Nghị viện Châu Âu vào ngày 21 tháng 1 thông qua nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt về ba nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, những người vừa bị tuyên án án tù nặng nề hôm 5 tháng 1 vừa qua với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết về nhân quyền Việt Nam |
Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu lên án những vi phạm nhân quyền rộng khắp, đáng kể là tình cảnh của những tù chính trị tại Việt Nam. Theo Nghị Viện Châu Âu, Việt Nam hiện giam cầm lượng tù chính trị lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Thực tế đó khiến Nghị Viện Châu Âu thấy khiếp đảm và lên án tình trạng leo thang trấn áp đối lập cũng như những vi phạm nhân quyền ngày càng tăng tại Việt Nam; trong đó có việc kết án, đe dọa chính trị, giám sát, sách nhiễu, tấn công, xét xử không công bằng và cưỡng bức lưu vong đối với những nhà hoạt động chính trị, nhà báo, bloggers, người bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền chỉ vì họ thực thi quyền tự do biểu đạt. Đó là sự vi phạm rõ ràng những cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.
Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với việc bắt giữ tùy tiện và kết án đối với ba nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, và Lê Hữu Minh Tuấn.
Cả ba người này chỉ tường trình về tình trạng tham nhũng và điều hành sai trái của chính phủ cũng như các vấn đề nhân quyền và dân chủ; thế nhưng họ bị buộc tội ‘“làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.”
Nghị Quyết của Nghị viện Châu Âu do các nghị viên thuộc 7 đảng chính trị đệ trình, lên án tình trạng giam cầm hà khắc, thiếu tư vấn pháp lý và bác bỏ quyền được xét xử công bằng, từ đó kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay và vô điều kiện cho ba nhà báo độc lập vừa nêu, cũng như tất cả những nhà báo khác; những người bảo vệ nhân quyền, môi trường; những nhà hoạt động công đoàn, các tù nhân lương tâm bị bắt giữ và chịu án tù chỉ vì thực thi quyền tự do biểu đạt.
Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu cũng kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều khoản mang tính đàn áp trong luật hình sự; đáng kể là điều 117, 118 và 331 trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam; ngoài ra còn có những luật lệ mang tính hạn chế khác như Luật An Ninh Mạng, Nghị quyết 72 về Internet.
Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu nhấn mạnh rằng việc cải tổ Bộ Luật Hình sự là cần thiết cho việc thực thi hiệu quả các Công ước 98 và 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO). Nếu không thì công nhân sẽ đối diện với nguy cơ bị bỏ tù vì chỉ trích chính sách nhà nước tại nơi làm việc.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam trong ngày 21 tháng 1 lên tiếng hoan nghênh nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu như vừa nêu. Chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, ông Võ Văn Ái, cho rằng nghị quyết là hết sức phù hợp và kịp thời, nó gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam một thông điệp mạnh mẽ ngay trước đại hội 13; cũng như đến tân Tổng thống Hoa Kỳ để cùng làm việc chung với Liên minh Châu Âu và các quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy cho những tiến triển nhân quyền cụ thể tại Việt Nam.
22/1/2021
https://www.baoquocdan.org/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire