Thiện Tùng
1/6/2021
“Nắng mưa… là chuyện của trời”, Nó không phải là thảm họa, đó là quy luật tự nhiên cân bằng sinh thái, đảm bảo sự sống cho vạn vật trên hành tinh nầy. Nếu không có nắng mưa thì sẽ không còn sự sống, chắc chắn là như vậy. Vì vậy, con người “phải tìm cách sống hài hòa với tự nhiên”, đó là con đường duy nhứt.
Cứ đến hẹn lại lên! - Năm nào cũng như năm nào, hễ đến mùa nắng thì hô hào “đề phòng cháy”, hễ đến mùa mưa thì hô hào “Đề phòng bão, lũ, lụt”. Và hễ cứ sau những trận hỏa hoạn, thiên tai thì hô hào“Nhanh chóng khắc phục hậu quả”. Điệp khúc nầy nghe riết cũng quen.
Hai mùa nắng, mưa là dịp cho các Giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên gia về khoa học tự nhiên thi thố tài năng, dâng mưu hiến kế… để “cứu nhân, độ thế”. Nhưng hiệu quả không cao, năm sau thiệt hại lớn hơn năm trước.
Lũ là nước từ cao đổ xuống thấp, Lụt là nước từ thấp lấn lên cao. Lực (cường suất) nước lũ từ trên đổ xuống bao giờ cũng mạnh hơn lực nước lụt từ dưới dâng lên?.
Lụt có thể làm đê ngăn, còn lũ nếu làm đê ngăn khó tránh khỏi “tức nước vỡ bờ”, sẽ hứng lấy thảm họa?. Đối với mưa lũ, con người phải chìu nó, tránh né nó hoặc chung sống với nó khi thấy có lợi.
Nguyên nhân gây ra lũ là do mưa? Nếu ngăn được mưa thì sẽ tránh được lũ? Nhưng ngăn mưa dường như nằm ngoài khả năng con người?. Và nếu ngăn được mưa thì, không chỉ con người, làm sao có thể sống được?!.
Mấy ngày qua, ngoài vụ bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo danh hài Vũ Linh “biển thủ” tiền cứu trợ bão lũ miền Trung năm 2020, còn thời tiết âm u, có những cây mưa đầu mùa nặng hột, hệ thống truyền thông nói chung bắt đầu nói về “bão, lũ,lụt”. Bài viết nầy, tôi chỉ nói đôi điều về “lũ, lụt” mang tính chất tham khảo.
Ở Việt Nam ta, cả 3 miền Bắc -Trung- Nam, cứ hàng năm vào mùa mưa, mỗi Miền, không nặng thì nhẹ, đều có lũ. Lũ có lũ vầy lũ khác, lũ ác lũ không. Lũ miền Trung và miền Bắc là lũ ác, hại nhiều hơn lợi / Lũ miền Nam không ác, lợi nhiều hơn hại.
Lũ ở miền Trung, miền Bắc hại nhiều hơn lợi:
Thảm hoạ bão lũ miền Trung - Ảnh TTXVN |
Đất miền Trung, miền Bắc có độ dốc cao, lũ như trút nước, cường suất nước rất mạnh đến mức gây sạt lở đất. Khi bị lũ quét, nếu không thiệt mang, cũng tan gia bại sản. Nhưng lũ ở miền Trung hay miền Bắc xảy ra ngắn hạn, chỉ vài tuần là cao - bạo phát bạo tàn. Để tránh thảm họa, miền Trung và miền Bắc phải bằng mọi cách hạn chế lũ và tránh lũ bằng mọi cách như: Phải bảo vệ cây rừng ở thượng nguồn để góp phần giữ nước bổ sung cho những khi khô hạn và ngừa sạt lở / Không làm thủy điện ở thượng nguồn – nếu làm thủy điện ở thượng nguồn, vào mừa mưa phải xả nước khi hồ quá sức chứa, sẽ góp phần gây thảm họa cho hạ nguồn, hại nhiều hơn lợi / Vì lũ không có lợi nên không sống chung với lũ, phải chủ động tìm cách tránh lũ vào mùa mưa / Phải chọn và khơi dòng chảy cho nước lũ thoát và tìm cách giữ đất không cho nó trôi hết ra sông biển để lấp vùng trũng, từng bước cân đối lại mặt bằng.
Lũ ỡ miền Nam lũ lợi nhiều hơn hại:
Suốt cả mùa mưa, nước từ thượng nguồn sông Mê-kông (Mékong) êm ả đổ về, cường suất không cao, thường 24 giờ (ngày đêm) mực nước lên chỉ chừng trên dưới 1 tấc, nhưng lũ dài hạn, đồng ruộng ngâm lũ suốt cả mùa mưa khoảng 5-6 tháng mỗi năm (nửa thời gian nước từ từ lên, nửa thời gian nước từ từ xuống), mực nước cao điểm hàng năm từ 3 đến 4 thước (tuỳ lượng mưa nhiều ít ở thượng nguồn).
Khai thác nguồn lợi cá Linh- Ảnh Hoàng Thiện |
Nuôi cá ruộng vừa giúp vụ lúa sau giảm chi phí sản xuất.- Ảnh Hoàng Thiện |
Lợi của lũ ờ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Ngoài xả độc, thao chua, đẩy lùi mặn, lũ còn cung cấp phù sa và tôm cá nước ngọt cho cả ĐBSCL - lợi nhiều hơn hại. Vì vậy, từ lâu dân ĐBSCL rất cần lũ và sẵn sàng “chung sống với lũ”.
Ở ĐBSCL muốn chung sống được với lũ phải:
- Làm nhà chống lũ.
- Mỗi nhà phải có xuồng ghe.
- Phải tập cho mọi người biết bơi, lặn ngay từ nhỏ.
Nhà chống lũ đơn giản: chỉ xốc những cây cột, dưới làm sàn lót vạt hoặc ván, trên làm sườn nhà, lợp và che bằng những tấm cà-rèm (khung tre lợp lá cập nẹp đóng đinh, mỗi tấm rộng và dài bằng một tấm tôn) cho dễ vận chuyển và lấp ráp. Khi nước lên thì nâng đồng bộ sàn và máy che lên, nước xuống thì hạ đồng bộ chúng xuống.
Xuồng ghe tối cần: vừa làm phương tiện tới lui vừa đối phó khi có biến cố cần di chuyển. Có hộ làm nhà bè trên ở, dưới bộc lưới nuôi cá, khi cần thiết có thể di chuyển đi nơi khác bằng máy hoặc chèo chống.
Phải biết bơi lặn: Dân miền sông nước, bơi lặn là bùa hộ mạng, khi rớt xuống nước sẵn dịp tắm luôn.
Nhà bè trên ở, dưới bộc lưới nuôi cá- Ảnh Hoàng Thiện |
Thời bình quá dễ, thời chiến mới khó, nhưng cũng có cách vượt qua:
Dân thường: Ngoài phải đảm bảo 3 “thủ tục”: Có nhà chống lũ, có xuồng ghe và biết bơi, lặn như vừa nói, còn phải xốc cây xa nhà để khi có máy bay quần đảo lặn ra đeo cây, khi máy bay bắn nương vào cây lặn sâu, đạn bắn xéo chỉ chẹt trên mặt nước, nó qua rồi nương theo cây ngóc lên thở.
Người theo kháng chiến và cơ quan ăn ở bằng cách nào?. Là người trong cuộc, tôi xin nói cách ăn ở và làm việc của hàng ngàn người gồm các cơ quan trực thuộc Khu Trung Nam bộ suốt 15 năm chống Mỹ (1960-1975) ở Đồng Tháp Mười:
Căn cứ xây dựng ở rừng Dừng (nói rừng nhưng cây Dừng mọc chồm đốm) ven biên giới Campuchia, thuộc 4 xã mang tên Thường: Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu, Thường Phước, Thường Lạc, thuộc huyện Hồng Ngự tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Về ăn: những lúc “găng”, để tránh phát hiện khói, phải nấu đêm, ăn ngày.
Về ở: Mùa mưa nước lũ, nhà chống lũ làm như kiểu dân làm nói trên, nhưng nó phải ẩn kín trong những tàng cây. Nhà ở cho đôi ba người ở thì dễ rồi, có điều phòng họp, hội trường thì hơi khó, phải tạo sẵn các thứ rồi để đó, khi cần sẽ dựng lên, chỗ nào còn lộ ra ngoài tróng thì phải nghi trang bằng cây xanh.
Mùa nước lũ năm 1963, nước đã dâng lên hơn 1 thước, tôi được lịnh làm chỗ họp (hội trường) chứa khoảng100 người ngồi. Mọi thứ đã chuẫn bị sẵn, tôi gọi anh Tư Tiết cùng tôi làm trong một buổi là xong. Cách làm: Chọn chỗ có tàng cây che, định vị xốc tạm 2 dải cột, thả đà ngang, dùng dây kẽm quay (que) vào những cây cột thành tuồng cối rồi 2 đứa lên đứng trên đà ngang vịn cột lắc, nhúng đến khi nó không lún nữa mới thôi. Khi lắc đều nhúng đủ các cột, chỉnh lại đà kiềng và thả thêm đà ngang, kéo ván lên lót là xong dàn dưới. Kế đến, đứng trên sàn làm sườn nhà, lợp cà-rèm và dùng cây xanh nghi trang những chỗ lộ thiên là xong. Ngừa máy bay phát hiện: xuồng ghe khách đến dự hội phài nhận chìm dưới nước để máy bay không phát hiện. Để cho chắc ăn, khi họp xong dở cà-rèm chất đống trên sàn nhà, khi cần sẽ lợp lên.
Trong chiết tranh, ở ĐBSCL, hạm nhỏ trên sông, máy bay, thuyền bay …gây chết chóc khó lường, chớ chết về bão lũ ít khi cảy ra. Cả ĐBSCL hàng năm chết vì nước lũ không bằng 1 giờ chết về tai nạn giao thông hiện nay.
Từ khi kết thúc chiến tranh đến nay, nông dân ĐBSCL đấp bờ vùng, bờ thửa trữ tạm nước lũ cho phù sa lắng xuống rồi xả nước trong (giữ đục, xả trong). Với lượng phù sa được giữ lại từng bước lấp trũng, biến 2 cánh đồng rộng lớn nhứt vùng là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên có mặt bằng và độ cao lý tưởng, ngoài canh tác các loại giống cây (nhất là cây lúa) còn làm nên hệ thống giao thông thuỷ, bộ dọc ngang trên những cánh đồng nầy.
Những năm gần đây, các nước ở thượng nguồn như Trung Quóc và Lào làm nhiều đập thủy điện trên sông Mê-kông khiến cho ĐBSCL điêu đứng vì thiếu nước ngọt phù sa, thiếu tôm cá nước ngọt và bị xâm ngập mặn, người dân nơi đây lần lượt rời bỏ ruộng vườn, tha hương cầu thực.
Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối diện với lũ ngày càng thấp – Ảnh Hoàng Thiện |
“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. người dân ĐBSCL đang thích nghi dần với môi trướng biến đổi: Vùng Nam Quốc lộ 1 (miền Hạ) bị xâm ngập mặn thì nuôi tôm cá và trồng các loại cậy chịu nước mặn và nước lợ(ít mặn) / Vùng Bắc Quốc lô 1 (miền Thượng) còn nước ngọt thì chuyên canh chủ yếu là cây lúa và nuôi tôm cá chịu nước ngọt.
Trong nạn dịch COVID, những người nông dân ĐBSCL ra thành tìm kế sanh nhai bị thất nghiệp, họ đang lần lượt lộn về làm lại nghề nông – “Ta về ta tắm ao ta, dầu trong dầu đục ao nhà đã quen” -/-
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire