Minh họa, nguồn: TTXVN. |
Xuân Dương: " Nhìn từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 trên biên giới phía Bắc đến tình hình Biển Đông năm 2021 để thấy quan điểm quân sự của Trung Quốc về "chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai” đang có sự điều chỉnh để hình thành chuỗi đảo (nhân tạo) thứ ba ôm trọn vòng ngoài của Biển Đông, đe dọa trực tiếp không gian sinh tồn của người Việt."
Những ngày tháng Hai, một số phương tiện truyền thông đại chúng đăng ảnh, bài viết điểm lại những sự kiện liên quan đến cuộc chiến của quân dân Việt Nam chống sự xâm lược của quân đội Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ ngày 17/02/1979.
Đọc và suy ngẫm về những gì truyền thông trong nước và quốc tế đăng tải, có thể thấy báo chí đã viết khá rõ ràng và trung thực bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược mà giới cầm quyền Trung Quốc lúc đó thực hiện.
Trong vị thế yếu cả về kinh tế và quốc phòng, để kết thân với Mỹ, lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã không ngại huênh hoang "dạy cho Việt Nam một bài học”, còn giờ đây để chống lại cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ phát động, người ta có thể và sẽ làm những gì?
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài nhiều năm chứ không phải là kết thúc vào ngày 16/03/1979, khi phía Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Trong vòng 05 năm, từ tháng 3/1979 đến tháng 9/1983, thống kê cho thấy quân đội Trung Quốc đã "Gây nên 7.322 vụ xâm nhập trên bộ có nổ súng và 12.705 vụ xâm nhập vùng trời với hơn 2.000 lượt tốp máy bay…”. [1]
"Riêng tại Vị Xuyên, tính từ tháng 4-1984 đến tháng 5-1989, chúng đưa hơn 500.000 quân sang đánh chiếm. Có ngày, Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng diện tích 15 km2. Vị Xuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”. [1]
Đến tháng 05/1989 là đúng 10 năm kể từ khi Trung Quốc xua quân vượt biên giới tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thêm 10 năm, đến ngày 30/12/1999 Chính phủ hai nước mới hoàn thành "Hiệp ước hoạch định biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Tiếp theo cũng mất 10 năm, đến ngày 31/12/2008, việc phân giới cắm mốc trên toàn biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc mới cơ bản hoàn thành.
Vậy phải chăng chuyện biên giới giữa hai quốc gia Việt – Trung đã êm ấm?
Câu trả lời chắc chắn là chưa bởi biên giới quốc gia không chỉ trên đất liền mà còn vùng trời và 3.260 km bờ biển (phía Đông, Nam và Tây-Nam) kéo dài từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam.
|
|
Thực ra con số 3.260 km là số liệu được đo đạc theo kiểu cổ điển, chiều dài bờ biển Việt Nam được công bố trên website của Bộ Khoa học – Công nghệ là 3.350 km.
Khái niệm bờ biển theo cách hiểu của ngành địa lý hiện đại bao gồm hai loại:
- Bờ biển ngoài: bờ tiếp giáp với biển cộng với bờ các đảo trên biển;
- Bờ biển trong: bao gồm bờ các khu vực đầm phá thông với biển, vùng cửa sông khi thuỷ triều lên cực đại.
Với cách định nghĩa này thì chiều dài bờ biển Việt Nam là 11.409,1km.
Con số này đã được hai tổ chức quốc tế là Viện Tài nguyên thế giới và Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc xác định. [2]
Lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại khu vực Biển Đông, phía nam vịnh Bắc Bộ, kéo dài từ quần đảo Hoàng Sa đến quần đảo Trường Sa chưa bao giờ bình yên.
Đủ loại phương tiện thủy, từ tàu cá, tàu nghiên cứu khoa học đến tàu công vụ có vũ trang và các loại tàu chiến khác luôn ngày đêm xâm nhập, quấy phá, thu thập tin tức,…
Báo Tuoitre.vn trong bài "Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho bắn tàu nước ngoài, cụ thể là gì, dư luận nói sao?” xuất bản ngày 23/01/2021 cho thấy đạo luật này đã 15 lần nhắc tới từ "vũ khí” liên quan đến việc "sử dụng vũ khí và cảnh giới”.
Trong khi lực lượng chức năng của Việt Nam chỉ thực hiện "đẩy, đuổi” các tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì tàu công vụ Trung Quốc đã đâm chìm, phá hoại ngư cụ, bắt giam ngư dân của Việt Nam, thậm chí còn ngăn cản các tàu của ngư dân Việt Nam cứu tàu bị nạn (Plo.vn 10/10/2019).
Biển Đông là không gian sinh tồn của người Việt từ ngàn đời nay, từ khi nước Việt mang tên là Giao Chỉ.
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết:
"Đặc dĩ cứu dân chi niệm, mỗi uất uất nhi dục đông;
Cố ư đãi hiền chi xa, thường cấp cấp dĩ hư tả”.
(Dịch: Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông; Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả).
Theo cụ Nguyễn Trãi, để cứu nước, phải tiến về phía Đông, phải vươn ra biển lớn, phải làm chủ vùng biển gắn với đất liền nước Việt bởi phía Tây là núi cao, phía Bắc là thế lực dân đông, nước rộng với dã tâm xuyên suốt hàng nghìn năm là nô dịch, đồng hóa các nước lân cận hoặc ít nhất cũng biến họ thành tiểu quốc phải triều cống hàng năm.
Và điều này cho thấy tổ tiên người Việt đã xác định không gian sinh tồn phía Biển Đông vô cùng quan trọng nếu không nói là quan trọng hơn các phía khác.
Đây là cách nhìn mang tính khoa học đi trước thời đại của tiền nhân bởi diện tích đất liền là hữu hạn, loài người sớm muộn cũng sẽ phải học cách sinh sống lâu dài trên biển.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã làm được rất nhiều việc so với những thời kỳ trước đây về chính trị, ngoại giao để giữ vững chủ quyền quốc gia, tự do cho dân tộc, tuy nhiên mong mỏi của dân chúng về sự quyết liệt không phải là không nên đề cập.
Điều đáng tiếc là cách thức truyền thông thể hiện chưa trọn vẹn, đôi khi chưa rõ ràng khiến một bộ phận dân chúng chưa hiểu, chưa tin.
Bên cạnh đó có thể người dân bình thường ít có điều kiện tra cứu thông tin từ nước ngoài, chẳng hạn những thông tin liên quan đến việc nâng cao khả năng quốc phòng:
"Viện nghiên cứu Hoà bình Stockholm (SIPRI) hồi năm 2019 xếp Việt Nam trong Top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới trong phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế”.
Hay gần đây báo chí nước ngoài dẫn thông tin cho thấy Việt Nam đã đặt mua 24 máy bay phản lực thế hệ mới (12 chiếc của Nga, 12 chiếc của Cộng hòa Séc). Tuy là máy bay huấn luyện song đây cũng là dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ có đủ các tính năng của máy bay chiến đấu hiện đại.
Trong thông điệp gửi Ngài Volkan Bozkir - Chủ tịch khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngài Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhân dịp tổ chức này mở "Phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc” (diễn ra vào tháng 9 năm 2020) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm của Việt Nam:
"Giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước âm mưu xâm lược, bành trướng của các thế lực nước ngoài, đặc biệt là ở Biển Đông là tuyên bố mạnh mẽ nhưng được diễn giải khá "nhẹ nhàng”.
Những nhận thức rất mới về tư tưởng chỉ đạo trong tình hình hiện tại cho thấy Nhà nước không lơ là cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Tiếc là gần đây trong giới học thuật, một vị Giáo sư lại đưa ra ý kiến là các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Trung Quốc nên cùng ngồi lại với nhau để thống nhất về cuộc chiến tranh 1979.
Quan điểm của kẻ xâm lược và người bị xâm lược làm sao có thể thống nhất khi mà cho đến nay, dựa vào cái "lưỡi bò” vô lý và phi pháp người ta vẫn tiếp tục phun ra những gì xưa cũ, những điều trái luật pháp quốc tế kèm theo những dọa dẫm về việc "sử dụng vũ khí”.
Sau những vụ gặm nhấm lãnh thổ bằng cách di chuyển cột mốc biên giới [3] giờ là đến gặm nhấm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đó là một sự thực đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên Biển Đông.
Báo chí nước ngoài cho biết: "Công ty công nghệ Simularity's South China Sea Rapid Alert Service có trụ sở tại Mỹ hôm 16/2 công bố những hình ảnh về Đá Vành Khăn cho thấy Trung Quốc có những hoạt động mới ở vùng nước này kể từ cuối năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Nhìn từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 trên biên giới phía Bắc đến tình hình Biển Đông năm 2021 để thấy quan điểm quân sự của Trung Quốc về "chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai” đang có sự điều chỉnh để hình thành chuỗi đảo (nhân tạo) thứ ba ôm trọn vòng ngoài của Biển Đông, đe dọa trực tiếp không gian sinh tồn của người Việt.
Sự tồn vong của quốc gia, dân tộc cao hơn bất kỳ điều gì và vì vậy chuẩn bị cho mọi tình huống xấu là cách tốt nhất để không bị động, để con đường thông thương với thế giới không bị ngăn cản và cũng để mở rộng không gian sinh tồn của cả trăm triệu người Việt.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://congan.com.vn/tin-chinh/cuoc-chien-10-nam-sau-ngay-trung-quoc-rut-quan-18-3-1979_69626.html
[2] https://stttt.thuathienhue.gov.vn/?gd=7&cn=28&tc=2463
[3]]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lich-su-la-mot-thuoc-do-chuan-muc-post144313.gd
01/03/2021
Xuân Dương
Nguồn:
Theo GDVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire