Thiện Tùng
2/ Cải tạo kinh tế theo đường lối Xã hội Chủ nghĩa
“Để đuổi kịp miền Bắc”, năm 1976, Đảng CS VN chủ trương cả miền Nam tiến hành cải tạo XHCN, chuyển nền kinh tế thị trường ở miền Nam sang kinh tế XHCN. Đảng CS VN không dùng 2 từ tước đoạt mà dùng cụm từ “Công hữu hóa và tập thể hóa về tư liệu sản xuất” – Giải thích: Tất cả những gì thuộc đối tượng để người lao động tác động vào tạo ra của cải vật chất… được xem là tư liệu sản xuất (TLSX), chẳng hạn như nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất… và những cơ sở dịch vụ khác.
Cuộc cải tạo XHCN diễn ra theo trình tự :
- Đánh Tư sản mại bản: Bao gồm những nhà Tư sản kinh doanh có dinh líu với nước ngoài và những nhà Tư sản dính hoặc dựa chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa).
Sau bước điều tra lập danh sách, mở chiến dịch mang tên X.2, bất thần, đồng loạt đột nhập các mục tiêu, kiểm kê, tịch thu cả nhà lẫn tài sản của họ, gây hoang mang, hỗn loạn. Tài sản tịch thu “đổ tháo” rất khó kiểm tra. Vàng mà cho phép được ghi kim loại màu vàng, nên vàng thật cũng có thể đổi thành vàng giả – miễn màu vàng là được.
Đoàn tham gia chiến dịch X.2 ở Sài gòn, khi nghỉ trưa, một người nói: “Kỳ nầy đánh đổ Tư sản thật rồi”. Một cán bộ kỳ cựu đỡ lời “Không, đánh đổi Tư sản !”.
- Cải tạo Công và Thương nghiệp: Các cơ sở Công, thương nghiệp, dịch vụ… hoặc hiến cho Nhà nước hoặc vào làm ăn tập thể hoặc ngưng hoạt động.
Không bao lâu, bằng cách nầy hay cách nọ, nếu không thuộc về Quốc doanh hay tập thể thì đều phải đóng cửa. Chỉ thời gian ngắn, Quốc doanh và Tập thể chiếm toàn bộ thị phần. Tư nhân nếu còn chỉ hoạt động chui, bắt được là tới số.
Phòng khách dát vàng nhà Nông Đức Mạnh |
Người Việt gốc Hoa ở Sài gòn, nhìn thực tế thấy sao đó, nói: “Sợ Cộng sản không ăn, chớ họ chịu ăn thì không có gì phải sợ”. Thế là tư nhân hành nghề dịch vụ nhỏ lai rai “lọt lưới”.
- Cải tạo Nông nghiệp: Khi va vào như vướng phải khối bầy nhầy, mới thấm thía câu “nhứt hậu hôn, nhì điền thổ”.
Cùng một thời điểm, triển khai chủ trương cải tạo Nông nghiệp trên toàn cõi Nam VN (từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau). Nhưng Trung ương chọn tỉnh Tiền Giang làm trước 1 bước. Tỉnh Tiền Giang chọn xã Tân Hội – xã Anh hùng trong chiến tranh, làm Hợp Tác Xã (HTX) thí điểm của tỉnh. Cách tiến hành theo mẫu miền Bắc.
Nông dân ở xã Tân Hội nầy, hầu như ai cũng có công ít nhiều với Cách mạng. Khi đụng vào ruộng đất của họ, họ chẳng sợ gì ai, phản ứng không chừa cặn.
Ngoài cố vấn từ miền Bắc kè bên, cán bộ tỉnh, huyện đều là võ tướng, văn tướng quầng như trâu đạp lúa mà chẳng ăn thua. Sau “hội chẩn”, Tỉnh ủy Tiền Giang quyết định dời thí điểm đến ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công – Vùng trọng điểm Bình định của Việt Nam Cộng hòa trước đây, giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Có lẽ Tỉnh ủy nghĩ rằng, dân vùng địch hậu họ sợ, sẽ ngoan ngoãn vâng theo. Chẳng biết có phải do họ sợ không, vận động họ đưa đất vào HTX nông nghiệp làm ăn tập thể không mấy khó, nhưng với lý nầy, cớ nọ, họ lao động chiếu lệ, sau một mùa vụ cũng đổ vỡ.
Võ văn Kiệt |
Gò Công ngưng làm HTX nông nghiệp, tiến hành làm đại trà Tổ Đoàn Kết Sản xuất Nông nghiệp, ổn định được đời sống nông dân, đủ sản phẩm nông nghiệp giao nộp cho Nhà nước theo qui định. Thấy huyện Gò Công vùng đất nhiểm mặn mà “ăn nên làm ra”, ông Võ văn Kiệt, Bí thư đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đến Gò Công để tham quan, ông hỏi tôi: “Đoàn kết sản xuất là làm thế nào?”. Tôi trà lời: “Thì cũng bắt chước các anh làm Vần Đổi Công thời chống Pháp” . Ông Kiệt vỗ vai tôi nói: “Thì ra…”.
Có lẽ để nung các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang làm HTX nông nghiệp chẳng ra hồn gì, thế mà Trung ương chỉ đạo tỉnh Tiền Giang mở Đại hội công bố “Hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp”. Khách mời gồm những đoàn đại biểu các Tỉnh, Thành thuộc khu vực phía Nam, có Báo giới, Văn giới và 6 Ủy viên Trung ương Đảng CS VN đến tụ hội. Làm chẳng ra đâu, nhưng tổng kết nghe cũng khá, từng hồi từng chập pháo tay nổ giòn. Do “sinh non”, những “đứa con” nào sinh ra trước chết trước…, không lâu sau, chúng chết phủi tay.
Có thể nói, trong chiến tranh Nông dân nhiệt tình đi theo Đảng bao nhiêu thì giờ đây họ nhiệt tình chống lại chủ trương Hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng bấy nhiêu – từng nơi, từng lúc, họ phản ứng gần như tử thủ, thí mạng cùi giữ đất như người điên loạn.
Có lẽ thấy không ổn, Đảng CS VN xuống thang, chủ trương khoán sản phẩm trong nông nghiệp, có tên là “khoán 100”(2) – có nghĩa là trả 100% đất lại cho xã viên, rồi căn cứ chất lượng đất, giao khoán sản phẩm trên đầu mẫu (ha)- có lẽ vừa để xả căng, vừa khắc phục nạn thiếu lương thực trầm trọng.
Ấy thế, lúc bấy giờ, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, còn nói trên diễn đàn: “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp là bước thụt lùi cần thiết”. Khi nghe ông Thọ nói thế, tôi liên tưởng đến vở “Tiếng Trống Mê Linh”, lúc tướng Tàu thách thi bắn tên, các nữ tướng hăng hái vào cuộc thi. Trưng Trắc nhắc khéo các nữ tướng :“Con Hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại”. Vậy có phải ý ông Thọ nói lùi để tiến bạo hơn chớ không phải lùi luôn?. Nếu vậy, ông Thọ ngầm nhắc nhở mọi người kiên định lập trường XHCN chớ gi?.
Nói khoán sản phẩm chớ khoán cái nỗi gì, sản xuất nông nghiệp bao giờ cũng phụ thuộc ngoại cảnh như thời tiết, sâu rầy chẳng hạn, kiểm tra sản lượng được giao chi cho mất công, nếu họ làm không đạt sản lượng theo giao kèo, bằng lý nầy cớ nọ , họ đổ lỗi khách quan thì rầy rà hay phạt vạ gì họ được?, chỉ còn cách thu mua sản phẩm nông nghiệp, nhất là 2 mặt hàng Lúa và Heo. Lúa thì qui định để lại cho mỗi khẩu nông nghiệp 15 giạ, Heo thì bán hết cho Nhà nước (cấm giết mỗ). Giá lúa và heo do Nhà nước qui định – mua như ăn cướp, bán lại như cho. Để đối phó với sự bất công ấy, nông dân khai gian sản lượng, tìm cách bán chui (lậu) nông sản. Để ngăn chặn việc mua lùi bán lậu nông sản, Nhà nước chủ trương mở nhiều trạm kiểm soát trên các tuyến đường. Nông sản không lưu thông được, tạo mất cân đối về lương thực, thực phẩm giữa các vùng, nhất là giữa thành thị và nông thôn, gây rối loạn. Về lương thực, thực phẩm, ở nông thôn cung lớn hơn cầu, ở thành thị cầu lớn hơn cung. Công nghiệp và nông nghiệp không còn là thị trường của nhau. Công Nông liên minh vốn có lâu đời giờ đây bị rạn nứt, giữa họ với nhau không còn khắn khít.
Tôi xin đưa vào đây chuyện thật như đùa, xem coi nên cười hay mếu:
Đỗ Mười |
Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức Thủ tướng sau nầy), ông Đỗ Mười, công du Tây Nam bộ về, trên xe có chở 1 bao gạo, trạm xét, lôi bao gạo xuống xe. Lái xe nói: “Gạo người ta cho ông Đỗ Mười đang ngồi đàng trước”. Người ở trạm cười nói: “Đỗ Mười Một chúng tôi cũng tịch thu”.
***
Lời tác giả
Ảnh minh họa |
Sau
30/4/1975, người ta đặt tiêu chuẩn “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội” (CNXH),
tôi chỉ đáp ứng được một trong hai yêu cầu ấy nên vội “chạy”.
Đối với CNXH, tôi đã chạm trán với nó ít nhất cũng hiệp đầu chớ không phải chạy khi vừa thấy mặt nó – tức là không phải chạy mặt.
Tôi chạy nó (CNXH) vì sự quái dị, tính quái ác và phản dân chủ của nó. “Yêu nước là yêu CNXH”, một sự gán ghép chết người. Không phải vậy sao? – Theo “tiêu chuẩn” vừa nêu trên, nếu không yêu CNXH vô hình trung là không yêu nước chớ gì? Nhưng, nếu yêu thêm CNXH thì đất nước, dân tộc nầy tránh sao khỏi tang hoang cùng khổ?! Thôi thì thà tôi đành mang danh không yêu nước để khỏi phải góp phần gây tang tóc, đau thương cho đất nước và dân tộc.
Nhờ có tiếp cận, tôi sẽ kể đúng nhưng không thể đủ về sự “diễu võ vươn oai” của nó (CNXH) ở Nam Việt Nam.
Muốn biết người viết bài nầy là ai để chủi rủa… hay tranh luận, hãy xem
lai lịch
của
gã ghi rõ ở cuối bài viết.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire