(Khoa học) - Con số 0,25% là con số đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020, trong khi tỉ lệ che phủ rừng gần 42%.
Tại hội nghị tổ chức ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trong hai ngày 11 và 12/11, ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực, cho hay: “Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu héc ta đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%.
Điều này phản ánh một thực tế rằng, quản lý rừng bền vững và bảo tồn tài sản đa dạng sinh học và các hệ sinh thái còn cần thêm những nỗ lực và sự quan tâm mạnh mẽ”.
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, toàn quốc hiện có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ, trong đó có 3,95 triệu ha rừng tự nhiên, 0,69 triệu ha rừng trồng. Tổng diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giảm từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019, và diện tích rừng phòng hộ là rừng trồng tăng nhẹ từ 0,61 triệu ha năm 2010 lên 0,69 triệu ha năm 2019.
Tính tới thời điểm hiện tại, dữ liệu về chất lượng rừng phòng hộ rất hạn chế, mới chỉ thể hiện qua công bố hiện trạng rừng sau khi hoàn thành tổng điều tra kiểm kê rừng năm 2016 của Tổng cục Lâm nghiệp. Số liệu này cho thấy diện tích rừng phòng hộ là rừng gỗ tự nhiên giàu và trung bình là trên 1 triệu ha (chiếm 29,8% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên).
Như vậy, có thể thấy chất lượng rừng tự nhiên chưa đạt yêu cầu phòng hộ và ngành lâm nghiệp cũng như toàn xã hội phải đầu tư nhiều hơn để rừng có thể duy trì và phát triển đạt yêu cầu phòng hộ.
Rừng thuộc dự án Công ty Thác Rồng (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) bị cưa hạ hàng loạt. Ảnh: SGGP |
Trước đó, chia sẻ về thông tin tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam gần 42%, GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cũng cho biết, ở thời điểm năm 1945, độ che phủ rừng tự nhiên lên tới 43%. Tuy nhiên, sau đó do tác động của chiến tranh cùng với trình độ quản lý kém hiện nay, độ che phủ của rừng còn khoảng 27%. Năm 1992, chương trình trồng 5 triệu ha rừng khởi động, diện tích rừng trồng đã được nâng lên khá nhiều.
Hiện nay, nhờ các chương trình phát động, diện tích che phủ cũng đã được tăng lên, theo số liệu thì diện tích rừng che phủ hiện lên đến 41,7% như trong báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Tuy nhiên đó là rừng trồng nên khả năng tích trữ, chống lũ, sụt lún cũng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên.
Diện tích rừng tự nhiên hiện còn rất ít. Mấu chốt là chất lượng rừng hiện nay rất thấp. Cũng là rừng tự nhiên nhưng xưa là rừng giàu và trung bình, giờ là rừng nghèo và rừng kiệt. Xưa trên 1 ha rừng có 250 m3 gỗ nhưng giờ chỉ còn 25 m3 gỗ, nhưng nó vẫn là rừng.
“Như thế, độ che phủ bằng nhau nhưng chất lượng rừng không bằng một nửa so với trước đây. Chất lượng đó ảnh hưởng đến năng lực phòng hộ của rừng. Trước đây mật độ cây ken đặc, rễ đan nhau dày đặc thì giờ cây ít đi, cây to không có… nên vai trò bảo vệ của rừng bị suy giảm đi nhiều. Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…
Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1 - 2 giờ với lượng mưa khoảng 100 mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét”, GS Nguyễn Ngọc Lung cho hay.
Trong khi thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta lại phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng. Vì thế, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10 ha rừng trồng.
Quan trọng vừa là tổng diện tích, tỷ lệ rừng có trên lãnh thổ nhưng còn là bố trí ở chỗ nào. Có những quốc gia chỉ có 30 - 35% rừng nhưng cực kỳ an toàn vì đã có quy hoạch gọi là lâm phận ổn định, chỗ nào cần có rừng, loại rừng gì thì người ta làm đúng như thế. Sự trả giá vì mất rừng chúng ta cũng đang chứng kiến rất rõ.
Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Thế giới đã khẳng định, rừng là nhân tố tốt nhất để người dân tham gia vào chống biến đổi khí hậu.
“Chúng ta cần phải công bố rõ ràng rằng hiện tỉ lệ rừng giàu còn rất ít, rừng trung bình còn một ít, chỉ còn rừng nghèo và rừng kiệt, rừng mới phục hồi... Sự buông lỏng quản lý ở một số nơi khiến kiểm lâm chính là lâm tặc, rừng giàu biến thành rừng kiệt…”, GS Nguyễn Ngọc Lung chia sẻ.
Minh Thái (Tổng hợp)
https://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/rung-nguyen-sinh-con-nguyen-cua-viet-nam-chi-con-025-3422413/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire