Lê Anh Tuấn
(TBKTSG)
- Báo Bangkok Post xuất bản ngày 30-12-2019 đã loan tin tám tỉnh của Thái Lan
nằm dọc sông Mêkông vừa nhận được khuyến cáo từ chính quyền trung ương về
việc Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc sẽ giảm lưu lượng xả của đập Cảnh Hồng từ
1.200-1.400 mét/giây xuống mức 800- 1.000 mét/giây từ ngày 1 đến 3-1-2020 và
ngày 4-1 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 504-800 mét/giây trước khi trở lại mức
bình thường. Việc tích nước của đập Cảnh Hồng diễn ra vào đúng thời điểm hạn
hán đang hoành hành ở khu vực hạ lưu Mêkông.
Việc tích nước và giảm xả nước xuống vùng hạ lưu sông Mêkông từ đập thủy điện Jing Hong (Cảnh Hồng) đã từng diễn ra trong mùa khô năm 2016, đúng vào thời kỳ khô hạn gay gắt, mực nước sông Mêkông hạ thấp kỷ lục trong gần 100 năm nay. Cả 10 trong 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải ra công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn.
Năm nay, do tác động
của hiện tượng El Nino, khô hạn trở lại vùng hạ lưu sông Mêkông với mức độ
nghiêm trọng hơn năm 2016. Nhiều số liệu cho thấy mực nước ở các trạm đầu
nguồn Việt Nam từ Thái Lan, Lào và Campuchia đều thấp hơn nhiều năm khô hạn
trước đó, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của mùa lũ năm 2019. Có thể mức độ
khô hạn và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 sẽ nặng nề hơn và nước mặn sẽ đến
sớm và tràn sâu vào nội đồng vùng ven biển và vùng giữa đồng bằng. Thiếu nước
ngọt cho sinh hoạt và canh tác chắc chắn sẽ xảy ra ở các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Màu nước sông ở các
tỉnh ven sông của Thái Lan hiện đã bất thường, biến thành màu xanh nước biển,
hiện tượng này người dân địa phương chưa từng thấy. Hiện nay, lưu lượng dòng
chảy rất thấp và trong nước không còn mấy hàm lượng phù sa, nhiều nơi các bãi
cát và cồn cát lộ rõ, dù mùa mưa mới chấm dứt. Tại ĐBSCL, số liệu đo tại các
tỉnh ven biển sớm ghi nhận độ mặn 4 phần ngàn đã vào sâu hơn 50 ki lô mét.
Tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), độ mặn 2 phần ngàn đã lan đến sông Mỹ Tho.
Lưu lượng dòng chảy sông Mêkông qua trạm Tân Châu trên sông Tiền và trạm Châu
Đốc trên sông Hậu đã giảm mạnh, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-45%.
Chuyện ứng phó với
biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều, khi có thêm một
tác nhân từ các đập thủy điện thượng nguồn như một tác động kép lên vùng đồng
bằng. Với nguy cơ này, việc suy giảm năng suất và sản lượng lúa, hoa màu và
cây ăn trái vụ Đông Xuân năm 2020 là điều chắc chắn. Ngay bây giờ các tỉnh
ĐBSCL phải khẩn trương tích nước ngọt để ưu tiên sử dụng cho sinh hoạt ăn
uống, cần ngưng ngay việc gieo sạ, xuống giống các vùng canh tác lúa hiện
nay. Các tỉnh cần chuẩn bị các phương tiện chuyển nước sinh hoạt đến các vùng
ven biển để cứu khát. Về lâu dài, cần triển khai ngay việc xây dựng các hồ
tích nước mà từ mùa khô năm 2016 nhiều tỉnh đã đề xuất nhưng xây dựng quá
chậm. Mặt khác, trong tiến trình xây dựng quy hoạch tích hợp cho vùng ĐBSCL,
cần mạnh dạn thu hẹp diện tích canh tác lúa vào mùa khô, chuyển sang các hình
thức canh tác nông nghiệp và thủy sản ít tiêu thụ nước và đưa đất trồng lúa
vùng ven biển sang thành đất nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn.
Chủ Nhật, 5/1/2020, 08:59
Chủ Nhật, 5/1/2020, 08:59
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire