06/06/2021

QUẦN CHÚNG MUÔN MẶT

Đào Hiếu.

Sau trận Mậu Thân 1968, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ban hành luật tổng động viên số 3/68, buộc các trường đại học phải thành lập “sư đoàn sinh viên bảo vệ thủ đô”.

Lúc đó, ngoài những giờ học chuyên ngành của các khoa, chúng tôi bị tập trung để học quân sự với đầy đủ quân phục, ba lô, súng ống..

Mỗi khoa thành lập một liên đoàn do một sỹ quan cấp tá chỉ huy, bên dưới còn có nhiều sỹ quan cấp úy nắm các trung đội, tiểu đội…


Hôm đó trời mới sẫm tối, mọi người đang tập trung ngoài sân trường đại học văn khoa để nghe phổ biến chỉ thị và mật khẩu gác đêm… thì tôi, một mình lẻn vô phòng học (nơi ngủ của sinh viên và cũng là nơi để ba lô cùng đủ thứ hành trang lỉnh kỉnh…).

Lúc sáng, tôi được phân công viết khẩu hiệu trên tường, đại ý: “Sinh viên Sài Gòn tẩy chay âm mưu quân sự hóa học đường”.

Tất nhiên là tôi không viết bằng sơn, cũng không bằng than hay bút màu vì quá lộ liễu, dễ bị phát hiện khi đang viết nửa chừng và sẽ bị còng tay, chở thẳng vô Tổng nha Cảnh sát.

Tôi đã dùng ruột cau tươi để viết. Tại sao là cau tươi? Vì khi mới viết trên tường vôi thì đó là dòng chữ vô hình, nếu có bị bắt gặp cũng chẳng ai biết mình đang làm gì. Nhưng khi viết xong, trở lại với cuộc họp thì “cau tươi” bắt đầu tác dụng với vôi trên tường. Và khẩu hiệu hiện ra đỏ lòm như nước trầu của các bà mẹ quê thời đó.

Tuy vậy, công việc của tôi tối hôm đó không suôn sẻ.

Đang móc “đồ nghề” ra để viết thì có tiếng la từ sau lưng:

“Ê! Anh kia! Lục lọi cái gì đó?”

Câu hỏi ngắn ngủi ấy lập tức biến một “vị anh hùng” thành “thằng ăn cắp vặt”. Câu hỏi đủ lớn để có thể lôi kéo thêm bốn năm sinh viên khác chạy đến. Nhưng họ không vào phòng. Họ đứng chẹn ngay cửa. Tôi ném mớ ruột cau tươi vô xó nhà.

Rất nhanh, viên sỹ quan an ninh xuất hiện. Hắn hỏi:

-Trong khi mọi người đang họp ngoài sân thì anh lẻn vô phòng làm gì?

Tôi lớ ngớ, lúng túng…

-Chỉ tìm… tìm bao thuốc lá.

Càng lúng túng hơn khi trở lại với đám đông, trước những ánh mắt nghi ngờ miệt thị, nhìn tôi như thằng ăn cắp.

Đó là một tình huống dở khóc dở cười đối với một “nhà cách mạng” như tôi.

Trong cuộc họp sau đó, tại một căn nhà thuê phía sau chợ Trương Minh Giảng, tôi nổi điên:

-Không hoạt động nội thành nữa! Hãy đưa tôi vô rừng! Tui muốn sống trong chiến khu! Tui không muốn chung đụng với cái bọn quần chúng khốn nạn ấy nữa! Mình đấu tranh cho chúng nó. Chính chúng nó cũng căm ghét quân sự học đường, nhưng chúng nó không dám nói, không dám làm. Mình làm, thì chúng coi mình như thằng ăn cắp!

*

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, nổi tiếng với “chiếc giày bay” tại cuộc họp ở Thủ Thiêm ngày 20.10.2018

Sau gần 50 năm, trải qua bao cuộc bể dâu, hình ảnh “người cách mạng” đã cũ xì, mốc meo, đã bốc mùi… Tôi đã già, đã mỏi mệt, đã muốn ẩn cư… thì bỗng xuất hiện một người trẻ mới.

Đó là cô NGUYỄN THỊ THÙY DƯƠNG trong buổi họp “tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm” ngày 20.10.2018 do chính quyền tổ chức.

Tham dự, có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP.HCM và bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM.

Hôm ấy cô Nguyễn Thị Thùy Dương đã nổi tiếng với chiếc dép bay thẳng vào mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM…

Có lẽ cô cũng trạc tuổi tôi thời sinh viên, nhưng cô đang đứng ở một vị trí khác: Cô đấu tranh trực diện, công khai, còn tôi thì bí mật. Cô hiểu bản chất của bọn tham nhũng và quyết đấu với chúng, còn tôi hồi đó chẳng hiểu cộng sản là gì cả nên đi theo và tưởng mình là hiệp sỹ.

Tuy nhiên tôi và cô có một “điểm chung”, đó là quần chúng. Vì quần chúng, mình có thể bất chấp hiểm nguy, tù đày, tra khảo.

Nhưng “quần chúng” là ai?

Trong câu chuyện của tôi thì quần chúng là những người đã nhìn tôi như một thằng ăn cắp.

Cứ cho là do họ hiểu lầm, vì tôi không thể vỗ ngực “cải chính” rằng mình đang “làm cách mạng”. Nhưng trong trường hợp của cô Thùy Dương thì khác. Đó là cuộc họp công khái do nhà nước tổ chức cho cử tri góp ý. Và họ đã đưa vấn đề tham nhũng đất đai tại Thủ Thiêm ra tố cáo.

Quần chúng của Thùy Dương lúc ấy cũng là nạn nhân bị cướp đất như cô, cùng chung nỗi căm giận, cùng chung những mất mát tài sản đất đai, ruộng vườn…

Lẽ ra Thùy Dương chỉ cần nói một tiếng thì họ sẽ hưởng ứng ngay. Họ sẽ vỗ tay, sẽ hô khẩu hiệu ủng hộ nhiệt liệt người thiếu nữ trẻ gan dạ và hùng biện kia… Nhưng không! Họ chọn im lặng. Cô Thùy Dương nói khan cổ. Họ thì im lặng. Mãi sau, một ai đó trong đám nạn nhân nhắc: “Vỗ tay! Vỗ Tay!” thì mới có vài tiếng vỗ tay lác đác.

Phải hiểu thái độ ấy như thế nào?

Trời ạ! Họ, cái đám quần chúng ấy, ai cũng hy vọng rằng nếu mình im lặng thì sẽ được nhà nước thương tình trả lại đất hoặc đền bù thỏa đáng hơn.

Quần chúng là như thế đấy!

Nó là một bầy đàn. Một lũ ích kỷ, a dua và hèn hạ. Một lũ chỉ biết nghĩ đến cái lợi bản thân, không hề dám bày tỏ chính kiến, không hề dám ủng hộ lẽ phải, một lũ “ngậm miệng ăn tiền”, một lũ “cơ hội”!

Thế nhưng các nhà chính trị, các nhà văn, nhà thơ… thì không tiếc lời ca ngợi quần chúng, coi họ như một “sức mạnh vô địch”, một trí tuệ tập thể, một lương tri của thời đại…

Vì sao bọn họ lại tâng bốc quần chúng đến thể?

Vì họ đang sử dụng quần chúng như một công cụ để phục vụ, để xả thân, để chết cho những ý đồ chính trị của họ. Phải tâng bốc thì chúng nó mới sẵn sàng nhảy vào lửa!

Mời bạn cùng tôi đọc lại mấy vần thơ sám hối của thi sỹ Chế Lan Viên:

Mậu Thân, 2.000 người xuống đồng bằng.

Chỉ một đêm, còn sống sót có 30.

Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2.000 người đó?

Tôi!

Tôi, người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người lính không tiếc mạng mình

trong mọi lúc xung phong.

Thế đấy! Quần chúng đáng tội nghiệp biết bao! Chẳng trách François Rabelais đã từng gọi họ là một đàn cừu.

Và những người như cô Thùy Dương thật cô đơn biết nhường nào!

Ngày 29/5/2021

Đ.H


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire