25/09/2020

Sự hấp dẫn của chủ nghĩa Trump là gì?

What Is the Appeal of Trumpism?

By: Timothy Pytell, Ph.D hiện là Khoa trưởng Phân khoa Sử học tại Đại học California State University, San Bernadino

Bản dịch: CHU VAN


Tháng Hai năm 2017, tôi đã cho phổ biến một bài viết với tựa đề "Liệu có một bản năng phát xít (1) trong mọi người chúng ta không ?". Với tôi, một sử gia Châu Âu thích nghiên cứu về cuộc sát tế người Do thái (trong thời Đệ nhị thế chiến), việc chủ nghĩa phát xít đang trở lại dưới hình thức của chủ nghĩa dân túy mị dân là điều xem ra rõ ràng. Tôi nhận thức được điều này dạo tháng Tư năm 2016, khi vào chính ngày tôi đang giảng dạy về Mussolini (2) và "phát minh" của ông là chủ nghĩa phát xít, thì Donald Trump đã đưa ra một lời tuyên bố nổi tiếng rằng ông có thể "đứng ở Đại lộ Số 5 (3) và bắn ai đó" và những người ủng hộ ông vẫn sẽ không rời bỏ ông. Đây là lời giáo đầu cho nhiều tuyên bố nẩy lửa của Trump và tôi đã xem đó như một thứ "nguyên mẫu" của chủ nghĩa phát xít.


Tôi đã hỏi các sinh viên của tôi : "Tại sao có người lại thốt lên như thế ? Ông ta nói điều đó với ai ? Lời đó nói với chúng ta điều gì về tâm lý của ông ta ?".

Vài tuần lễ sau, có một ổ khóa đã gần như được hé lộ : Trump đã "tuýt" đi một câu nói của Mussolini (4). Trong suốt năm 2016, tôi đã thấy rõ ràng rằng Trump đã đại diện cho bản năng chạy theo chủ nghĩa phát xít của người Mỹ. Bài viết của tôi hồi năm 2017 là một cố gắng để gióng lên lời cảnh cáo và kết luận với câu hỏi : "Có phải chủ nghĩa phát xít đã trở lại không ?".

Lúc đó, cuộc tranh luận của giới trí thức tự do xoay quanh câu hỏi liệu Trump giống Hitler hay giống Mussolini hơn. Nhìn lại, đây không phải là câu hỏi cần nêu lên. Mới đây, trong một bài khảo luận, bà Sarah Churchwell cho rằng "Chủ nghĩa phát xít Mỹ : nó đã xảy ra tại đây" (American Fascism : It Has Happened Here). Đây là một bài viết có giá trị. Tác giả Churchwell cho biết từ lâu bản năng phát xít của Trump đã gắn liền với tổ chức Ku Klux Klan (5) và kết luận : "Khi tổng thống tuyên bố rằng bỏ phiếu là một "vinh dự" hơn là một quyền lợi và "nói đùa" về việc trở thành tổng thống mãn đời, khi lần đầu tiên trong lịch sử của quốc gia, chính phủ nỗ lực thêm những loại bản sắc sắc tộc mới vào cuộc kiểm kê dân số được thực hiện 10 năm một lần và khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc trước tình trạng bất công về chủng tộc đã trở thành một cái cớ để ban hành thiết quân luật, chúng ta đang chứng kiến một trật tự phát xít đang hình thành tại Mỹ". Tôi kêu gọi mọi người hãy đọc bài viết này. Bất cứ điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử sắp tới và hậu chấn của nó, chủ nghĩa trump, xét như là một phong trào, sẽ xảy ra cho chúng ta dưới hình thức này hay hình thức khác".

Nhưng tại sao điều đó đã xảy ra ? Trump tuyên bố rằng ông có thể bắn ai đó mà vẫn không mất sự ủng hộ. Đây là điều khiến chúng ta phải lo sợ. Những người ủng hộ ông được liên kết với ông bằng những thứ cảm xúc có sức làm lu mờ cuộc tranh luận bằng lý trí. Tôi thường xuyên nghe chương trình Washington Journal của đài S-SPAN. Những người ủng hộ Trump thường gọi đến để lập luận rằng ông là người được Thiên Chúa gởi đến để cứu nước Mỹ. Đa số những người ủng hộ Trump là những người Mỹ da trắng không có trình độ đại học. Và những người gọi đến C-SPAN có cùng những cái nhìn như tôi thì lại tỏ ra ngạc nhiên và không hiểu tại sao người Mỹ không thể nhận ra con người thật của Trump. Mặt khác, tôi có một người bạn có trình độ đại học. Người này là một người "cuồng" Trump và mặc cho những cuộc thăm dò chính trị hiện tại, vẫn dứt khoát cho rằng Trump sẽ chiến thắng một cách áp đảo. Ông ta cũng phản bác những lời chỉ trích Trump một cách rất buồn cười. Chẳng hạn, khi những lời miệt thị quân đội của Trump được tung ra, ông liền gởi đi một thước phim chứa đựng những lời nói khôi hài của danh hài Chris Rock và bảo rằng đây là nguồn gốc của những lời tuyên bố của Trump về John McCain khi cho rằng John McCain không phải là anh hùng chiến tranh vì ông ta đã bị bắt làm tù binh. Cứ như thể đây là cách để biện hộ cho lời tuyên bố (của Trump về John McCain).

Một lần nữa, trên đài C-SPAN, một người ủng hộ Trump, một người da trắng trung niên, kể lại câu chuyện về một cuộc họp mặt với các bạn thời trung học. Ông nói rằng (trong cuộc gặp gỡ) mọi người đều ngần ngại không muốn bàn đến chính trị để tránh gây khó chịu (cho người khác). Nhưng té ra là cứ 10 người (tham dự cuộc gặp gỡ) có đến 9 người ủng hộ Trump. Sở dĩ lúc đầu họ cảm thấy do dự là bởi vì, một cách nào đó, họ ý thức rằng lý trí của họ đã đầu hàng trước những cảm xúc đã bị Trump thu hút.

Trump đã thiết lập được một mối giây liên kết đầy cảm tính với 40 phần trăm người Mỹ. Theo tôi, chính cái bản sắc kỷ ái (narcissistic) đã khiến cho người ta tự đồng hóa với Trump và đây là cốt lõi của sự thu hút của ông. Trump tuyên bố rằng ông có thể bắn ai đó mà vẫn giữ được sức thu hút của ông hay rờ bóp phụ nữ ở chỗ kín của họ, điều này cho thấy ông đã chạm vào chính những ước muốn vô thức và tư tưởng của hàng triệu người Mỹ. Tính cách thô lỗ, tục tằn và vi phạm luật pháp của ông dẫn dụ những người ủng hộ ông vào việc tự đồng hóa với ông : họ làm như thể họ cũng là Trump !

Cách đây khá lâu, Theodor Adorno, một tác giả chuyên về phân tâm học của Freud, cho rằng một lãnh tụ gãi đúng những ước muốn vô thức của những người ủng hộ mình bằng cách khai thác "đời sống vô thức" của mình. Tác giả nói rằng điều này đã dạy cho nhà lãnh đạo biết cách "sử dụng một cách hợp lý tính phi lý của mình". Trong ý nghĩa đó, Trump đang chỉ ra cho những người ủng hộ ông một khuôn mẫu qua đó họ có thể thể hiện những ước muốn vô thức của họ. Trump công khai nói lên nội dung của những (ước muốn) của họ. Điều này tạo ra một sự gắn bó sâu xa mà lý trí không thể nào cắt đứt được. Như thế, Trump càng bị phê bình chỉ trích thì sự gắn bó càng thâm sâu. Khi ký giả Bob Woodward hỏi Trump về đặc ân của người da trắng, Trump trả lời : "ông đã uống nước ngọt Kool-Aid rồi" (6). Câu trả lời một lần nữa chạm đến những ý nghĩ vô thức của những người ủng hộ ông, bởi vì rất nhiều người ủng hộ ông khinh thường giới "tinh hoa trí thức".

Cuối cùng, thái độ tự đồng hóa (với lãnh tụ) là một thái độ vô cùng nguy hiểm bởi vì khi vô thức của những người ủng hộ được khởi động và thả lỏng nó sẽ biến họ thành những kẻ bảo vệ lãnh tụ một cách bạo động như đã xảy ra tại Kenosha (7). Điều đó cũng có nghĩa là chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại với chúng ta dưới hình thức này hay hình thức khác bao lâu ông ta còn sống. Nó cũng có nghĩa là nền dân chủ của chúng ta đang gặp nguy hiểm.

Chủ nghĩa phát xít đang xảy ra ngay đây!

Timothy Pytell

Timothy Pytell, Ph.D hiện là Khoa trưởng Phân khoa Sử học tại Đại học California State University, San Bernadino

Links:

What Is the Appeal of Trumpism?

Chú thích của người dịch :

(1) Chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng chính trị và phong trào chính trị theo dân tộc chủ nghĩa cực đoan, độc tài, cưỡng chế và đàn áp đối lập.

(2) Benito Amilcare Andrea Mussolini (1883-1945), sáng lập viên của Đảng phát xít Ý, thủ tướng Ý từ năm 1922 đến khi bị truất phế vào năm 1943. Liên kết với Đức và Nhật Bản trong Liên minh thường được mệnh danh là Khối Trục trong thời Đệ nhị Thế chiến.

(3) Đại lộ 5, Fifth Avenue : một trong những khu phố chính của Manhattan, Thành phố New York.

(4) Câu nói của Mussolini được Trump "tuýt" lại là : "Thà sống một ngày như một con sư tử còn hơn 100 năm làm một con cừu"

(5) Ku Klux Klan : tên của tổ chức hận thù tại Mỹ chủ trương sử dụng khủng bố để thực hiện lý tưởng thượng tôn da trắng.

(6) "Drink the Kool-Aid" (uống nước ngọt Kool-Aid) : ám chỉ đến giáo phái "Peoples Temple of the Disciples of Christ" (Đền thờ của các môn đệ Chúa Kitô), một giáo phái phát sinh tại Mỹ năm 1955 và kết liễu năm 1978. Thông điệp của giáo phái kết hợp các yếu tố của Kitô giáo với ý thức hệ cộng sản và xã hội chủ nghĩa và đặc biệt nhấn mạnh đến sự bình đẳng chủng tộc. Năm 1978, trên 900 thành viên của giáo phái đã tập trung tại Guyana, Nam Mỹ và sử dụng nước ngọt hiệu "Kool-Aid" có tẩm chất độc cyanide để thực hiện một cuộc tự sát tập thể. Khi Tổng thống Trump nói : "ông đã uống nước ngọt Kool-Aid rồi", ý muốn nói là Bob Woodward bị ảnh hưởng bởi sự bình đẳng chủng tộc.

(7) Kenosha, Tiểu bang Wisconsin : ngày 23 tháng Tám 2020, một người đàn ông da đen tên là Jacob Black bị cảnh sát bắn từ phía sau lưng khiến ông bị tê liệt. Biến cố đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình. Ngày 25 tháng Tám, một thiếu niên 17 tuổi tên là Kyle Rittenhouse đã từ Tiểu bang Illinois lái xe đến Kenosha và dùng súng AR-15 bắn hạ 2 người biểu tình và làm một người khác bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ người thiếu niên. Tổng thống Trump bênh vực người thiếu niên và bảo rằng đây là một hành động tự vệ !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire