07/03/2021

Trách nhiệm của TBT Trọng và TT Phúc trong vụ án ‘giết người’ ở Đồng Tâm

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Ông Lê Đình Kình.
Ngày 8/3 tới, Tòa án cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm xử “vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội” xảy ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 khi một trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc Công an phối hợp với Công an Hà Nội tấn công vào đây. Cụ Lê Đình Kình, một đảng viên cộng sản lão thành, người lãnh đạo người dân Đồng Tâm phản đối chính quyền Hà Nội lấy đất của họ trái pháp luật, đã bị bắn chết ngay tại phòng ngủ với dấu hiệu của một vụ hành quyết. Cũng trong cuộc tấn công này, ba cảnh sát đã rơi xuống một hố kỹ thuật (giếng trời) nền bê tông từ độ cao 4 m và bị thiêu chết. Đó là Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Trung úy Dương Đức Hoàng Quân thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Công an và Thiếu úy Phạm Công Huy thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP.Hà Nội.

Ngày 14/9/2020, tại phiên sơ thẩm xử vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm”, Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, đều là con cụ Kình, về tội “giết người” do "chủ mưu, cầm đầu” việc thiêu chết ba cảnh sát và án tù dài hạn đối với các ông Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển với cùng tội danh. Thế nhưng cả sáu bản án này là vô pháp khi thực nghiệm điều tra cái chết của ba cảnh sát đã không được thực hiện dù các luật sư bào chữa đã liên tục yêu cầu.

Khoản 1 Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định: “1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản; 4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra”. Điểm đ khoản 2 Điều 45 BLTTHS quy định Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự cũng có quyền tiến hành thực nghiệm điều tra.

Như vậy, trong các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, vụ án “giết người” trước hết, thực nghiệm điều tra là bắt buộc. Hơn thế nữa, để nguyên tắc “không làm oan người vô tôi” quy định tại Điều 2 BLTTHS không bị sơ sẩy, cả Viện kiểm sát lẫn Tòa án đều có quyền tự mình tiến hành tiến hành thực nghiệm điều tra một khi tố tụng hình sự quan trọng bậc nhất này do Cơ quan điều tra Công an tiến hành còn để lại “nghi ngờ hợp lý” (reasonable doub) dù là nhỏ nhất.

Cũng cần nhắc lại rằng “nghi ngờ hợp lý” dựa trên nguyên tắc “suy đoán vô tội” quy định tại Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 (Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”) và Điều 13 (Suy đoán vô tội) BLTTHS (Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội). Cũng như vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên có quyền tự mình tiến hành thực nghiệm điều tra một khi vẫn còn "nghi ngờ hợp lý" về sự vô tội của bị can, bị cáo.

Các luật sư bào chữa trong vụ án này nói riêng, công luận trong và ngoài nước nói chung, đã đưa ra rất nhiều “nghi ngờ hợp lý” về sự vô tội của những người này cũng như của cụ Lê Đình Kình. Về phần mình và trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nêu vài “nghi ngờ hợp lý” về cáo buộc “giết người” nhằm vào sáu người dân Đồng Tâm như đã đề cập ở trên.

Trước hết, có khả năng ba cảnh sát chết trước khi bị thiêu cháy. Là cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Phạm Công Huy chắc chắn mang theo bình chữa cháy. Khi cảnh sát này rơi xuống hố kỹ thuật nền bê tông có kích thước 0,76 m x 1,45 m từ độ cao 4 m, bình chữa cháy chắc chắn bị va đập mạnh, điều này khiến cho áp suất trong bình tăng cao dẫn đến nổ bình. Hệ quả là ba cảnh sát rơi xuống hố đã bị mảnh vỡ của bình chữa cháy giết chết ngay tức khắc, đồng nghĩa họ bị thiêu sau khi đã chết. Sự vô lý của Kết luận giám định pháp y theo đó ba cảnh sát nói trên tử vong do "ngạt khí và cháy than hóa toàn thân" (2) càng củng cố nhận định này. Thực vậy, theo pháp y thường thức, muội than trong khí phế quản hay nồng độ CO ở mức gây chết trong máu là căn cứ xác định chết do ngạt khí bởi lửa. Vậy một khi toàn thân đã bị cháy than hóa thì còn đâu khí phế quản để tìm thấy muội than trong đó cũng như còn đâu máu để tìm ra nồng độ CO ở mức gây chết!

Cũng cần nhắc lại rằng hành vi “giết người” phải có mối quan hệ nhân quả, tức là hành vi “giết người” phải có trước hậu quả chết người (không có trường hợp ngược lại là hậu quả chết người xảy ra trước hành vi). Trong trường hợp này, những người bị cáo buộc dùng xăng đốt ba cảnh sát dưới hố (nếu có hành vi này) không thể bị truy cứu về “Tội giết người” nhưng có thể bị truy cứu về “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” quy định tại Khoản 1 Điều 319 BLHS (Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm).

Tiếp theo, Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Công an Hà Nội về hành vi “giết người” của Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh chứa đựng những phi lý cùng cực. Kết luận điều tra ghi: “Chức đứng trên mái tầng 2 nhà Lê Đình Hợi bảo Doanh: “Đưa chậu xăng lên đây cho tao”…Doanh đặt chậu xăng lên gờ tường nóc tum nhà Lê Đình Chức, sát tường nhà Lê Đình Hợi. Chức bảo Doanh châm lửa và đẩy chậu xăng về phía trước. Doanh lấy bật lửa trong túi quần bên phải châm bào chậu xăng thì lửa bùng cháy lớn nên Doanh dùng chân đẩy mạnh chậu xăng rơi xuống hố…Doanh sau khi đẩy chậu xăng xuống hố thì chạy xuống, đặt thang, trèo sang phía mái sau tầng 2 nhà Kình đứng ở đó và nhìn thấy Chức dùng chậu đổ 3 - 5 lần xuống hố, cứ 3 - 5 phút thì đổ một lần, dẫn đến 03 đồng chí Thịnh, Huy, Quân tử vong tại hố nêu trên”. Cáo trạng cũng có nội dung tương tự.

Phi lý thứ nhất là không ai có thể châm lửa vào chậu xăng (lượng lớn xăng) ở cự ly chỉ vài xăng-ti-mét (Doanh lấy bật lửa trong túi quần bên phải châm vào chậu xăng thì lửa bùng cháy lớn) mà không bị lửa táp vào người, nếu không muốn nói là bị lửa thiêu luôn.

Phi lý thứ hai là chậu xăng do Doanh mang đến và đã bị Doanh đẩy xuống hố thì còn đâu chậu để Chức rót xăng vào rồi đổ xuống hố?!

Để nói rằng chỉ có thực nghiệm điều tra mới có thể giải tỏa các “nghi vấn hợp lý” nêu trên nhằm tránh tước đoạt mạng sống của người vô tội.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thực nghiệm điều tra được BLTTHS quy định rất chặt chẽ với sự vào cuộc của “tầng tầng, lớp lớp” cơ quan tiến hành tố tụng lại mất dạng hoàn toàn trong vụ án “giết người” ở Đồng Tâm? Câu trả lời chỉ có thể là Cơ quan điều tra Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đã thấy trước kết quả thực nghiệm điều tra được tiến hành với sự tham gia của các chuyên gia và sự chứng kiến của các luật sư bào chữa sẽ bất lợi cho họ trong việc quy kết một số người dân Đồng Tâm đã tổ chức thiêu chết ba cảnh sát.

Đến đây, có một câu hỏi khác là tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng “cả gan” bỏ qua pháp luật để tước đoạt mạng sống và tự do thân thể của một số người dân Đồng Tâm. Hỏi tức trả lời. Là vì các cơ quan này tuân theo mệnh lệnh của một thế lực quan trọng hơn pháp luật. Và thế lực ấy không gì khác hơn là Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) như dẫn chứng sau đây.

Trong cuộc gặp cử tri ngày 28/9/2013, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” (3). Như vậy, ở Việt Nam, Đảng cộng sản quan trọng hơn Hiến pháp vốn là bộ luật tối cao của quốc gia. Tóm lại, Đảng cộng sản đứng trên pháp luật. Nói cách khác, mạng sống của ĐCSVN quan trọng hơn mạng sống của quốc gia và người dân Việt Nam. Theo logic này thì đối với ĐCSVN mạng sống của Công an, lực lượng “chỉ biết còn Đảng còn mình”, là quý báu nhất sau mạng sống của bản thân Đảng. Điều này giải thích vì sao lãnh đạo ĐCSVN đã truy tặng những vinh dự Nhà nước cho các cảnh sát Thịnh, Quân và Huy, mà không cần đợi xác nhận chính thức tình huống họ thiệt mạng trong khi sự xác nhận này chỉ có thể có với một phán quyết có hiệu lực pháp luật về vụ án này. Cụ thể, ngày 10-1-2020, tức chỉ một ngày sau khi ba cảnh sát thiệt mạng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định truy tặng họ Huân chương Chiến công hạng nhất (4). Một ngày sau nữa, ngày 11/01/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ chính trị ĐCSVN, đã ký Quyết định cấp cho họ Bằng Tổ quốc ghi công (5).

Điều cần nói là việc mau mắn truy tặng những vinh dự Nhà nước cho ba cảnh sát thiệt mạng là dấu hiệu cho thấy ông Trọng và ông Phúc đã biết trước và chuẩn y cuộc tấn công Đồng Tâm (Kế hoạch 419A) do Bộ Công an đề xuất. Nói cách khác, hai nhà lãnh đạo chính trị này đã xuống lệnh tấn công Đồng Tâm vì lợi ích của ĐCSVN, đồng nghĩa bất cứ tổn thất sinh mạng nào của lực lượng “chỉ biết còn Đảng còn mình” sẽ được Nhà nước và Chính phủ do Đảng lãnh đạo bù đắp khẩn trương và xứng đáng. Và sự bù đắp này không chỉ bằng truy tặng truy tặng huân chương, truy phong quân hàm và vật chất mà còn bằng những bản án nghiêm khắc nhất nhằm vào những kẻ quyết liệt chống lại cuộc tấn công này. Để nói, chắc chắn Tòa án cấp cao tại Hà Nội sẽ lờ đi yêu cầu thực nghiệm điều tra từ các luật sư bào chữa để y án tử hình hai ông Công và Chức cũng như áp các án tù dài hạn cho bốn người còn lại cùng bị truy tố về “Tội giết người”.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn hy vọng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nghĩ lại mà thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng thực nghiệm điều tra cái chết của ba cảnh sát cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định khác của BLTTHS như đòi hỏi chính đáng của các luật sư bào chữa trong vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” xảy ra tại Đồng Tâm. Điều này chẳng những tránh cho người vô tội khỏi chết oan mà quan trọng không kém, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam như một Nhà nước pháp quyền trong mắt cộng đồng quốc tế.

Chú thích

1.  Nút thắt Đồng Tâm: Sân bay Miếu Môn không tồn tại! Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 05/02/2020.

2.  Truy tố 29 bị can trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Lao động, 26/06/2020.

3.  Tổng bí thư: ‘Đề phòng thế lực muốn xoá bỏ điều 4 Hiến pháp’, VNEXPRESS, 28/9/2013.

4.  Truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Đồng Tâm, Nhân dân điện tử, 12/01/2020.

5.  Công nhận liệt sỹ cho 3 công an hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Đồng Tâm, Lao động, 12/01/2020.


06/03/2021


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire