07/05/2020

VÌ MUỐN TÁI CỬ, ÔNG TRUMP HỦY HOẠI CẢ UY DANH CỦA NGÔI VỊ TỔNG THỐNG


TS Lê Mạnh Hùng
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công khai khuyến khích những người ủng hộ nổi lên chống lại lệnh cách ly của các chính quyền tiểu bang không những không có tư cách của một vị tổng thống mà còn phá hủy đến chính cái uy tín của ngôi vị tổng thống. Đó là vì hành động của ông Trump đi ngược lại với chính cái lý do căn bản vì sao hiến pháp Mỹ lại lập ra ngôi vị tổng thống.

Cơ sở căn bản cho việc thành lập ra một ngôi vị tổng thống là để có một vị do dân bầu lên đại biểu cho quyền lợi của toàn thể đất nước chứ không phải một tiểu bang nào hay một tầng lớp nào. Điều đó có nghĩa là mục tiêu của ngôi vị tổng thống là thống nhất, đoàn kết tất cả mọi người dưới một biểu tượng mà ông tổng thống là đại diện. Trong khi đó, mục tiêu của ông Trump là thúc đẩy việc chia rẽ giữa các tiểu bang, giữa dân chúng trong một tiểu bang với nhau. Thành ra ông đã phá họai đến tận cơ sở của một nước Mỹ thống nhất nhằm thu lợi cho cá nhân mình trong cuộc bầu cử.
Muốn hiểu vì sao nước Mỹ có một tổng thống, chúng ta trước hết phải quay về lịch sử. Khi các vị cha già của nước Mỹ giải phóng đất nước ra khỏi sự cai trị của Anh, họ quyết định thành lập một nước cộng hòa trong đó tất cả chính quyền là do dân bầu và không có ai có thể đứng trên pháp luật. Nhưng vì sao họ lại chọn một chế độ tổng thống thay vì một chế đô đại nghị trong đó quyền hành trong tay Quốc Hội là người cầm đầu chính phủ là môt vị thủ tuớng, “primus inter pare”(đứng đầu trong những người bình đẳng), thành viên của Quốc Hội giống của Anh cũng như hầu hết các nuớc Tây Âu hiện nay?
Đó là vì các nhà soạn thảo ra hiến pháp của Mỹ muốn tạo ra một cách phân quyền khác với cung cách phân quyền tại Anh. Tổng thống không phải là một vị quân vương, nhưng ông và chính phủ của ông cũng đóng một số vai trò mà nhà vua đóng trong hiến pháp của Anh.
Và vai trò của nhà vua, theo quan niệm của Locke và một số các nhà chính trị học Anh của thế kỷ thứ 18 là ông không đại diện cho quyền lợi của một tầng lớp nào trong nước mà là quyền lợi của toàn thể dân chúng.
“Một vị quân vuơng đại diện cho tất cả mọi người là một vị quân vương chân chính, đại diện cho quyền lợi bao quát của patria – đất nước. Không ủng hộ một đảng nào nhưng cai trị như là cha già của tất cả dân tộc mới là đặc trưng của một vị quân vương chân chính, thành ra những ai không làm như vậy coi như là đã từ bỏ ngai vàng”
Đó là quan điểm của Henry St John, First Viscount Bolingbroke, trong cuốn sách “Khái niệm về một Quân Vương chân chính.”
Những nhà soạn thảo hiến pháp Hoa Kỳ thiết lập một hệ thống trong đó các thành viên của cả Hạ Viện và Thương Viện được chọn từ các tiểu bang. Và tuy rằng họ hy vọng rằng những nhà lập pháp này sẽ đặt nặng quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của khu vực mình đại diện, nhưng họ cũng thực tế. Họ biết rằng các thành viên của Quốc hội phải lo trước đến quyền lợi của những người họ đại diện.
Tổng thống ngược lại do toàn dân bầu lên. Ông, cùng với phó tổng thống là những người độc nhất mà có thể nói là đại diện cho tòan dân. Thành ra tổng thống phải được coi như là một quân vương chân chính, đứng trên đảng phái hay quyền lợi cục bộ.
Cố nhiên là không có một vị tổng thống nào đạt được lý tuởng như vậy. Ngay cả Tổng thống George Washington, mà các nhà sọan thảo hiến pháp hy vọng rằng có thể đại biểu cho lý tưởng này cũng trở thành thiên vị cho đảng Federalist trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Thế nhưng hầu hết các vị tổng thống Mỹ từ trước đến nay cũng cố gắng cai trị một cách làm sao phục vụ cho quyền lợi quốc gia chứ không phải quyền lợi cục bộ. Đó không phải là vì họ không biết quyền lợi của đảng mà họ đại diện, nhưng vì họ thấu hiểu bản chất của ngôi vị tổng thống. Tổng thống là đại biểu cho toàn quốc và thông thường hành động như vậy.
Nhưng ông Trump hành động hoàn toàn ngược lại. Thay vì chấp nhận ý tưởng một chính sách duy nhất cho toàn quốc, ông đã kích thích những cuộc biểu tình phản đối để tìm cách buộc một số tiểu bang phải từ bỏ chính sách của họ. Và lý do ông Trump hành động rõ ràng là có tính cách bè phái, ông muốn kích thích các ủng hộ viên cơ sở của mình và ông muốn nhận công nếu lúc nào có một sự nới lòng những giới hạn khi tình hình bắt đầu sáng sủa hơn.
Vấn đề không phải là ông Trump muốn được tái cử. Vị tổng thống nào khi lên cầm quyền cũng muốn được tái cử. Vấn đề là ông sẵn sàng hủy bỏ cả cái ngôi vị tôn nghiêm của chức vụ tổng thống để được tái cử.
Nếu ngôi vị tổng thống không còn là một biểu tượng để đoàn kết dân tộc mà trở thành biểu tuợng chia rẽ dân tộc thì nước Mỹ có lẽ sẽ tốt hơn nếu không có tổng thống. Ở một nơi nào đó, bóng ma của Tổng thống Andrew Jackson, người mà ông Trump coi như là thần tượng, chắc cũng phải muốn chồm dậy. Dù là một vị tổng thống đầy bè phái, ông Jackson không bao giờ chấp nhận một sự phân rẽ như ông Trump đang làm.

April 2020
TS Lê Mạnh Hùng

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire