03/06/2021

Chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte đang dần "chết yểu"

Chính sách xích lại gần Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang đối mặt với làn sóng phản kháng ngày càng tăng ở trong nước và có thể di dần tới hồi kết vào năm 2022.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến thủ đô Bắc Kinh hồi năm 2016 (Ảnh: AFP).

Khi ông Duterte đắc cử tổng thống vào năm 2016, đã có nhiều nhận định cho rằng, đó là cơ hội chiến lược cho Trung Quốc. Hết lần này đến lần khác, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy này nhấn mạnh quan điểm chống Mỹ và thân Trung Quốc, mang đến "cơ hội vàng" cho Bắc Kinh trong chiến lược lôi kéo Manila khỏi quỹ đạo chiến lược của Washington.


Nhưng thực tế diễn ra dường như không như vậy. Năm năm trôi qua, những hành động quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và yêu sách phi lý của nước này tại vùng biển này khiến ông Duterte không thể thúc đẩy chương trình nghị sự đối ngoại dựa vào Bắc Kinh. Trên thực tế là hiện nay, Manila đang nỗ lực "làm lành" với Mỹ thông qua các căn cứ quân sự của Lầu Năm Góc ở Philippines.

Theo Asia Times, chuyên gia Philippines Richard Javad Heydarian trong tuần này đã đưa tin về việc Mỹ - Philippines đàm phán để khôi phục hoàn toàn Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) - vốn cho phép binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Philippines - để mở đường cho Washington triển khai quân quy mô lớn trên đất Philippines. Hồi tháng 2/2020, ông Duterte đã quyết định chấm dứt thỏa thuận này, nhưng việc hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận 2 lần bị trì hoãn. Theo ông Heydarian, thậm chí VFA có khả năng được mở rộng hơn nữa sau khi ông Duterte hết nhiệm kỳ 6 năm vào năm 2022. Ứng viên tổng thống tiềm năng, cựu vô địch quyền anh Manuel Pacquiao, là nhân vật có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Vậy tại sao chính sách thân Bắc Kinh của ông Duterte không thành công?

Ông Heydarian cho rằng, Tổng thống Duterte đã sai khi có những nhượng bộ quan trọng trước Trung Quốc, từ việc "gác lại" phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 cho đến hạ cấp hợp tác an ninh với đồng minh quân sự Mỹ, để đổi lấy một gói cam kết vẫn chưa được thực hiện của Trung Quốc. Kết quả là, ông Duterte đã phung phí những đòn bẩy, dù là nhỏ nhất, khi cần đối phó với Bắc Kinh. Ông Duterte đã chuẩn bị rời nhiệm sở, nhưng cho đến nay nhà lãnh đạo này vẫn chưa mang về cho Philippines một khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn nào từ Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng không hề cư xử tử tế hơn ở Biển Đông. Trong những năm qua, nước này tiếp tục quân sự hóa các tranh chấp, thiết lập một mạng lưới rộng lớn gồm các căn cứ quân sự và đường băng trên các khu vực bồi đắp trái phép, đồng thời đẩy mạnh triển khai lực lượng dân quân hàng hải tới khu vực.

Giới lãnh đạo Philippines cuối cùng cũng nhận ra việc thân Trung Quốc không đem lại được lợi ích gì ngoài việc chủ quyền bị xâm lấn. Vì vậy, việc nối lại quan hệ quân sự với Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian, trong đó nhắm trọng tâm là đạt một VFA mới. Chuyên gia Heydarian cho rằng, một VFA mới thật sự có ý nghĩa đối với tình hình ở Biển Đông, nhất là khi một chính quyền Philippines thân Mỹ được bầu lên nắm quyền vào năm 2022.

Trong suốt những năm qua, ông Duterte có những chính sách đối nội rất mạnh mẽ và quyết liệt, đặc biệt là cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi. Nhưng trong chính sách đối ngoại, ông chưa bao giờ có được "quyền tự quyết" khi nhiều lần phải đối đầu với nhiều bên có quyền phủ quyết, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp Philippines - Trung Quốc, cũng như quân đội quyền lực. Đó là lý do vì sao một chính trị gia kỳ cựu như ông thường đưa ra những thông điệp mâu thuẫn và phải nhiều lần điều chỉnh lại những tuyên bố trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Mỹ.

Một VFA mới sẽ càng giúp thắt chặt mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines trong tương lai. Nhưng theo ông Heydarian, cần có một thỏa thuận VFA+, để giúp cả hai có thể tăng cường đáng kể hợp tác an ninh hàng hải trong chiến lược đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Chẳng hạn như hiện nay, Washington và Manila đang đối mặt trở ngại lớn là quyền phủ quyết của ông Duterte đối với việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), vốn cho phép Mỹ triển khai quân đội, sẵn sàng chiến đấu và luân chuyển quân tại các căn cứ quan trọng gần với Biển Đông. Vì vậy, liên minh kéo dài nhiều thập niên này đang hoạt động không hiệu quả, giữa lúc Trung Quốc tăng cường các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Sự mất cân bằng đó có thể khiến Philippines phải trả giá đắt.

Thanh Thành

Theo Asia Times

https://dantri.com.vn/the-gioi/chinh-sach-than-trung-quoc-cua-ong-duterte-dang-dan-chet-yeu-20210529222803724.htm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire