31/08/2021

Việt Nam chống dịch nặng về bạo lực


Thiện Tùng

27/8/2021

 

Những căn cứ cho thấy Việt Nam chống Dịch nặng về bạo lực và áp dụng chiến thuật biển người:

Khi thấy Dịch lại vãng ở Thủ đô Hà Nội và còn dám lỏn vào bịnh viện Bạch Mai, ngày 27/3/2020, Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc liền ra Chỉ thị 16 mang đầy đủ tính chất thô bạo  trên phạm vi cả nước, có nội dung: “Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.


Chỉ thị 16 được áp dụng triệt để, dân chúng lâm vào cảnh khốn cùng mà dịch vẫn cứ bùng phát hết lần nầy đến lần nọ, lần sau cao hơn lần trước, lần thứ Tư nầy được xem như vỡ trận, khởi đầu từ 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Từ đó, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, sợ thuộc hạ hữu khuynh với Dịch, ban lịnh: “Chồng dịch như chống  giặc”.

Từ đó, Thủ tướng xem Dịch là Giặc, chúng còn ẩn núp đâu đây, liền ra lịnh cho cả nước: Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Như thế có nghĩa là Thủ tướng ra lịnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với mức độ cao, quyết liệt hơn (16+)?.

Khi Dịch tấn công bạo hơn vào TP HCM rồi lan dần ra khắp các tỉnh Nam bộ,“mục tiêu kép” bị đe doạ nghiêm trọng, bởi vì TPHCM là trung tâm kinh tế cả nước, Nam bộ là vựa lúa và là kho thuỷ sản…cung ứng cho cả nước và xuất khẩu. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ra lịnh đưa đội  quân “bạch bào” đàng ngoài vào ứng cứu TPHCM nói riêng, Nam bộ nói chung.

Suốt  gần 2 tháng trời thực hiện chỉ thị 16+, hết phong toả diện rộng đến diện hẹp, hẹp tới mức “nhà cách ly nhà, người cách ly người ”. Cấm chợ, ngăn đường chặn lối  mà vẫn không tìm được hung thủ (giặc). Tìm ngoài không gặp, cấp trên ban lịnh cho ngành Y tập trung dân lại xét nghiệm đại trà (từng người dân), moi móc nhớt nhao trong mũi họng từng người ra xem coi có hung thủ lẫn trốn trong đó hay không. Dịp may lại đến, trước đông người, hung thủ tha hồ chọn mặt ẩn thân. Cố moi móc mũi, họng từng người, tóm được khá nhiều người chứa chấp F0 (dương tính) dù virus chỉ tạm trú chớ không thể gây hại vì số người nầy có kháng thể đủ sức phòng vệ. Từ F0 truy ra F1 rồi tóm cổ  tất, F0 đưa vào các bịnh viện, F1 đưa vào nhng khu cách ly.

Có câu “bói ra ma quét nhà ra rác”, càng quét càng ra nhiều rác, nghĩa là càng xét nghiệm càng ra nhiều F, khiến cho các bịnh viện quá tải vì F0, những khu cách ly quá tải vì F1. Khi   quá tải buộc phải xuống thang, cho cả F0 và F1 cách ly tại nhà - trừ trường hợp F0 có triệu chứng mới đưa vào bịnh viện. Vậy mà bịnh viện TPHCM, Bình Dương, Long An… vẫn  còn đang quá tải,  F0 tử vong  phá kỷ lục quốc gia và đang trên đà phá kỷ lục quốc tế.

Phạm Minh Chính, Thủ tướng kiêm trưởng Ban phòng chống Dịch

Theo báo Người đưa tin:  Ngày 24/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt để nghe Ban cán sự đảng uỷ Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đến dự cuộc họp có: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí thư và đại diện các ban, bộ, ngành;   

 Trước tình hình dịch bịnh vẫn diễn biến phức tạp, cuộc họp thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương”.

Vậy chắc là 4 tướng cầm binh trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũ không làm tốt nhiệm vụ chống Dịch ở các tỉnh phía Nam đã bị bãi nhiệm gồm: Cấp trung ương (TW) có 2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo  phòng chống dịch xuống làm phó Ban nầy và Trương Hoà Bình được nghỉ hưu / Cấp địa phương có 2 ông: Nguyễn Thành Phong, Chù tịch UBND, trưởng Ban phòng chống dịch TP HCM được điều chuyển về TW giữ chức phó Ban Kinh tế TW và ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM được nghỉ hưu bắt đầu từ ngày 1/9/2021. 

Th theo chủ trương “chống dịch như chống giác của Tổng Bí thư Trọng và thể theo Chỉ thị 16+, Phạm Minh Chính, Thủ tướng kiêm trường Ban phòng chống dịch, ngoài tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16+, ông Chính  còn bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Phan văn Giang điều 2.000 lực lượng Quân đội và và 50 bịnh xá vào Nam giúp dân “vùng đỏ đậm đặc”. Khi xuất quân, ông Giang nói như tuyên thệ trước ba quân tướng sĩ: “Bước vào  trận chiến ở TPHCM, không thắng không về!”(Theo Báo Dân Trí)

Quân đội xếp hàng chỉnh tề trong lễ xuất quân vào thành phố Hồ Chí Minh giúp chống dịch. Hình chụp tại Hà Nội hôm 23/8/2021

Theo sau quân đội vào Nam, đi nhiều nơi quan sát thực tình, thực địa, trên cơ sở chỉ thị 16, ông Phạm Minh Chính nâng lịnh phong toà vốn có lên ngang bằng thiết quân luật (1).

Phóng viên Lưu Nhi Dũ (RFI) ghi lại những hình ảnh cảm động khi thấy lực lương Quân đội làm “hậu cần cho dân” - phân phát lương thực, thực phẩm đến tận nhà từng người dân trong ngày đầu thiết quân luật. 



Á ngộ! Bộ đội không có súng mà chỉ có rau, củ, quả!!.


Thú thật, tôi quá đau lòng khi xem những hình ảnh nầy. Tôi lại thắc mắc: Báo Tiền Phong (xung phong ra phía trước) là báo của giới Thanh niên, trong tình cảnh dịch bịnh thế nầy, Thanh niên, Đoàn viên Cộng sản trốn tránh nơi đâu mà để cho Quân đội phải làm một chuyện trái chức năng, nếu họ nhiễm dịch, giặc xâm lấn biên cương ai đứng ra chống đỡ?! 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Lưu Nhi Dũ (RFI), Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói: “Lực lượng quân đội tham gia chống dịch ở TP HCM là đội quân công tác, không phải đội quân chiến đấu. Đây là nhiệm vụ đặc biệt của quân đội và chưa có tiền lệ. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi biết, thấy rõ kẻ thù, nhưng Covid-19 là kẻ thù không màu, không mùi, không vị, có thể lây nhiễm vào bất kỳ ai, kể cả là những người đã được tiêm phòng rồi. Vì vậy, chúng tôi xác định cuộc chiến này rất cam go, vất vả…”

Khi nhận chức trưởng Ban phòng chống Dịch, vẫn theo hình thc, phương pháp cũ,  nhưng ông Phạm Minh Chính điều binh khiển tướng thực hiện có phần quyết liệt hơn Ban lãnh đạo trước. Theo tôi nghĩ, nếu rập khuôn theo hình thức, phương pháp cũ, dầu quyết tâm cao độ cũng khó thắng nhanh, diệt gọn được bọn virus Covid nầy. Bởi vì, chúng đã chiếm lĩnh được trận địa, xâm nhập sâu rộng trên cả nước, vào từng thôn xóm, gia đình, thậm chí vào trong nội tạng con người. Sau gần 2 tháng phong toả, bao vây, truy đuổi, nhưng vẫn không loại được chúng ra khỏi cộng đồng. Cũng ngần ấy thời gian, tôi bị cấm ra khỏi nhà, ngột ngạt hết chỗ nói. Khi thấy ông Chính ra lịnh truy sát Dịch quyết liệt hơn, tôi nửa mừng mơ sớm được “giải phóng”, nửa lo vì biết khó mà thắng chúng trong nhứt thời, nỗi gian truân vẫn còn bày ra trước mắt.  

Những câu hỏi giả định do tôi tự nêu tự giải dưới đây cốt gợi mở một đôi điều mà dư luận xã hội đang quan tâm, mời tham khảo:   

- Dầu khó nhưng cũng phải thắng, chớ chẳng lẽ chịu thua, chịu chết vì chúng hay sao?

- Không! Giặc Người còn có thể hoà giải, thương thuyết chớ còn giặc Dịch thì không thể nói gì với chúng được.? Chỉ còn biện pháp duy nhứt, khả thi nhứt là tìm mọi cách “vô hiệu hoá” chúng.

- Bằng cách nào?

- Trang bị kháng thể cho từng cá nhân để tự vệ.

- Cách nào làm được chuyện đó?

- Có 2 cách: Một là từng người phải được ăn uống bồi bổ, tập luyện nâng cao thể chất. Hai là tiêm vac-xin tăng kháng thể cho mọi người để đủ sức đối kháng, vô hiệu hoá chủng loại virus nầy.

- Trong khi phải thực hiện lịnh phong toả và vác-xin khan hiếm thì làm sao có thể thực hiện được 2 cách đó?.

- Xoá bỏ lịnh phong toả vì dịch đã lan tràn, phong toả chẳng còn có ý nghĩa gì?. Xoá phong toả để người dân tự lo ăn, lo sức khoẻ cho mình, nhà nước đỡ bao cấp và không phải cậy nhờ vào Quân đội làm hậu cần nữa. Nhưng, dầu có xoá phong toả cũng đừnng quên thúc ép mọi người phải thực hiện triệt để 5K mà Bộ Y tế  đã đề ra nhầm tránh lây lan dịch bịnh. Nếu không đủ vac-xin tiêm cho mọi người thì với số đã có, ngoài ưu tiên tiêm cho những người chống dịch ở tuyến đầu, nên ưu tiên tiêm cho nhửng người bán ở các chợ, siêu thị… và trước mắt tiêm cho chỉ 1 người trong mỗi hộ để họ tới lui mua nhu yếu phẩm cho gia đình.

- Bỏ phong toả nhiều người ra ngoài tiếp xúc nhau dễ lây lan dịch bịnh?

-  Sợ người dân ra ngoài mua sắm gây lây nhiễm cho nhau, nhà cầm quyền cử những người chuyên đi mua/giao hàng cho từng hộ dân không lây nhiễm sao?!.  Hơn cả vô lý, là vì   những con “thiêu thân” đáng thương được nhà cầm quyền cử chuyên đi mua/giao hàng cho từng hộ dân, họ rong rỗi tiếp xúc với nhiều đối tượng tránh sao khỏi virus bám vào người, vào hàng? Khi giao hàng cho dân, chắc gì họ không giao cả virus. Tuy chưa kiểm chứng xác thực, nhưng chắc chắn họ là  một trong những tác nhân chính trong việc lây truyền dịch cho cộng đồng?. Hộ nào cũng có người trực tiếp nhận hàng từ những người mua/giao hàng nầy?. Từ đó, sớm muộn gì từng hộ dân cũng sẽ có người dương tính (F0), có F0 trong hộ thì khó tránh khỏi cả hộ F0? – Đó là lý giải vì sao F0 xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng.

 - Quyết tâm phong toả mà dương tính (F0) xuất hiện trong cộng đồng ngày càng nhiều, xoá bỏ phong toả tránh sao khỏi vỡ trận?

- Không hẳn thế đâu, theo tôi nghĩ, ngoài việc lây nhiễm từ những người mua/giao hàng như vừa nói trên, chính vì xét nghiệm đại trà (toàn dân) mới lòi ra F0 (F0 nhân tạo). Người vướng F0 nhưng không có triệu chứng có nghĩa là kháng thể của người đó đủ sức khống chế virus. Mắc mớ gì, bộ rảnh lắm sao mà tập họp đông người, móc mũi vãi từng người trước nhiều người không lây bịnh qua lại cho nhau mới là chuyện lạ. Hơn nữa, những người đi xét nghiệm thường xuyên tiếp xúc với “môi trường bẩn”, bản thân, trang phục, dụng cụ họ mang theo  chắc chắn ít nhiều có virus lẫn trốn trong đó. Những người chuyên đi moi mũi, móc họng truy tìm virus nầy thường có thói quen xem mình sạch sẽ, còn những đối tác mang mầm bịnh đáng gờm. Họ có biết đâu chính họ, vì nhiệm vụ luôn mang mầm bịnh trong/ngoài người, đang đi tình bịnh cũng đang di gieo bịnh cho mọi người?. Đó là chưa nói, do bịnh viện quá tải, F0 không có triệu chứng cho điều dưỡng tại nhà, khi có triệu chứng báo động không được cứu cấp kịp thời, xe cộ bị cấm, đành phải nằm nhà chịu chết.

Vì đại cuộc, tôi cố nói những điều mà mình cảm nhận, với dụng ý tham khảo với Ban phòng chống Dịch, không hề có ý “chống lịnh hành quân”. Dầu ai đó có cố tình kết tội, tôi cũng nói những điều thấy cần nói nữa. -/-

Chú thích

(1) Định nghĩa thiết quân luật: Thiết quân luật là sự áp đặt kiểm soát quân sự trực tiếp đối với các chức năng dân sự thông thường hoặc đình chỉ luật dân sự của Chính phủ, đặc biệt là để đối phó với tình trạng khẩn cấp tạm thời khi lực lượng dân sự bị áp đảo, hoặc trong một lãnh thổ bị chiếm đóng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire