canhco
Hơn 130 người chết, gần 6.000 người đang bị lây nhiễm Coronavirus, Thành phố 11 triệu dân Vũ Hán bị cô lập hoàn toàn. WHO đã chính thức công bố tình trạng khẩn cấp cho Trung Quốc. 1000 bác sĩ, y tá, nhân viên y tế của Nhật đang lên đường sang giúp Trung Quốc. Nhiều chuyên gia quốc tế lo ngại tầm ảnh hưởng của Coronavirus có thể khiến thế giới chìm trong khủng hoảng.
Việt Nam không ngoại lệ nên sau vài ngày do dự đã đóng cửa biên giới, cách ly bệnh nhân từ Vũ Hán tới Việt Nam, chữa trị cho các nạn nhân bị lây nhiễm người Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn những khe hở rất lớn trong tiến trình phòng chống bệnh dịch nguy hiểm này.
Nếu chính quyền Trung Quốc không ngần ngại cô lập cả
thành phố Vũ Hán cũng như nhiều thành phố khác thì chính quyền Việt Nam lại có
thái độ ngược lại, cho phép hàng ngàn du khách từ Trung Quốc trong đó không ít
người đã chuyển tiếp từ Vũ Hán sang Việt Nam du lịch với lý do không thể để nền
kinh tế du lịch bị ảnh hưởng. Không thấy ai trong chính phủ hỏi lại nếu dịch
bệnh phát tán lây lan trên diện rộng thì chi phí y tế ấy có nhỏ hơn tiền thu từ
du lịch hay không?
Trong khi giới chuyên gia y tế đều biết rằng
Coronavirus lây lan qua đường hô hấp và dịch tiết, hai nguyên nhân này dễ dàng
lan rộng giữa một đám đông thở chung trong một môi trường hẹp như trong máy bay
có hệ thống điều hòa khí hậu chung cho hành khách, hay trong sân bay, xe buýt,
hay các phương tiện giao thông công cộng khác…vì vậy chấp nhận cho một lượng
lớn du khách từ Vũ Hán sang Đà Nẵng là hành vi thiếu cân nhắc và hậu quả khó
lường trước.
Tuy không lường trước được hậu quả nhưng kiến thức y
học dịch tễ không cho phép một chính phủ liều lĩnh bất chấp tất cả chỉ vì lo
ngại mất doanh thu từ khách du lịch. Chính quyền hoặc những kẻ đang nắm ngành
du lịch quốc gia quên rằng một khi Coronavirus bị phát hiện do khách du
lịch mang vào Việt Nam thì xem như ngành du lịch đi vào ngõ cụt. Không một du
khách nào dám vào Việt Nam trên những chuyến bay đã chở mầm bệnh. Họ sẽ không
dám bước vào bất cứ khách sạn nào vì nơi ấy từng được người Trung Quốc thuê
bao. Họ không dám ăn bất cứ thực phẩm gì vì ở đâu con virus Corona cũng ám ảnh
họ. Tham lam vài ngàn khách Trung Quốc trong lúc này là chấp nhận mất hàng
triệu khách du lịch từ nước khác. Đây là một quyết định rồ dại thiếu kiểm soát
của cấp trên và vì vậy cần một thái độ tích cực và quyết đoán từ chính phủ
trung ương.
Hai nữa chống Coronavirus cần một luồng thông tin minh
bạch và nhanh nhạy, những thông tin đến từ báo chí phải được Bộ y tế xem xét độ
chính xác của nội dung có liên quan đến việc chữa trị. Những tin như báo chí
vừa đăng “hai người Vũ Hán nhập viện Chợ Rẫy thì một người được chữa khỏi”
không khỏi làm người đọc hiểu nhầm. Hiểu nhầm là Việt Nam đã tiến bộ quá mức
tưởng tượng của thế giới.
Luồng thông tin không chỉ đến từ nhà nước nhưng ngay
cả xuất hiện trên mạng xã hội từ một nhân vật có ảnh hưởng nào đó phát biểu cực
đoan hay một chiều, sai trái chống lại nỗ lực chiến đấu với Coronavirus cũng
cần phải giải quyết. Chính quyền không nhất thiết phải mang họ ra làm vật hù
dọa như trường hợp công an tới nhà người dân tại Khánh Hòa vì người này đưa
thông tin sai lạc về Coronavirus, nhưng chính quyền có thể làm những việc trong
khuôn khổ pháp luật cho phép mà không làm cho dư luận bất bình.
Thí dụ trong trường hợp của nhà báo Phạm Dương Ngọc
phóng viên của tờ An ninh Thế giới viết trên trang facebook cá nhân của ông
những điều ngược lại với những gì mà nhà nước đang lo ngại về Coronavirus.
Trong bài viết có tựa Corona có gì
đáng sợ? Phạm Dương Ngọc cho rằng chết vài ngàn người là
chuyện nhỏ, so với tai nạn giao thông tại Việt Nam thì đó chỉ là muỗi, so với
vài ngàn người mỗi ngày bị cảm cúm thì có gì là quan trọng?
Nhà báo Phạm Dương Ngọc có thể muốn câu view hay tỏ ra
khác người nhưng dù với mục đích nào thì thông tin của ông ta sẽ làm người đọc
thiếu kiến thức y học hoang mang và cho rằng báo chí hay những người đang lo
lắng Coronavirus đã đi quá xa trong vấn đề thông tin.
Những lời lẽ xem thường Coronavirus có mục đích của
Phạm Dương Ngọc nếu đem so sánh với nhận định của RFI, một đài radio có tên
tuổi của Pháp viết về Coronavirus thì người nhẹ dạ có thể tỉnh ra trước sự
nghiêm trọng của vấn đề. Bài viết có đoạn: “Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có hai
ca nhiễm virus corona viêm phổi cấp tính được xác nhận, nhưng theo các số liệu
mới nhất, gần 40 ca nghi nhiễm bệnh đang được cách ly theo dõi. Theo các chuyên
gia Việt Nam và ngoại quốc, Việt Nam có
thể
sẽ là quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, sau Trung Quốc.
Theo hãng tin AsiaNews của Ý, trong bản tin đề ngày
27/01, nhiều chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc cảnh báo rằng, nếu chính quyền
không thi hành kịp lúc các chính sách bảo vệ sức khỏe, không gia tăng kiểm soát
biên giới với Trung Quốc, thì Việt Nam rất có thể sẽ là quốc gia có nhiều ca
lây nhiễm virus corona nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc.”
Báo chí Việt Nam đang theo dõi tích cực mọi chuyển
động từ Trung Quốc cũng như Hongkong. Ma cau. Đài Loan và những thông tin mà
nhiều tờ báo đưa ra rất quan trọng cho người xem. Độc giả có thề áp dụng những
kiến thức cơ bản nhằm ngăn chặn lây lan của Coronavirus ngay từ trong nhà mình.
Độc giả cũng có thể biết diễn tiến của dịch bệnh này trên phạm vi toàn cầu và
vì vậy mọi giao động, lo lắng không đáng có khó thể xảy ra.
Bên cạnh những thông tin “khó chấp nhận” như của nhà
báo Phạm Dương Ngọc người dùng mạng xã hội có thể tham khảo những thông tin
khác về căn bệnh này qua các facebooker sống ở nước ngoài. Những thông tin có
dẫn nguồn thường có độ tin cậy rất cao và vì vậy giúp cho người xem có khái
niệm về con virus này nguy hiểm tới mức nào.
Ngày 28/1/2020, giáo sư bác sĩ nổi tiếng Gabriel
Leung, trưởng khoa y học của Đại học Hồng
Kông,
công bố một tài liệu nghiên cứu đáng quan tâm. Trong đó có vài điểm khiến người
dân Trung Quốc càng thêm sợ hãi đó là: Sự lan tràn của trận đại dịch này sẽ
gấp 10 lần hơn trận dịch SARS của năm 2003. Cứ sau 6,2 ngày, số người nhiễm
coronavirus sẽ tăng gấp đôi. Thí dụ đầu tháng 2 có 500 ngàn người nhiễm, thì
tuần lể sau 8/2, số người nhiễm sẽ là 1 triệu. Việc truyền từ người sang
người đã xảy ra ở hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc,
khoảng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 sẽ là cao điểm, mỗi ngày sẽ có thêm
150.000 người nhiễm coronavirus. Lúc cao điểm, hầu hết các thành phố lớn như
Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến,Trùng Khánh... sẽ bị nhiễm
coronavirus trên bình diện rộng lớn.
Chống Coronavirus không phải bằng những lời hoa mỹ,
bóng gió khen tụng hay lo sợ tới mức buông thả…báo chí hay ngay cả người sử
dụng mạng xã hội có bổn phận chung: Viết những gì mình hiểu và có thể dẫn
nguồn. Nguồn cũng có nhiều loại, nên chú ý tới những loại nhà báo mà bản thân
không hiểu thế nào là nỗi đau của đồng loại chỉ lo chăm chút cho tăm tiếng của
mình.
canhco's blog
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire