15/09/2020

Sự hỗn loạn của nước Mỹ

Bản dịch Thắng Đỗ, sửa chữa bởi Tony Nguyễn

https://www.rollingstone.com/politics/political-commentary/covid-19-end-of-american-era-wade-davis-1038206/

The Unraveling of America

Anthropologist Wade Davis on how COVID-19 signals the end of the American era

Wade Davis holds the Leadership Chair in Cultures and Ecosystems at Risk at the University of British Columbia. His award-winning books include “Into the Silence” and “The Wayfinders.” His new book, “Magdalena: River of Dreams,” is published by Knopf.

Trong lịch sử, các đại dịch đã từng là bước ngoặt quan trọng cho loài người. Vào Thế kỷ 14, dịch hạch gọi là Tử thần Đen đã giết phân nửa dân số Châu Âu, dẫn đến sự thiếu hụt lao động trầm trọng. Cuộc nổi loạn của nông dân năm 1381 đánh dấu ngày tàn của chế độ phong kiến trên lục địa này.

 


Đại dịch Covid19 là một biến cố quan trọng của Thế kỷ 21 và là một đại họa kinh tế. Với nạn thất nghiệp cao ngất ngưởng, khi người ta phải chọn giữa sự sống còn sinh lý hay sinh nhai, chính phủ cũng như tư nhân hầu như bất lực.

Không thể chối cãi được là trong đại dịch này, hào quang của nước Mỹ đã biến mất. Khi hơn 2.000 người Mỹ chết mỗi ngày, nước Mỹ đã biến thành một “quốc gia thất bại”, không khác gì những xứ sở nghèo nàn của Phi châu hay Nam Mỹ, với một chính quyền tham nhũng và thiếu khả năng.

Đây là lần đầu cộng đồng quốc tế cảm thấy phải trợ giúp Hoa Kỳ chống chọi với một tai họa. Nước Mỹ trước đây là đối tượng của những cảm xúc khác nhau: yêu và ghét, sợ và hy vọng, ghen tuông và khinh bỉ, nể phục và phẫn nộ. Nhưng giờ đây, thế giới có thêm một cảm xúc mới: thương hại. Hình ảnh nhân viên y tế Mỹ khắc khoải đợi các chuyến không vận mang tiếp liệu y tế từ Trung Quốc làm người ta nghĩ rằng lịch sử đang chuyển qua một kỷ nguyên Châu Á.

Chẳng có quốc gia nào nắm vị trí siêu cường mãi mãi: Bồ-đào-nha vào Thế kỷ 15, Tây-ban-nha Thế kỷ 16, Hòa-lan Thế kỷ 17, Pháp Thế kỷ 18 và Anh Thế kỷ 19.

 Sự trỗi dậy của Hoa Kỳ trong Thế kỷ 20 rất ngoạn mục. Khi Thế chiến Thứ Hai bùng nổ, quân đội Hoa Kỳ nhỏ hơn Bồ Đào Nha hay Bun-ga-ri. Chỉ trong vòng 4 năm, 18 triệu người Mỹ đã phục vụ trên các chiến trường khắp thế giới. Hàng triệu người khác làm việc trong các xưởng vũ khí để cung cấp cho mọi quốc gia Đồng minh. Khi Nhật chiếm 90 phần trăm nguồn cao-su, Mỹ cho giảm tốc độ tối đa của xe hơi xuống 35 dặm giờ để bánh xe bớt mòn, và trong vòng 3 năm, chế tạo một loại cao su nhân tạo để phục vụ chiến tranh. Trong bốn năm liền, các xưởng máy của Mỹ sản xuất mỗi 2 tiếng đồng hồ một chiếc máy bay oanh tạc B-24, mỗi hai ngày một tàu chiến. Toàn thể nước Đức Quốc xã không sản xuất nhiều chiến xa bằng chỉ một xưởng ở Mỹ.

Với 6 phần trăm đân số, Mỹ chiếm một nửa tổng sản lượng toàn cầu và sản xuất 93 phần trăm tổng số xe hơi thời hậu chiến,. Nhờ sức mạnh kinh tế, một người Mỹ với mức học vấn giới hạn có thể nuôi cả gia đình, tậu nhà, xe và có cuộc sống những dân tộc khác chỉ dám mơ ước.

Để duy trì vị trí thượng tôn, quân đội Hoa Kỳ hiện đóng tại 150 quốc gia trên thế giới. Sau thập niên 1970, trong khi Trung Quốc không có chiến tranh với quốc gia nào, Mỹ chưa có một ngày hòa bình. Tổng thống Jimmy Carter đã nhận xét rằng Mỹ là quốc gia hiếu chiến nhất hành tinh vì trong 242 năm từ khi lập quốc, chỉ được hưởng hòa bình trong vỏn vẹn 16 năm.

Chính sách của Mỹ thiên về giảm thuế, nhất là cho người thu nhập cao và doanh nghiệp thay vì đầu tư để nâng cao chất lượng sống. Khi gặp cạnh tranh từ Châu Á, mô hình kinh tế Mỹ không còn vững nữa. Kỹ nghệ sản xuất dọn sang nước ngoài, tước đi công ăn việc làm của những người có trình độ học vấn thấp.

Người Mỹ bảo thủ hay tỏ ra nuối tiếc cái quá khứ vàng son hậu chiến, tuy thật ra quá khứ đó không tốt với mọi người. Người da màu, nhất là Da đen, không được chia sẻ sự thịnh vượng đó.

Nhiều người cho rằng tăng thuế và phúc lợi xã hội đồng nghĩa với “cộng sản” nhưng nếu thế, thật ra kinh tế nước Mỹ của thập niên 1950 rất “cộng sản”. Mức thuế cho những người giàu nhất là 90 phần trăm. Lương trung bình của một chủ tịch công ty chỉ vào khoảng 20 lần lương một nhân viên trung cấp, so với 400 lần ngày nay, và còn cao hơn nữa nếu tính cả cổ phần và bổng lộc. Giới 1 phần trăm giàu nhất ở Mỹ sở hữu tài sản trị giá 30 ngàn tỉ Mỹ kim, trong khi phân nửa số dân ở dưới mức trung bình nợ nhiều hơn sở hữu. Ba người giàu nhất nước Mỹ có nhiều tiền hơn 160 triệu người đồng hương nghèo nhất. Tài sản của một gia đình Da đen chỉ bằng 1/10 tài sản của một gia đình da trắng. Nếu không lãnh lương hai lần liên tiếp, đại đa số người Mỹ sẽ phá sản. Nước Mỹ giàu nhất hành tinh, nhưng người Mỹ sống như đu dây mà không có lưới an toàn đỡ bên dưới.

Đại dịch Covid19 bộc lộ những yếu kém của xã hội Mỹ. Một quốc gia từng sản xuất phi cơ chiến đấu hàng giờ một, nay thiếu khả năng làm khẩu trang hoặc dụng cụ quẹt hốc mũi để thử nghiệm bệnh dịch. Một quốc gia đã từng chinh phục bệnh đậu mùa và tê liệt, nay bị thế giới giễu cợt do có một tổng thống kêu gọi dân chúng uống thuốc sát trùng mà diệt vi-rút. Dân số Mỹ chiếm chỉ 4 phần trăm dân số thế giới, nhưng số người chết vì Covid19 chiếm hơn 20 phần trăm. Tỉ lệ người Mỹ chết vì dịch bằng 6 lần tỉ lệ toàn thế giới.

Sự thất bại không chối cãi được của Trump khiến thế giới quên đi cách xử lý yếu kém của Trung Quốc khi dịch mới bùng nổ và việc đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông. So với Mỹ, hầu như quốc gia nào cũng kiểm soát đại dịch tốt hơn, kể cả các xứ độc tài bậc nhất như Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Iran. Ayatollah Khomeni, lãnh tụ Iran, huênh hoang: “nước Mỹ đã bắt đầu quá trình tự hủy.”

Nhà văn Anh Nate White phát biểu mỉa mai, “Thế giới lúc nào cũng có người ngu và người ác. Nhưng ít khi có người vửa ngu vừa ác, hoặc vừa ác vừa ngu.” (God knows there have always been stupid people in the world, and plenty of nasty people too. But rarely has stupidity been so nasty, or nastiness so stupid)

Trump là hiện tượng, chứ không phải nguyên nhân của sự suy thoái của Mỹ. Kỳ lạ thay, người Mỹ khi soi gương không thấy được họ đang tuột dốc như thế nào. Nước Mỹ được đã xuống hạng 45 về tự do báo chí. Một quốc gia do người di dân xây dựng lại cố xây một bức tường vừa tốn kém vừa không hiệu quả để ngăn các di dân khác, thay vì đầu tư vào cách dịch vụ xã hội như bảo hiểm y tế toàn quốc.

Chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ đã giết chết tinh thần cộng đồng khi chẳng ai cần giúp ai điều gì. Người ta giành giật nhau mọi thứ từ giáo dục, gia cư, thực phẩm đến y tế. Những quyền lợi mà các quốc gia tân tiến khác mặc nhiên cho là căn bản như bảo hiểm y tế toàn quốc, giáo dục bình đẳng, an sinh xã hội, ở Mỹ người ta cho đó chỉ biểu lộ sự yếu đuối.

Hãy nhìn vào nước láng giềng Canada. Đây chẳng phải là thiên đàng gì, nhưng họ đối phó với các vấn đề tốt hơn Mỹ nhiều lần, kể cả đại dịch Covid19. Vancouver, Canada, với phân nửa dân số là gốc Châu Á và hàng chục chuyến bay mỗi ngày đến từ vùng này, chỉ cách Seattle của Mỹ 3 giờ lái xe. Lẽ ra Vancouver phải bị nhiễm dịch nặng, nhưng hệ thống y tế đã đối phó rất hữu hiệu. Tỉ lệ số người được thử nghiệm tại đây cao gấp 5 lần ở Seattle trong khi tỉ lệ người chết chỉ bằng phân nửa. Hiện nay, trong khi những ca dịch đang tăng vọt ở Mỹ, toàn tiểu bang British Columbia, Canada chỉ có 5 người nằm bệnh viện do Covid19.

Cấu trúc xã hội là lý do chính cho sự khác biệt giữa Canada và Mỹ. Ở Canada, không có nhiều cách biệt giàu nghèo như ở Mỹ, và các hệ thống công phục vụ tất cả mọi người thay vì chỉ giới có quyền và tiền. Một người bán hàng ở chợ và gia đình của họ được phục vụ tại cùng bệnh viện với cùng tiêu chuẩn như gia đình của Thủ tướng. Con họ đi học cùng con bạn, cho dù bạn có bao nhiêu tiền đi nữa. Sự chia sẻ này tạo ra cảm thông và tin tưởng vào các hệ thống chính quyền. Khi đại dịch xảy ra, người dân tuân thủ theo những khuyến cáo dựa trên khoa học của nhà nước, và không có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như Mỹ.

Văn minh tiến bộ của một quốc gia không dựa trên số tài sản của một nhóm nhỏ, mà tùy vào quan hệ cộng đồng và sự hợp tác giữa mọi người để theo đuổi mục đích chung. Đây không phải là chuyện tả hay hữu, mà là chất lượng đời sống. Người Phần Lan sống lâu hơn người Mỹ và ít tử vong ít hơn khi sinh nở. Người Đan Mạch có thu nhập ngang với người Mỹ, nhưng họ làm việc 20 phần trăm ít hơn. Thuế của họ cao hơn khoảng 19 phần trăm, nhưng bù lại, họ được bảo hiểm y tế miễn phí, học vấn từ mẫu giáo đến đại học miễn phí, và cơ hội cho mọi người vươn lên trong một nền kinh tế thịnh vượng. Nạn nghèo khó, vô gia cư, tội phạm và cách biệt giàu nghèo đều thấp hơn ở Mỹ nhiều. Một công nhân trung bình được trả lương cao hơn, đối xử tôn trọng hơn và có bảo hiểm y tế, hưu trí, nghỉ dài hạn khi sinh nở và sáu tuần nghỉ lễ mỗi năm. Do đó, người Đan Mạch thích làm việc; 80 phần trăm số người 64 tuổi vẫn làm việc, một tỉ lệ cao hơn Mỹ nhiều.

Nhiều người Mỹ vào năm 2016 đặt sự giận dữ và thù hằn cá nhân trên những quan tâm về đất nước và thế giới. Họ bỏ phiếu cho một người với khả năng duy nhất là biểu lộ thù hằn giùm cho họ bằng cách tấn công bất cứ ai họ cho là kẻ thù.

Chúng ta không có lý do để vui mừng khi Mỹ nhường ngôi lãnh đạo cho Trung Quốc, một quốc gia đầy rẫy thành tích về vi phạm nhân quyền. Trớ trêu thay, chính Donald Trump đã khen ngợi việc Trung Quốc bỏ tù và tra tấn người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) là “việc rất cần phải làm.” Trump cũng phát biểu là đại dịch, như “một phép lạ, rồi nó sẽ biến mất.” (“It’s going to disappear. One day, it’s like a miracle, it will disappear”)

Lẽ ra ông nên sử dụng câu này để miêu tả tương lai của Mỹ.

  

Thắng Đỗ  gửi bài từ San Jose

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire