18/08/2020

Đảng lãnh đạo…


Thiện Tùng

16/8/2020
Ngày nào chúng ta còn chấp nhận điều 4 Hiến pháp:“Đảng CSVN lãnh đạo Nhà nước và Xã hội trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối” thì ngày ấy chúng ta phải làm theo Đảng CSVN từ A đến Z. Hơn ai hết, là quan chức cao cấp, lúc sống cũng như khi đã chết, phải gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng.

Ông Lê Minh Diễn, con trai nguyên Tổng Bí thư Lê
             Khả Phiêu đọc lời đáp từ (ảnh chụp qua màn hình).


Thế mà, hôm chiều 15/8/2020,  Lê Minh Diễn đọc bài đáp từ tại lễ tang bố mình là Cựu Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu có đoạn gây ngỡ ngàng, xúc động  đối với nhiều người: “…Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con. Bố ra đi để lại sự trống vắng trong gia đình. Con xin lỗi bố, con đã không thực hiện được ý nguyện của bố là thiêu xác, rải tro cốt ở 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời bố”.

Minh Diễn thân mến, dầu Nghị định số 62/2001/NĐ-CP đã quy định: “… Việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ cấp cao đương chức, thôi giữ chức hoặc đã nghỉ hưu  khi từ trần có quyền lựa chọn nơi an táng hay hỏa táng”. Phải hiểu rằng, lúc sinh tiền, là  Cựu Tổng Bí thư, bác Phiêu cũng chấp nhận “Đảng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối”  thì, khi chết, chắc Bác cũng phải chấp nhận dầu Đảng làm trái ý nguyện của mình. Có điều, là con, là người  thân, ai chẳng đau lòng khi không thể thực hiện được lời dặn của người quá cố?!. Nhưng trường hợp   ước nguyện không được thực hiện như bác Phiêu đâu phải là cá biệt, đồng cảnh ngộ với Bác còn có: 


1/ Thủ tướng Võ văn Kiệt  

Trước khi qua đời, Thủ tướng Võ văn Kiệt viết trong di bút (được công bố đầu năm 2009) cũng đầy xúc động: “…Sanh đâu, nằm xuống ở đó, nhưng tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt: Người vợ quá cố của tôi (bà Trần thị Kim Anh) và hai con tôi nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966). Những nỗi đau không nguôi gần 30 năm. Và từ đó, tôi có một nguyện vọng: khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn (nơi vợ con tôi chết) để trọn nghĩa thủy chung, đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở bên kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không – chắc là không – thì tâm hồn tôi cũng được thanh thản…”.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần sáng sớm ngày 11/6/2008. Đến 19 giờ ngày 12 tháng 6 năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo về cái chết của ông Võ Văn Kiệt, và việc tổ chức tang lễ cho ông với nghi thức Quốc tang trong hai ngày 14 và 15 tháng 6 năm 2008. Thế là cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã không được Bộ Chính trị chấp nhận ý nguyện do ông lựa chọn trước khi trần. Lễ an táng ông Kiệt được tổ chức vào trưa ngày 15 tháng 6 và an táng tại nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.

Không còn cách nào khác, đến ngày 11/1/2009,  con gái ông  Võ văn Kiệt là  Võ Hiếu Dân cùng gia đình của ông Kiệt  đốt những di vật của Ông để lại rồi lấy tro rải tượng trưng xuống sông Sài Gòn, đoạn đi qua huyện Củ Chi, nơi 43 năm về trước, vợ và hai  con Ông đã chết như nói trên. 

 2/ Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên:

Trường hợp của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng tương tự. Đồng Sỹ Nguyên  từ trần hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4/4/2019. Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức Lễ tang cho ông Nguyên với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước, an táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Trước khi mất khoảng 10 năm, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã từng có ước nguyện khi chết được về yên nghỉ cạnh hơn một vạn đồng đội của Binh đoàn Trường Sơn tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo lời kể của ông Hồ Tất Ái,  phó Ban quản lý Nghĩa trang Trường Sơn: Vào thời điểm đó, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã bày tỏ mong muốn với phía tỉnh Quảng Trị và Ban quản trang cho phép mình được về nằm cùng đồng đội trong nghĩa trang khi qua đời. Khi nhận được sự đồng ý, sau đó , tướng Đồng Sỹ Nguyên trở lại nghĩa trang nầy, tự mình đi chọn trước một vị trí trong khuôn viên để về an nghỉ với đồng đội sau khi mất. Nơi tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn là một khu đất giữa khu quần tượng và nằm sát khu an nghỉ của những liệt sĩ thuộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Nếu nhìn từ phía tượng đài chính của nghĩa trang, khu đất này nằm hơi chếch về phía Tây, cách khoảng 100 mét, lọt thỏm giữa những gốc thông”.

Cuộc đời binh nghiệp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Chính vị tướng này là người đề nghị Tổng bí thư Lê Duẩn xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia để làm nơi yên nghỉ cho hơn một vạn liệt sĩ là bộ đội đang nằm rải rác khắp dải Trường Sơn. Sau đó, ông cũng chính là người chỉ huy xây dựng nghĩa trang và quy tập hơn một vạn liệt sĩ Trường Sơn về yên nghỉ  tại đây.  Đến những năm gần đây khi tuổi đã cao, ông vẫn chưa khi nào quên hình ảnh Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong tâm trí. Khi khỏe mạnh, năm nào ông cũng vào thăm bằng được. Lúc già yếu không đi được nữa, ông cũng thường xuyên gọi điện cho Ban quản trang hỏi thăm tình hình của các phần mộ đồng đội”.  

Trường hợp của trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có ước nguyện cuối đời được nằm bên đồng đội tại nghĩa trang Trường Sơn cũng không thực hiện được: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từ trần hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4/4/2019. Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước, an táng tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, Ba Vì, thành phố Hà Nội. Dầu đau lòng, nhưng gia quyến và Ban quản trang Trường Sơn cũng phải chấp nhận?!.

3/  Lãnh tụ Hồ Chí Minh

Năm 1969, khi biết  mình không còn sống được bao lâu nữa, sẽ phải theo Các Mác, Lê Nin, ngày đêm Người nắn nót viết Di chúc, nội dung có đoạn nói về đời tư: “Khi tôi qua đời chớ nên điếu phúng linh đình hao tốn tiền của của nhân dân, hãy thiêu xác tôi, tro chia làm 3 phần cho ba miền Bắc, Trung, Nam để từng địa phương lập chỗ thờ khiêm tốn, thoáng mát, để hủ tro vào đó, cho những ai còn nghĩ đến tôi thăm viếng trong khi rảnh rỗi”.

Cụ Hồ căn dặn kỹ trong di chúc như thế. Thế mà, không biết với dụng ý gì,  Bộ Chính trị Đảng Lao động VN (tiền thân của Đảng CSVN hiện nay) không  làm theo ý nguyện của Cụ. Họ ướp xác Cụ, lập lăng thờ , ngày đêm cắt đặt lính canh gác xác Cụ, làm tượng đài Cụ trên khắp cùng đất nước. Tính đến nay đã 51 năm (1969-2020) tổn phí biết bao tiền của của nhân dân. Đáng nói hơn, Cụ qua đời ngày 2/9/1969 mà, lúc bấy giờ,  Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam công bố Cụ mất ngày 3/9/1969 – cãi tử hoàn sinh cho cụ thêm 1 ngày!.

 Theo điều 4 Hiến pháp ấn định quyền hạn của Đảng CSVN như vậy. Với lãnh tụ Hồ Chí minh “Đảng ta” vẫn làm như thế thì, Minh Diễn ơi, Hiếu Dân ơi, gia đình Đồng Sĩ Nguyên ơi buồn làm chi nữa!. Theo thiển nghĩ của tôi: Hiếu Dân đã làm như thế  chắc bác Kiệt đã yên lòng nơi đáy mộ / Minh Diễn nên làm theo cách của Hiếu Dân để cho bác Phiêu thỏa nguyện /  Riêng  gia đình bác Đồng Sĩ Nguyên nên đến nghĩa trang Trường Sơn xin làm “mộ gió” cho bác Nguyên sớm sum hợp với  hàng vạn đồng đội  thuộc Binh đoàn Trường Sơn của mình đã  ngã xuống trên núi đồi Trường Sơn huyền thoại. -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire