29/12/2020

Từ Ngã Năm chuồng chó tới Nguyễn Thiện Thành

canhco

Người Sài Gòn xưa có lẽ không ai là không biết cái tên Ngã Năm chuồng chó, nơi mà một thời kỳ gắn chặt vào ký ức người dân Gò vấp không những bởi cái tên mà còn là “di sản” mà nó đọng lại.


Trước năm 1975 cái Ngã năm ấy tập trung những con đường Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Võ Di Nguy, Nguyễn Oanh, Trần Thị Nghĩa, Nguyễn Văn Nghị và trước đó nữa, vào năm 1946 Pháp đã thành lập một trại nuôi và huấn luyện chó tại đây. Lũ chó bẹc giê này cứ sủa ỏm tỏi cả ngày khiến người dân gần đó không thể nghỉ ngơi được nên họ mới lấy lũ chó này đặt cho tên gọi một vùng mà cho tới ngày nay vẫn còn trong ký ức người Sài Gòn cũ.

Bên cạnh chó, một sinh hoạt khác làm cho người ta khó quên hơn, đó là khu đèn đỏ bình dân của cái Ngã năm này.

Nhiều người kể lại, cứ được bạn bè rủ đi Ngã Năm chuồng chó là biết rằng đó là nơi tụ điểm của sinh hoạt trăng hoa. Tới đây không thiếu thứ gì từ gái miền Tây tới miền Trung và thậm chí còn có người từ Campuchia trở về nữa. Sinh hoạt “cổ truyền” này kéo dài cho tới năm 1985 mới mất hẳn, phần vì người ta hết tiền, phần vì chính quyền sở tại cương quyết bài trừ. Tuy bên ngoài không còn cái địa điểm thu hút khách làng chơi nữa nhưng trong tâm trí người biết chuyện làm sao gột cho sạch cái quá khứ từng một thời người ta mang nặng?

Mới đây một câu chuyện tương tự như hơn 50 năm về trước lại xảy ra tại Sài Gòn, lần này không phải Gò Vấp mà là Thủ Thiêm, một đô thị mới toanh chưa khai trương nhưng đã đầy rẫy những tiếng kêu than vì oan khuất. Thủ Thiêm chưa có khu đèn đỏ nhưng nó đã có một con đường mang ý nghĩa tương tự như cái tên mà người dân đặt cho Ngã Năm chuồng chó. Tên nó là Nguyễn Thiện Thành, ẩn chứa phía sau một câu chuyện không dễ chịu như những gì mà Gò Vấp chứng kiến. Câu chuyện Nguyễn Thiện Thành dính líu tới lịch sử cận đại, lịch sử của việc thành lập một đô thị với hàng ngàn câu chuyện nếu viết lại sẽ dày hàng ngàn trang sách.

Nguyễn Thiện Thành là một cái tên vừa được Hội đồng Nhân dân Thành phố HCM chọn đặt cho một con đường quan trọng bậc nhất của khu đô thị mới Thủ Thiêm, nó là con đường nằm ven sông Sài Gòn (R3) dài gần 2,8 km.

Báo chí chỉ viết là Đường Ven sông Sài Gòn (R3) nhưng không cho biết nó là tuyến đường bao quanh phía tây bán đảo, bên ngoài giáp với sông Sài Gòn thuận tiện giao thông đường thủy và bên trong lại bao quanh khu vực thương mại sầm uất của khu đô thị Thủ Thiêm.

Báo chí cũng cho biết tiểu sử của ông Nguyễn Thiện Thành như sau: Ông Nguyễn Thiện Thành được phong quân hàm đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1974. Một năm sau, ông là Chủ tịch Hội đồng bảo vệ sức khỏe Trung ương kiêm Viện trưởng Bệnh viện Thống Nhất. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa VI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội.

Năm 1980, ông được nhà nước phong học hàm Giáo sư, là đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật của Quốc hội. Năm 1985, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Nếu căn cứ vào những gì ông Thành có được thì cả nước này ít ra cũng có tới vài ngàn người như vậy hoặc cao hơn nhưng không hề được nhắc tới chứ làm gì có chuyện được đặt tên đường! Ông Nguyễn Thiện Thành được có mặt ở một con đường bậc nhất Thủ Thiêm vì con của ông là Nguyễn Thiện Nhân đã và đang được người dân mất đất Thủ Thiêm ghi nhớ.

Ông Nguyển Thiện Nhân được ghi nhớ như người dân Gò Vấp ghi nhớ Ngã Năm chuồng chó. Nếu ở Ngã Năm chó sủa cả ngày làm người dân bực dọc thì tại Thủ Thiêm người dân căm hờn vì câu nói: “Tôi nói tiếng Bắc nhưng là người miền Nam không gạt bà con đâu” khi ông Nguyễn Thiện Nhân đại diện chính quyền TP HCM họp với bà con mất đất Thủ Thiêm vào năm ngoái. Ông Nhân hứa sẽ giải quyết cho bà con nhưng cho tới khi ông về hưu mọi khiếu nại của dân chúng không được ông ấy lật bất cứ một hồ sơ nào để xem chứ đừng nói đến giải quyết.

Việc ông Nguyễn Thiện Nhân đặt tên đường cho cha mình làm người ta nhớ tới những con đường mà các cô gái cùng khổ đứng rước khách hàng đêm tại Ngã Năm chuồng chó. Có một điều gì đó tương đồng đến khó hiểu giữa Ngã Năm chuống chó và Nguyễn Thiện Thành. Một bên là do đồng bào đặt, một bên là do một ông con lừa đảo bà con đặt nhưng cái chung giống nhau là ý tưởng. Ngã Năm chuồng chó nhắc tới những sinh hoạt của chó và gái bán hoa còn Nguyễn Thiện Thành lại nhắc tới một câu chuyện tang thương đầy nước mắt của 16 ngàn người dân Thủ Thiêm và sự trở mặt của ông Nguyễn Thiện Nhân.

Và chắc người ta cũng sẽ nhớ tới ông Nguyễn Thiện Nhân, một người con hiếu thảo.

  canhco's blog

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire