23/07/2021

Cảm ơn đồng chí Vũ Phương Anh, “đồng chí này là con đồng chí nào?”

Châu Quân
2021-07-20

Nhân viên y tế xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hải Dương hôm 8/3/2021
Reuters

Nhờ đồng chí Vũ Phương Anh khoe rộng rãi trên mạng xã hội Facebook mà mọi người mới biết chẳng cần đăng ký gì cả, cũng chẳng cần xếp hàng theo thứ tự, mà chỉ cần có quan hệ là được tiêm vắc-xin ngay.


Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị nơi đã cướp mất ít nhất hai phần vắc-xin dành cho những người đang ở tuyến đầu chống dịch để kính biếu vợ chồng cô Vũ Phương Anh- nơi đang sáng nhất mạng xã hội Việt Nam chắc có lẽ không ngờ có ngày bệnh viện này lại được quảng cáo miễn phí nhiệt tình như hai ngày nay.

Báo chí và dân mạng cũng thật là quá đáng, lại đi tìm hỏi bằng được.

Cho nên ngài giám đốc bệnh viện phải thanh minh như thế này

“Cô gái đưa tin lên Facebook đó là phóng viên, đúng ra cô này cũng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên trong các nhóm theo quy định của Bộ Y tế.”

“Bố cô gái này là giảng viên của Học viện Quân y, đăng ký cho vợ chồng cô này tiêm. Bố cô ấy có học trò đang làm ở bệnh viện tôi, đang làm chuyên khoa 2. Lúc đó có 2 liều Pfizer lẻ ra, nên cô gái này được tiêm. Cô gái này nghĩ mình 'trên trời rơi xuống' không cần đăng ký, nhưng thực chất là bố cô gái này đã đăng ký cho cô từ trước. Chúng tôi khẳng định không có chuyện được lựa chọn tiêm vắc xin Pfizer trong trường hợp này.”

Nhưng càng thanh minh, ông Hà càng để lộ nhiều sơ hở.

Theo chính cô Vũ Phương Anh khoe và khẳng định nhiều lần trên trang mạng Facebook chính chủ, thì cô không đăng ký gì cả.

Hình Facebook
cô Vũ Phương Anh

Hơn nữa,  nếu cô Vũ Phương Anh là phóng viên thì sẽ đăng ký tiêm theo danh sách ở đơn vị báo chí nơi cô này làm việc, chứ không thể lách tắt vào danh sách đang tiêm cho các nhóm ở tuyến đầu chống dịch. Càng không thể không đăng ký mà bố gọi điện hôm trước thì hôm sau tiêm luôn.

Thông tin trên mạng xã hội Việt Nam (chưa được kiểm chứng) cho hay cô Vũ Phương Anh không phải là phóng viên làm việc ở tờ báo nào cả mà chỉ học từ Học viện báo chí tuyên truyền, khoa Quan hệ công chúng mà thôi.

Danh sách tiêm vắc-xin đều được chuẩn bị và đăng ký trước từ lâu, chưa kể vắc-xin Pfizer rất được chờ đợi ở Việt Nam cho nên càng không thể có hai liều lẻ ra để ông Giám đốc bệnh viện chống chế rất vụng như ở trên. Nếu thực có dư ra hai liều, thì phải gọi cho hai người tiếp theo trong danh sách.

Người anh tài giỏi xuất chúng, lãnh đạo siêu phàm và các “suất ngoại giao”

Gần như cùng lúc với status khoe mẽ của cô Vũ Phương Anh, lại có một status dài và cẩn thận của một phụ nữ tên Nguyễn Thúy Nhân, cũng sống ở Hà Nội. Cô này còn tỉ mỉ hơn cô Vũ Phương Anh khoe “ông ngoại” (cách gọi thay cho con, tức là cha ruột của mình), viết hẳn ra thế này:
Đã hai lần trước cùng bà chị bên Đài đi rồi, mà phải đột xuất hoãn lại”.

“Thế rồi nhân duyên đặc biệt, có người anh tài giỏi xuất chúng, khả năng lãnh đạo siêu phàm mà có tấm lòng tâm ái, lo sức khỏe cho những người xung quanh. Người anh là TS.BS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội. Vô tình người anh hỏi: cô tiêm vắc-xin chưa thế rồi trao đổi qua lại và mình quyết định gửi thông tin để anh đăng ký và hôm nay mình chính thức đã tiêm vắc-xin”.

Ca sĩ Thanh Lam
cũng chụp ảnh lên
mạng khoe đã hoàn
thành hai mũi vắc-xin.
Hình Facebook

Quy định mới nhất của Bộ Y tế về các nhóm ưu tiên tiêm vắc-xine như sau:

(1) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

(2) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…);

(3) Lực lượng Quân đội;

(4) Lực lượng Công an;

(5) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam;

(6) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

(7) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

(8) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

(9) Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;

(10) Người sinh sống tại các vùng có dịch;

(11) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

(12) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

(13) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế… cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

(14) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

(15) Người lao động tự do;

(16) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế;

Đến 20 tháng 7,  theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước mới chỉ có hơn 4,3 triệu người được tiêm vắc-xin, trong đó gần 4 triệu người mới chỉ tiêm mũi một, chỉ có hơn 300.000 người đã tiêm đủ hai mũi.

Con số này nghĩa là ngay cả lực lượng y tế, công an, quân đội, lái xe, công nhân sản xuất, tiểu thương buôn bán… nghĩa là lực lượng đang chống đỡ y tế và duy trì mạch máu kinh tế cũng như đời sống của xã hội cũng chưa được tiêm chủng đầy đủ. Những người cao tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh nền, vốn là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin hàng đầu ở hầu khắp các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì đang nơm nớp với sinh mạng của mình vì thuộc nhóm gần cuối cùng.

Cho nên các câu chuyện trơ trẽn khoe quan hệ để cướp lấy suất tiêm vắc-xin trước như trường hợp của cô Vũ Phương Anh hay cô Nguyễn Thúy Nhân khiến người dân nổi giận.
Nhưng giận thì làm gì nhau? Vốn chuyện chạy chọt, ưu ái, ăn trên ngồi trốc không hiếm hoi gì ở Việt Nam. Nếu có bố, có mẹ, có bác, cô, dì, chú, anh, em… là người có quyền chức thì con cháu phải được hưởng xái trong mọi việc. Một người làm quan cả họ được nhờ-đó là chân lý ở Việt Nam, không nói ra nhưng ai cũng biết.

Vì thế khi câu chuyện trơ trẽn này được phát hiện thì có nhiều người cười khẩy, khuyên rất mực hiểu đời rằng suất ngoại giao như thế này có mà đầy, chỉ có điều người khôn thì im ỉm chẳng khoe ra, thậm chí phải giả vờ vô can, nóng ruột đi hỏi người khác xem tác dụng phụ như thế nào… Có chăng, cô Vũ Phương Anh, cô Nguyễn Thúy Nhân trẻ trâu quá, không kiềm chế sự khoe mẽ nên mới hại “ông ngoại”  và “ông anh” đến thế.
Cướp thì  đã cướp rồi, “ông ngoại”  cũng đã gọi điện xin lỗi giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị hẳn hoi rồi, tử tế đến thế là cùng. Giám đốc bệnh viện thì bảo nào tôi có biết gì đâu, do bác sĩ của tôi làm, tôi đau đầu lắm, làm phúc phải tội.

Cuối cùng, người duy nhất gánh hậu quả trong chuyện này cũng chỉ là anh bác sĩ vô danh ấy mà thôi. Hỡi ơi, “nhưng không chết thằng cha bán phở, mà chết người gái nhỏ bưng tô…” (câu hát nhái bài Màu tím hoa sim của nhạc sĩ Hữu Loan “Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người gái nhỏ phương xa”). Y hệt như lỗi được đổ tất lên đầu “thằng đánh máy” năm nào!

Phiếu tiêm vắc-xin
ngừa COVID-19
được khoe trên FB

Quỹ vắc-xin đâu rồi?

Chẳng biết những mẹ già lần túi lấy tiền mua quan tài, những em bé để dành tiền ăn sáng, những cô nhân viên văn phòng dành tiền gửi về biếu mẹ , những người buôn bán chạy xe dành đồng lãi ướt đẫm mồ hôi, những giáo viên bán cháo phổi, những công chức, nhân viên công sở khắp cả nước bỗng nhiên bị trừ béng một ngày lương để góp quỹ mua vắc-xin tiêm cho tuyến đầu chống dịch, những Việt kiều hải ngoại dành dụm tiền già gởi về Việt Nam… có thấy đắng cay không?

Nhưng (vẫn thế) đắng cay thì làm được gì nhau? Chuyện ăn trên ngồi trốc vẫn phải xảy ra như nó đã liên tục xảy ra, vì đó là mục đích và phương thức tồn tại của các nhóm lợi ích đang thi nhau xâu xé miếng bánh tước được từ mồ hôi nước mắt hơn trăm triệu người dân.

“Ông ngoại” hay “ông anh” không thể đơn giản cướp mấy suất vắc-xin cho con cái và “em út” nhẹ tênh như thế nếu trước đó không từng trao đổi những mối lợi ích khác cho đối tác.

Sự đổi chác có thể đến từ vị trí công việc, do các bên có quyền lực, có thể phân phát quyền lợi trong lĩnh vực nào đó. Cũng có thể đến từ vị trí là con cháu họ hàng ruột thịt của các VIP, cho nên dù không cần nói gì thì khối người vẫn phải ra sức nịnh bợ.

Phải biết điều mà để ra các “suất ngoại giao”, cho dù là miếng đất, căn hộ, hay là liều vắc-xin. Suất ngoại giao là tất cả những gì là quyền lợi lột ra từ cái túi Nhà nước, doanh nghiệp, ai ai cũng được, miễn không phải tiền túi của mình. Nếu không thấm nhuần nguyên tắc làm quan như thế, đừng hòng mai kia còn yên chỗ, hay ấm chỗ.

Vì thế xin cảm ơn đồng chí Vũ Phương Anh, cảm ơn đồng chí Nguyễn Thúy Nhân, các đồng chí thật cao tay. Chỉ một post và vài comments trao đổi trên trang mạng, đồng chí đã giúp phương châm Minh bạch hóa, công khai hóa của Đảng và Nhà nước được thực hiện tận tình, sinh động, chu đáo.
Nhân Quốc hội khóa 15 vừa khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa có bài phát biểu quan trọng về tinh thần phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, xin góp cho Tổng bí thư vài thanh củi, đốt lên đống lửa sưởi ấm khi thời tiết Việt Nam đang nhiều giông bão.

Có còn ai kiên quyết không khai thằng cha du kích núp trong đống rơm nữa không?

___________________

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/co-gai-khoe-duoc-tiem-vac-xin-pfizer-nho-ong-ngoai-giam-doc-benh-vien-noi-gi-20210720121049424.htm

https://kenh14.vn/giam-doc-bv-huu-nghi-len-tieng-vu-hoa-khoi-bao-chi-nho-ong-ngoai-nen-duoc-tiem-vaccine-pa-co-the-da-qua-phan-chan-nen-khoe-khoang-gay-phan-cam-2021072012120997.chn

Cảm ơn đồng chí Vũ Phương Anh, “đồng chí này là con đồng chí nào?” — Tiếng Việt (rfa.org)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire