04/10/2020

Vấn nạn người tố cáo bị ngược đãi, đe dọa, trả thù qua vụ giảng viên Phạm Đình Quý

Tiến sĩ Phạm Đình Quý và lệnh bắt giữ khẩn cấp.

Truyền thông trong nước vào ngày 30/9 dẫn nguồn từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay cơ quan này vừa có lệnh bắt khẩn cấp đối với Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, để điều tra hành vi vu khống người khác theo điều 156 Bộ luật Hình sự.


Theo báo Tuổi Trẻ, ông Quý bị bắt vì đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Vào khoảng cuối tháng 8 năm 2020, một số tờ báo trong nước đăng tải bài viết của ông Quý, tố cáo ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk “đạo luận án tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân”.

Các bài viết này sau đó đã bị gỡ xuống, trong khi tin bắt giữ ông Quý không cho biết cụ thể ai là người bị ông Quý vu khống.

Theo thông tin từ gia đình ông Quý cung cấp, ông Quý đã bị công an khống chế và bắt giữ vào chiều ngày 23/9, khi ông cùng vợ mới cưới đang đi ăn trên đường D1, gần trường Đại học Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi với RFA vào tối 30/9, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục nhận định về vụ việc như sau:

“Chuyện làm đơn tố cáo đến các cơ quan cái luận án ấy đạo văn thì đó là chuyện của người ta, ai cũng có quyền đó. Còn ông Cường – Bí thư Đắk Lắk thấy người ta tố cáo như vậy thì sẽ làm đơn gửi đến các cơ quan để nói đấy là vu cáo, bịa đặt, luận án của tôi đây đã được hội đồng đánh giá, trình ra rồi người ta sẽ xử xem ai đúng. Nếu người kia tố cáo đạo văn mà đúng là đạo văn thì hội đồng sẽ xem xét luận án đó, còn nếu ông kia vu khống thì hội đồng đánh giá là không đạo văn, ông kia vu khống phải xin lỗi, thậm chí phải phạt theo pháp luật. Đó mới gọi là hành xử văn minh. Còn bây giờ nghe người ta tố cáo mà lại đến bắt cóc đi thì đó là hành động vô pháp, không đúng pháp luật, hành động như mafia, nhiều người gọi đó là hành động của phường thảo khấu, như bắt cóc. Chuyện đó vô pháp, không đúng nên tôi thấy nhiều người lên án lắm.”

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự bất bình về vụ việc này:

“Mình thấy người ta tố cáo sai phải đưa ra tòa án, kiện lại anh ta nói sai, bêu xấu tôi là không đúng, phải xử phạt anh ta. Luật lệ của Việt Nam cũng có luật để trừng trị những người tố cáo sai, vu cáo làm ảnh hưởng nhân cách, quyền lợi người ta thì tại sao lại không sử dụng luật mà lại chơi ‘luật rừng rú’, nhưng người Tây Nguyên họ văn hóa, văn minh ghê gớm lắm nên lên đấy là phải học văn hóa người ta mà sống, không phải biến mình thành thứ man rợ rừng rú mà ứng xử.”

RFA có liên lạc với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn để hỏi rõ hơn về điều luật bắt giữ người trong luật pháp hiện hành và nhận được trả lời:

“Riêng trong trường hợp ông Quý thì việc cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk bắt ông Quý thì về phương diện pháp lý là hoàn toàn không có cơ sở để bắt vì ông Quý đang đeo đuổi một vụ về khiếu nại, tố cáo. Việc khiếu nại, tố cáo của ông Quý thì lại chưa có sự kết luận là ông tố cáo đúng hay sai. Cơ quan công an điều tra vội nhảy vào để bắt ông tội vu khống. Tội vu khống chỉ bắt trong trường hợp người ta tố cáo sai, còn đây sự tố cáo chưa kết luận. Riêng trong trường hợp ông Quý việc đặt vấn đề có sự trù dập đối với người khiếu nại, tố cáo là có cơ sở.”

Quyết định xử phạt hành chính đối với tạp chí Môi trường và Xã hội vì thông tin sai về Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Nguồn: Dân Trí

Bên cạnh đó, Luật sư Mạnh cũng chỉ ra những vi phạm về thủ tục cũng như những điểm vô lý trong trường hợp bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý của phía Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông nói:

“Những trường hợp bắt khẩn cấp được dùng khi hành vi tội phạm mang tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và được căn cứ vào mức hình phạt từ 7 năm trở lên. Trong khi đó tội danh theo Điều 156 thì hình phạt nặng nhất, cao nhất là 7 năm, nên nếu áp điều này vẫn là không đúng. Cái thứ hai là (vi phạm) cả quy định việc bắt giữ. Theo anh theo dõi và biết thì ông bị bắt vào 23 tây nhưng mãi đến 27 tây thì họ mới ra văn bản thông báo. Lẽ ra khi bắt thì họ phải thông báo ngay cho gia đình nhưng đến 4 ngày sau họ mới báo. Vi phạm không chỉ thủ tục bắt mà cả thời hạn thông báo cho gia đình biết.”

Gia đình ông Phạm Đình Quý cho biết sau khi ông Quý bị công an bắt giữ thì người thân đã gửi đơn kêu cứu vì gia đình không được gặp ông Quý đang bị tạm giam.

Theo Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, sở dĩ xảy ra sự việc công an bắt giam Tiến sĩ Phạm Đình Quý sai luật và không thông báo cho cả người nhà ông Quý là do cơ chế bộ máy nhà nước hiện nay:

“Cái này do chế độ độc đảng, độc tài toàn trị thì người đứng đầu địa phương là Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an địa phương có nhiều hành động vô pháp lắm. Người ta độc quyền, ông Bí thư Tỉnh ủy thì to lắm vì công an, quân đội, bộ máy tuyên truyền ở trong tay ông ấy nên ông có thể làm chuyện đổi trắng thay đen, làm chuyện ngang ngược. Bây giờ có trang mạng xã hội người ta còn lên tiếng, ngày xưa người ta không lên tiếng được thì nguy hiểm lắm.”

Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, sự việc bắt giam khẩn cấp Tiến sĩ Phạm Đình Quý hiện đang được chia sẻ rộng rãi với kêu gọi chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần tuân thủ theo đúng quy trình mà luật pháp đưa ra.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cho rằng việc này hoàn toàn không dễ thực hiện:

“Ở trong thể chế độc tài toàn trị thế này rất khó, bây giờ chỉ có dư luận xã hội, mạng xã hội lên tiếng. Tôi thấy mạng xã hội lên tiếng vừa rồi rất nhiều tác động, tạo ra dư luận mạnh mẽ và cũng bớt đi những ngang ngược, bớt đi những hà hiếp, bớt đi bất công phi lý.”

Luật sư Đăng Đình Mạnh cũng bày tỏ hy vọng trong vụ việc lần này của Tiến sĩ Phạm Đình Quý:

“Công luận lên tiếng về việc này rất nhiều. Với phản ứng của công luận như vậy tôi nghĩ rằng rất có thể công an Đắk Lắk phải có hành xử cho phù hợp hơn chứ nếu họ cứ cố chấp đeo đuổi theo cách họ vừa làm thì không ổn.”

Không chỉ riêng ông Phạm Đình Quý bị bắt tạm giam vì đã tố cáo ông Bùi Văn Cường mà tạp chí Môi trường và Xã hội vào ngày 30/9 cũng bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động báo in trong hai tháng vì đã đưa thông tin sai về Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk.

Cụ thể, báo Tuổi Trẻ trong cùng ngày đăng tin cho biết Cục báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định có đoạn viết: “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?”, đăng trong số đặc biệt 16/2020”.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc dám góp ý kiến, phê bình những cái sai, tố cáo những cái không đúng của cán bộ, nhất là những người ở cấp chiến lược nói lên trình độ văn hóa xã hội và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, ông Mai cho rằng với sự bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý vừa rồi, chính quyền đã chà đạp lên văn hóa, tinh thần đạo đức của xã hội và con người Việt Nam.

RFA
2020-09-30 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-problem-of-denouncers-being-mistreated-through-the-case-of-lecturer-pham-dinh-quy-09302020161438.html


 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire