Người thiếu nước uống. Lúa thiếu nước tưới. Đất đai khô cằn, hạn mặn bủa
vây các tỉnh miền Tây ngày càng khốc liệt.
Tại các tỉnh ven biển ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau...
hạn mặn xâm nhập ngày càng dữ dội khiến người nông dân lao đao.
Theo dự báo, độ mặn năm nay có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và cao
hơn thiên tai năm 2016.
Ông Lương Văn Hiếu, 58 tuổi, ở ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm,
Bến Tre đứng trên cánh đồng nứt nẻ, nhìn xa xăm: “Lúa đang trổ gặp cảnh này
chắc lép hết. Giờ chỉ mong trời mưa hay con nước tới, nước dưới kênh đỡ mặn để
bơm lên ruộng, không thì "đứt" luôn”. 3 công lúa đang trổ nên suốt 10
ngày qua, ngày nào ông Hiếu cũng ra thăm đồng
Cũng như ông Hiếu, nhiều ruộng lúa khác ở Giống Trôm, Bến Tre cũng rơi vào
tình cảnh tương tự. Có những ruộng lúa gần đến ngày thu hoạch nhưng thiếu nước
tưới dẫn đến cháy lá, hạt lép
Đó là những ruộng lúa còn vớt vát được phần nào, nhưng những người nông dân
khác còn không có được hạt lúa để ăn. Lúa chết non, một diện tích rộng lớn các
ruộng lúa ở Mỹ Thạnh, Giồng Trôm khô cằn, cháy lá không sinh trưởng nổi phải
cắt bỏ cho bò ăn
Anh Phạm Thanh Phong, 48 tuổi, ở ấp 4, xã Bình Thành cùng vợ mang lưỡi lái
ra ruộng lúa 8 công được hai tháng tuổi để cắt về cho bò ăn. Khu vực này có đến
vài ha lúa rơi vào tình cảnh tương tự
"Khi cắt lúa phải giũ bỏ lá úa khô. Tiền của, công sức, mồ hôi mấy
tháng trời đổ xuống ruộng lúa, giờ thu lại là lúa non nhiễm mặn cho bò ăn nó
cũng chê“, anh Phong ngậm ngùi
Hạn mặn khốc liệt, đất đai nứt nẻ, lúa héo úa phải cắt cho bò ăn
Những ruộng lúa xanh đồng giờ trở thành khô cằn, trơ trọi
Dưới chân anh Phong cách đây vài tháng lúa còn tươi tốt giờ lúa đã chết
khô. Ruộng đồng bỏ hoang
“Tôi sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh hạn mặn đến sớm
như năm nay. Năm 2016, hạn mặn cũng khốc liệt nhưng đến trễ, lúc đó lúa đã chín
còn thu hoạch được ít", anh Phong nói.
Những ruộng lúa đang trổ đòng chờ nước tưới nhưng những người nông dân nơi
đây vẫn chỉ biết cầu trời
Kênh Tham Thu (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) từ nhiều tháng nay đã rơi vào
tình trạng cạn kiệt nước, máy bơm gác chờ
Ông Nguyễn Văn Đở, 61 tuổi, lội xuống cố bơm vét số nước còn sót lại trên
kênh Tham Thu để cứu 2 công lúa đang làm đòng. “Lúa đang làm đòng, sắp trổ bông
mà không có nước. Thấy dưới đáy kênh còn ít nước đọng, tôi bơm lên xem như cứu
được lúc nào hay lúc đó. Trời không mưa, kênh trơ đáy kiểu này thì nguy cơ mất
trắng vụ lúa này”, ông Đở nói
Lúa thiếu nước tưới. Dân cũng thiếu nước uống, sinh hoạt. Anh Thê chạy xe
máy đi lấy nước ngọt ở vòi công cộng mà chính quyền địa phương mở cung cấp miễn
phí cho người dân về cho gia đình dùng trong sinh hoạt
Sau khi hứng đầy 2 can, anh Thê chất lên xe máy, chở về nhà cách đó khoảng
500m, đổ vào lu, rồi chạy đi lấy nước tiếp tục
“Nước dưới ao, đìa cạn khô, tới đám lục bình còn chết, dân ở đây không có
nước để tắm, giặt giũ, nếu chính quyền không mở vòi nước công cộng miễn phí
này”, anh Thê chia sẻ
Trước tình hình hạn mặn năm nay, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã thi
công và vận hành 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực nhà máy nước Đồng
Tâm và Bình Đức
Chính quyền địa phương cũng đã mở hàng chục vòi nước công cộng cho người
dân các huyện phía đông sử dụng nước miễn phí
Bà Phan Thị Đây 60 tuổi, than thở: Tôi sống ở xứ biển Gò Công này mấy chục
năm rồi, nhưng đây là năm đầu tiên phải đi lấy nước ngọt về dùng
Người dân tại Giồng Trôm, Bến Tre phải dùng những thùng lớn chở nước ngọt
từ nơi khác về. Anh Phạm Minh Trọng nói: "Nước máy ở nhà mặn dữ lắm, không
sử dụng được. Trung bình mỗi ngày 1 khối nước 4 người sử dụng mới đủ, nhưng đó
là tiết kiệm lắm rồi”, anh Trọng nói. Có những nơi phải mua nước với giá
200.000 đồng/m3
Người dân lấy nước trong một ngôi chùa có nước ngọt. Một sư thầy nơi đây
cho biết mỗi ngày có vài chục xe tải đến đây để chở nước, nhà chùa chỉ phụ thu
tiền điện còn lại bà con dùng nước miễn phí
Xe chở nước chạy tấp nập trên các con đường làng ở Bình Thành, Giồng Trôm,
Bến Tre
Người dân dẫn nước từ xe chờ nước vào bồn để dự trữ sinh hoạt
Dự báo độ mặn các vùng hạ lưu Nam bộ trong tuần từ 28/2 - 5/3, độ mặn sông
Vàm Cỏ và dọc sông Tiền xuất hiện vào đầu tuần, ở mức lớn hơn năm 2016. Ranh
mặn 4 g/l xâm nhập sâu nhất khoảng 80km trên sông Hàm Luông, trên sông Vàm Cỏ
khoảng 85km, các sông khác 40-65km
Tùng Tin - Hoài Thanh
https://baomoi.com/han-man-khoc-liet-lua-chet-non-khap-mien-tay-mang-can-di-tho-nuoc/c/34201843.epi?fbclid=IwAR04g5LMKcMaJWnxr3gUs5IuORCFZ6HcqXHInxEmexo2RqwKCjLT8nQMeeo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire