27/12/2020

Đánh trống động chuông, bứt mây động rừng

Thiện Tùng

26/12/2020

Lăng thờ và  dòng người đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các nước trên thế giới hiện nay, về cơ bản,  có 2 mô hình quản lý  kinh tế - xã hội. Đa số nước chọn mô hình Dân chủ và Đa nguyên về chính trị (Dân chủ + nhiều đảng), thiểu số nước còn lại chọn mô hình Độc tôn và Nhứt nguyên về chính trị (Độc tài + một đảng).


Việt Nam đang là một nước “Độc tài, một đảng”. Trong nội bộ đang tranh luận: Đảng CSVN đang cầm quyền muốn giữ thể chế chính trị “Độc tài, một đảng”, một số không ít người khác muốn chuyển đổi thể chế chính trị “Độc tài, một đảng” sang thể chế chình trị  “Dân chủ, nhiều đảng”.

Bất đồng quan điểm mang tính chất nội bộ nầy, lẽ ra đôi bên gặp trực tiếp nhau bàn luận đạt lý thấu tình, xem nên chọn mô hình nào bình đẳng, ít nước lợi dân hơn. Đàng nầy không họp bàn mà công kích qua lại gây mất đoàn kết không cần thiết. Đáng nói, phía Đảng CSVN ỷ thế cậy quyền “cả vú lấp miệng em”, vu oan giá họa cho phía bất đồng chính kiến đủ điều.

Đã quyết giữ thể chế chính trị “Độc tài, một đảng” thì cứ ngồi trên ra lịnh xuống, buộc dưới phải thi hành, bày ra chi “trưng cầu dân ý”, khiến người ta tưởng Đảng thực sự cầu thị, nói rõ quan điểm của mình, để rồi cay đắng với người ta ?!. Bằng chứng là, tại hội nghi Trung ương Đảng CSVN lần thứ 14/khóa XII, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói (trích đoạn nguyên văn):

“…Các cơ quan chức năng của Trung ương đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1.400 trang của đại hội đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân và xây dựng Báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang. Qua tổng hợp, phân tích các ý kiến, cho thấy, hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, với nhân dân, đất nước…”.  “Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chưa tán thành hoặc chưa nhất trí cao với một số nội dung cụ thể. Cá biệt, có ý kiến đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. Đối với những luận điệu sai trái này, báo chí, công luận đã kịp thời phản bác, bị nhân dân phê phán, dư luận xã hội không đồng tình”.

 

Ông Trọng không nói rõ những người góp ý ấy là những ai. Chắc chắn là Ông không vừa lòng với những góp ý ấy nên mới dùng cụm từ Đối với những luận điệu sai trái nầy”.  Và tôi cũng đoán chắc là những góp ý đó vi phạm điều 4 Hiến pháp 2013 về “Đảng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”.

Vì muốn biết rõ “báo chí, công luận đã kịp thời phản bác, bị nhân dân phê phán, dư luận xã hội không đồng tình” đến mức nào, tôi cố dão lỗ tai nghe sao mà êm ru, còn phần lớn báo chí có đăng nguyên văn nhưng không bình luận gì. Tức mình, tôi tìm vào tập chí điện tử (Online) của Đảng CSVN và Ban tuyên Giáo thì ối thôi đầy đàng những bài viết có nội dung “Không cần, không nên Đa nguyên, Đa Đảng”. Họ nói gần như giống nhau, nhục mạ và lên án những ai (không nêu tên) yêu sách đa nguyên đa đảng là những phần tử thoái hóa biến chất, bất hảo, phản động…  Đàng sau danh xưng của từng tác giả nầy có ký hiệu TS. Tôi đoán đây không phải là Tiến sĩ mà là Thạc sĩ đã tốt nghiệp hoặc đang học tại Học viện Chính trị Quốc gia (trước là Học viện Nguyễn Ái Quốc).

Không hiểu kiến thức của những TS nầy thế nào mà dẫn giải không đạt lý thấu đáo, tính thuyết phục kém về tập trung dân chủ, về thù địch, về phản động, về bất đồng chính kiến, về tham nhũng quyền lực, và đặc biệt là hiểu sai sự thật về lịch sử cận đại của nước ta. 

Tiện đây, tôi không có tư cách dạy,  mà chỉ tham khảo thêm với các vị TS  vừa đề cặp trên:

1/ Sự khác nhau về “Tập trung Dân chủ” và  “Dân chủ Tp trung”

- Tập trung Dân chủ - Tập trung trước, Dân chủ sau, nó là sản phẩn của chế độ tập quyền, phản dân chủ. Quyền lực tập trung vào tay một số người rồi từ trên thi ân bố thí xuống dân theo kiểu xin-cho, mang sắc thái vua chúa Phong kiến thời xa xưa “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” dễ dẫn đến “Quân bất minh thần bất trung” – Việt Nam ta hiện nay đang na ná là như vậy.

-  Dân chủ tập trung – Dân chủ trước, tập trung sau. Mọi thứ phải từ nhân dân mà ra rồi trở về với nhân dân”  rồi giao mọi thứ ấy cho cơ quan dân cử điều hành (tập trung). Tập thể hay cá nhân do dân cử nếu không làm tốt hay sai phạm dân có quyền bãi miễn hoặc đưa ra tòa án nhân dân luận tội. 

2/ Về thù địch:

Hai bên kình chống nhau bên nầy được gọi bên kia là địch. Muốn biết bên nào đúng hay sai phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm thước đo - làm kính chiếu yêu.

3/ Phản động:

Là hai động thái nghịch chiều nhau, chỏi lại với nhau, đó là hiện tượng tư nhiên thường diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Phản động không hẳn là xấu, cũng như thù địch vậy, nếu sự phản động ấy có lợi cho nước cho dân thì đáng tuyên dương, ngược lại thì phải nguyền rủa nó? Trong khi chưa xác định sự phản động ấy có lợi hay có hại cho nước cho dân thì không ai có quyền lên án nó?.

4/ Bất đồng chính kiến:

Mỗi người có bản thể, tư duy riêng. Bất đồng chính kiến là chuyện xảy ra  thường ngày “ở huyện”. Đã nói bất đồng chính kiến thì không thể đơn phương mà đa phương. Ý kiến nào đúng hay sai phải đợi công luận phát xét. Chỉ có những người mắc bịnh bảo thủ nặng mới cho rằng ý kiến nào trái với mình là ý kiến đó sai.

5/ Chống tham nhũng trước tiên phải chống tham nhũng quyền lực.

Khi quyền lực đã thực sự trở thành phương tiện để tham nhũng vật chất – muốn tham những vật chất trước tiên phải tham nhũng quyền lực. Tham thì bất cứ ai cũng có thể, còn nhũng phải là người có quyền. Nói đảng cầm quyền thì quyền hành chỉ nằm trong tay đảng viên?. Có đôi lần, tôi nghe trưởng Ban phòng chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng nói đại khái: “Muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả, phải nhốt tham nhũng quyền lực vào trong rọ”. Từ đó, ngoài hệ thống truyền thông đại chúng, các nhà “tai mắt mũi họng” không ngớt lời ngợi ca ông Trọng.

Riêng tôi nghĩ: Ông Trọng là Tổng Bí thư mà để đảng viên của mình tham nhũng lan tràn như thế, đó là lỗi của ông ấy. Đốt lò quyết triệt diệt tham nhũng trong Đảng đó là trách nhiệm của Ông. Nếu cho việc làm đó là Ông đoái công chuộc tội thì hơi quá, nói đó là hành động sửa sai thì vừa – ca ngợi quá có khi chính ông ấy cũng nhột ?. 

Tôi lại nghĩ: Chống tham nhũng trong Đảng CSVN không phải là chuyện dễ, bởi vì chính Đảng CSVN là Đảng tham nhũng - tôi là một nạn nhân đây. Bằng chứng là: Tại Đại hội IV năm 1976, Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng CSVN. Từ đó, dựa vào thế thượng phong, Đảng CSVN lần lượt giải tán tất cả các đảng và tổ chức “chiến hữu”, chỉ còn một mình một chợ, tha hồ “vung râu đá giáp”. Vì vậy, phần lớn đảng viên cộng sản thứ thiệt (vào đảng từ 1976 về sau) mang dòng máu cha ông phải noi gương cha ông âu cũng là lẽ đương nhiên. Kiểm kỹ lại xem, những người yêu cầu đa nguyên đa đảng đều là những người có nguồn gốc các đảng phái chính trị vốn có trong thời chiến (trước 1975). Hiện nay, số còn sống đã già khú hết rồi. Nhiều lắm 10 năm nữa họ sẽ chết sạch. Đến khi đó, không còn ai nói ra nói vào, Đảng CSVN tha hồ muốn làm mưa làm gió gì mà chẳng được?.

6/ Hiểu về lịch sử cận đại:

Khi viết hay nói về lịch sử nói chung, phải cố tìm hiểu để nói/viết cho đúng sự thật, nhứt là lịch sử cận đại còn có người đang sống biết. Tôi cho rằng các TS nói trên hiểu về lịch sử đất nước Việt Nam từ 1930 đến nay chưa cặn kẽ lắm. Tôi xin nhắc lớp:

- Đảng CS Đông Dương ra đời từ năm 1930. Do “không ăn khách” khởi nghĩa Ba Tơ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ Khởi nghĩa… đều thất bại thảm hại

- Đầu năm 1940, Hồ Chí Minh về nước, tổ chức “Mặt trận Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội” (gọi tắt là Việt Minh) – người dân hiểu đơn giản: Việt là Việt Nam, Minh là ngay thẳng. Từ đó, đa số người dân ngã theo phía  Việt Minh, quần thần và vua Bảo Đại bị xem là những tên Việt gian, tay sai cho thực dân Pháp. Nhờ có sự ủng hộ của dân nên, nhân lúc trục phát xít Đức, Ý, Nhựt sụp đổ (kết thúc thế chiến thứ hai), Việt Nam giành được chính quyền. Khi Pháp tái xâm chiếm VN, Hồ Chí Minh chủ trương ra bưng biền, lên núi rừng tiến hành cuộc “Trường kỳ kháng chiến”.

- Vừa khởi đầu cuộc Trường kỳ kháng chiến, để có sức mạnh hợp quần, Cụ Hồ tuyên bố giải tán Đảng Cộng sàn Đông Dương, sau đó không lâu, Cụ chủ trương đa nguyên đa đảng. Vì đảng CS không “ăn khách”, cụ Hồ cho thành lập Đảng Lao động Việt Nam – đại diện cho Công Nông; Đảng Dân chủ - đại diện cho giới Tư sản yêu nước; Đảng Xã hội Cấp tiến – đại diện cho giới Trí thức yêu nước. Ở miền Nam, sau Đồng khởi năm 1960, các tổ chức Chính trị - Xã hội ra đời như: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Đảng Nhân dân Cách  mạng miền Nam, Mặt trận Liên minh các dân tộc vì hòa bình; Chính phủ Cách mang miền Nam. Ngoài ra còn có các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên (Bình Xuyên là phái). Tất cả tổ chức đảng phái Chính trị-Xã hội và tôn giáo vừa nêu trên ở cả 2 miền Nam-Bắc Việt Nam luôn có mặt “trên từng cây số”, ít nhiều đều có góp công lao, xương máu trong cả 2 cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm, về đến đích vào trưa 30/4/1975. 

Hồ Chí Minh đưa ra đường lối “Cách mang Dân tộc Dân chủ” và thể chế chính trị “Đa đảng Đa nguyênphù hợp lòng dân nên được đại đa số nhân dân Việt Nam sùng ái, ngưỡng mộ Ông đến mức (trích nguyên văn): Dwight Eisenhover, Tổng thống Mỹ khi đó, sau nầy thừa nhận rằng nếu cuộc bầu cử đó được phép xảy ra, khoảng 80% người dân VN sẽ bầu cho Hồ Chí Minh và xã hội xã hội chủ nghĩa  mới - và những người Việt mà chúng tôi tiếp xúc đều đồng ý. Tuy nhiên, Mỹ không cho phép chuyện ấy xảy ra. Thay vào đó, họ quay sang một nhân viên CIA khét tiếng Edward Lansdale, người đã tiến hành sử dụng một sự kết hợp khéo léo giữa sự hối lộ và bạo lực để dựng nên một chính phủ mới ở Sài Gòn, do chính trị gia Công giáo Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Ông là người chuyên quyền, gia đình trị, nhưng chống Cộng sản và ủng hộ Mỹ. Vào tháng 10/1955, Lansdale gian lận trong cuộc bầu cử ở miền Nam để cho ông Diệm làm Tổng thống. Cuộc bầu cử toàn quốc bị hủy bỏ. sự phân chia “tạm thời” bây giờ trở thành một giả dụ kéo dài rằng Việt Nam thực sự là hai quốc gia khác nhau, miền Nam là nạn nhân thụ động của cuộc xâm lược từ miền Bắc.

Chính Hồ Chí Minh chớ không ai khác, chủ trương đa nguyên đa đảng mới huy động được sức người sức của đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Vậy thì cớ sao những người nhân danh đồ đệ của Ông, thường hô hào học tập làm theo Ông lại chửi rủa không tiếc lời đối với bất cứ ai, dầu chỉ yêu cầu, thực hiện đa nguyên, đa đảng?!.

Có câu: “đánh trống động chuông, bứt mây động rừng”. Xác Sư tổ đa nguyên đa đảng còn nằm trong lăng đó, vuốt mặt cũng phải nễ mũi chớ?!. Cựu tổng Bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh cũng có ý kiến gì đi chớ, chẳng lẽ cứ đứng đó cười khoe hàm răng chắc?.


Có lẽ qua trải nghiệm, các vị bô lão thấy đa nguyên về chính trị tốt hơn nhứt nguyên chính trị nên đề xuất mang tính chất yêu cầu. Nếu Đảng CSVN cố duy trì nhứt nguyên thì cứ làm như ý. Họ già cúp bình thiết hết rồi, không biết sống nay chết mai, dầu có nấu cơm nếp muối mè nhử họ cũng không vào quan trường, chửi rủa họ chi tôi nghiệp lắm.

Riêng tôi, một thương binh, vết thương còn miểng trong người, trời lạnh nhức nhối không sao ngủ được. Đêm vắng canh buồn, tôi ngồi vào bàn phím gõ đôi điều ôn cố truy tân. Tôi biết chớ, lời thật mất lòng, nhưng tôi không thể nói khác. -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire