Nhật Nguyệt
Minh
Chủ nhật
ngày 16 tháng 2 năm 2020 3:47 PM
“Cậu có biết cái đáng sợ nhất của chiến tranh là gì không? Đó là sự im lặng
đáng sợ trước mỗi trận đánh. Nó là một thứ im lặng của sự chết chóc, của ma
quỷ. Cái cảm giác đó nó rõ ràng lắm, càng gần đến thời điểm nổ súng lại càng
thấy rõ, nó là cái sắc lạnh của chết chóc...”
“Đơn vị tôi lúc đó chốt giữ một điểm
ngoại vi của đồn Hữu Nghị, nhiệm vụ là vừa làm công tác cảnh giới vòng ngoài,
vừa là chia lửa với đồn chính trong trường hợp xảy ra đánh nhau. Ý đồ chiến
thuật từ ban đầu đã được cấp trên giao cho rất rõ ràng, nên những người lính
như chúng tôi khi được cơ động lên đấy toàn là lính được chọn kỹ cả, đều là
những người vững vàng về tâm lí và có bề dày kinh nghiệm chiến đấu với kẻ thù”.
Đó là câu chuyện mở đầu của ông Hưng, một chiến sĩ
Công an vũ trang tại đồn Hữu Nghị (Lạng Sơn), người đã trực tiếp nổ phát súng
đầu tiên, báo hiệu cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại quân xâm lược Trung Quốc
nổ ra vào ngày 17/2/1979 tại mặt
trận lạng Sơn.
Ngồi bên rìa của một cuộc gặp mặt giữa những người cũ
với nhau để ôn lại kỉ niệm về một thời chiến tranh, ông Hưng là người đã trực
tiếp tham gia cả cuộc chiến đó, từ lúc bắt đầu nổ súng cho đến khi đánh đuổi
tên bành trướng Bắc Kinh cuối cùng về bên kia biên giới, có lẽ không giấu nổi
sự xúc động khi hoài niệm về một thời khói lửa tưởng như đã xa rồi, nay bỗng
chốc ào về.
Ông kể: “Chúng tôi trước chiến tranh đều là những
người lính cũng đã lăn lộn đủ trên khắp các điểm nóng của đường biên giới giữa
nước mình với Trung Quốc, cũng dạn dày lắm rồi. Thật sự tình hình biên giới bắt
đầu căng thẳng từ năm 1977 nên Công an đã phải chiến đấu từ lúc đó, nhưng ở hoàn
cảnh khác, mang tính chất và đặc thù khác.
Cho đến năm 1979, khi quân Trung Quốc tràn sang thì
các lực lượng vũ trang khác mới phải nổ súng, chứ đối với chúng tôi, những
người chiến sĩ Công an tiền phương thì đã quần nhau với quân Trung Quốc từ
trước đó lâu rồi, đánh nhau với chúng nó bằng mồm cũng có, bằng gậy gộc cũng
có, bằng gạch đá cũng có, bằng dao găm và lưõi lê cũng có. Đủ cả!
Trước sự kiện 17/2 độ chục ngày, tôi cùng với đồng đội
của mình được vũ trang đầy đủ để lên tăng cường cho đồn Hữu Nghị, tình hình cho
thấy là sắp có biến cố gì ghê gớm lắm, nhưng anh em không ai dám nói ra.
Càng gần đến cái ngày đó thì tình hình biên giới lại
càng khẩn trương, mình khẩn trương mà nó cũng khẩn trương.
Ở bên này đường biên, chúng tôi nghe rõ tiếng chuyển
động của các cánh quân bên kia, nó duyệt binh, điểm lính, duyệt đội ngũ hàng
ngày... rồi tiếng động cơ của các loại phương tiện cơ giới, cứ ì à ì ầm không
kể là đêm hay ngày, lúc thì rộ lên lúc thì lắng đi, thoắt ẩn thoắt hiện cứ như
là ma, giờ nhớ lại vẫn thấy rõ cái cảm giác đấy.
Ở bên này, anh em chúng tôi theo dõi hết, không bỏ qua
bất kì một diễn biến nào, ai cũng hiểu một điều rất đơn giản: tình hình này
chắc chắn là đánh nhau rồi... nhưng không biết là lúc nào và sẽ như thế nào.
Ngày 17/2
Lúc đó trời còn
tối đen như mực, anh em chúng tôi đứng gác ở các vị trí đã định, cứ thay phiên
nhau đứa gác đứa nghỉ, gọi là nghỉ nhưng có ai nhắm được mắt đâu. Mà không hiểu
sao hôm đấy tôi có một cảm giác rất lạ, cứ bồn chồn trong dạ, đứng ngồi không yên,
chỗ này hỏi chỗ kia xem tình hình thế nào, nhưng không ai biết gì thêm cả. Còn
ở bên kia biên giới lại yên lặng đến lạ thường.
Cái yên lặng đó
như là sự mách bảo trước, rõ ràng lắm, ai cũng cảm nhận được, chắc chắn có một
cái gì đó rất quan trọng sắp xảy ra. Cậu có biết cái đáng sợ nhất của chiến
tranh là gì không? Đó là sự im lặng đáng sợ trước mỗi trận đánh. Nó là một thứ
im lặng của sự chết chóc, của ma quỷ.
Cái cảm giác đó
nó rõ ràng lắm, càng gần đến thời điểm nổ súng lại càng thấy rõ, nó là cái sắc lạnh
của chết chóc... và có cả mùi của nó nữa, cái mùi tanh tanh, lạnh lạnh... đặc
biệt là lạnh, nó lạnh lắm, không thể giải thích được đâu.
Bất kể ông nào
dù có dạn dày trận mạc đến đâu cũng đều sợ cái cảm giác đó, mà lạ là càng đánh
trận nhiều bao nhiêu thì lại càng sợ cái đó nhiều bấy nhiêu.
Chúng tôi ai
cũng căng mắt cố gắng nhìn xuyên qua màn đêm hướng sang bên kia biên giới để dò
xét xem có động tĩnh gì đặc biệt không, nhưng chả có gì cả, tất cả chỉ là bóng
đêm và sự im lặng đến lạnh lùng.
Mà cũng rất mâu
thuẫn, khi đó chúng tôi ai cũng căng thẳng, mặt cứ phừng phừng, giữa mùa đông
mà mồ hôi túa ra bên trong làm quần áo ướt hết cả, hai bàn tay tôi khi đó ướt
nhèm mồ hôi, hết lau vào quần áo rồi lại vùi vào đất vẫn không hết được, sờ tay
vào cò súng cứ trơn tuột, lạ thế chứ.
Đấy, nóng chảy
mồ hôi đến như thế mà vẫn không ngăn được một cảm giác lạnh lẽo chết người kia.
Rồi bất ngờ có
tiếng pháo nổ, tiếng nổ đầu nòng từ bên kia biên giới, ngay sát chỗ mình nên
nghe rõ lắm, cứ "pình... pình..." rồi rít trên đầu mình bay về hướng
Đồng Đăng và Tân Thanh ở sau lưng.
Cả các vùng
xung quanh mình nữa, tiếng nổ từ nơi đó vọng lại nghe cứ ục... ục...
oàng...oàng,… cùng với đó là những ánh sáng lóe lên ở cuối đường chân trời,
giống như ánh chớp của những cơn mưa mùa hè.
Đường đạn nhìn
rõ lắm, ban đầu chỉ là bắn phát một, sau khi lấy được cự ly chuẩn rồi nó bắt
đầu bắn cấp tâp, bầu trời khi đó bị xé nát bởi đạn pháo, cũng phải kéo dài
trong mấy tiếng đồng hồ.
Được một lúc
sau mới phát hiện ra bình minh đã lên từ lúc nào mà không ai kịp nhận ra, bởi
ánh sáng của đạn pháo cứ đan thành từng hàng trên trời, soi rõ cả mặt người ở
dưới đất từ lúc trước.
Chứng kiến
những loạt pháo của kẻ thù bắn vào quê hương mình như vậy, một cảm giác căm hận
cứ bùng lên trong lòng, mình là lính giữ biên chốt nên cảm giác đó nó mạnh mẽ
lắm. Mà không phải riêng tôi đâu, đồng đội tôi bên cạnh ai cũng như vậy.
Pháo vừa ngưng
cũng là lúc trời mờ mờ sáng, bắt đầu nghe tiếng xe cơ giới của nó chuyển động,
tiếng máy nổ, tiếng xích xe nghiến xuống mặt đường nghe kin kít, mỗi lúc một to
dần, nghe ghê rợn lắm. Xen kẽ với đó vẫn là tiếng pháo bắn cầm chừng ở chỗ khác
vọng về.
Bọn tôi ôm súng
chờ mà vẫn chưa hết nghi hoặc, vì lúc này chẳng có lệnh hay là thông tin chỉ
đạo gì cả. Liên lạc không hiểu sao bị cắt đứt hoàn toàn, sau này mới biết là
thám báo nó chui sang đêm hôm trước cắt hết các đường dây thông tin của mình rồi.
Nó tiến công
sang mình khẩn trương lắm, xe tăng đi đằng trước mở đường, trên tháp pháo có
một đám ngồi vắt vẻo, còn thì chủ yếu bộ binh của nó chạy lúi húi đằng sau xe.
Cái đường từ
bên kia biên giới sang đây nó như là đường mòn, hàng ngày chẳng mấy ai qua lại,
hôm nay bỗng dưng thấy quân thù cứ lao sang ầm ầm, nhìn mà căm hận lắm, thật là
một cảm xúc khó tả.
Chúng nó đang
tiến như vậy thì bỗng dưng có một nhóm tách ra, tiến thẳng về phía chúng tôi,
còn xe tăng ở lại không đi nữa, hướng tháp pháo về phía mình để cảnh giới. Có
nghĩa là chúng nó cũng nắm được hết các điểm trấn giữ của mình rồi.
Mấy thằng đi
đầu cứ phăm phăm tiến thẳng về phía chốt của
mình, nhìn lố nhố chẳng ra quy củ gì cả, chỉ được mỗi cái là đông. Lúc này ở
hướng đồn chính cũng có một toán đang cơ động đến đó, nhưng vẫn chưa có dấu
hiệu gì. Bọn tôi núp sau công sự, tay ghì chặt súng mà run, chân tay cứ lập
cập, nghe rõ cả tiếng thở phì phò của mấy thằng bên cạnh.
Đúng là cực kì
căng thẳng. Mấy chiến sỹ trinh sát bò về vừa nãy là có vẻ bình tĩnh nhất, nghe
các trinh sát nói loáng thoáng với nhau bên cạnh "Nó đang dọn cối kia
kìa... có lẽ nó sẽ đánh mình trước rồi mới tấn công hướng đồn chính".
Nhìn theo hướng
chúng nó chỉ, tôi thấy một tốp đang dọn bãi, kiểu như đúng là để chỉnh cối rồi.
Tôi quay lại nhìn B trưởng, thấy anh ấy cũng đang ghì tay súng ngó theo hướng
các trinh sát chỉ mà chẳng nói gì.
Lúc đó tôi được
giao nhiệm vụ phụ trách hỏa lực của chốt, khẩu RPK, đồng đội tiếp đạn bên cạnh
còn ôm theo cả một thùng đầy lựu đạn, và bảo hỏa lực có tôi rồi, còn lựu đạn để
đánh cận chiến hiệu quả hơn.
Toán lính dẫn
đầu đang cố gắng vượt qua khoảng đất trống phía trước để tiếp cận chỗ có mấy mô
đất dưới chân dốc, từ đấy chúng nó sẽ phát động tấn công lên chốt của mình.
Thấy chúng nó đi zích zắc đúng theo bài tấn công, lại thấy mặc toàn quân phục
mới, súng vắt chéo trước ngực, tôi đoán là lính từ nơi khác đến chứ không phải
là quân ở đây.
Lúc này nghe rõ
cả bước chân nó chạy lịch kịch ở dưới đấy, tôi hướng nòng súng nhắm theo để chủ
động, cũng nhẩm tính, đợi nó đến đúng tầm tác xạ của mình thì quạt một phát thì
có thể đi một lượt.
Đột nhiên chúng
nó bắt đầu khom người xuống, bước cũng chậm hơn và bắt đầu cơ động giữa các mô
đất, theo phản xạ, tôi nghĩ, nó phát hiện ra mình rồi! Vừa nghĩ đến đây, tôi
vội đá mắt nhìn sang B trưởng lần nữa, thấy anh ấy cau mày dữ lắm nhưng chưa có
bất kì một dấu hiệu gì để ra lệnh.
Tôi quay lại
ngay vì sợ bỏ tuột mất mục tiêu, hướng nòng súng theo mấy cái đầu lô nhô ở phía
dưới, chúng nó vẫn thoăn thoắt, rồi tôi nghe thấy tiếng "bụp... bụp...
" ở đằng xa, liền đó là tiếng "rẹt... uỳnh, uỳnh..." mấy phát ở
ngay phía sau mình, đất đá bay lên rơi xuống rào rào.
Tôi chỉ kịp
nghĩ, nó bắn cối rồi, mình không nhanh là chết! Có cối yểm trợ là chúng nó bắt
đầu lao lên, đúng lúc đó tôi quan sát thấy có một tên địch vừa vượt qua một mô
đất đang lấy đà để lao lên, bóng của nó rất nhanh, che lấp cái khoảng trống chỗ
đầu ruồi của nòng súng, theo phản xạ, lập tức tôi bóp cò, một loạt âm thanh của
khẩu trung liên vang lên đầy bất ngờ "pành, pành... pành, pành, pành...,”
giòn giã lắm!
Tôi nhớ là cái
bóng đó ngã vật ra đằng sau, rất gọn. Ngay lập tức, tất cả các điểm hỏa lực của
mình ở trên chốt cũng đồng loạt nổ theo, ngay loạt đầu tiên đó, theo như tôi
đoán thì quân mình cũng phải tiêu diệt được khoảng chục tên địch.
Cũng cùng lúc
đó, từ phía đồn chính, tiếng súng của anh em bên đó bỗng rộ lên dữ dội, nghe
hào hùng lắm, tôi hướng ánh mắt về phía đó... vậy là chiến tranh đã thật sự xảy
ra rồi! Mới chỉ nghĩ được đến đấy chẳng hiểu sao lúc đó nước mắt của tôi cứ thế
trào ra.”
------
Câu chuyện trên đây tôi ghi lại
theo lời kể của một người cựu chiến binh tại đồn Hữu Nghị, thuộc đội Công an
tiền phương, là những người đầu tiên giáp mặt với quân thù và cũng là những
người đã nổ phát súng đầu tiên báo hiệu cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc,
chống lại sự xâm lược của quân bành trướng Bắc Kinh xảy ra vào ngày 17/2/1979.
Đến ngày 4/3/1979, tức là phải
hơn 2 tuần sau khi bắt đầu xâm chiếm nước ta, chỉ riêng trên mặt trận Lạng Sơn,
quân Trung Quốc mới tiến được trên một con đường chỉ 15 km từ cửa khẩu Hữu Nghị
Quan đến bờ bắc của sông Kỳ Cùng ở Thị xã Lạng Sơn. Chỉ một chi tiết nhỏ như
vậy cũng đủ để cho thấy những người lính của chúng ta trong cuộc chiến năm đó
đã chiến đấu thật sự anh dũng và hy sinh đến như thế nào.
Chiến tranh biên giới 1979: 30 tàu chiến Liên Xô đã sẵn sàng ở Biển Đông |
Để rồi ngày sau đó, trưa ngày
5/3/1979 Trung Quốc đã vội vàng tuyên bố rút quân sau khi cho rằng đã “hoàn
thành mục tiêu của mình”(?)
Trong quá trình đội quân xâm lược
rút lui như vậy, cũng chính những người chiến sĩ Công an tiền phương đó đã bí
mật bám theo và tiếp nhận lại đầy đủ những vùng đất đã bị chiếm đóng và tàn phá
bởi quân thù.
Đúng như ông Hưng đó đã nói với
tôi "Chúng tôi đã tham gia gần như là đầy đủ nhất cuộc chiến này, từ lúc
bắt đầu nổ súng cho đến khi đánh đuổi tên bành trướng bắc kinh cuối cùng về bên
kia biên giới".
Bốn mươi năm đã trôi qua, người
kể lại câu truyện này cho tôi cũng không còn nữa, ông đã ra đi bất ngờ sau một
cơn đau tim đột ngột ở quê nhà Bắc Giang, mà trước đó 1 tháng ông còn gọi điện
cho tôi với một lời nhắn "Cậu quí và nhớ mày lắm, hôm nào lên cậu kể
chuyện biên giới cho mà nghe...".
Tôi đã nói chuyện với nhiều người
về những người lính quả cảm đó... của cuộc chiến năm đó, hôm nay xin được viết
lại, như một lời tri ân thành kính đối với những người đã xả thân và đã nằm
xuống trong một cuộc chiến, để đất nước được hòa bình như ngày hôm nay.
Nguồn : Theo Soha
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire