Phạm Thị
Hoài dịch
Phỏng vấn sau đây đăng trong tạp chí
trực tuyến Nhân vật và Ý tưởng của Học viện Khoa học Berlin.
Giáo sư Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan, 张千帆) của Đại học Bắc Kinh
là học giả hàng đầu về luật hiến pháp ở Trung Quốc. Gần đây nhất, khi bác sĩ Lí
Văn Lượng qua đời vì nhiễm virus Covid-19, ông đã đồng ký tên trong Thư ngỏ gửi Quốc hội và
Ủy ban Thường vụ yêu cầu thực thi tự
do ngôn luận. Phỏng vấn do nhà báo, người sáng lập và chủ biên Blog Hiến Pháp, Maximilian Steinbeis
thực hiện. Bản dịch được sự đồng ý của Học viện Khoa học Berlin.
Người dịch
Maximilian Steinbeis: Thưa giáo sư Trương,
ông đến Học viện Khoa học để nghiên cứu cách hoạt động của mô hình liên bang
tại Đức, trước đây ông cũng từng sang Hoa Kỳ nghiên cứu đề tài này. Trung Quốc
có trên 2000 năm kinh nghiệm cai quản một lãnh thổ khổng lồ với hàng trăm triệu
cư dân từ một trung tâm quyền lực duy nhất. Vì sao sau một thời gian dài như
vậy, mô hình liên bang lại thú vị đối với Trung Quốc?
Trương Thiên Phàm: Tôi chỉ có thể nói
rằng mô hình liên bang được một số trí thức Trung Quốc quan tâm nghiêm túc,
trong khi chính quyền thì chưa bao giờ chấp nhận. Nhưng một lúc nào đó trong
tương lai, rồi Trung Quốc sẽ ra một hiến pháp liên bang và áp dụng thể chế liên
bang, vì hệ thống hiện nay không thể hoạt động. Vì vậy, kinh nghiệm của Đức với
thể chế liên bang rất quan trọng với Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc lúc nào cũng có
vấn đề, nhưng trong những năm gần đây thì ngày càng nhiều, do các chuyển đổi
kinh tế và xã hội thời đại này. Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất
Trung Quốc vào khoảng năm 220 TCN, chấm dứt thời Chiến quốc trường kỳ và tàn
bạo, đã áp dụng một mô hình tập quyền rất đơn giản mà thực ra cho đến nay vẫn
tiếp tục tồn tại. Thời đó Trung Quốc đã là một đất nước khổng lồ, tuy dân số ít
hơn nhiều. Mô hình cai trị đó hết sức tập quyền, nhưng không thật hiệu quả vì
những giới hạn vật chất. “Thiên cao, hoàng đế viễn”, như thành ngữ của chúng
tôi đã nói, tức địa phương có đủ sân chơi để tự tung tự tác. Nếu mọi chuyện ổn
thỏa thì giới chức địa phương cứ việc bình chân, nhưng khi có sự cố và chính
quyền trung ương phải để mắt đến thì họ bị trừng phạt. Kết quả là ở bên dưới,
chúng tôi tương đối có đa dạng, nhưng chẳng qua chỉ vì trung ương không đủ sức
với tay tới từng vụ việc cụ thể ở địa phương mà thôi.
Maximilian Steinbeis: Có nghĩa là ngoài trung
tâm quyền lực, chưa bao giờ có một cơ cấu thẩm quyền khác được hợp thức hóa?
Trương Thiên Phàm: Cách trở trong giao
thông và truyền thông đã cho phép một không gian đa dạng nhất định và một tinh
thần đa nguyên nào đó tồn tại ở tầng dưới, nhưng điều đó chưa bao giờ được định
chế hóa – cho đến nay cũng vậy, vì cơ cấu định chế của chúng tôi về cơ bản hầu
như không thay đổi suốt bao nhiêu thế kỷ. Chúng tôi vẫn giữ một chính quyền
trung ương có quyền ra luật vô giới hạn. Trung ương ra một chỉ thị và cả nước
phải thống nhất chấp hành, bất kể có phù hợp hay không. Ở Trung Quốc, chúng tôi
gọi đó là “nhất đao thiết”, một con dao thái mọi thứ, to nhỏ lớn bé gì thì
chúng tôi cũng thái hết thành cùng một kích cỡ. Thí dụ: Ô nhiễm môi trường ở
Trung Quốc rất trầm trọng, vì thế chính phủ quyết định không cho dùng than sưởi
mùa đông nữa. Hệ thống cung cấp than bị đình chỉ, thay bằng khí đốt. Nhưng ở
nhiều nơi, các biện pháp cho mùa đông chưa hề được tiến hành. Chính quyền trung
ương không biết nơi nào có khả năng thi hành, nơi nào không. Chính quyền địa
phương thì có thể biết, nhưng việc duy nhất mà họ có thể làm trong một nhà nước
tập quyền đơn nhất là chấp hành chỉ thị từ trung ương.
Maximilian Steinbeis: Nhưng đó thậm chí
chưa phải là câu chuyện về quyền tự quản và sự khác biệt giữa các địa phương.
Không bị chết cóng trong mùa đông là một nhu cầu phổ quát. Vì sao chính quyền
trung ương không cho phép địa phương linh động để đáp ứng nhu cầu đó?
Trương Thiên Phàm: Không phải là trong
thực tế không có điều kiện để linh động. Điều kiện thì có thừa, và quả thực vấn
đề chính là ở chỗ đó. Giới chức địa phương vi phạm luật pháp và nhân quyền rất
nhiều. Tham nhũng rõ ràng là một vấn nạn hết sức phổ biến và thường là ở địa
phương, trong khi chính quyền trung ương nhiều khi không có đủ cả thông tin lẫn
nhân sự và quyết tâm diệt tham nhũng. Về nguyên tắc, trung ương đưa ra mọi
quyết định chính trị quan trọng và địa phương phải thi hành. Nhưng khi chính
sách đi ngược lợi ích riêng của địa phương thì địa phương thừa khả năng ngăn cản.
Ngay cả những chính sách của nhà nước có lợi cho dân chúng cũng không được thi
hành, chừng nào chưa có áp lực từ bên dưới. Thí dụ, cứu trợ từ trung ương cho
những vùng gặp tai họa. Nhưng mọi quan chức liên quan đều xà xẻo, mỗi người
“vặt một cái lông con chim”, nên khi đến được tay người cần nhận thì khoản cứu
trợ chẳng còn là bao.
Maximilian Steinbeis: Không có cách nào tạo
áp lực từ bên dưới? Người dân không khiếu nại hay sao?
Trương Thiên Phàm: Có chứ, nhưng vi phạm
quá nhiều, khiến chính quyền trung ương thật sự không còn biết phải bắt đầu từ
đâu. Từ cổ xưa đến nay chúng tôi đã áp dụng một hệ thống thỉnh cầu. Ai muốn
khiếu nại về một việc gì oan ức do một quan chức địa phương gây ra thì thỉnh cầu
lên cấp trên. Nhưng cấp trên lại là người đã bổ nhiệm chính thuộc hạ trung
thành đang bị khiếu nại – vậy là ông ta sẽ miễn cưỡng, sẽ đùn đẩy sự vụ, vì
giải quyết thì khác nào chỉ ra rằng ông ta đã mắc lỗi vì bổ nhiệm nhầm cán bộ.
Vậy là người khiếu nại phải thỉnh cầu lên cấp trên của cấp trên, nhưng cái
lô-gic vừa nói vẫn còn nguyên, thế là lại leo thêm một nấc cấp trên nữa, cứ thế
mãi, đến tận trên cùng khi lên đến Bắc Kinh. Chính quyền trung ương rất bối
rối, vì tất cả những người dân oan đó đều kéo nhau lên thủ đô. Họ xếp hàng vài
cây số trước cửa Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương mà thực tình không có bất
kỳ cơ hội nào để được giải quyết. Từ quê nhà lên được đến đó, họ phải qua bao
nhiêu gian nan khổ ải và bị đối xử tàn tệ, đôi khi kinh khủng hơn bản thân cái
vụ việc mà vì nó họ phải đi thỉnh cầu. Cuối cùng đều công cốc. Phí biết bao
tiền bạc, thời gian, năng lượng. Tôi thấy nhiều người theo đuổi thỉnh cầu 20
năm, 30 năm ròng rã, tiêu tan cả cuộc đời. Nhưng nhiều người vẫn tiếp tục bám
vào đó. Có thể gọi đó là văn hóa thỉnh cầu của chúng tôi. Họ còn biết làm gì
khác trong một hệ thống như thế?
Maximilian Steinbeis: Vậy hệ thống tư pháp
thì sao? Ở nước Đức cái-gì-cũng-phải-theo-luật này, chúng tôi rất tin tưởng
rằng quan chức phạm luật ắt bị các thẩm phán buộc phải chịu trách nhiệm.
Trương Thiên Phàm: Đây cũng vẫn là vấn
đề trung ương/ địa phương. Chúng tôi có một tòa án nhân dân tối cao cho toàn
quốc. Tòa án đó không thể giám sát mọi quyết định của các tòa án địa phương. Và
các thẩm phán địa phương thì lại phụ thuộc vào giới chức địa phương. Theo hiến
pháp xã hội chủ nghĩa thì tòa án chịu sự “giám sát dân chủ”, tức Đại hội Đại
biểu Nhân dân địa phương giám sát bộ máy tư pháp địa phương. Trong thực tế, tất
nhiên Đảng quyết định tất cả, Đại hội Đại biểu Nhân dân chỉ tán thành thông
qua. Các chính quyền địa phương quyết định về nhân sự lãnh đạo tòa án cũng như
cấp kinh phí và nguồn lực cho tòa án. Nếu bị tòa xử thua trong một vụ kiện,
chính quyền địa phương có nhiều phương tiện để chống lại. Từ đó dẫn đến tình
trạng tòa án thiếu độc lập, địa phương thì tha hồ bảo hộ vây cánh và tư pháp
thì thông đồng với tham nhũng. Đây quả thực là lĩnh vực cần tăng cường tập
quyền. Dân chúng chấp nhận nhiều khổ ải như vậy để lên Bắc Kinh thỉnh cầu, một
phần cũng vì họ không thể tin rằng quyền lợi của họ được tòa án bảo vệ.
Maximilian Steinbeis: Định hướng tập quyền
hay phân quyền đòi hỏi những tiêu chí để phân biệt cấp thẩm quyền nào chịu
trách nhiệm ra những quyết định nào, đó là những tiêu chí được quy định trong
hiến pháp. Nhưng tôi tự hỏi, một hiến pháp theo chế độ liên bang hay không liên
bang thì có gì khác nhau, nếu mọi chuyện đều phụ thuộc vào một đảng chính trị
có địa vị vững chắc, độc quyền sở hữu quyền lực và có một hệ thống tổ chức chặt
chẽ.
Trương Thiên Phàm: Ông nói đúng. Luật
pháp ở Trung Quốc tuyệt đối là thứ yếu, nhất là luật hiến pháp. Muốn giải quyết
vấn đề luật và luật hiến pháp thì trước hết phải giải quyết vấn đề chính trị.
Tất cả những vấn đề đó đều có thể quy về một chỗ, là thiếu những cải cách chính
trị dân chủ. Nếu người dân được quyền bầu giới chức ở địa phương thì họ nắm
phương tiện buộc giới chức đó phải chịu trách nhiệm. Tuy chúng tôi có bầu cử
định kỳ năm năm, nhưng vô nghĩa vì bị thao túng. Số phận của các quan chức
không phụ thuộc vào kết quả bầu cử, mà do cấp trên quyết định. Không có bầu cử
thực chất thì các quan chức cũng không có bổn phận gì với cử tri, mà chỉ có bổn
phận với cấp trên. Trong một hệ thống như vậy, quan hệ thực sự giữa trung ương
và địa phương cũng không có. Toàn bộ, chỉ có quan hệ cá nhân giữa quan trên và
thuộc hạ. Phải thay đổi điều đó trước khi quan hệ trung ương/địa phương có được
một ý nghĩa nào đó.
Maximilian Steinbeis: Có nghĩa là Đảng Cộng
sản Trung Quốc sẽ phải chấp nhận và cho phép các đảng phái khác cạnh tranh với
mình?
Trương Thiên Phàm: Đúng, nếu không có
một hệ thống đa đảng công khai thì ít nhất phải có một sự cạnh tranh nghiêm túc
trong nội bộ đảng cầm quyền. Về khía cạnh này, chúng tôi có thể học Nhật Bản và
các nước châu Á khác. Châu Á có truyền thống chuyên chế có lẽ lâu đời nhất trên
thế giới. Ngay cả một số nước về danh nghĩa thì dân chủ nhưng sự thực thì cũng
không dân chủ lắm. Chúng tôi gần gũi với hoàn cảnh của họ hơn và có thể tiếp
thu kinh nghiệm của họ. Hồi thập niên 80, cao trào của các cải cách tiến bộ ở
Trung Quốc, có một thảo luận về việc tách Đảng và nhà nước. Năm 1982-1983 đã có
những vận động tranh cử nghiêm túc trong cuộc bầu cử đầu tiên sau hiến pháp
mới, có hiệu lực từ đó đến nay. Tận bây giờ người ta vẫn nhắc đến những sự kiện
tranh cử sôi nổi trong khuôn viên Đại học Bắc Kinh, khi ứng viên các đảng khác
nhau ngồi cùng một bục tranh luận. Một trong số đó, ông Lý Khắc Cường, sau này
trở thành Thủ tướng. Những người khác, như Hồ Bình và Vương Quân Đào, hoạt động
dân chủ và ra nước ngoài. Nhưng sau đó giới lãnh đạo Đảng thận trọng hơn và
thắt chặt kiểm soát trở lại. Sau 1989, chúng tôi chứng kiến một tiến trình giật
lùi trầm trọng, tới khi bầu cử thành hoàn toàn vô nghĩa.
Maximilian Steinbeis: Giới lãnh đạo Đảng
coi các nghiên cứu của ông là hữu ích hay là thách thức? Ông có thể bị rắc rối
vì phê phán thể chế không?
Trương Thiên Phàm: Cuối năm 2011, khi
tôi công bố một chương trình cải cách hiến pháp nhân kỷ niệm 100 năm cuộc cách
mạng dẫn tới việc thành lập nền cộng hòa Trung Hoa đầu tiên, đề tài này ngày
càng trở thành nhạy cảm hơn đối với tôi. Là một trí thức đứng trong công luận,
mỗi năm tôi thường viết nhiều bài phân tích. Nhưng công bố trên báo chí ở Trung
Quốc thì gần như không thể được nữa. Bốn thập niên nay, tự do ngôn luận ở Trung
Quốc đã được mở rộng rất nhiều, đặc biệt với sự phát triển của internet, nhưng
điều đó chỉ diễn ra trong thực tế chứ không phải như một quyền được hiến pháp
đảm bảo. Bất kỳ lúc nào chính quyền cũng có thể giới hạn cái tự do ngôn luận đó
nếu muốn, kể cả trên mạng. Cho đến nay không có gì ngăn được điều đó. Chẳng hạn
họ có có thể lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ internet xóa tài khoản của bạn;
như họ đã xóa blog và tài khoản của tôi trên Vi Bác khi Hội nghị lần thứ 3 Ban
Chấp hành Trung ương khóa 18 diễn ra năm 2013. Tất nhiên họ cũng thể đưa bạn
vào danh sách đen, tức bị cấm xuất bản, vì thực tế là tất cả các nhà xuất bản,
báo và tạp chí đều thuộc nhà nước. Có tin đồn là tôi và nhiều tác giả cởi mở
khác từng có tên trong danh sách đen đó. Tôi đã hỏi một số nhà xuất bản và nhận
được những câu trả lời rất mâu thuẫn. Nhưng tóm lại là nhiều nhà xuất bản đã sợ
và từ chối in sách của tôi, kể cả những quyển thuần túy khoa học và không đụng
chạm gì đến chính trị. Xuất bản bằng tiếng Anh dễ hơn, vì họ không thể kiểm
soát các nhà xuất bản ngoại quốc. Mà họ cũng không quan tâm, vì quan trọng đối
với họ trước hết là tác động đối với độc giả Trung Quốc. Nhưng như vậy không
nhất thiết là cá nhân họ không ưa hay không đồng ý với những điều tôi nói. Khá
nhiều người “trong hệ thống” rất quan tâm đến các nghiên cứu của tôi. Về đề tài
Hồng Kông chẳng hạn. Đó là một ví dụ cho thấy cái hệ thống được coi là thống
nhất của đất nước khổng lồ này rốt cuộc cũng không lấy gì làm thống nhất lắm.
Từ khi được Anh trao trả hai mươi năm trước, Hồng Kông đã hưởng một mức độ tự
trị rất cao theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Mãi những năm gần đây,
chính quyền trung ương mới tìm cách vươn tầm kiểm soát sang Hồng Kông. Điều này
kéo theo một tác động nghịch lý: Cách đây mười năm, người Hồng Kông chỉ muốn
được tự trị; bây giờ, phản ứng lại việc bị cắt bớt tự trị và bị tước quyền bầu
chính quyền đặc khu, họ đòi thêm cả độc lập. Có nghĩa là chính quyền trung ương
muốn kiểm soát nhiều hơn nhưng cuối cùng sẽ được ít hơn. Vì thế tôi đề nghị một
giải pháp ngược lại: ít kiểm soát hơn, cho phép tự trị nhiều hơn, và sẽ được nhiều
hơn. Quan trọng là Trung Quốc giữ vững chủ quyền quốc gia ở Hồng Kông, nhưng
như thế không có nghĩa là chính quyền trung ương phải vơ thêm việc quản lý
thành phố đó vào mình. Đó là việc của người Hồng Kông, họ sẽ cảm ơn sự phóng
khoáng của chính quyền trung ương. Những người không bị định kiến trong giới
lãnh đạo rất hoan nghênh các đề nghị của tôi, nhưng không có tạp chí nào dám
công bố.
Maximilian Steinbeis: Trong lịch sử, những
quốc gia liên bang như Đức hay Hoa Kỳ hình thành từ các nhà nước độc lập liên
kết lại. Các quốc gia đơn nhất thường phải đối phó với phân quyền và những
khuynh hướng ly khai cục bộ. Trong chừng mực nào có thể đem hai mô hình này ra
so sánh?
Trương Thiên Phàm: Có nhiều hình thức
liên bang khác nhau, và những quốc gia đơn nhất như Vương quốc Anh hay Pháp còn
khác nhau nhiều hơn. Nhưng từ góc nhìn của chúng tôi thì những sự khác nhau đó
không đáng kể. Phân quyền trong một quốc gia đơn nhất khác với chế độ liên bang
ở chỗ nó không được quy định hợp thức bằng hiến pháp, mà chỉ trên cơ sở luật
pháp quốc gia và về nguyên tắc thì quốc hội có thể hủy bỏ bất kỳ lúc nào. Nhưng
vấn đề của chúng tôi cốt lõi hơn. Không có dân chủ thì phân quyền không nhất
thiết là tốt: nó có thể hàm chứa nguy cơ lạm dụng quyền lực tản quyền. Vì chính
quyền địa phương không phải chịu trách nhiệm trước dân chúng địa phương, nên
tình hình dễ mất kiểm soát nếu trung ương lỏng tay. Phân quyền ở mức độ tương
đối đã dẫn đến một thảm họa khổng lồ, đó là nạn đói lớn cuối thập niên 50 và
đầu thập niên 60, hậu quả của “Đại Nhảy vọt”. Tên chính thức của nó là “Ba năm
thiên tai”, nhưng sự thực đó là một thảm họa bắt nguồn từ cơ chế. Khi đó Trung
Quốc thực hành một nền kinh tế kế hoạch hà khắc và chính quyền trung ương buộc
nông dân phải nộp sản cho nhà nước. Thời gian này, các chính quyền địa phương
được giao nhiều quyền quản lý kinh tế hơn, trong khi hệ thống chính trị tất
nhiên vẫn tuyệt đối theo tôn ti trật tự. Cấp dưới do cấp trên đề bạt, nên công
chức các cấp bên dưới ra sức làm vừa lòng trung ương. Sản lượng thu hoạch năm
1959 không cao bằng năm 1952, nhưng các địa phương vẫn báo cáo những con số rất
lạc quan lên cấp trên, vì thế trung ương đưa ra định mức thu sản đầy hoài bão
nhưng phi thực tế. Và các địa phương lại ra sức thực hiện lệnh của trung ương –
thậm chí còn tìm cách vượt định mức, bất chấp việc nông dân không còn gì cho
mình sau khi bị cưỡng bức nộp quá nhiều cho nhà nước. Kết quả là là hàng vạn
người chết đói. Điều đó không thể xảy ra trong một hệ thống dân chủ. Nhà kinh
tế Amartya Sen đã chỉ ra rằng Ấn Độ là nước rất nghèo, nhưng không bao giờ phải
chứng kiến một nạn đói quy mô lớn như vậy, vì Ấn Độ theo thể chế dân chủ.
Maximilian Steinbeis: Berlin, trung tâm
chính trị của Đức, có đáp ứng mong đợi của ông không? Tôi rất yêu Berlin, nhưng
cũng phải thừa nhận rằng khá nhiều người Đức, nhất là những người đến từ các
thành phố lâu đời hơn, kiêu hãnh hơn, hay thịnh vượng hơn, như München, Köln, Frankfurt
hay Hamburg, đánh giá khá là tệ về cái thủ đô nghèo xác và thường kém chức năng
hoạt động này…
Trương Thiên Phàm: Nhưng đó là một điểm
rất đặc trưng của thể chế liên bang, đúng không nào? Chính việc Berlin không
thật giàu có và không được nhiều ưu đãi cho thấy là nền dân chủ và thể chế liên
bang ở đất nước này hoạt động tốt. Bắc Kinh thì hoàn toàn khác. Hiện nay người
ta đang nỗ lực đuổi hết những người nghèo đến Bắc Kinh sinh sống, những người
bị gọi là “ngoại địa nhân” hay “dân công”, ra khỏi thành phố. Ở khía cạnh này
cũng thế, nhìn kĩ hơn một chút thì Trung Quốc hoàn toàn không “xã hội chủ
nghĩa” hay “thống nhất” gì cả. Chúng tôi có muôn vàn rào cản nhân tạo ngăn
người ngoài. Rất nhiều “hàng rào định chế”. Tôi nói thực sự theo nghĩa đen đấy.
Ở Berlin, nếu bạn muốn đến Đại học Humboldt thì cứ việc đến và bước vào thôi.
Nhưng Đại học Bắc Kinh thì khác, có một bức tường cao bao bọc, muốn vào phải
trình chứng minh thư. Chúng tôi tìm mọi cách biến Bắc Kinh thành thủ đô tuyệt
vời nhất, chúng tôi tạo ra đủ kiểu đặc quyền cho nó, khiến nó tất nhiên hấp dẫn
người tỉnh khác và cả nước. Nhưng để có hộ khẩu Bắc Kinh thì vô cùng khó. Một
vị khách Đức nổi tiếng đã rất xác đáng khi gọi hộ khẩu là hộ chiếu, vì người ta
cần hộ khẩu như một thứ giấy phép đặc biệt để nhập cảnh một quốc gia khác và
hưởng vô số ưu đãi ở đó. Chỉ xin lấy một ví dụ: sinh viên có hộ khẩu Bắc Kinh
dễ được nhận vào các trường đại học danh tiếng hơn, vì phần lớn các đại học đó
nằm ở Bắc Kinh, mà chỉ tiêu cho mỗi tỉnh thì có hạn và chỉ tiêu cho Bắc Kinh
tất nhiên cao hơn hẳn. Thi đại học ở Bắc Kinh thậm chí cũng khác ở quá nửa các
tỉnh khác, và điều kiện để được nhập học đại học cũng là để bảo hộ người có hộ
khẩu Bắc Kinh. Nhân tiện, đó là một phần hệ thống “duy trì ổn định” của chúng
tôi đấy. Chúng tôi muốn người Bắc Kinh hoàn toàn hài lòng và không nghĩ đến
phản kháng. Họ (trong đó có gia đình tôi) được một tấm vé miễn phí trong cái hệ
thống bất bình đẳng và tập quyền cao độ này.
Nhưng, như tôi đã nói ban đầu, hệ thống
này sẽ phải thay đổi. Trung Quốc đã chứng kiến nền cộng hòa thứ nhất (1912) và
nền cộng hòa thứ hai (1949), dù đó chỉ là những chế độ ngụy cộng hòa. Nền cộng
hòa thứ ba rồi sẽ đến, và đó sẽ là một nền dân chủ chân chính theo thể chế liên
bang như Đức.
Nguyên bản tiếng Đức: “Die dritte – föderale
– Republik China wird irgendwann kommen“, Köpfe und Ideen,
Ausgabe 13, Januar 2018, Wissenschaftskolleg zu Berlin
Thứ bẩy ngày
22 tháng 2 năm 2020 7:54 AM
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire