26/05/2021

Về bài viết hoang tưởng và đẫm lệ của Tổng Bí thư

Nguyễn Tô Hiệu

23-5-2021

Nói như Phạm Văn Đồng:
"Chúng ta đang đi trên con
đường chưa có bản đồ!
"

Mấy hôm nay trên các trang mạng xã hội xuất hiện một loạt bình luận “nổ súng tấn công” vào bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội…” của Tổng bí thư ĐCSVN (TBT) Nguyễn Phú Trọng.

Bài viết dài khoảng 8.220 chữ của Đảng trưởng – nguyên Tổng biên tập tạp chí đầu bảng về lý luận, Tạp chí Cộng sản – có cuốn hút độc giả hay không, chúng ta có thể không bao giờ được biết.


Chỉ biết hầu hết mọi tờ báo trong nước, kể cả “giờ vàng” của Truyền hình trung ương, đều “ngất ngây con gà Tây” đăng nguyên văn và đọc hầu như toàn văn bài viết lê thê ấy. Và điều không bất ngờ đến liền ngay những ngày sau đấy. Hàng loạt các cây bút “lề đảng” lập tức mở chiến dịch tung hô lên tận mây xanh bài viết “đẫm lệ” và “hoảng tưởng” của TBT, như tập quán tuyên giáo thường thấy bấy lâu nay.

Lợi bất cập hại

Nói “đẫm lệ” là vì khi xướng ngôn viên đọc bài ông Trọng trên VTTH, bản thân tôi có cảm tưởng như đang nghe những lời ai điếu tiễn đưa chủ nghĩa xã hội (CNXH) về thế giới bên kia.

Những điều TBT ngợi ca tính ưu việt của CNXH chẳng thấy đâu. Trong khi đó, bức tranh thực tế của xã hội Việt Nam ngày nay thì toàn phô ra những điều ngược lại, vừa đen tối, vừa thảm hại.

Xã hội dân sự trong nước lần lượt phản công. Nhà đấu tranh dân chủ Đào Tiến Thi bình luận “nóng”: Hãy tưởng tượng Mỹ và phương Tây đọc bài ông Trọng, thấy “cay mũi”, vì bị TBT Việt Nam “lợi dụng tự do dân chủ, tuyên truyền chống phá các nhà nước tư bản”.

Nếu họ lấy quyết định tẩy chay “các nước cộng sản”. Rút hết vốn liếng, công nghệ, chuyên gia, các khoản tài chính cho vay ưu đãi, viện trợ nhân đạo… tống cổ luôn cả du học sinh về nước.

Điều gì sẽ xẩy ra? Cây viết trên hình dung như sau: Trung Quốc khốn đốn nhưng nhờ khả năng huy động nội lực nên tuy bị chao đảo song chưa chết. Cu Ba, Bắc Hàn chịu đói, chịu khổ quen rồi, ăn cỏ cũng sống qua ngày. Lào tiếng là XHCN nhưng trình độ “bán khai” nên chỉ khó khăn ở mức độ nhất định.

Riêng Việt Nam sẽ chết đứ đừ. Chết không kịp ngáp. Nếu Mỹ và phương Tây phong tỏa trở lại Việt Nam chỉ trong vài ba năm, để dạy cho Hà Nội một bài học mới (sau bài học của Đặng Tiểu Bình năm xưa), cho chừa thói khoác lác và chuyên nói xấu thiên hạ.

May mà điều này chưa xẩy ra, nếu không thì bài viết của ông Trọng thật là “lợi bất cập hại”.

Trong khi cả nước đang lao đao, gồng mình chống đỡ con “virus Vũ Hán” mà TBT cặm cụi ngồi viết như một kẻ mộng du, hoang tưởng, lẫn lộn giữa ước mơ với hiện thực. Hơn nữa, ngài còn giở trò đánh tráo khái niệm ở chỗ đem những phán đoán, những mong ước của ngài về CNXH (không tưởng và quá đát), vốn chưa thấy hiện hữu đâu cả, thành điều khẳng định, cứ như đã có thật.

Nghĩa là TBT đánh lộn sòng từ “dự báo” để thành “định nghĩa”. Đó là cách làm không đàng hoàng, không dựa trên khoa học mà dựa vào thủ đoạn để lừa dối.

Lộng giả có thành chân?

Phải chăng ở Việt Nam hiện nay có hai cuộc đời, như cây bút Jackhammer Nguyễn phân tích? Nếu cứ dấn thân theo thế giới hư ảo, nghĩa là tiến lên dưới ngọn cờ phướn “CNXH không tưởng” theo lời hiệu triệu của TBT Trọng, cả dân tộc Việt Nam lẫn ĐCSVN sẽ rơi vào một “cuộc đời-hố đen” bất định và hậu quả của nó thật không lường.

Từng là nguyên thủ quốc gia, hiện vẫn còn đứng đầu ĐCSVN, vậy mà TBT lý giải mối quan hệ giữa CNXH và thị trường thật kỳ quặc. Thời kỳ quá độ, ông viết CNXH buộc phải công nhận kinh tế thị trường, nhưng ông gắn cho nó cái đuôi định hướng XHCN.

Nhưng mỗi khi các đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam ra nước ngoài, bao giờ cũng nằn nì cho kỳ được sở tại ghi vào tuyên bố chung, là công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, hẳn nhiên là đành xoá cái đuôi XHCN đi.

Ở đây, vừa có ngầm ý “lộng giả thành chân”, nhưng cũng không dấu mưu đồ “vỗ béo để làm thịt”. Quá độ thì đành chấp nhận “thị trường tự do”, nhưng hết quá độ sẽ “quốc hữu hoá”. Vì vậy, khi về nước, ai quên cái đuôi “định hướng XHCN”, có khi bị truy bức, chưa chừng bị quy kết tội chống Đảng (!)

Tương tự, TBT lý giải mối quan hệ qua lại giữa Đảng, Chính quyền và Mặt trận cũng chẳng khác nào “gà mắc tóc”. Cái mô hình ba tầng kỳ dị Đảng, Chính quyền, Mặt trận ấy trên thực tế đã chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.

“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” chỉ là một luận điệu bịa đặt, xảo trá. Người ta nói nhiều về quyền làm chủ của Dân, thực chất Chính quyền là của Đảng, do Đảng cướp được từ Chính quyền cũ và không chịu trả lại cho Dân.

Nếu có giỏiĐảng hãy trả lại dân quyền làm chủ đất nước, đừng biến người dân thành rô bốt bỏ phiếu trong cái gọi là những “ngày hội non sông” đầy mỉa mai này! Nói nhiều về mục tiêu lợi ích, hạnh phúc của Dân, nhưng thực tế mục tiêu chính của Đảng là thiết lập, duy trì, củng cố, mở rộng sự thống trị bằng “bàn tay sắt” của mình.

Trong những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của ĐCSVN thì những vấn đề thuộc quan hệ giữa Đảng và Nhà nước là bịp bợm nhất. Có lúc Đảng cũng nêu  câu hỏicó phải chế độ một đảng cầm quyền là cản trở sự phát triển của đất nướchay không?

Tuy nhiên, việc nêu ra như như trên chỉ là một thủ đoạn “cả vú lấp miệng em”.

Bởi vì, một mặt, Đảng thừa nhận, “đảng cầm quyền có lợi ích riêng thì đa đảng trong hệ thống chính trị là cần thiết, nếu chỉ có một đảng là độc tài”. Mặt khác, Đảng lại khẳng định, “mình không có lợi ích riêng khi cầm quyền, chỉ cầm quyền vì lợi ích chung, nên nếu đa đảng thì dễ gây bè phái”.

Lý luận thượng dẫn là cách Đảng áp đặt mọi người chấp nhận sự dối trá, theo đó, nội bộ ĐCSVN hiện nay không hề tồn tại các nhóm lợi ích, không hề có mối quan hệ cắc cớ vùng miền (Bắc – Trung – Nam, miền xuôi – miền ngược…).

Đảng chối bay chối biến việc nội bộ Đảng, từ ngày thành lập đến nay, trải qua biết bao đấu đá bè phái, bao cuộc thanh trừng, hạ bệ lẫn nhau. Theo nhà báo Võ Văn Tạo, ông Nguyễn Phú Trọng dẫu có viết như thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là mị dân mà thôi, thực tiễn hoàn toàn phủ định các luận cứ của ông.

Bắt cả dân tộc làm chuột bạch

TBT Nguyễn Phú Trọng có “xú danh” trong dân gian là “Trọng lú”. Nghe kể lại, khi biết người dân gọi mình như thế, Nguyễn Phú Trọng tâm sự với các bạn cũ: “Cũng may mà dân chỉ gọi mình là lú. Lú thì còn học cho bớt lú được. Chứ nếu dân tố là tham thì thật nhục”.

Đồng dao khắp cả nước bao lâu nay vẫn là “Tham như Phú, lú như Trọng…” (Phùng Hữu Phú là phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận của ĐCSVN, ông Trọng làm Chủ tịch).

Thực ra ông Trọng không “lú” khi trong bài viết có đến hơn hai phần ba nội dung được “chép nguyên văn” từ Nghị quyết Đại hội 13. Nghị quyết mới được hơn 1.500 lá phiếu, đại biểu cho 5 triệu đảng viên trong cả nước biểu quyết thông qua (hình như 100%).

Dẫu có đánh tráo chữ nghĩa và ý tứ nhưng những cụm từ sặc mùi “chuyên chính vô sản” và “đấu tranh giai cấp” giăng mắc trên toàn bài như thế, ai dám hoài nghi, chứ chưa nói đến chuyện phản bác?

Không dám hoài nghi cũng đồng nghĩa với việc không dám phản bác động cơ “chính đáng” của bài viết là tái khẳng định “cấu trúc quyền lực” hậu Đại hội.

Trung Quốc có cho cả cánh Quân sự lẫn Công an sang ép ta. Mặc! Ngoại giao “lang sói” không đếm xỉa đến Việt Nam khi Vương Nghị thăm hầu hết các thủ đô ASEAN nhưng bỏ qua Hà Nội và cũng chẳng thèm mời Việt Nam sang hội kiến. Mặc! Hàng trăm tàu dân quân biển trá hình đang xâm phạm chủ quyền biển đảo. Cũng mặc!

Hẳn nhiên, giờ đây ông Trọng không thể tuyên bố như mấy năm trước: “Tình hình Biển Đông không có gì mới!” Ông Trọng từng làm an lòng quân sĩ khi vỗ về:Nếu để xẩy ra đụng độ thì chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức Đại hội Đảng được không?

Nhưng đối với TBT, Đại hội Đảng mới là quan trọng. Với ông“Đảng pháp” cao hơn “Hiến pháp”. Theo ông Trọng, “Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng!”

Giờ đây, điều ông Trọng đau đầu nhất không phải là Covid-19 có thể “toang” ở Việt Nam. Điều ông lo nhất là “cấu trúc quyền lực “ hậu Đại hội có dấu hiệu rạn nứt. Mà sự rạn nứt này lại không phải do “lực lượng thù địch”, tức là do quần chúng nhân dân gây ra, mới là câu chuyện đau đầu.

Ơn Chúa! Nhờ “bàn tay sắt bọc nhung” mà ông qua được vụ thảm sát Đồng Tâm. Dần dà, dân chúng – đàn cừu thuần chủng – sẽ coi thảm kịch thôn Hoành là chuyện đàn áp của lực lượng Công an “còn Đảng còn mình”. Mấy ai biết được mật lệnh 419A do chính ông ký!

Nhưng tuyên bố của cựu Thủ tướng nay là Nguyên thủ quốc gia, lúc nào cũng đòi thay thể chế, thể chế và thể chế!

Còn tân Thủ tướng thì sau khi hứa là sẽ cho phép phản biện và chính phủ sẵn sàng nghe phản biện, thì nay lại hiệu triệu “mạnh bạo” hơn: “Những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần…”.

Tân Chủ tịch Quốc hội cũng hăng hái một cách lạ lẫm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, ông này nhấn mạnh sẽ quan tâm, “đeo bám đến cùng” các vụ khiếu kiện.

Những chuyển động trên đây có ý nghĩa gì? Vốn đa nghi, ông đã từng cảnh cáo bộ hạ đừng “thấy đỏ tưởng chín”, đừng “cua cậy càng, cá cậy vây”, đừng ảo tưởng quyền lực…

Tuy nhiên, TBT vẫn sợ quyền lực của ông trong “Bộ tứ” sẽ bị xói mòn. Hay ông sợ “Bộ tam” tuy không “đồng dạng” với nhau nhưng có thể “phối  cảnh” trong một tư duy đột phá – Một cuộc cách mạng cung đình tương lai? Cho nên, “cẩn tắc vô ưu”, ông phải dựng lại “ngọn cờ phướn CNXH”, tuy đã rách nát để doạ thiên hạ chớ “xé rào” như ông Sáu Dân thuở nào.

Dẫu biết “rượu nhạt uống lắm cũng say/ người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”, nhưng với trách nhiệm Đảng trưởng, với ý thức tỏ cho “Thiên triều” biết, mình là người không-thể-thay-thế, TBT Nguyễn Phú Trọng thấy vẫn phải “lên giây cót” trước hết trong “Bộ tứ” của ông, sau đó là đối với toàn xã hội.

Tuy chưa chạm được vào “giây thần kinh của đời sống nhân quần”, nhưng giữa hỗn quân hỗn quan hiện nay, ông vẫn muốn bắt cả dân tộc này tham gia cuộc thí nghiệm vĩ đại của ông.

*  *  *

Để người dân Hà Nội và Sài Gòn tạm quên đi cái thực tại là cứ mưa rào 15 phút thì hầu như từ Thủ Đô cho đến Hòn Ngọc Viễn Đông, người dân lõm bõm trong các dòng nước đục ngầu tràn ra từ các cống rãnh hôi thối, Đảng của ông bấy lâu nay có sáng kiến là liên tục quảng bá cho “dung nhan” của một Việt Nam vào năm 2045.

Vâng, đến lúc bấy giờ hầu hết các vị lãnh đạo chủ trì cái dự án “tào lao” này (từ của Nguyễn Xuân Phúc đấy nhé!) đã sang cát được mấy lần?

Thôi cũng đừng day dứt, đừng ấm ức với cảnh “Tiền thoát, quan chức thoát, chỉ có nước là không thoát!” Sau mỗi lần bì bõm ngoài phố về, hãy vui lòng nghiên cứu bài viết 8.220 chữ của TBT trong mùa hè nỏng bỏng, đầy những con “Virus Tàu” bao quanh.

Càng ngẫm nghĩ, ta càng thấy Facebook của TS. Nguyễn Ngọc Chu có lý khi ông đưa ra 7 điềuTự răn mình”. Đúng vậy! Hãy nhớ: Phàm những điều đang tranh luận chưa ngã ngũ, đừng bao giờ đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

Dạy những điều không tồn tại là có tội với dân với nước! Các lý thuyết đã thấy sai mà vẫn ứng dụng thì sẽ thảm bại! Nên đi theo con đường đã có nhiều người đi! Không có một “lịch sử” nào lại chọn dân tộc Việt Nam đi tiên phong trong các hình thái kinh tế-xã hội.

Không đi con đường vừa đi vừa mở, hay vừa đi vừa bắt cả dân tộc làm chuột bạch để thí nghiệm, nhất là thí nghiệm suốt cho một chặng đường dài, từ nay đến năm 2045, hứa hão lúc ấy sẽ có lý thuyết hoàn thiện. Thật là bán trời không văn tự!

Trên đây có thể đấy là cách duy nhất để Tổng bí thư tự giải thoát khỏi “xú danh”, giải thoát khỏi các phán quyết cuối cùng của lịch sử.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire