Thứ Tư, ngày 29/4/2020
(PLO)-
Luật sư cho là vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết bị khởi tố oan
vì đã tố cáo Đường “nhuệ” chiếm giữ doanh nghiệp.
Ngày 29-4, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định thay
thế biện pháp ngăn chặn đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi) và
Phạm Thị Quyết (53 tuổi) từ tạm giam sang bảo lĩnh tại ngoại.
Theo đó, trưa 29-4, đoàn cán bộ của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã
có mặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình để tống đạt quyết định thay thế
biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Lẫm, Quyết.
Bị cáo Nguyễn Văn Lẫm bị TAND tỉnh Thái Bình xử sơ thẩm phạt 14
năm tù, bị cáo Phạm Thị Quyết bị phạt 13 năm tù, cùng về tội lạm dụng tín nhiệm
chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, trong quyết định, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết các
bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết có địa chỉ cư trú rõ ràng, có đơn bảo
lĩnh của con và hai người em (được chính quyền địa phương xác nhận). TAND Cấp
cao tại Hà Nội xét thấy không cần áp dụng biện pháp ngăn chặn, cần thay thế
bằng biện pháp bảo lĩnh. Tòa Cấp cao quyết định thay đổi từ biện pháp tạm giam
sang biện pháp bảo lĩnh cho tới khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm.
Như PLO đã
thông tin, vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết là chủ Công ty TNHH
Lâm Quyết (trụ sở tại xã Vũ Chính, TP Thái Bình), từng bị Đường “nhuệ” cho đàn
em tới chiếm giữ doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2017, ông Lẫm có vay của Đường “nhuệ” số tiền 1,7 tỉ
đồng, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Do khó khăn nên khi Đường “nhuệ” yêu cầu
trả tiền, ông Lẫm xin trả dần.
Chiều 3-10-2017, Đường “nhuệ” dẫn theo hàng chục đàn em mang
theo hung khí tới chiếm giữ, ăn ở luôn tại trụ sở Công ty Lâm Quyết, chỉ để cho
2 người em ông Lẫm được ở bên trong. Tới ngày 6-10-2017, vợ chồng Đường “nhuệ”
tới đuổi 2 người em ông Lẫm ra khỏi công ty, ép ông Lẫm phải chấp thuận cho
Đường xiết nợ, nếu không sẽ giết.
Sau khi ông Lẫm có đơn trình báo, tới tối 18-10-2017, nhóm Đường
“nhuệ” mới chịu rút khỏi Công ty Lâm Quyết sau khi đập phá tan tành, lấy đi các
tài sản, thiết bị, hàng hóa của doanh nghiệp này.
Công an TP Thái Bình đã vào cuộc thụ lý việc trình báo này nhưng
đến ngày 29-3-2018, ông Cao Giang Nam, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an
TP Thái Bình, ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì “hành vi không cấu
thành tội phạm”.
Chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó, ngày 12-4-2018, vợ chồng ông Lẫm bị
Công an TP Thái Bình khởi tố về ra lệnh bắt giam để điều tra về tội lạm dụng
tín nhiệm chiếm đoạt 900 triệu đồng của một bị hại khác.
Đến ngày 16-4-2018, vợ chồng ông Lẫm tới Công an TP Thái Bình
theo lệnh triệu tập thì bị bắt giam. Phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 12-6-2019, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt ông Lẫm 14 năm
tù, vợ ông Lẫm 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Luật sư bào chữa cho rằng vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết vay tiền
của ông Tới có hợp đồng chỉ là quan hệ dân sự nhưng đã bị hình sự hóa sau khi
tố Đường “nhuệ” chiếm giữ, đập phá, cướp đoạt tài sản của doanh nghiệp.
Luật sư cho rằng khi thụ lý tin báo đối với hành vi chiếm giữ,
đập phá doanh nghiệp đáng lý phải thực hiện khám nghiệm hiện trường nhưng Công
an TP Thái Bình đã không khám nghiệm, sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án
là có dấu hiệu vi phạm tố tụng và nhiều vi phạm khác.
ĐỖ HOÀNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire