Năm
qua, những quan chức “cỡ bự” như ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Đức Chung, Nguyễn
Văn Bình, Tất Thành Cang... đã bị kỷ luật hoặc khởi tố.
Ông Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo
Ngày
10.1, Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính
trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó thủ
tướng Chính phủ.
Bộ Chính trị nhận thấy ông Hoàng Trung Hải trong thời gian giữ
cương vị ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã có những vi phạm,
khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án mở rộng sản
xuất giai đoạn 2- Công ty Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO 2.
Cụ thể
là thiếu trách nhiệm, không xem xét, cân nhắc thấu đáo ý kiến của các bộ,
ngành, cho ý kiến không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, không đúng hợp đồng EPC số 01,
không đúng quy chế làm việc của Chính phủ đối với việc xem xét một số phát sinh
về giá vật liệu xây dựng, điều chỉnh giá trị hợp đồng gói thầu EPC số 01 của dự
án TISCO 2 và tăng chi phí phần C của hợp đồng; cho ý kiến điều chỉnh tổng mức
đầu tư dự án TISCO 2 và vay vốn tín dụng ưu đãi, vi phạm quy định về tín dụng
đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Thiếu
kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra theo quy chế làm việc của Chính phủ nên không phát
hiện được việc TISCO tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC số 01 và giao cho Tổng
công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam thực hiện, làm thay đổi bản chất
và phá vỡ nguyên tắc quản lý hợp đồng EPC nói trên. Đồng ý cho TISCO thanh toán
các khoản chi phí trả cho MCC không đúng với hợp đồng EPC số 01 của dự án TISCO
2.
Những
vi phạm, khuyết điểm nêu trên của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức
xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông, đến
mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng.
Bộ
Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Trung Hải bằng hình thức cảnh
cáo.
Kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình
Bộ
Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí
thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên bí thư Ban cán sự
đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ
Chính trị nhận thấy ông Nguyễn Văn Bình phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về
việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không
đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm,
khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng
Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.
Chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần
của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành
viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với
Ngân hàng Xây dựng.
Vi phạm
nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc khi không báo cáo cấp có thẩm
quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng. Không báo cáo đầy đủ
và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc mua
bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền.
Để xảy
ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức
tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Những
vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là nghiêm trọng, gây bức xúc trong
xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam và cá nhân ông.
Bộ
Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Bình bằng hình thức cảnh cáo.
Bãi nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc
Chiều
3.11, Quốc hội tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm
Phú Quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, có 467 đại
biểu đồng ý, bằng 96,80% tổng số đại biểu quốc hội.
Sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập Quốc tịch Cộng hòa Cyprus và
đã có quốc tịch Cộng hòa Cyprus nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là
không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều
22 Luật Tổ chức Quốc hội.
Sai
phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận
và trong nhân dân, uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút; cử tri thông qua Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị
Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.
Ông Nguyễn Đức Chung lĩnh án tù
Ngày 28.8,
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực
hiện lệnh bắt tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với
ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa,
thành phố Hà Nội, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) về hành vi chiếm đoạt tài
liệu bí mật nhà nước, quy định tại điều 337 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi,
bổ sung năm 2017.
Ông
Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị khởi tố, bắt tạm giam vì tình
nghi chiếm đoạt tài liệu mật liên quan đến vụ án Nhật Cường. Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên.
Sáng 11.12, ông Nguyễn Đức Chung bị tòa án đưa ra xét xử kín với
cáo buộc chủ mưu, chỉ đạo và nhiều lần nhận tài liệu về vụ án Nhật Cường thông
qua điều tra viên Phạm Quang Dũng.
Sau
buổi sáng xét xử kín, trưa cùng ngày, TAND TP Hà Nội tuyên các mức án đối với
ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật
nhà nước".
Theo
đó, hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 5 năm
tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.
Ngày
17.12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật
khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.
Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang.
Ông Tất Thành Cang bị khởi tố
Chiều
16.12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị
can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất
Thành Cang - cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, về tội "vi phạm
quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Các quyết
định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM phê chuẩn cùng ngày.
Tối
cùng ngày cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện
lệnh bắt tạm giam đối với ông Tất Thành Cang.
HĐND
TP.HCM đã tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối
với ông Tất Thành Cang.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông Tất Thành Cang
có vi phạm trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án
đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những sai
phạm này ông Cang phạm phải khi còn làm giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Ông Tất
Thành Cang với tư cách là Phó bí thư trường trực Thành ủy TP.HCM đã chấp thuận
chủ trương cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán cổ
phần tại công ty con Sadeco. Tuy nhiên, việc bán cổ phần này sai so với đề án
tái cơ cấu của IPC, sai quy định pháp luật, và gây thiệt hại cho công ty Sadeco
ít nhất 153 tỉ đồng.
Liên
quan đến vụ việc tại Công ty Tân Thuận, ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc
tập trung dân chủ và quy chế làm việc; vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy
trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài
sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP.HCM và các quy định pháp luật
trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án,
chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.
Khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến
Cơ quan
cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can ông Trần Vĩnh
Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Đồng
thời, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can ông Trần Trọng Tuấn, phó chánh văn
phòng thành ủy, nguyên bí thư Quận ủy quận 3, nguyên giám đốc Sở Xây dựng
TP.HCM, và một số bị can khác.
Ông Tuyến, ông Tuấn cùng bị khởi tố điều tra về tội "Vi
phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng
phí", quy định điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.
Được biết,
những bị can này bị điều tra vì những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Kỷ luật khiển trách ông Triệu
Tài Vinh
Ngày
10.1, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị Bộ Chính
trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương
Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Bộ
Chính trị cho rằng, ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm là người đứng đầu Ban
Thường vụ Tỉnh ủy về để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong Kỳ thi trung
học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang; để một số cán bộ, đảng viên
của tỉnh bị thi hành kỷ luật và xử lý hình sự, trong đó có cán bộ, đảng viên
thuộc diện Tỉnh ủy quản lý.
Ông
Vinh cũng thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm
tra, giám sát, xem xét, phát hiện, xử lý; khi xảy ra vụ việc xử lý thiếu kiên
quyết, thiếu kịp thời, không nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có vi
phạm, khuyết điểm liên quan đến kỳ thi; Chấp hành không nghiêm quy định của Bộ
Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Ngoài ra, ông Vinh còn có em gái vi phạm trong kỳ thi nêu trên.
Đáng lưu ý, Bộ Chính trị khẳng định, sau khi bị phát hiện, ông Vinh "còn
né tránh trách nhiệm", đã vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng
viên theo quy định của Trung ương Đảng.
Từ đó,
Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh bằng hình thức
khiển trách.
Khởi tố ông Vũ Huy Hoàng
Cơ quan
cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy
Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định
về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Được
biết những vi phạm của ông Hoàng có liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia,
rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trước đó, Ban Bí thư kết luận ông Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu
hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm
soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Quyết
định điều động và đề cử ông Vũ Quang Hải tham gia hội đồng quản trị Sabeco để
bầu làm thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy
định của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy
định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm
Luật phòng chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Vũ
Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo và thực hiện không đúng quy chế làm việc của Ban cán
sự Đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị khen thưởng Huân
chương Lao động hạng ba cho ông Đặng Vũ Ngoạn, hiệu trưởng Trường đại học Công
nghiệp thực phẩm TP.HCM.
Ngoài
ra, ông Vũ Huy Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra dẫn
đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định
về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp
quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để
điều tra.
Các vi
phạm, khuyết điểm của ông Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng
đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của Bộ Công thương và cá nhân ông.
Đến
tháng 1.2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa
tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương.
Khai trừ Đảng bà Hô Thị Kim Thoa
Ban bí
thư nhận thấy, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng
Bộ Công thương giai đoạn 2010 - 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm,
khuyết điểm liên quan đến dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé,
quận 1, TP.HCM trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai"
và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát,
lãng phí" đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi
tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra đề nghị truy tố.
Sau khi
có quyết định nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra
nước ngoài.
Vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa là rất nghiêm trọng, gây hậu quả
rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của Bộ Công
thương. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi
Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Tuy nhiên,
bà Thoa hiện không có ở Việt Nam. Bộ Công an cũng cho biết hiện chưa biết bà
Thoa đang ở đâu, đồng thời cho hay Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế đã truy nã
đỏ bà Thoa.
Kỷ luật ông Lê Viết Chữ
Ngày
16.6.2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ
Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương
Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Bộ
Chính trị nhận thấy, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
ông Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và của Ban cán sự đảng, UBND tỉnh
nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm,
luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt
nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu
chuẩn.
Bên cạnh đó là chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn
ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua
đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục
dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương
tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách
nhà nước để thực hiện dự án; Ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các
kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, Bí
thư Tỉnh ủy…
Những
việc làm trên của ông Lê Viết Chữ đã vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và
các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Viết Chữ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy
tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và cá nhân ông Chữ.
Theo
đó, ông Chữ bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
21 tháng 12 năm 2020
Nguồn : motthegioi
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire