Diễm Thi, RFA
Mới đây, Luật sư Trần Hồng Phong cùng các đồng nghiệp và gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã gửi đơn trình bày và cung cấp chứng cứ ngoại phạm mới cho cơ quan chức năng về thời gian và địa điểm Hồ Duy Hải có mặt vào khi xảy ra vụ giết người tại Bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An năm 2008.
Chứng cứ mới cho thấy có bảy nhân chứng viết đơn cam kết, xác nhận Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Hồ Chi (Tư Lan) từ khoảng 8 giờ tối đến 9 giờ tối ngày 13 tháng một năm 2008. Họ nhìn thấy Hải phụ giúp việc bưng bê, rót nước và có người còn nói chuyện với Hải. Điều này có nghĩa Hải không có mặt tại Bưu cục Cầu Voi vào thời điểm mà Cơ quan điều tra xác định hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thu Vân bị sát hại, khoảng 8 giờ 30 phút tối cùng ngày.
Theo Luật sư Trần Hồng Phong, đây là một lá đơn có sức nặng và tầm quan trọng đặc biệt giúp minh oan cho Hồ Duy Hải. Trả lời với truyền thông Nhà nước, Luật sư Phong phân tích:
“Việc Hồ Duy Hải có mặt tại đám tang ông Tư Lan, không hề vào Bưu cục Cầu Voi tối 13 tháng một năm 2008 cũng hoàn toàn phù hợp với những tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải và hàng loạt điểm mâu thuẫn khác trong hồ sơ vụ án mà chúng tôi đã phân tích và nêu ra trong các đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải đã gửi trong suốt hơn 10 năm qua…”
Tuy không là luật sự bảo vệ pháp lý cho Hồ Duy Hải, nhưng Luật sư Lê Văn Hòa là một trong những luật sư tham gia ký tên vào những kiến nghị liên quan vụ án Hồ Duy Hải thời quan qua. Ông nhận định về chứng cứ mới nhất chứng minh Hải ngoại phạm:
“Tôi đánh giá đây là một quả bom tấn, có giá trị lớn. Chắc chắn với chứng cứ này thì sẽ đủ cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đoàn kiểm tra. Và nếu người ta dũng cảm thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm sẽ tuyên bố Hồ Duy Hải vô tội. Nếu không thì họ sẽ yêu cầu phải điều tra lại. Mà điều tra lại từ đầu với chứng cứ mới đó thì đương nhiên Hồ Duy Hải vô tội. Không có cơ sở nào để khẳng định Hải phạm tội.
Tôi nghĩ rằng, phải đến 90% là sẽ tái thẩm vụ án này, người ta không thể làm ngơ được đâu. Với những chứng cứ như thế thì không ai có gan để làm bậy nữa.”
Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự được dư luận trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Hơn hai tháng sau ngày hai nhân viên Bưu cục Cầu Voi bị sát hại, nghi phạm Hồ Duy Hải bị bắt. Vụ án được xét xử sơ thẩm vào năm 2008 và phúc thẩm năm 2009. Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người dù những chứng cứ được Hội đồng xét xử đưa ra bị cho là không thuyết phục. Gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan.
Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lúc đó ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, sau khi đã bác đơn vào năm 2012.
Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau ba ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, do ông Nguyễn Hòa Bình đứng đầu, thông qua bỏ phiếu công khai, quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Từ sau phiên giám đốc thẩm, vụ án nóng chưa từng có. Nhiều bản kiến nghị ra đời, giới trí thức lên tiếng không chỉ cho sinh mạng một con người, mà còn cho cả nền tư pháp Việt Nam hiện nay. Họ nhận thức được rằng, nếu những phiên tòa bất chấp pháp luật, bất chấp luật tố tụng hình sự tiếp tục diễn ra mà được cấp cao nhất là Hội đồng Thẩm phán bao che thì mọi người dân Việt Nam đều là những “tử tù dự bị”, chứ không chỉ Hồ Duy Hải hôm nay.
Giải trình trước Quốc hội sáng 15 tháng 6 năm 2020, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội và ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội…
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, dù đã có nguyên tắc suy đoán vô tội trong quy định của Bộ luật hình sự nhưng thực tế việc này ít được coi trọng. Cơ quan điều tra hay có định kiến bị can, bị cáo là người phạm tội, từ đó áp dụng các biện pháp “nghiệp vụ” để họ nhận tội, càng nhanh càng tốt. Tuy vậy, việc nhận tội không hẳn có giá trị trước tòa.
Về chứng cứ ngoại phạm mới nhất của Hồ Duy Hải vừa được Luật sư Trần Hồng Phong gửi cơ quan chức năng, Luật sư Ngô Anh Tuấn bày tỏ suy nghĩ của mình:
“Thực tế nếu xét về mặt luật pháp, theo đúng thủ tục tố tụng đặc biệt thì trong trường hợp này tòa tối cao có thể hoàn toàn ra văn bản kháng nghị giám đốc thẩm bản án, theo thủ tục tái thẩm, bởi vì có tình tiết mới làm thay đổi căn bản nội dung sự thật của vụ án. Nếu đúng thủ tục tố tụng bình thường, những vụ án bình thường thì với những cơ sở, những chứng cứ đúng sự thực thì điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng với vụ án Hồ Duy Hải thì bản thân tôi không có niềm tin lắm, bởi vì tuy đây là tình tiết rất mới, nhưng trước đây cũng đã có một số tình tiết mới, và chúng tôi cũng từng rất hy vọng nhưng chưa bao giờ được ghi nhận, mà cuối cùng là một nỗi thất vọng tràn trề. Vì thế nên tôi không nghĩ và cũng không dám hy vọng họ có một quyết định mới mẻ, hợp hiến nào đó để xoay vần vụ án này.
Nếu có diễn biến ngược lại suy nghĩ của tôi thì quá may mắn, tôi hoan nghênh, nhưng tôi không dám nghĩ đến là nó xảy ra.”
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà tòa án, các đương sự không biết được khi tòa án ra bản án, quyết định đó.
Giám đốc thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến bản án, quyết định không đúng.
2021-06-25
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-the-ho-duy-hai-case-be-retrial-with-new-alibi-dt-06252021114054.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire