29/08/2020

Sự “biến mất” khó hiểu của Hoàng Sa, Trường Sa


 Nguyễn Duy Xuân

Chuyện không thể tin được vừa mới xảy ra tại hội thảo "Phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam" tổ chức tại khách sạn Melia Hà Nội sáng 25-8.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020 với tiêu đề "Đột phá để phục hồi và phát triển Xanh vì cuộc sống an lành" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cùng phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và các đối tác tổ chức theo cả hai hình thức online và offline.


Ngay sau khi khai mạc hội thảo sáng 25-8, ban tổ chức đã chia sẻ một tài liệu có bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sự việc ngay lập tức được các đại biểu tham dự hội thảo phát hiện. Chiều cùng ngày, ban tổ chức chương trình đã chính thức xin lỗi về sự cố này.

"Toàn bộ số tài liệu sai sót về bản đồ đã được thu hồi, đồng thời ban tổ chức đã làm việc với cơ quan chức năng của Hà Nội về sai sót này", ban tổ chức cho biết.

Một sự cố có thể nói là nghiêm trọng và không phải hy hữu. Nghiêm trọng bởi liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang rất nóng bấy lâu nay. Nghiêm trọng vì chuyện này lại xảy ra tại một cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia cho nên mức độ ảnh hưởng và tác động của nó là không hề nhỏ.

Vấn đề đặt ra ở đây là, tài liệu chứa bản đồ Việt Nam không có Hoàng Sa, Trường Sa nhưng những bộ óc thông thái, nhạy bén của các nhà nghiên cứu - tác giả của các đề tài khoa học - cũng như đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo lại không mảy may phát hiện ra? Đừng nói là "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về thiếu sót ngoài ý muốn này”.

Trước sự cố này mấy hôm, dư luận cũng đã tỏ thái độ bức xúc về việc phim “Lấy danh nghĩa người nhà” do Trung Quốc sản xuất có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được FPT Play - một trong những đơn vị mua bản quyền - chiếu tại Việt Nam dù đơn vị này đã chủ động cắt bỏ một số cảnh phim có “đường lưỡi bò” trong đó.

Thật nghịch lý khi Trung Quốc thì cố tình lồng ghép hình ảnh “đường lưỡi bò” hay cái gọi là Tây Sa, Nam Sa (cách Trung Quốc gọi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) vào bất cứ sản phẩm nào có thể để xuất cảnh ra nước ngoài còn chúng ta thì, sao dễ “quên” biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình đến thế?

Để xảy ra những sự cố nghiêm trọng nói trên không thể cứ biện minh theo kiểu “sơ suất” để rồi “xin lỗi”, “lấy làm tiếc” là xong. Cần phải xử phạt nghiêm khắc thì mới đủ sức răn đe, cảnh báo cho những ai đã, đang và sẽ “quên ý thức trách nhiệm công dân”, biến mình thành công cụ tuyên truyền, quảng bá cho những mưu đồ thâm độc liên quan đến chủ quyền quốc gia.



Nguồn tham khảo:



Thứ năm, 27 Tháng 8 2020 08:46

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire