Cali Today News – Các vấn nạn đại dịch, cháy rừng, kỳ thị chủng tộc tại Mỹ đang bị chính trị hóa, đồng thời sự thật/khoa học/dữ kiện đã bị kẻ xấu xuyên tạc/bóp méo. Kẻ xấu bao gồm cả gián điệp Nga và các quốc gia thù Mỹ cũng như những thành phần lợi dụng youtube để câu views kiếm tiền. Nhiều người Việt và ngay cả Mỹ đã trở thành nạn nhân của tin giả và đã có những hành động tác hại cho chính mình về sức khỏe và vận mệnh/tương lai của con cháu, đất nước Mỹ và Việt Nam.
5 điều thất thiệt điển hình bao gồm:
1/ Không tin đại dịch coronavirus là quá trầm trọng, thậm chí còn là tin giả.
Con số hơn 210.000 người chết (tính tới ngày 5/10/2020) là giả. Không tin rằng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn để ngừa Covid-19.
Những điều tin tưởng sai lầm này rất nguy hiểm vì thực tế là dịch bệnh đang lây lan mạnh tại Mỹ, và các chuyên gia y tế cảnh báo con số tử vong có thể tăng gấp đôi trong hơn 3 tháng trước mặt, lên tới 415.000. Hiện Mỹ đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm (gần 7 triệu người) và tử vong (1000 người chết mỗi ngày). Tỷ lệ dân số Mỹ là 4,25% trên thế giới, nhưng số người lây nhiễm coronavirus là trên 21% và tử vong trên 20%.
2/ Tin thất thiệt về số người thiệt mạng vì COVID-19:
“Cơ quan CDC điều chỉnh lại thống kê ngày 26/8/2020 và số người chết vì Covid-19 chỉ có 9.200 người chứ không phải 154.000, tức chỉ có 6% tổng số loan báo.”
Thực ra, CDC đưa ra tổng số thiệt mạng ngày 26/8 là 164.280 người (Hiện con số thiệt mạng tính tới 21/10/2020 là 227.409, gần 8,6 triệu người nhiễm bệnh và số tử vong hàng ngày là trên 1.225 người); trong số này có 6% nạn nhân là chết hoàn toàn do Covid-19, còn 94% còn lại cũng chết vì Covid-19 nhưng có tiền sử bệnh lý khác như cao máu, cao mỡ, tiểu đường v…v…. Tổng số tử vong này được CDC cập nhật là 182.622 vào ngày 31/8/2020.
3/ Tin thất thiệt về gian lận bầu cử:
“Bầu cử bằng cách gởi thư không chính xác, dễ gian lận hoặc phiếu của bạn không được đếm. Bạn có thể bầu cả bằng thư lẫn tới phòng phiếu để bầu thêm lẫn nữa cho chắc ăn.”
Luật liên bang và tiểu bang Mỹ đều qui định bầu cử 2 lần là phạm pháp, và có thể bị phạt tiền cũng như ở tù. Các chuyên gia và giới chức bầu cử Hoa Kỳ cho biết gian lận bầu cử tại Mỹ rất hiếm hoi, gần như zero.
· Theo Heritage Foundation khám phá, chỉ có 143 trường hợp gian lận trong cách bầu qua bưu điện suốt 20 năm với 250 triệu phiếu bầu trên 50 tiểu bang, tương đương với tỷ lệ gần zero là 0,00006%. ·
· Ngoại trưởng Kansas là Kris Kobach điều tra được 14 trường hợp gian lận trên 84 triệu phiếu bầu ở 22 tiểu bang, tương đương với 0,00000017%.·
· Theo nghiên cứu của Justin Levitt, một giáo sư tại Trường Luật Đại học Loyola, Los Angeles chuyên về luật hiến pháp và luật dân chủ, cũng như quản lý bầu cử và tái phân chia khu vực, có 31 trường hợp mạo danh cử tri trong số hơn một tỷ lá phiếu được bỏ trong các cuộc bầu cử từ năm 2000 đến 2014, tương đương với 0,0000031%, tức 0,031 phần triệu hoặc 31 phần tỷ.·
4/ Tin thất thiệt về cháy rừng:
“Hiện tượng cháy rừng lớn đang xảy ra tại các tiểu bang phía Tây của Mỹ là do nhóm Antifa (nhóm cực tả chủ trương bạo động chống cực hữu)”
Tin đồn thất thiệt bên trên do nhóm QAnon chuyên xách đông bạo lực và phổ biến các thuyết âm mưu độc hại trên mạng. Theo các chuyên gia và giới chức hỏa hoạn cho biết, các vụ cháy lớn xảy ra tại California từ 16 tháng 8, 2020 tới nay bắt đầu do sét đánh. Trong vòng 96 giờ có hơn 12.000 tia sét đã được ghi nhận trên vùng Bắc California, gây ra 585 đám cháy rừng, do nhiều yếu tố khí hậu khác hội tụ như hạn hán, nhiệt độ quá cao, độ ẩm thấp, cây cỏ khô cháy … Một số nguyên nhân cháy khác do nhân tạo được ghi nhận, thí dụ một buổi party để ăn mừng baby sắp sanh đã dùng loại súng bắn khói mầu để thông báo bé là con trai (mầu xanh lơ) hay con gái (mầu hồng) và gây ra hỏa hoạn; ngoài ra, các lý do bất cẩn như thuốc lá, barbecue, hoặc lý do phá hoại cũng đang được điều tra. Một lý do nữa thường xuyên gây hỏa hoạn và cũng là nguyên nhân chính của vụ cháy rừng tại Beachie Creek tiểu bang Oregon năm nay là do đường dây điện bị gió mạnh kéo sập và xẹt điện gây hỏa hoạn.
5/ Tin thất thiệt về các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc và chống bạo lực cảnh sát:
“Phong trào biểu tình ‘Black Lives Matter (BLM)’ là để chống Tổng Thống Donald Trump, và mang tính bạo loạn, phi chính nghĩa vì ủng hộ kẻ tội phạm George Floyd (người bị cảnh sát đè vào cổ tới chết), người Mỹ da đen đa số là thành phần bất hảo, tại sao các chính giới đảng Dân Chủ lại quỳ gối bày tỏ sự kính phục kẻ tội phạm George Floyd?” ·
Phong trào BLM bắt đầu từ thời Tổng Thống Obama năm 2013, không phải bây giờ, do đó không phải là để chống Tổng Thống Trump, mà là để tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát (không phải chống cảnh sát). ·
· Thông điệp “quỳ gối” bắt đầu năm 2016 khi Colin Kaepernick và đồng đội 49ers của anh chọn quỳ gối trong lúc hát quốc ca để kêu gọi sự chú ý đến các vấn đề bất bình đẳng chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát. Quỳ gối không phải là bày tỏ sự tôn kính dành cho nạn nhân Goerge Floyd. Thông điệp của biểu hiện quỳ gối đã được sự thông cảm và chấp nhận rộng rãi hiện nay. ·
· Ông George Floyd từng phạm tội nhiều lần trong quá khứ và đi tù 4 năm. Ra khỏi tù ông đã hoàn lương trở thành một người tử tế trước khi bị cảnh sát đè cổ tới chết (chỉ vì đã mua đồ bằng $20 tiền giả hôm 25/5/2020). Ông có vợ con và tình nguyện làm cố vấn trong cộng đồng tôn giáo của mình, từng là một nghệ sĩ hip hop, chơi thể thao giỏi tại trường trung học và đại học, làm nghề lái xe vận tải, nhân viên an ninh rồi bị thất nghiệp vì đại dịch Covid-19.·
· Phong trào tranh đấu BLM nổ ra ngày 26/5/2020 sau cái chết của ông Floyd hầu hết là ôn hòa. Theo ACLED (the Armed Conflict Location & Event Data Project), hơn 93% của 7.750 các cuộc biểu tình liên quan đến phong trào BLM là ôn hòa (kể từ ngày 26/5, một ngày sau cái chết của ông Floyd, tới ngày 22/8 trên hơn 2.440 địa điểm ở tất cả 50 tiểu bang và Washington, DC). Do ôn hòa và có chính nghĩa, phong trào BLM đã được cả thế giới ủng hộ với nhiều chục triệu người tham dự trên 60 quốc gia (chỉ riêng tại Mỹ, có khoảng từ 15 triệu đến 26 triệu người tham dự) và có thể là phong trào tranh đấu lớn nhất lịch sử thế giới. ·
Linda Thanh
Thảo
21 tháng 10, 2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire