giường tay cầm lựu đạn bị bắn trúng tim cụ chết trong lúc nằm quả lựu đạn mới có thể còn trên bàn tay cụ.
Vậy, có nghĩa cụ Kình bị bắn khi đang nằm mà người bắn cụ đứng trước giường cụ nằm chĩa súng từ trên xuống mới bắn trúng tim. Như vậy làm sao có chuyện cụ Kình ném lựu đạn khi... nằm?
Giải thích lý do triển khai quân vào sáng sớm, trung tướng Quang cho hay mục tiêu ban đầu là đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào. Nhưng trước việc nhóm chống đối chuẩn bị vũ khí cho nổ cây xăng, "dọa sát hại cán bộ xã, cho nổ nhà văn hóa, bắt cóc người già, trẻ em", cảnh sát phải lập chốt tại thôn Hoành, ngăn "mang vũ khí, lựu đạn đi ra khu vực Đồng Sênh".
Nếu cụ Kình tồi tệ muốn giết đồng bào mình để lực lượng an ninh phải gấp rút bảo vệ Dân thì vì sao cụ Kình lại được đa số Dân Đồng Tâm tin yêu và nghe theo cụ? Vì sao đám tang của cụ lực lượng an ninh lại cấm chụp ảnh quay phim tung lên mạng?
Câu trả lời đơn giản thôi, thưa trung tướng Quang: Dân Đồng Tâm đa số thắt khăn tang thương tiếc cụ.
Còn câu hỏi chót. Vì sao khi cụ Kình bị bắn lực lượng an ninh phải đem xác cụ đi và trả lại xác cụ với vết mổ dọc ngực cụ?
Vết mổ banh xác ấy để làm gì? Tìm gì? Một bác sĩ pháp y cho rằng vết mổ ấy để lấy những mảnh đạn, những viên đạn găm trong cơ thể cụ Kình. Vậy khi ra trận chống lại kẻ thù cứu nguy cho Tổ quốc như lời TT Phúc ngợi ca, có ai lại mổ tử thi của kẻ thù ấy lấy lại các mảnh đạn, các viên đạn không? Hoặc khi bắn tử hình Năm Cam lực lượng an ninh cần phải mổ xác Năm Cam lấy bằng hết mảnh đạn trong người Năm Cam không?
Nếu cụ Kình là phản Dân hại Nước thì người bắn vào tim cụ Kình phải xưng danh, tự hào với chiến công của mình chứ? Tại sao phải giấu nhẹm mảnh đạn chứng cứ "hành động anh hùng" của mình đi?
Chỉ có thể lý giải câu hỏi này theo logich cụ Kình bị khống chế nhanh bởi lực lượng an ninh hùng hậu lúc cụ còn sống.
Nhưng có kẻ nào đó ra lệnh thủ tiêu cụ bằng mọi giá mà lẽ ra theo pháp luật cụ phải bị ra toà án để toà án kết tội. Kẻ nào đó hiểu rằng bắn chết cụ khi cụ bị khống chế là vi phạm pháp luật nên tìm cách phi tang chứng cứ đi.
Rõ ràng có kẻ nào đó sợ một phiên toà mà cụ Kình là bị cáo.
Tại sao lại sợ? Chỉ có thể hiểu rằng cụ Kình là người duy nhất đủ uy tín trong Dân nói lên toàn bộ sự thật việc tranh chấp đất ở ĐT mà thôi.
Dân rất muốn tin vào chính quyền. Dân không ai đồng tình việc bẩt kì ai đó bạo lực chống người thi hành công vụ. Dân đau xót khi ba sĩ quan an ninh bị chết và chia buồn với gia đình và đồng đội của họ. Nhưng Dân khó tin những gì mà đại diện an ninh đã công bố cũng như khó tin hình ảnh mặt bầm tím của ai đó trên TV nói về cụ Kình là không bị ép buộc?
ĐBQH Dương Trung Quốc và ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng những người nhiều lần về ĐT lắng nghe cụ Kình, lắng nghe Dân ĐT rất cần lúc này yêu cầu bà chủ tịch Kim Ngân lập một đoàn các chuyên gia uy tín với Dân, giám sảt, kiểm tra lại sự thật ĐT đồng thời sớm đưa ra tính pháp lý, việc tuân thủ luật pháp vụ bắn giết nhau ở ĐT này để cho Dân biết.
Tất cả những ai vi phạm pháp luật dù bởi bẩt cứ động cơ gì đều phải bị trừng trị. Tất cả những ai dù cấp nào cổ vũ cho việc bất chấp pháp luật dù bởi bất cứ động cơ nào cũng phải bị lên án.
Kỷ cương phép nước chỉ có thể trên nền tảng sự thật cùng pháp luật.
Dân biết, Dân tin thì Lòng Dân mới yên.
15.1.2020
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire