05/10/2020

SỰ SÁM HỐI MUỘN MÀNG

Chu Mộng Long

2-10-2020

Bài này tôi viết cho tôi và tặng cho ông Nguyễn Minh Thuyết.

Tôi, nhà giáo 56 năm tuổi đời, 3 năm tuổi lính, và sắp 30 năm tuổi nghề. Tính ra không bằng tuổi học trò ông Nguyễn Minh Thuyết.

Tôi viết nhiều về ngành giáo, vì tôi yêu ngành giáo như máu thịt. Mỗi khi ngành giáo bị tổn thương là một vết cắt trong trái tim tôi. Với tôi, ngành giáo quan trọng hơn mọi ngành, vì nó là cha đẻ của nhân cách, năng lực. Mọi ngành có thơm hay thúi đều từ giáo dục mà ra. Một ông quan dối trá và tham nhũng, một người dân ăn cắp vặt, kể cả một thể chế hư hỏng, nếu không phải từ giáo dục mà ra thì chẳng lẽ quy tội cho Thượng đế?


Khi đọc lời trần tình của ông Nguyễn Minh Thuyết, đến câu ông tự sám: “công ít, tội nhiều”, tôi đồng cảm và xúc động đến rưng rưng nước mắt. Đến lúc nhà giáo nên tự trách mình trước khi trách người khác thì mới giữ được chút thiên lương mà không mang tiếng bịp dân.

Thú thật, cả loạt bài tôi mắng ông đến nặng lởi, nhưng thâm tâm tôi vẫn quý trọng ông. Dẫu sao tôi và ông đều là nhà giáo. Nhà giáo không vì người học, vì xã tắc thì vì cái gì?

Nhưng trên đời, cái phụ đề “vì cái gì” đằng sau đó lại làm khổ chúng ta và làm khốn đốn cả ngành giáo dục. Giữa tôi, một nhà giáo ở một trường đại học, với ông, một người cầm chiếc gậy điều hành cả một hệ thống giáo dục lớn thì chẳng nên so sánh. Nhưng cái “công ít tội nhiều” chỉ khác ở quy mô, còn bản chất thì tương đương, tôi hình dung thế.

Thì đây. Ở cấp độ lớn thì tôi từng tham gia dự án cấp nhà nước với kinh phí nửa trăm triệu USD vay vốn ODA. Với ông thì có lẽ tham gia hoặc chủ trì hàng chục dự án tầm cỡ to hơn nữa để cải cách giáo dục. Tôi không biết công của ông đã thay đổi giáo dục đến đâu, chỉ thấy dự án chồng dự án và làm rối loạn, thậm chí hư hỏng cả ngành giáo dục. Bệnh dối trá, bệnh thành tích, bệnh danh hiệu, cả bệnh tham lam… ngày một trầm trọng hơn, có phải “vì cái gì” đó không? Còn tôi, với dự án mà tôi từng tham gia, nó đã vứt vào sọt, vì ngoài tôi sử dụng cho đổi mới dạy học ở đại học, nó chẳng có tác động gì làm thay đổi giáo dục so với số tiền 200 triệu đồng nhà nước đã chi cho phần của tôi. Tôi thấy đó là tội lớn.

Tôi không đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ như ông, nhưng tôi cũng đã góp phần vào cái lò đào tạo nhỏ ở cơ quan tôi, và cũng cho ra lò nhiều thạc sĩ và có người leo đến tiến sĩ. Trong số người tôi đào tạo, có một số người chăm chỉ giỏi giang, nhưng lại có rất nhiều ngưởi không tương đương với cái bằng họ nhận được. Tôi đã bất lực, thậm chí trở thành kẻ đồng loã, khi buộc phải bỏ phiếu thông qua kết quả luận văn mà trong đó có hiện tượng sao cóp, xào nấu hơn là làm ra cái gì mới. Và không phải tôi không hình dung được, những người này đã ăn cắp học thuật thì khi làm quan hay không làm quan, họ sẽ gian dối và ăn cắp gì cũng được. Mỗi khi nghe có một quan tham nhũng hay thậm chí một giáo viên, một người dân ăn cắp là tôi tự dằn vặt, rằng chính mình là thủ phạm đẻ ra họ.

Có lẽ tội của tôi còn to hơn ông nhiều vì tôi, suốt gần 30 năm qua, mỗi năm tôi còn đào tạo ra cả vạn học viên tại chức. Tôi phải thú nhận là trình độ đại học tại chức không thể và không bao giờ tương đương với đại học chính quy như các ông đã thông qua trong Luật Giáo dục đại học. Có nghĩa là tôi đã tham gia vào việc hợp thức hoá bằng cấp, thậm chí vị trí việc làm cho hàng triệu kẻ không đủ phẩm chất và năng lực, trong khi có hàng triệu sinh viên chính quy chăm chỉ, học hành giỏi giang, yêu nghề lại khó tìm việc, hoặc làm việc trái nghề, hoặc thất nghiệp. Đó là tội trời không dung đất không tha.

Chưa nói, thời trẻ, khi cùng cực của sự thiếu thốn, tôi đã từng nhận quà và phong bì của học viên sau mỗi chuyến đi dạy xa. Vì món quà và những cái phong bì đó, tôi đã từng cho họ điểm cao, dù biết rõ trình độ của họ chẳng xứng đáng. Có khốn nạn không?

Bây giờ tôi đã đi quá nửa cuộc đời để nhìn lại mình. Đúng là “công ít, tội nhiều”. Công cá nhân chẳng đáng kể so với muôn ngàn tội mà mình đã gây ra cho giáo dục và cho đất nước. Ông bảo nhiều người không “bình tâm suy xét” khách quan mà hồ đồ, a dua theo đám đông, vì theo ông, nhiều ngành khác còn thúi hơn ngành giáo dục. Như ngành giao thông, ngành ngân hàng, công an, quân đội… chẳng hạn. Tôi cũng từng tự an ủi như ông khi mang ra so sánh bề nổi giữa các ngành. Nhưng khác ông, vì đêm đêm tôi vẫn cứ dằn vặt lương tâm và tự vấn: 1) Kinh phí, tức tiền túi của dân dành cho giáo dục so với những ngành ấy, ngành nào cao hơn và nó chảy về đâu? 2) Sự hư hỏng của cả hệ thống do ai đẻ ra, nếu không phải từ giáo dục? Chẳng lẽ những người trong ngành giao thông, ngành ngân hàng… mà ông nói đều là những người vô học hay không có bằng cấp?

Bấy nhiêu dằn vặt đó làm cho tôi nổi giận ngay với chính mình chứ không chỉ với ông. Ông có khả năng tự an ủi khi so sánh với những ngành khác, còn tôi thì cúi đầu trước nhân dân xin nhận tội thay họ. Thầy Nguyễn Huệ Chi vừa nhắc thân tình, rằng không nên nặng lời với trí thức, sẽ gieo nghiệp. Tôi ghi nhận, nhưng thưa thầy, tôi không có năng khiếu vuốt ve và nếu có cũng không thể làm được. Bài này tôi nặng lời với chính tôi: “Thằng khốn nạn, kẻ bất lương!” Và lâu nay, với tội lỗi quá khứ ấy, tôi vẫn luôn ám ảnh sẽ bị nghiệp báo, điều mà tôi vẫn dạy cho học trò mình: “Làm thầy giáo mà không giữ được thiên lương, gieo nỗi đau và bất hạnh cho người khác thì trước sau con cháu mình cũng sẽ thành nạn nhân!”

Tôi tự thấy mình tội chồng tội. Đó là lý do tôi chưa bao giờ khoe công lao của mình, dù chỉ là một hình ảnh về một tờ giấy khen hay một lời tự ngợi ca như những trí thức khác. Chưa bao giờ tôi thấy xấu hổ và cay đắng với danh hiệu “trí thức” như lúc này. Tôi vẫn luôn nghĩ, giáo dục mà không trong sạch thì đừng hy vọng thể chế xã hội và mọi ngành nghề trong sạch, ông Thuyết ạ!

(Nguồn Tiếng Dân.)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire