Nguyễn Đình Cống: "Dưới sự lãnh đạo của cộng sản người ta hiểu sai về tự do cá nhân. Một mặt đề cao tổ chức, tập thể, hạ thấp cá nhân, mặt khác tôn sùng người đứng đầu tổ chức. Người ta hiểu sai chủ nghĩa cá nhân, gán cho nó đủ mọi thói tật xấu xa và ra sức chống đối, bài trừ. Thực ra sự đề cao tự do cá nhân (mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận), sự phát huy năng lực cá nhân là vô cùng quan trọng cho tiến bộ xã hội."
Tháng 11/2020 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu về giáo dục ở Quốc hội, được nhiều người quan tâm. Nhân dịp này tôi thấy cần nêu vài ý kiến trái chiều để rộng đường dư luận.
Ông Đam nêu 4 vấn đề, tôi chỉ xin bàn đến hai, là sự phát triển và triết lý giáo dục (GD).
Về phát triển, ông đưa ra vài con số. Trong khoảng 180 nước thì về kinh tế VN xếp hạng 130, còn về GD xếp hạng 60 đến 70, khá cao so với kinh tế. Chuyện này có điều cần bàn.
Trước hết là sự chính xác của xếp hạng. Về kinh tế, dựa vào GDP, mà GDP của VN một phần đáng kể phụ thuộc vào xuất cảng hàng hóa của các tập đoàn nước ngoài (Sam sung, Toyota, Coca cola v.v…) . Tuy vậy thứ hạng 130 cũng có thể chấp nhận. Còn về GD?. Người ta dựa vào số lượng hay chất lượng, dựa vào hiện tượng hay bản chất. Nếu dựa vào số lượng các trường và số người đi học, dựa vào những giải thưởng quốc tế mà học sinh VN có được thì thứ hạng dưới 70 là có cơ sở. Nhưng nếu đi sâu vào chất lượng của người học và người dạy, dựa vào tác dụng của GD thì chưa biết thế nào.
Cứ tạm chấp nhận thứ hạng 130 và 70. Nó nói lên điều gì?. Nhiều người tự hào, rất tự hào, cho rằng đó là thành tích rất lớn nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt. Nhưng hãy xem trong sự tự hào ấy có gì nhầm lẫn không.
Một đất nước, để phát triển tốt cần có sự cân bằng hài hòa giữa kinh tế và GD. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói : “ Làm sao để mỗi người dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành”. Phải chăng nhiều thế hệ lãnh đạo đất nước đã hiểu sai, vận dụng sai câu đó. Được học hành chứ không phải được học để có nhiều bằng cấp cao. Được học hành là một quyền lợi, nhưng nó không giống như quyền lợi về vật chất, nó không phải là thứ để ban phát. Để hưởng quyền học hành người học cần có điều kiện, cần nổ lực, cố gắng. Để phát triển việc học hành cần có nền kinh tế bảo đảm.
Xin kể câu chuyện ( tôi nhớ là chuyện có thật trong lịch sử, nhưng bây giờ không thể tìm nguồn để dẫn, tạm gọi là nước A và B vào thời xa xưa vậy). Chiến tranh A-B. Quân B thua trận, rút lui nhanh. Quân A truy kích, nhưng tiến quá gấp nên hậu cần không theo kịp. Quân chiến đấu thiếu lương thực, bị đói đã vài ngày, nhưng tướng chỉ huy vẫn thúc tiến nhanh hơn nữa. Quân B phát hiện được liền quay lại phản công, Lúc này một người lính được ăn no của B có thể đánh tan vài chục lính của A đã kiệt sức vì đói.
Để mọi người được học hành thì trước hết cần phổ cập tiểu học. Rồi tiến dần lên phổ cập trung học cơ sở. Còn việc mở quá nhanh, quá nhiều trường bậc cao, vượt quá xa khả năng của nền kinh tế là việc làm duy ý chí, nóng vội. Phải chăng làm thế để kể thành tích, để khoe khoang, để được xếp hạng cao. (và gây ra hậu quả hàng vạn cử nhân thất nghiệp).
Điều cơ bản quyết định của GD là chất lượng của đội ngũ giáo viên. Trước năm 1945 giáo viên tiểu học là trí thức ở thôn xã, họ được kính trọng vì có phẩm chất cao, họ có thể nuôi sống gia đình bằng tiền lương. Nhưng rồi dưới chế độ XHCN, trong nhiều năm giáo viện bị bần cùng hóa vì nền kinh tế còn yếu kém, không đủ sức nuôi một nền GD phình ra quá nhanh. Giáo dục có thể phát triển trước một bước so với kinh tế, nhưng ngắn thôi. Hay gì việc phát triển giáo dục vượt quá xa nền kinh tế để cho giáo viên lâm vào tình cảnh khó khăn về đời sống, giảm sút về phẩm chất, rồi từ đó phát sinh nhiều tiêu cực trong GD. Sự xuống cấp của GD trong nước làm cho nhiều gia đình phải liều cho con đi du học, gây ra lãng phí nhiều mặt.
Về triết lý, ông Đam cho rằng VN có triết lý GD chứ không phải không có. Chỉ là chúng ta không có câu trích dẫn, kinh điển, bất di bất dịch. Thực ra thì VN cũng có vài câu nhưng ông Đam không kể ra, ví như : Tiên học lễ hậu học văn, Dân tộc Khoa học Đại chúng, Học đi đôi với hành, GD kết hợp lao động sản xuất, Lý thuyết kết hợp thực tế, lấy Chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng v.v… Rồi nêu cao khẩu hiệu : GD là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra còn nhấn mạnh đến : Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Đào tạo con người XHCN, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Năm 1953 trong phong trào “Cải tạo học tập” mọi thầy trò cần thấm nhuần tư tưởng “ Học để phục vụ nhân dân” (công nông).
Thực ra câu kinh điển bất di bất dịch có được thì tốt, không có cũng chẳng sao. Quan trọng là triết lý giáo dục cần phải đúng, được thấm sâu vào nhận thức và tình cảm của giáo viên và lãnh đạo để hướng dẫn họ trong hành động. Nếu đề ra một câu rất hay, rất đúng mà thiếu mất điều kiện để thực thi thì câu ấy cũng chỉ thành khẩu hiệu suông. Thí dụ câu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” là trường hợp như vậy.
Điều kiện đủ gồm một số thứ, trong đó quan trọng nhất là nhận thức và tình cảm của những người lãnh đạo. Một vấn đề của tổ chức, dù chủ trương có hay có đúng đến đâu, nó chỉ trở nên hiện thực khi biến thành nhận thức, tình cảm và ý chí của lãnh đạo cao nhất của tổ chức đó. Thế mà hãy xem nhiều lãnh đạo của VN đã có nhận thức và tình cảm như thế nào về giáo dục. Họ hiểu sai nhiều lắm. Họ cho rằng chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao mới thực sự quan trong chứ giáo dục là việc tương đối dễ, lại xem giáo dục như một quyền lợi có thể ban phát và giáo dục phải phục vụ chính trị.
Triết lý chỉ đạo hoạt động và cải cách giáo dục trong thời gian qua thể hiện ra trong một số ý của vài nghị quyết hoặc phát biểu của lãnh đạo, có thể tóm lược vào trong một số ý : Chính trị là thống soái, giáo dục phải phục vụ chính trị, phải kiên trì Mác Lê nin, giáo dục phải đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng (cho đời sau), đào tạo ra những con người xây dựng xã hội chủ nghĩa, suốt đời trung thành và biết ơn đảng v.v…Tuy rằng ở rải rác đâu đó có nói tới tự do, sáng tạo, nhân tài nhưng hình như chỉ nói cho qua chuyện.
Tôi đồng ý với ông Đam rằng VN có triết lý giáo dục, nhưng trong thời gian vừa qua do nhận thức của lãnh đạo phạm phải một số sai lầm, vì thế làm cho giáo dục xuống cấp, làm cho việc cải cách bị vướng vào thế bùng nhùng.
Ông Đam cho rằng triết lý giáo dục nằm trong triết lý xây dựng đất nước (Dân giàu nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh) và trong triết lý xây dựng con người VN toàn diện ( Đức, trí , thể, mỹ, có tinh thần dân tộc, yêu nước, có trách nhiệm quốc tế ). Ông viện dẫn bốn cột trụ của UNESCO và những ý kiến về nhân văn, khai mở trí tuệ, không mất gốc, không dân tộc hẹp hòi v.v…để nói về mục tiêu của giáo dục. Ông chưa hoặc không muốnđề cập đến vấn đề cơ bản nhất, đó là giáo dục nhằm đào tao ra loại người nào, CON NGƯỜI CÔNG CỤ hay là CON NGƯỜI TỰ DO.
Con Người công cụ có các tính chất như bị lệ thuộc, trung thành, kỷ luật, kiên trì vào một lý thuyết nào đó, tin tưởng tuyệt đối hoặc sùng bái một vài cá nhân, không dám suy nghĩ và hành động ngược lại với mọi người, không dám xa rời sự lãnh đạo, làm việc trông chờ vào chỉ thị nghị quyết, làm theo mẫu, ngoan ngoãn, gọi dạ, bảo vâng.
Con Người tự do là nguồn gốc của sáng tạo, của tài năng, của tiến bộ. Nó có tính năng động, tự chủ, tự trọng, dám và biết khám phá, dám phản biện, dám nghĩ dám làm và chịu trách nhiệm. Nó biết chấp nhận và dung hòa các quan điểm khác nhau, nó đại diện cho tinh thần nhân bản và khai phóng, nó trung thực, dũng cảm.
GD của CHXHCNVN nặng về đào tạo Con Người công cụ, trong lúc sứ mệnh chủ yếu của GD là đào tạo Con Người tự do.
Dưới sự lãnh đạo của cộng sản người ta hiểu sai về tự do cá nhân. Một mặt đề cao tổ chức, tập thể, hạ thấp cá nhân, mặt khác tôn sùng người đứng đầu tổ chức. Người ta hiểu sai chủ nghĩa cá nhân, gán cho nó đủ mọi thói tật xấu xa và ra sức chống đối, bài trừ. Thực ra sự đề cao tự do cá nhân (mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận), sự phát huy năng lực cá nhân là vô cùng quan trọng cho tiến bộ xã hội.
Vì những nhầm lẫn trong nhận thức mà chúng ta đã phạm phải một số việc làm không tốt, dẫn đến sự xuống cấp của giáo dục.
Một là xem bằng cấp là tiêu chuẩn để tuyển chọn, đề bạt, trả lương cho cán bộ. Việc này dẫn đến nhiều người dùng bằng giả hoặc bằng thật nhưng kiến thức giả,
Hai là phát triển quá nhanh, quá nóng số lượng cơ sở GD bậc cao, làm mất cân đối giữa năng lực của nền kinh tế và phát triển GD, làm hạ thấp chất lượng và hiệu quả GD. làm hạ thấp vai trò, đạo đức, trình độ của đội ngũ thầy cô giáo.
Ba là hiểu sai về quyền lợi và sự công bằng trong GD, làm phát sinh nhu cầu giả tạo được học lên những bậc cao quá lớn.
Bốn là quá quan tâm đến việc nhồi nhét thật nhiều kiến thức để đi thi, biến việc học, thành nhiệm vụ nặng nề, làm lệch lạc sự phát triển của tuổi trẻ.
Năm là chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ thầy cô giáo có chất lượng cao. Trong đội ngũ thầy cô hiện tại may mắn có được một số ít có lương tâm và trình độ xứng đáng, còn số đông thuộc loại « chuột chạy cùng sào… », họ là sản phẩm của đường lối sai lầm của một số người lãnh đạo, coi thường việc và người dạy học.
Sáu là đề bạt một số vị Bộ trưởng kém năng lực. Đúng ra bộ trưởng phải là người thành thạo về giáo dục phổ thông, giỏi về nhân văn và xã hội, là một nhà chính trị lão luyện chứ không phải là nhà khoa học nhưng thiếu trình độ quản lý.
Bảy là nhận định chưa đúng về nguyên nhân làm GD xuống cấp. Nghị quyết 29 (năm 2013) của ĐCSVN về đổi mới căn bản, toàn diện GD và đào tạo nêu ra các nguyên nhân làm giáo dục xuống cấp.Tuy rằng không sai, nhưng hời hợt, chưa thật đúng bản chất, còn né tránh. Vì thế những biện pháp khắc phục là nửa vời.
Tám là….Những ảnh hưởng quá tiêu cực của xã hội (tham nhũng, hối lộ, mua quan bán tước, dối trá, ngụy biện, bệnh thành tích dổm v.v…, không sao kể hết).
Tuy rằng đã có chủ trương và nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đã bỏ ra nhiều tiền, vay nợ hàng trăm triệu đô la, đã lập ra nhiều ban bệ, làm chương trình, làm sách giáo khoa v.v… nhưng theo tôi VN chưa thể nào chấn hưng được giáo dục, mà không khéo thì tiêu tốn tiền của và sức lực để thay vài cái sai này bẵng các sai khác mà thôi. Vì sao vậy ? Vì nó vẫn bị vòng kim cô Mác Lê trói buộc và còn thiếu những điều kiện cơ bản.
Để có được nền giáo dục nhân bản, khai phóng thì phải làm công cuộc chấn hưng chứ không chỉ đổi mới hoặc cải cách, không phải có nghị quyết, có tiền, có triết lý là làm được. Việc này xin bàn vào dịp khác vì bài đã quá dài. Nếu ông Vũ Đức Đam đọc được bài này mà có ý muốn trao đổi, tôi xin vui lòng nhận lời, liên hệ qua Email : ndcong37@gmail.com.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire