29/05/2020

Trông mẹ nầy nhớ mẹ kia


Thiện Tùng

28/5/2020



 Người ta thường nói “Cha sanh, Mẹ đẻ”, “sanh đẻ đạo đồng”. Biết rằng sanh dễ hơn đẻ, nhưng người sanh còn phải vất vả cưu mang người có thai và  nuôi nấn, chăm sóc con đến khi nó khôn lớn. Bởi vậy mới có câu: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Thế mà, vào những ngày khác nhau, cứ đến tháng Ba hoặc tháng Năm, khắp toàn cầu người ta thường tổ chức lễ hội “vinh danh người mẹ” mà không tổ chức lễ hội “vinh danh người cha”?! - sao kỳ lạ và bất công như thế?

 Việt Nam ta còn kỳ lạ, bất công hơn: Cũng ngoài không tính gì đến người cha, cứ vào những tháng nầy không tổ chức “vinh danh người mẹ” nói chung như người ta mà chỉ vinh danh những bà “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.


II.- DANH HIỆU “MẸ VN ANH HÙNG”
Hồi ức về chồng, về con luôn hiện hữu trong tâm trí mẹ Lại Thị Bướng


1/ Hoàn cảnh ra đời

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Tháng 5/1994, Tổng cục Chinh trị đề nghi, Ban Bí thư triệu tập, tổng Bí thư Đỗ Mười chủ trì cuộc họp Bàn về  danh hiệu và chính sách đãi ngộ thỏa đáng cả về tinh thần và vật chất đối với một đối tượng đặc biệt – đó là những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc bản thân và những người thân ưu tú. 

Sau cuộc họp nói trên, cuộc họp liên tịch gồm Ban Bí thư, Chính phủ, Ủy ban  thường vụ Quốc Hội, Bộ Thương binh-Xã hội, Bộ Tài Chính để nghe Tổng Cục Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng trình bày về dự thảo Tiêu chuẩn / Danh hiệu / Chế độ được hưởng đối với những bà mẹ có người thân tử trận.

+ Danh hiệu: “Mẹ Việt Nam Anh Hùng”.

+Tiêu chuẩn:

 - Có 2 con trở lên là liệt sĩ;-

 - Có 2 con mà 1 con là liệt sĩ, 1 con là thương binh với thương tật từ 81% trở lên.

 - Chỉ có 1 con mà người đó là liệt sĩ;

 - Có 1 con là liệt sĩ, chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.



+ Chế độ được hưởng: Được cấp tiền hàng tháng với định mức như nhau.

 Ngày 10/9/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Sắc lệnh công bố Pháp lệnh Quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Ngày 20/10/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 167-CP thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng".



2/ Thống kê, đãi ngộ

Từ khi nghị định 167-CP của Chính phủ có hiệu lực vào tháng 12/1994, hàng năm số lượng Mẹ Việt nam Anh hùng” tăng lên không ngừng. Theo thống kê được phát trên HTV9, đến hết năm 2018, cả nước có 127.000 mẹ nhận danh hiệu MVNAH  và hưởng chế độ đãi ngộ bằng tiền hàng tháng (xem như lãnh lương).

Về chế độ đãi ngộ làm được như thế là tốt rồi. Nhưng về danh hiệu còn có lời ra tiếng vào: Người ra tiền tuyến chết còn phân làm 3 loại tử sĩ, liệt sĩ, anh hùng liệt sĩ, còn những bà mẹ chỉ ở phía sau (ở nhà) mà phong “anh hùng” liệu có quá đáng không? – phong danh hiệu “Bà mẹ đau khổ” là vừa phải, thích hợp hơn. Và vì sao có danh hiệu “Mẹ Việt nam Anh hùng” mà không có danh hiệu “Cha Việt nam Anh hùng”?.

*

Khi Nhà nước sắc phong danh hiệu “Mẹ Việt nam Anh hùng”, tôi lại nghĩ về danh hiệu Mẹ Chiến sĩ ” do chánh quyền Cách mạng phong trong thời chiến.


II.- DANH HIỆU “ MẸ CHIẾN SĨ ”

1/ Hoàn cảnh ra đời

Trong 2 cuộc kháng chiến 30 năm (1945-1975) chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, chiến trường luôn bị chia cắt, công việc Hậu cần như tiếp lương, tải đạn, điều trị, chăm sóc thương bịnh binh khó khăn vô cùng. Chính vì vậy, phải vận động nhân dân tham gia làm hậu cần để chia sớt gánh nặng. Những người phụ nữ độc thân, góa bụa ở trong vùng căn cứ địa Cách mạng, ngoài rảnh tay rảnh chân, họ thích tham gia hoạt động xã hội cho đỡ trống trải cô đơn, tự nguyện làm việc không lương, gánh vác mọi nặng nhọc ở hậu phương như vận động nhân dân tiếp lương, tải đạn, chăm sóc thương bịnh binh, thu gom xác chết cán bộ chiến sĩ còn bỏ lại chiến trường về chôn cất..v.v… Những bà nhiệt tình, tiêu biểu nhứt trong số mới được Cách mạng xét phong cho danh hiệu “Mẹ chiến sĩ – bất kỳ ai tham gia kháng chiến đều là con của các bà, được các bà có trách nhiệm giúp đỡ, cưu mang về mọi mặt. 


2/ Đời cô đọc, trở về với cô độc

Trong chuyến đi lấy cốt đồng đội, tôi có dịp trao đổi với 2 “Mẹ chiến sĩ” – mẹ Hai và mẹ Tư ở xã Tân Thành, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng tháp (nay) mới hiểu sâu hơn tấm lòng và tâm trạng của họ:

<< Hồi tụi con giao có ghi rõ tên họ, quê quán kèm theo từng cái xác kia mà?! – tôi nói. 

Chiến tranh không đơn giản chút nào – mẹ Tư nói: Trong số hơn trăm cái mộ cán bộ chiến sĩ chôn ở vuông đất của mẹ, có khoảng 70 cái mộ có tên, khoảng 30 mộ không tên. Số không tên phần lớn do mẹ tự đi gom nhặt khắp nơi đem về. Nói chung chôn có sơ đồ, có bia mộ bằng ván cây. Năm 1971, người phụ trách Thương binh Liệt sĩ xã nầy bị bắt, mất hết hồ sơ. Đáng nói hơn, mỗi lần càn, khi đi qua nghĩa trang - kể cả những cái mộ chôn ở nền trường học, bọn trời đánh thánh đâm đập phá bia mộ. Đập đi đập lại nhiều lần riết hết nhớ nổi. Bí quá mới nghĩ ra, mẹ nhờ anh em vẽ lại sơ đồ và viết tên họ, quê quán những cái còn biết bỏ vào chai, nét nút kỹ chôn ở đầu mộ, đóng cọc làm dấu. Sau 30/4/1975, căn cứ vào đó lập lại bia mộ. Số có tên tuột xuống chỉ còn một nửa trong tổng số (50%).

Những cái mộ có tên, tập thể hoặc gia đình lần lượt đến bốc cốt đem về. Hơn 50 mộ không tên không một ai hỏi han gì, suốt mười mấy năm, mẹ và bà con ở đây chăm sóc. Đối đế, mẹ và cháu Bá đây báo cáo về trên. Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm rồi, Tỉnh cử một đoàn người đến hốt hết về Nghĩa trang Cao Lãnh. Càng nghĩ càng thương cho gia đình và bản thân những người vô danh - sinh ra, lớn lên, theo kháng chiến có danh, chết lại vô danh! Đôi khi mẹ cũng tự trách mình, chỉ có cái bia mộ mà không sớm nghĩ ra cách bảo vệ, để cho số vô danh tăng lên vô lý quá!...

Chuyện đã vậy - tôi an ủi: Thôi đi má ơi, có buồn đau, tự trách cũng không thể khác. Xét ra, cũng chẳng mấy ai trong điều kiện như vậy làm được những điều kỳ diệu như mẹ?.

Nảy giờ ngồi làm thinh, đột nhiên anh Bá, trưởng Ban Xã hội thương binh xã Tân Thành ứng khẩu hơi lạc đề:  “Có điều tôi chưa tự giải đáp, phần lớn “Mẹ Chiến sĩ” là những người độc thân, góa bụa?.

Như bị thọt lét, mẹ Hai gượng cười, lý giải về câu nói của Bá: Mầy không hiểu cũng phải, vì mầy đâu có độc thân và góa bụa. Mầy quan sát như vậy là kỹ, nhưng mầy có biết đâu, phàm là phụ nữ, ai cũng sợ cô đơn lúc tuổi già. Những phụ nữ độc thân, góa bụa cầm chắc lúc tuổi già sẽ phải sống cô độc, không người nương tựa. Họ thích tham gia hoạt động xã hội không phải vì danh vọng, bạc tiền mà mưu cầu tìm cái mình đang thiếu để lấp vào khoảng trống ấy. Họ khao khát thiên chức làm mẹ dầu phải hao tốn, cực khổ. Tình thương của họ bao la biển trời và chia đồng cho những ai gọi họ bằng mẹ - gọi bằng Mẹ thích hơn gọi bằng Dì, và gọi bằng Dì thích hơn các tên gọi khác - Dì như Mẹ? Cũng thấy, cũng biết chớ không đâu: trong những người gọi tao bằng mẹ, một số gọi thế cho vơi bớt nỗi nhớ mẹ ruột mình - mưu cầu lợi ích tinh thần; một số không phải ít khác gọi thế để nhờ cái nầy, xin cái kia, mượn cái nọ... - mưu cầu lợi ích vật chất. Dựa vào mối quan hệ mẹ con như ruột thịt ấy, những người lãnh đạo cách mạng sử dụng những người “Mẹ Chiến sĩ” như lực lượng hậu cần mà không phải tốn phí.

Trông có vẻ ngạc nhiên về những gì má Hai vừa nói, anh Bá gợi suy: Má kết luận như thế có vội vàng và quá đáng không?

Tao cũng chẳng biết nữa - má Hai nói tiếp: Có điều từ sau Giải phóng (30/4/1975) đến giờ, danh hiệu “Mẹ Chiến sĩ” hay cụ thể hơn những người Mẹ Chiến sĩ đã đi vào quên lãng, đến nay chẳng ai còn thèm nhắc đến nó nữa. Và những ai gọi tao bằng mẹ thuở nào, hiện giờ đang ở đâu, sống chết thế nào tao cũng không được biết! Chỉ biết đời cô độc trở về với cô độc?! Nhưng dầu sao tao cũng cám ơn tụi nó, nhờ chúng mà có một thời tao đỡ trống trải cô đơn. Dầu không muốn cũng phải thừa nhận một thực tế: mối quan hệ Mẹ và Con Chiến sĩ chẳng qua là sự hợp tan trò dâu biển - khi thấy còn cần thì hợp, không cần thì tan? Đúng ra, những người độc thân và góa bụa, như tao chẳng hạn, còn cần hợp quá đấy chớ, nhưng đã hợp thì không thể đơn phương?
Đời cô độc trở về với cô độc!
                        

Anh Bá lại thắc mắc: “Mẹ Chiến sĩ” hành động tự giác như một cán bộ Hậu cần, dài hạn, dày công nuôi dưỡng, chăm sóc cán bộ, chiến sĩ, thương binh, mả mồ liệt sĩ; còn “Mẹ Việt nam Anh hùng” chưa hẳn tự giác, chỉ là người có chồng có con theo cách mạng chẳng may hy sinh, miễn có người chết đủ số theo quy định là được phong danh hiệu. Trong hiện tại “Mẹ Việt nam Anh hùng” được hưởng chế độ theo chính sách, còn “Mẹ Chiến sĩ” thì chẳng được hưởng gì và bị lãng quên - Sao lại bất công như thế?! Điều đáng nói nữa: Liệt sĩ hay tử sĩ gì đó đều phải có cha có mẹ, cớ sao chỉ có “Mẹ Việt nam Anh hùng” mà không có “Cha Việt nam Anh hùng”? - Cũng lại là một sự bất công?!

Anh thắc mắc như thế là có cơ sở - tôi nói: “Anh Bá nhận ra những điều bất công đó chứng tỏ anh là người có đủ tiêu chuẩn làm Xã hội Thương binh. Nhưng chỗ anh nói không phải ở đây mà ở cấp lãnh đạo của anh”?

Có lẽ nhân dịp, mẹ Tư cũng nói đôi điều cho vơi bớt nỗi lòng: Hồi còn chiến tranh khó khăn, nguy hiểm vậy chớ vui, nhà tao hết đứa nầy lui đứa kia tới như thoi đưa, nhưng sau Giải phóng chẳng thấy một meo nào lai vãng. Những thằng sống không tới, tao lấy việc chăm sóc mộ mấy thằng chết làm vui. Nhưng ngày lại ngày, những đứa chết có danh cũng lần lượt theo tập thể hoặc gia đình ra đi! Cũng không sao, tao cũng còn hơn 50 cái mộ vô danh để sưởi ấm. Thế rồi năm ngoái, Tỉnh đến hốt hết số vô danh nầy về Nghĩa trang Cao Lãnh. Vậy là hết, một mình tao trơ trọi với một cảnh tượng não lòng: Bên nầy là nhà tao, bên kia là mộ thằng “thằng lính Ngụy”, chính giữa là nền cũ của bãi tha ma với những bia mộ, những mảnh nylon gói xác nhầu nát vô dụng vứt bừa ra đó. Riết thành thói quen, khi buồn tao cũng sang bên ấy đốt nhang cấm trên mộ “thằng lính Ngụy” bất hạnh ấy. Suy cho cùng, thằng bị gọi là Ngụy ấy cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến, bị người ta lừa gạt hay bắt buộc xua ra trận chết bỏ thây. Đó là chưa nói, chính tao chớ không ai khác, lợi dụng cái xác nó qua mặt xếp bót để tìm xác mấy thằng khác phe kia. Để lát nữa tụi bây qua bên đó xem, tao đã trồng xong cả ngàn cây Bạch Đàn trên bãi tha ma ấy, mỗi cây như một mũi kim vá lại vếch rách lòng tao >>.


**

Ngày 27/7, tôi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang. Có một bà già đang lủi thủi đốt nhang cấm trên từng ngôi mộ chiến sĩ, không đếm xỉa gì đến đoàn của Tỉnh Ủy tỉnh Tiềng Giang đang tập trung nhang lễ trên tượng đài, thấy lạ, tôi đến tìm hiểu bà ấy là ai mà “mổi lỗ mỗi tỉa” như thế. Không ngờ, đó là mẹ “Mẹ chiến sĩ” với tên thường gọi là má Tám. Nhìn tôi bà nói: “Mấy thằng sống bay nhảy khắp nơi không biết đâu mà tìm, nhân ngày thương binh liệt sĩ, mẹ đến đốt nhang cho mấy thằng chết. Ốp nhang còn lại nè, tao mệt quá rồi, mầy thay tao đốt cấm cho tụi nó, tao về kẽo nắng lên mệt lắm!”. Tôi cầm ốp nhang theo bà ra cổng đón xe gởi bà về  huyện Cai Lậy.

Tâm trạng của ba mẹ Hai, Tư, Tám  tác động vào tâm tưởng tôi. Dịp Hội Văn nghệ (Văn học Nghệ thuật) phát động sáng tác vọng cổ về thương binh liệt sĩ, moi từ ký ức, tôi viết 6 câu vọng cổ với tựa đề “Nỗi lòng người mẹ” dự thi nhưng không được ứng thí, theo Ban giám khảo: Bài viết của anh có thể đạt giải, nhưng nhứt là câu 6 “găng” quá nên không thể đưa bài vào dự thi”. Nội dung câu 6 như sau:

Câu 6: Các con ơi! Có người mẹ nào chẳng xót đau khi thấy trong đám con mình đứa thì đi rồi đi mãi; đứa thì tật nguyền sống vời chuổi ngày dầu dãi nắng sương; đứa thì bị cầm giam trong 4 bức tường bởi can tội chi chi đó; đứa thì tham giàu phụ khó, chẳng còn nghĩ chi đến tình nghĩa riêng chung mà bấy lâu chúng ta đã dày công xây đắp vun bồi…Thôi, tình tình nghĩa mẹ con ta bao nhiêu đó cũng đủ rồi… Giả biệt các con, quê nghèo mẹ trở lại. Xin van vái với đất trời hãy phò hộ cho những đứa con tôi. -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire