27/04/2020
VOA Tiếng Việt
Dư luận Việt Nam hiện không chỉ quan tâm đến con số người nhiễm
Covid-19 tăng hay giảm, mà cũng đang rất chú ý đến tin tức về hàng loạt cơ quan
y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ tham nhũng bằng cách “thổi giá” máy móc phục vụ việc
chống dịch.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội nói
với VOA rằng ông không ngạc nhiên về điều này vì tham nhũng là “thuộc tính của
chế độ” ở Việt Nam, với thực trạng là các quan chức “không từ bất cứ thứ gì, kể
cả dịch bệnh, để kiếm chác”.
Như tin đã đưa, hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam khởi tố và bắt
giam viên giám đốc của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cùng 6 nghi phạm
khác, với cáo buộc rằng nhóm người này "câu kết, gian lận, thông đồng,
nâng khống giá trị” khi mua sắm hệ thống máy xét nghiệm tự động Covid-19, gọi tắt
là máy Realtime PCR.
Việc làm của nhóm bị quy là “gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng”
cho nhà nước, theo Bộ Công an.
Dẫn lại thông tin từ cơ quan điều tra, các báo trong nước nói
máy Realtime PCR khi nhập về Việt Nam có giá trên dưới 2 tỉ đồng, nhưng Trung
tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã mua với giá cao gấp 3 lần, là 7 tỉ
đồng.
... cơ chế của chế độ
này tạo điều kiện cho mọi người tham nhũng. Mua sắm bất cứ cái gì cho nhà nước,
bỏ tiền nhà nước ra mua thì đều có chuyện nâng giá, kê giá lên hết. Và chuyện
mua máy xét nghiệm đều không nằm ngoài cái chung đó.
Nhà báo Huỳnh
Ngọc Chênh
Trong vòng ít ngày sau khi công an bắt nhóm nghi phạm ở Hà Nội, báo chí cho hay một loạt cơ quan y tế ở ít nhất 6 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam, đã mua cùng hệ thống máy với giá từ 5,9 tỉ đến 8,4 tỉ.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo kỳ cựu Quốc Phong, từng là Phó Tổng
biên tập báo Thanh Niên, gọi vụ gian lận và nâng giá máy xét nghiệm là “ăn bẩn
tàn bạo” và đáng “căm phẫn”.
Trong các diễn đàn trên mạng như Góc nhìn Báo chí - Công dân, xuất
hiện một số cuộc thảo luận về đề tài này với nhiều lời lẽ phẫn nộ lên án “đám
cán bộ tham nhũng lợi dụng dịch bệnh để ‘ăn’ tiền ngân sách”.
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với VOA rằng vụ này, cũng
như bất cứ vụ tham nhũng nào khác từ trước đến nay, đều có gốc rễ là “cơ chế độc
đảng, không bị đối lập và xã hội dân sự giám sát, phản biện”. Ông nói thêm:
“Quan chức toàn quyền làm mọi việc. Cho nên họ thấy cái gì ăn được
là họ ăn. Tức là cơ chế của chế độ này tạo điều kiện cho mọi người tham nhũng.
Mua sắm bất cứ cái gì cho nhà nước, bỏ tiền nhà nước ra mua thì đều có chuyện
nâng giá, kê giá lên hết. Và chuyện mua máy xét nghiệm đều không nằm ngoài cái
chung đó”.
Trong khi những người sử dụng mạng xã hội yêu cầu nhà chức trách
điều tra các quan chức y tế ở các tỉnh bị nghi ngờ lợi dụng dịch Covid-19 để
tham nhũng, báo chí đưa tin rằng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật ở các tỉnh Thái
Bình, Quảng Ninh và Quảng Nam vẫn tiếp tục đàm phán để giảm thêm giá mua các
máy xét nghiệm, dù các máy đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng.
Cùng lúc, vẫn theo báo chí trong nước, một số tỉnh, thành khác
trong đó có Hải Phòng và Bắc Giang, nói rằng họ đã lắp đặt và sử dụng máy xét
nghiệm Realtime PCR nhưng đó là máy họ “mượn được” của doanh nghiệp.
Các thành viên diễn đàn Góc nhìn Báo chí - Công dân đưa ra nhận
định rằng việc doanh nghiệp “cho mượn” hoặc còn tiếp tục đàm phán giảm giá máy
xét nghiệm đã được lắp đặt và sử dụng là điều “vô lý”, vì đây là loại hàng giá
trị cao và thuộc danh mục “kinh doanh có điều kiện” theo quy định của luật.
Số người lộ liễu quá phải
chống, phải đánh, phải triệt phá để cho thấy chế độ này không dung dưỡng tham
nhũng, nhưng bản chất nó đã tham nhũng rồi. Vừa rồi chỉ là giải quyết cái ngọn
để thỏa mãn áp lực của dân chúng.
Nhà báo Huỳnh
Ngọc Chênh
Vẫn theo các thành viên diễn đàn, những động thái kể trên dường như là cách đối phó của các cơ quan y tế ở một số tỉnh do lo lắng sau khi công an bắt các nghi phạm tham nhũng ở Hà Nội.
Mặc dù vậy, theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người thường xuyên
lên tiếng trên internet để góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, việc bắt bớ hồi tuần
trước chỉ là một show diễn của chính quyền, không có tác dụng thực tế về chống
tham nhũng. Ông nói với VOA:
“Nói chống tham nhũng là nói cho vui và để đẹp mặt chế độ thôi.
Số người lộ liễu quá phải chống, phải đánh, phải triệt phá để cho thấy chế độ
này không dung dưỡng tham nhũng, nhưng bản chất nó đã tham nhũng rồi. Vừa rồi
chỉ là giải quyết cái ngọn để thỏa mãn áp lực của dân chúng. Nay bắt người này,
mai bắt người khác chỉ toàn là chuyện làm trên ngọn”.
Ông Chênh, người từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới
trao giải thưởng Công dân mạng, khẳng định với VOA rằng để chống tham nhũng hiểu
quả phải có đảng đối lập và xã hội dân sự mạnh.
Giữa lúc công luận xôn xao và bức xúc về việc nhiều tỉnh mua máy
xét nghiệm lên đến khoảng 7 tỉ đồng mỗi máy, trang Facebook chính thức của
chính phủ Việt Nam cho hay hôm 27/4 rằng doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, hay còn gọi
là Cường “đô la” đã tặng Sở Y tế tỉnh Gia Lai một máy xét nghiệm cùng loại có
giá chỉ 2 tỉ đồng vào ngày 10/4.
Nhưng đó chưa phải là mức giá thấp nhất vì một bản tin của Dân
Việt hôm 26/4 dẫn lời ông Đỗ Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết
tỉnh này mua máy xét nghiệm với giá chỉ 1,5 tỉ đồng. Ông Hùng nói rằng mức giá
7 tỉ đồng mà CDC Hà Nội trả là “quá cao” và “không chấp nhận được”.
Hiện chưa rõ số tiền cụ thể các tỉnh chi để mua máy xét nghiệm
là bao nhiêu. Về tổng kinh phí phòng chống dịch Covid-19, báo chí Việt Nam dẫn
lời lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến nay số tiền ngân sách trung ương đã
chi là khoảng 3.000 tỉ đồng.
Trong số tiền đó, một phần dành cho mua sắm trang thiết bị, vật
tư y tế. Phần còn được dùng để trả phụ cấp cho các lực lượng tham gia chống dịch,
và hỗ trợ trực tiếp cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch này, như chi tiền ăn
cho hàng chục ngàn người bị cách ly.
Báo cáo về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc
tế công bố hồi tháng 1 năm nay cho thấy Việt Nam đứng ở vị trí 96 trong bảng xếp
hạng gồm 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với vị trí này, Việt Nam được đánh giá là đạt chỉ số cao nhất kể
từ năm 1997 trở lại đây, nhưng vẫn nằm trong số các quốc gia có nhiều tham
nhũng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire