Thiện Tùng
24/01/2021
Nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức lúc 11 giờ 40 phút |
Mâu thuẫn nội bộ ở Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ngoài sức tưởng tượng của mọi người, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu không phải giữa 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa mà mâu thuẩn giữa Độc tài và Dân chủ.
Nước Mỹ hình thành trên cơ sở hợp chủng quốc. Để có một chính quyền mạnh và công bằng, năm 1787, lãnh đạo các tiểu bang họp lại viết ra bản Hiến pháp theo thể chế chính trị Dân chủ. Muốn có chính quyền mạnh, công bằng, tránh lạm quyền, họ đưa ra thể thức quản lý xã hội theo “tam quyền phân lập” – lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập giám sát lẫn nhau để tránh lạm quyền, thực hiện thể chế chính trị Dân chủ, bảo vệ quyền tự do cá nhân. Mỹ hình thành thể chế chính trị Dân chủ là một sáng tạo tuyệt vời, nó chẳng những góp phần xóa bỏ thể chế Quân chủ (độc tài), còn bảo đảm công bằng xã hội. Chính từ đó, nước Mỹ trở thành nước phát triển nhanh, là cái nôi Dân chủ mẫu mực mà nhiều nước đã và đang học hỏi, làm theo.
Với thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên, ngay từ đầu cho đến nay, nước Mỹ chỉ xuất hiện 2 đảng có uy tín nhứt đó là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tranh nhau cầm quyền. Đảng nào đắc cử lên cầm quyền, vị Tổng thống và phó Tổng thống đều phải đặt một tay lên Hiến pháp, một tay giơ lên tuyên thệ trung thành với Pháp Luật của thề chế Dân chủ.
Nhiệm kỳ 2016-2020, tổng thống thứ 45, ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa đắc cử. Ông Trump cũng thề thốt theo thủ tục như mọi Tổng thống tiền nhiệm, nhưng ông không giữ lời thề, độc tài độc đoán, luôn vi Hiến, vi Luật, làm những việc không giống ai. Đó là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gây chia rẻ trong cộng đồng dân tộc Mỹ.
Nền Dân chủ nước Mỹ tuyệt vời, có từ lâu đời, nó thấm sâu vào máu thịt nhân dân Mỹ. Chính vì vậy, trong cuộc tranh cử Tổng thống thứ 46 giữa ông Joe Biden (đảng Dân chủ) và đương kiêm Tổng thống Donald Trump (đảng Cộng hòa) phần thắng thuộc về ông Biden. Do động cơ cá nhân, ông Trump xách động dân chúng nổi loạn cục bộ để rồi cũng thua cuộc, vì ngay chính đảng Cộng hòa của ông cũng không mấy ai ủng hộ ông, còn đồng tình với Tối cao Pháp viện, dự định đưa ông ra xét xử vào ngày 8/2/2021, về tội xách động bạo loạn hôm 6/1/2021 tại tòa nhà Quốc hội (điện Capitol).
Ở nước Mỹ hiện nay chỉ có 2 đảng chính thống, đảng Dân chủ đại diện cho từng lớp nghèo; đảng Cộng hòa đại diện cho từng lớp giàu. Cứ đến hạn kỳ 4 năm, 2 đảng lại phải tranh nhau giành quyền Hành pháp. Khi đảng nào thắng cử giành được quyền Hành pháp thì lại tìm mọi cách chiếm đa số trong Lập pháp (Hạ-Thượng viện) để thao túng quyền hành – đó là cái nhược hiếm hoi, gây tranh cãi hiện nay ở Mỹ?.
Chuyện bất hòa đã và đang xảy ra ở Mỹ đến nay coi như ngã ngũ, trào lưu Dân chủ ở Mỹ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối, chỉ cần “xức thuốc đỏ” vết thương sẽ lành lặn lại chớ không có gì phải lo.
Theo tôi, để vết thương cũ không tái phát, đã là cạnh tranh nghị trường mà chỉ có 2 đảng (số chẵn) khi gay cấn nhau kiểu một chọi một đôi khi khó ngã ngũ. Phải có từ 3 trở lên (số lẻ), nếu không có thêm đảng thì nên để các tổ chức xã hội Dân sự tham gia. Lực lượng thứ 3 ngã về bên nào thì bên đó chắc thắng. Để tránh thao túng Lập pháp, các đảng chính thống cứ tranh nhau nắm quyền Hành pháp, còn cơ quan Lập pháp (Quốc hội) phải để cho các tổ chức Xã hội Dân sự có quyền chọn người của mình tham gia tranh cử vào cơ quan nầy. Khi Lập pháp “có nạc có mỡ” sẽ đưa ra Hiến Pháp, luật lệ… mang tính chất trung dung, bình đẳng trên cơ sở lợi ích cộng đồng, buộc Hành pháp phải dựa vào đó thi hành, tránh được gian lận, lạm quyền.
Để cho nền Dân chủ Đa nguyên Mỹ ăn khách hơn, Lập pháp Mỹ phải khắc phục những chỗ hở không đáng có nầy để tiếp tục giữ ngọn cờ đầu thế giới về thể chế Dân chủ.
Tôi không nói nữa, mời đọc giả xem trích đoạn bài viết của Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn gởi đăng trên BBC tiếng Việt hôm nay 24/01/2021:
<<… Nước Mỹ vĩ đại vì họ có những GIÁ TRỊ làm nên điều vĩ đại, và nước Mỹ đã vĩ đại từ trước khi có Trump làm tổng thống. Thế nên, thay vì lo lắng cho họ thì hãy lo cho chính mình và hãy tự hỏi, tại sao chúng ta chưa sở hữu những GIÁ TRỊ tương tự để làm nên một xứ sở đáng tự hào hơn ?
Trong diễn văn nhậm chức tổng thống, ông Biden nhấn mạnh "Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa. Bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có lẽ là sức mạnh lớn nhất của đất nước này". GIÁ TRỊ Mỹ nằm ở "Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa".
Cùng với "Quyền bất đồng chính kiến một cách ôn hòa", chúng ta còn có thể học hỏi được nhiều GIÁ TRỊ hơn được rút ra từ cuộc bầu cử gây ồn ào nhất trong sinh hoạt chính trị hiện đại, bằng nhiều câu hỏi:
- Rằng tại sao các tu chính án, các điều luật của bản Hiến pháp Mỹ lại được cả hai bên trong cuộc bầu cử thường xuyên viện dẫn? Có phải ý chí thượng tôn pháp luật đang là GIÁ TRỊ Mỹ?
- Rằng tại sao công dân Mỹ được đi bầu cử cho vị nguyên thủ quốc gia, điều mà chúng ta thấy xa lạ? Có phải chính quyền của dân, do dân và vì dân chỉ xuất phát từ định chế bầu cử tự do?
- Rằng tại sao đảng cầm quyền lại không thể chỉ đạo, chỉ thị cho tòa án ? Có phải do tòa án chỉ biết tuân thủ hiến pháp và pháp luật? - (Pháp Luật).
- Rằng tại sao các vị thẩm phán của tối cao pháp viện do đảng cầm quyền bổ nhiệm lại không bảo vệ quyền lợi cho đảng đã bổ nhiệm mình? Có phải do tính độc lập của thẩm phán đã vượt lên trên quyền lợi đảng phái chính trị?
- Rằng tại sao hệ thống cảnh sát, vệ binh quốc gia và quân đội lại tuyên bố chỉ bảo vệ đất nước và luật pháp mà không bảo vệ đảng cầm quyền? Phải chăng họ cho rằng lợi ích quốc gia mới là tối thượng và xứng đáng được bảo vệ, mà theo đó, quyền lợi đảng phái không thể có vị trí ngang bằng hoặc cao hơn?
- Rằng tại sao có thể luận tội một nguyên thủ quốc gia đương chức? Phải chăng nguyên tắc "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" đang thật sự tồn tại?
- Rằng tại sao người dân Mỹ lại có thể tự do ngôn luận, tự do báo chí đến mức chỉ trích kịch liệt ứng cử viên hoặc đảng chính trị mà mình không tín nhiệm mà không bị chế tài? Phải chăng họ không có những điều luật hình sự cấm tuyên truyền chống chính quyền hoặc cấm lợi dụng những quyền tự do dân chủ?
- Và rằng tại sao người dân Mỹ lại có thể sử dụng quyền tự do ngôn luận để biểu đạt chính kiến qua những cuộc biểu tình có đến hàng trăm nghìn người tham gia? Phải chăng họ không cấm đoán biểu tình?
GIÁ TRỊ Mỹ làm nên nước Mỹ vĩ đại và nước Mỹ chưa bao giờ tuyên bố độc quyền, chiếm lấy GIÁ TRỊ Mỹ làm của riêng.
Nước Mỹ tin vào Chúa và minh định điều đó bằng cách in thẳng vào đồng tiền "In God we trust", nôm na "Chúng ta tín thác vào Chúa". Theo đó, đất nước họ đã được chúc lành. Bản thân đức tin cũng lại là một GIÁ TRỊ Mỹ khác đáng ngưỡng mộ.
Ngẫm xem, sau khi quan sát, theo dõi cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ, chúng ta đã học hỏi được những gì ở quốc gia vĩ đại này, cả ưu lẫn khuyết? Nếu không, thì quá phí hoài. Thật sự !
Sài Gòn, ngày 22/01/2021 >> .
Tôi là công dân ở một quốc gia nếu có chăng là “Dân chủ cụi” mà nói về Dân chủ thì có khác chi “trứng dạy gà”. Nhưng hãy hiểu cho, đó chẳng qua là sự khát khao, đam mê Dân chủ mà ngứa miệng nói cho đỡ ghiền. -/-
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire