Lá thư cậy đăng
trên báo New York
Times ngày 19/3/1978,
do một nhóm người Mỹ
da đen đồng ký tên.
Nguồn:
TNYT.
|
Người dịch : Lan Bui
Sau đây là bản dịch lá thư cậy đăng trên báo New York Times ngày
19/3/1978, do một nhóm người Mỹ da đen đồng ký tên. Họ là những nhân vật thành
danh trong nhiều lãnh vực, từ giáo dục đến kinh tế cũng như chính trị.
Từ các quốc gia cộng sản vùng Đông Nam Á, hàng ngàn người tị nạn
bất hạnh của Việt Nam, Lào và Cam Bốt đang trốn chạy và hiện sống lây lất trong
các trại tị nạn. Đa số phải đối mặt một tương lai đáng sợ: bị hất hủi nơi họ
đang tạm trú, không tìm được công ăn việc làm, và — tệ hại hơn nữa — bị đuổi
trở về nguyên quán và có thể mất mạng.
Chúng tôi, những công dân trong cộng đồng da đen — một cộng đồng
mà bản thân vẫn còn đang phải chịu đựng nhiều sự bất công kinh tế — rất quan
tâm và đồng cảm với người anh em Á Châu trong trại tị nạn. Nhưng mối quan tâm
này cần vượt qua biên giới của sự đồng cảm. Chúng ta cần phải đi đến hành động.
Nhiều người Mỹ, tuy có lòng tốt, lý luận rằng hành động trong
trường hợp này không khả dĩ về mặt kinh tế và có thể nổ ra xung đột. Chúng tôi
nhận thức rất rõ tình hình kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay ở Mỹ — nhất là
trong cộng đồng da đen của mình — và chúng tôi cũng hiểu là bất cứ chương trình
giúp đỡ người tị nạn nào cũng sẽ có cái giá phải trả dù khiêm tốn. Nhưng chúng
tôi cực lực phản đối tâm lý treo bảng giá lên đầu những người tị nạn Đông
Dương.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã từng chứng tỏ chúng ta có khả năng
thích nghi và đối phó với những hoàn cảnh bất thường tưởng chừng bất khả. Chúng
tôi tin rằng người dân Mỹ đủ sức một lần nữa dang tay cứu vớt một cộng đồng
thiểu số — những người tị nạn — để giúp họ an cư và tạo cho họ niềm hy vọng.
Vì thế, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Tổng thống Jimmy Carter và
Quốc Hội hãy tìm cách mở cửa cho những người tị nạn này vào nước Mỹ, trong tinh
thần tương trợ mà trước đây chúng tôi đã kêu gọi quý vị chấp nhận nạn nhân của
chế độ phân chủng ở Nam Phi.
Qua bao cuộc đấu tranh gian khổ cho quyền bình đẳng dân sự,
chính trị cũng như kinh tế trên đất nước này, chúng tôi rút ra được một bài học
cơ bản: Cuộc đấu tranh cho quyền tự do kinh tế và chính trị của mình dính liền
với việc đi tìm tự do của người tị nạn Đông Dương. Nếu chính phủ Hoa Kỳ không
thể hiện được lòng trắc ẩn đối với những con người bất hạnh ấy thì vô cùng khó
để tin rằng chính quyền này có thể quan tâm đến người thiểu số da đen hay người
nghèo tại Mỹ.
Quý vị có thể đóng góp cho chương trình cứu trợ người tị nạn
Đông Dương, và giúp trả chi phí cho lá thư này, bằng cách gởi tiền (được trừ
thuế) đến tổ chức International Rescue Committee tại địa chỉ …
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire