Nguyễn Hữu
Vinh
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, từng là Thiếu tá An ninh trong Công an Việt Nam |
(Cha tù con
tù)
Ba Sàm lý lịch xấu
Hai thế hệ ở tù
Xưa cha đòi độc lập
Thực dân đưa đi
đày
Nay con muốn tự do
Cộng sản cho vào ngục
Cha tôi hoạt động cách mạng, theo Đảng Cộng sản Việt Nam giành độc lập cho
dân tộc, những năm 1940-1944 bị Pháp bắt, giam ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Cuối
đời, ông viết cuốn hồi ký “Nhớ lại những năm ở Nhà đày Buôn Ma Thuột”.
Tôi lập blog, mục tiêu nâng cao dân trí, đấu tranh đòi các quyền tự do cho
dân mình, rồi bị chính quyền của ĐCSVN VN bắt, kết tội “Lợi dụng quyền tự do
dân chủ …”, phạt tù 5 năm.
Nhà tù cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị, trong đó có cơ hội so sánh vấn
đề ĐẢNG của cha tôi với của tôi.
Tin theo Đảng trọn đời
Ngày ra tù, cai ngục hỏi “Về thì làm gì?”, cha tôi khảng khái “Lại đấu
tranh!”
Cũng tựa như cuốn hồi ký trên, cuốn thứ hai của cha tôi nhan đề “Hiến sức
trọn đời”, đều toát lên tinh thần tin yêu tuyệt đối ĐCSVN. Ngày ra tù, cai ngục
hỏi “Về thì làm gì?”, ông khảng khái “Lại đấu tranh!”.
Trong suốt hàng chục năm nắm giữ nhiều trọng trách trong Đảng, chính quyền,
ông được tiếng là người rất liêm khiết và ngay thẳng. Tôi tự hào và học được ở
ông đức tính đó. Thế nhưng, mọi ý kiến, việc làm của ông cho dân chủ trong
Đảng, làm trong sạch Đảng …, ông đều tuân thủ một nguyên tắc: “bí mật”. Trong
cả hai cuốn hồi ký kia, hoàn toàn không thấy có một chút “vết gợn” nào về Đảng;
tôi cảm thông, cố đọc để tìm trong đó chút ít tư liệu.
Ông còn có 200 bài thơ, phần lớn thể hiện tinh thần cách mạng, lòng tin
tuyệt đối với Đảng.
Cuối đời, dường như đã nhận ra những điều rất “không ổn” về Đảng của mình,
nhưng ông im lặng; có lẽ do bất lực và không thể tìm ra cách lý giải.
Ông Nguyễn Hữu Khiếu (cha của tác giả) và vợ, chụp tại Hà Tĩnh, 1949, khi ông là Giám đốc công an Liên khu 4 (hình tư liệu gia đình do tác giả cung cấp) |
Biểu hiện khác thường đó, tôi nhận ra khi quyết định tự ứng cử đại biểu
Quốc hội. Mặc dù biết tôi sau khi bỏ nhà nước, ra kinh doanh, không sinh hoạt
Đảng tại địa phương, nhưng ông vẫn không một lời nhắc nhở. Rồi khi tôi tâm sự
nguyên vọng của mình, ông rất ủng hộ. Trên giường bệnh, ông đã gọi điện cho vị
lãnh đạo cao nhất của Mặt trận Tổ quốc, mời tới để hỏi ý kiến việc tôi muốn tự
ứng cử vào Quốc hội.
Nhắm mắt xuôi tay, ông nằm lại tại Nghĩa trang Mai Dịch cùng các đồng chí
cấp cao của mình, khi Đảng vẫn chưa định hình được con đường XHCN của đất nước
sau trăm năm nữa.
“Theo” Đảng đến cùng
Những ngày đầu “đi cung” tại Trại B14, tôi nhắc các điều tra viên: “Này,
tôi vẫn đang là đảng viên đấy. Các ông bắt, giam, hỏi cung tôi mà không tuân
thủ các quy định của Đảng là các ông vi phạm đấy”. Họ cười, cho là tôi đùa.
Theo họ, suốt 15 năm, về hưu không sinh hoạt đảng, làm sao có thể vẫn còn là
đảng viên. Hơn nữa, có lẽ họ không thể đoán nổi rằng tôi sẽ dùng vấn đề đó để
mà “theo” Đảng đến cùng.
6 tháng sau, tôi nhận bản Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra,
Bộ Công an. Trong đó, phần “Đảng phái chính trị” của tôi, được ghi là “Không”.
Tôi lập tức viết hàng loạt đơn khiếu nại, rằng mình vẫn đang là một đảng viên.
Dù bị “xóa tên” (một cách vội vã và sai nguyên tắc), tôi vẫn tuyên bố trước
cả hai phiên tòa “tôi đang là đảng viên ĐCSVN”, và “tôi hoàn toàn vô tội”; vẫn
tiếp tục khiếu nại
Lập luận và bằng chứng của tôi rất rõ ràng. Đó là trong nhiều năm, thập kỷ
1980′, 1990′, nhiều cấp lãnh đạo ngành Công an và Tổng cục An ninh đã mắc các
sai phạm không nhỏ liên quan tới tôi. Trong đó có việc vô cớ không cho tôi sinh
hoạt đảng suốt 5 năm, nhưng vẫn bất chấp nguyên tắc, làm giấy “chuyển sinh hoạt
đảng” cho tôi về địa phương. Tôi không thể thỏa hiệp với sai trái đó được, chờ
dịp thuận lợi để khiếu nại, nên không sinh hoạt đảng.
Chỉ vì vụ “đảng viên” đó, mà thời gian tạm giam của tôi ở B14 bị kéo dài
thêm hơn 1 năm, vi phạm quy định của Luật tố tụng hình sự; các cơ quan liên
quan lao vào một cuộc “tranh cãi” qua đủ loại công văn đi lại. Cơ quan này bảo
“không còn là đảng viên”, cơ quan kia thì ngược lại.
Họ phải vất vả vậy, chỉ bởi quy định của Đảng, rằng nếu cơ quan pháp luật
muốn tiến hành các biện pháp tố tụng với một đảng viên, thì phải thông báo, xin
ý kiến tổ chức đảng nơi đảng viên đó đang sinh hoạt. Với trường hợp của tôi,
đang là đảng viên, bị bắt, giam, hỏi cung rồi mà chưa có các thủ tục với Đảng,
thì ít nhất cũng phải cố “xóa tên/khai trừ” xong thì mới được đưa ra xét xử.
Thế là họ đã phải cố hoàn tất thủ tục, sau khi nhận ra quả thực tôi vẫn đang là
đảng viên, và không thể bác bỏ được lập luận của tôi dựa trên các văn bản của
Đảng cùng bằng chứng.
Ông Nguyễn Hữu Vinh (bìa phải) cùng cha, mẹ, anh cả (bìa trái), thăm nhà sàn của cố Chủ tịch Việt Nam ông Hồ Chí Minh, năm 1974 (hình tư liệu gia đình do tác giả cung cấp) |
Dù bị “xóa tên” (một cách vội vã và sai nguyên tắc), tôi vẫn tuyên bố trước
cả hai phiên tòa “tôi đang là đảng viên ĐCSVN”, và “tôi hoàn toàn vô tội”; vẫn
tiếp tục khiếu nại. Phần lớn trong số 30 đơn khiếu nại của tôi trong vụ án, cơ
quan pháp luật đã không cho các luật sư được tiếp cận, bất chấp đó là việc làm
trái luật. Họ muốn che đậy những thông tin quá nhạy cảm trong đó.
Để ghi lại những cảm xúc, tự động viên mình suốt những năm tháng tù, tôi có
hơn trăm bài thơ, chẳng ca ngợi Đảng, mà ngược lại:
Cha tôi theo Đảng trọn đời bởi đơn giản là ông tin yêu nó, gắn bó gần cả
cuộc đời sự nghiệp với nó. Dù có nhận thấy bao nhiêu tiêu cực về Đảng, ông cũng
vẫn nhất quyết bảo vệ.
Kiến con chạy đi đâu
Mà chân quàng lưng oải
Đơn đội trĩu nặng đầu
À, chắc kiện củ Khoai?
Khoai có tội tình gì
Mày kiện sai địa chỉ
Nó nằm ngoan ù lì
Còn giục tao “Ăn đi!”
Thôi, hãy cùng tao kiện
Đảng và Chính phủ này
Khiến dân khổ đọa đày
Phận con sâu cái kiến.
(Kiến đi kiện)
Có hai cuốn sách viết về tôi. Một cuốn về nghề thám tử tư của Công ty tôi
sáng lập, điều hành (với bao nhiêu gian nan, bởi ngành Công an tìm mọi cách cản
trở hoạt động, thu giấy phép nhưng không thành. Họ coi chúng tôi như kẻ sẽ “soi
lưng” họ). Cuốn thứ hai, ra đời khi tôi trong tù, gồm nhiều bài viết về vụ án
của tôi. Tôi xem đó cũng là những đóng góp gián tiếp của mình cho mục tiêu
“theo Đảng đến cùng”.
Chung mục đích, khác con đường
Ông Nguyễn Hữu Khiếu (phải) và thông gia, cố Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Công an, ông Lê Quang Thành, năm 1994 (hình tư liệu gia đình do tác giả cung cấp) |
Cha tôi theo Đảng trọn đời bởi đơn giản là ông tin yêu nó, gắn bó gần cả
cuộc đời sự nghiệp với nó. Dù có nhận thấy bao nhiêu tiêu cực về Đảng, ông cũng
vẫn nhất quyết bảo vệ.
Tôi “theo” Đảng tới cùng, chẳng phải còn yêu quý gì nó, mà là muốn truy kích
nó, lật ra những gì phi lý, tệ hại trong cả bản chất lẫn thực tế cuộc đời nó,
để cho mọi người cùng thấy.
Áp đặt những quy định của Đảng cao hơn mọi văn bản pháp luật trong hoạt
động tố tụng đã mặc nhiên ban cho người đảng viên có đặc quyền dễ lẩn tránh sự
trừng phạt nếu như phạm tội; nó “trói tay” các cơ quan tố tụng hoặc tiếp tay
cho cán bộ tha hóa lợi dụng (mà hậu quả là công cuộc chống tham nhũng kém hiệu
quả, có lý do này).
Tôi “theo” Đảng tới cùng, chẳng phải còn yêu quý gì nó, mà là muốn truy
kích nó, lật ra những gì phi lý, tệ hại trong cả bản chất lẫn thực tế cuộc đời
nó, để cho mọi người cùng thấy
Thế nhưng, tưởng như Đảng là cao nhất, hóa ra nhiều khi không hẳn. Chính cơ
quan pháp luật – ngành công an, với quyền lực to lớn của mình, họ có thể bỏ qua
những quy định của Đảng. Trong trường hợp của tôi, thấy rõ: không sinh hoạt
Đảng nhiều năm, vẫn được coi như là “có” rất dễ dàng. Muốn xóa tên đảng viên để
phục vụ phiên tòa, họ làm được hết, bất chấp quy định của Đảng là phải xác minh
lý do vì sao tôi không sinh hoạt đảng suốt 20 năm trời, xem có chính đáng hay
không.
Hai ví dụ đó chỉ là chút minh họa, bề nổi của vô vàn thứ sai trái, phi lý
cần phải được vạch ra; để từng đảng viên, mọi người dân thấy rõ thêm sự tồn tại
độc tôn của ĐCSVN ngày nay đã và sẽ mang lại cái gì cho Dân tộc? Phải làm gì
với nó đây? Có hy vọng nó thay đổi, tự cứu chữa được không với những căn bệnh
như ung thư giai đoạn cuối? v.v..
Một cuốn sách được in ấn và phát hành công khai bởi một nhà xuất bản tại Việt Nam về ‘Anh Ba Sàm’ |
Với riêng tôi, sẽ “theo” Đảng đến trọn đời của nó nếu như ông Trời cho tôi
sống dai hơn nó; bằng nhiều những việc làm, bài viết nữa, về những kinh nghiệm
và quan điểm của mình, cả trong tù lẫn ngoài đời, để trả lời những câu hỏi
trên.
Nghĩ về con đường của cha và của mình, tôi thấy rõ là có chung mục đích –
độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Có điều, tôi đang tham gia làm nốt phần việc mà cha tôi chưa làm được – Dân
tôi chưa được tự do, hạnh phúc.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan
điểm riêng của tác giả, cựu Thiếu tá An ninh công An Việt Nam, từng làm việc
tại Cục bảo vệ chính trị 1, cựu tù nhân chính trị, ông hiện đang sinh sống tại
Hà Nội như một blogger và nhà báo tự do .
Thân phụ của tác giả, ông
Nguyễn Hữu Khiếu (1915-2005), từng là Ủy viên Trung ương
Đảng CSVN, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cựu Bộ trưởng Lao động Việt Nam và
cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire