12/03/2020

Nhiều thiệt thòi khi bị dán nhãn 'nước phát triển'


(TBKTSG) - Mới đây, Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã cắt ngắn danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển. Theo đó, Việt Nam cùng một số nước và vùng lãnh thổ bị loại khỏi danh sách, đồng nghĩa với việc bị Mỹ xóa bỏ những ưu đãi áp dụng cho danh sách này.
Sản xuất tại doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng
Nhìn vào danh sách các nước cùng bị loại, một số chuyên gia kinh tế cho rằng thật không công bằng đối với Việt Nam. Hiện Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... “Đưa Việt Nam đứng vào “hàng ngũ” những nước này là hết sức khập khiễng và vô cùng bất lợi cho Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm. Theo bà, Việt Nam còn phải mất vài thập niên nữa mới đuổi kịp tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên đầu người của Hàn Quốc, Singapore hay thậm chí là Malaysia.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đã chia sẻ trên VnExpress.vn rằng theo cách tiếp cận mới của Mỹ, để được xem là nước đang phát triển, thị phần thương mại của nước đó phải thấp hơn mức 0,5% tổng thương mại thế giới. Và theo dữ liệu từ WTO, tổng kim ngạch xuất và nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 lần lượt đạt 242,6 tỉ đô la Mỹ (chiếm 1,3% thị phần toàn thế giới) và 235,5 tỉ đô la (1,19%). Cả hai đều cao hơn mức 0,5%.
Nhưng theo bà Phạm Chi Lan, con số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không phản ánh đúng thực lực sản xuất nội tại của đất nước, mà thực tế là khối đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp tới 70% vào thành tích này. Phần lớn doanh nghiệp FDI đều nhập nguyên phụ liệu, linh kiện vào Việt Nam gia công, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu. Họ chỉ tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, giá thuê đất thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu..., nghĩa là họ không đóng góp nhiều cho ngành sản xuất trong nước, không mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Bà Lan cho rằng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, phần giá trị được sinh ra từ nội tại đất nước là rất thấp.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng hiện số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các dự án sản xuất FDI là quá ít và cũng chỉ cung cấp được những sản phẩm giản đơn, giá trị kinh tế thấp. Do vậy, cần phải quyết liệt điều chỉnh thu hút đầu tư nước ngoài: không chạy theo số lượng mà chắt lọc những dự án chất lượng. Bà Phạm Chi Lan thì kêu gọi giới truyền thông cũng như các bộ ngành đừng quá hồ hởi “tô hồng” thành tích xuất khẩu, “tránh ngộ nhận những thứ không phải do Việt Nam làm ra”, thay vào đó là tìm cách thúc đẩy phát triển nội lực.
Cũng có ý kiến cho rằng động thái trên của Mỹ nhắm tới mục tiêu chính là Trung Quốc, vì kinh tế Trung Quốc đang hưởng những ưu đãi to lớn theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dẫn đến những bất lợi cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Mỹ. Như vậy, có khả năng Việt Nam là nạn nhân bị cuốn vào cuộc thương chiến Mỹ-Trung nói riêng và những nỗ lực của Mỹ nhằm xóa bỏ bất công trong giao thương với nhiều nước nói chung. Dù vậy, ở chừng mực nào đó, động thái này của Mỹ tạo sức ép buộc Việt Nam phải đẩy nhanh nỗ lực gia nhập thị trường một cách công bằng, không cần các ưu tiên, ưu đãi.
Nhưng nếu việc loại Việt Nam lần này của Mỹ là dựa vào “thành tích” xuất khẩu của Việt Nam thì đây chính là một bài học lớn cho Việt Nam, theo bà Phạm Chi Lan.
Tác động bất lợi
Không nằm trong danh sách các nước đang phát triển dưới đánh giá của Mỹ, Việt Nam vẫn được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ WTO, theo bà Lan. Vấn đề ở đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua. Những ưu đãi mà Việt Nam bị mất đi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, tăng trưởng và duy trì sự ổn định của các hoạt động giao thương. Chưa hết, động thái trên của Mỹ còn có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với một số nhà xuất khẩu, không loại trừ Việt Nam.
Chỉ riêng ở khía cạnh điều tra chống trợ cấp, theo quy định của WTO, nếu số tiền trợ cấp nước ngoài ở mức tối thiểu (thường được xác định dưới 1% giá trị hàng hóa), các chính phủ được yêu cầu chấm dứt điều tra thuế đối kháng. Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, WTO có một tiêu chuẩn khác, theo đó yêu cầu các chính phủ chấm dứt điều tra thuế quan nếu số tiền trợ cấp dưới 2% giá trị. Như vậy, với quyết định vừa qua của USTR, Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra thuế quan trong những trường hợp số tiền trợ cấp ít nhất 1% giá trị hàng hóa.
Cần sự hợp lực
Theo bà Phạm Chi Lan, trong tình hình này, Việt Nam không thể đứng yên mà cần phải chứng minh thực tế nội tại nền sản xuất của mình và đề nghị phía Mỹ xem xét lại. Cũng cần kết hợp với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam, tập trung vào những tập đoàn sản xuất lớn, để cùng “đấu tranh”, bởi hàng hóa xuất khẩu của những doanh nghiệp này cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Đơn cử ở nhóm hàng giày dép, khoảng 50% tổng sản lượng của Nike là đặt sản xuất - gia công ở Việt Nam.
Ông Lê Đăng Doanh lưu ý việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua nhiều lần lên tiếng về thặng dư xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ. Trước động thái mới này của Mỹ, Việt Nam cần tập hợp lực lượng doanh nghiệp, giới học giả, các tổ chức kinh tế... cùng thảo luận, chứng minh thặng dư xuất khẩu của Việt Nam với Mỹ không phải từ nội tại nền sản xuất của Việt Nam. Quả thật, như các nhà máy ở Việt Nam của Nike chẳng hạn, họ chỉ làm nhiệm vụ gia công, khi mà linh phụ kiện cho sản xuất đều do Nike chỉ định nhập khẩu của nước ngoài. Tình trạng cũng tương tự ở các nhà sản xuất khác.
Ngoài ra, cần có những biện pháp mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa, nhất là từ các doanh nghiệp Trung Quốc đang dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển, “sơ chế” hàng hóa trước khi xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế. Điều này không những gây nguy hại cho nền kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt Nam cũng sẽ liên đới bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ quốc gia nhập khẩu.
Về lâu dài, ông Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hẹp sự mất cân bằng thương mại với Mỹ và tuyệt đối không vi phạm những điều đã vi phạm mà bị Mỹ phạt.
Có ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã dựa vào FDI một thời gian quá dài trong khi sự hưởng lợi từ đó thì ít mà bị lợi dụng thì nhiều. Đã đến lúc cần có những giải pháp quyết liệt phát triển nội lực làm động lực tăng trưởng, nghĩa là phải xây dựng được những doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt, từ đó xây dựng nên những chuỗi cung ứng, những cụm liên kết, có sự chuyển giao.
 Danh sách các nước bị Mỹ xóa bỏ ưu đãi gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraina. (Theo Bloomberg 11-2-2020)

Thứ Bảy,  7/3/2020, 08:49 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire