07/09/2021

Chịu hết nổi chỉ thị 16

Thiện Tùng   

5/9/2021

Dân chịu hết nổi, và xem mòi quan chức cũng muốn thay đổi Chỉ thị 16.

Hơn 18 tháng qua từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ra Chỉ thị 16, người ta, nhứt là Báo, Đài, nói nhiều về nó, có khi còn mượn nó che chắn cho những chủ trương chưa chắc đúng của mình. Tiện đây, tôi nói sơ qua đôi điều về nó.


Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ra đời ngày 31/3/2020 khi dịch COVID-19 đột nhập vào Hà Nội nói chung, bịnh viện Bạch Mai nói riêng. Chỉ thị 16 là “sắc lịnh phong toả” trên phạm vi toàn quốc, theo nguyên tắc:“Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.

Lịnh Phong toả phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 nầy lâu dài nhứt, nghiêm ngặt nhứt, hơn cả thiết quân luật, mà tôi biết trong đời hơn 80 năm qua – Thời chiến, Việt Nam Cộng hoà thiết quân luật, mỗi lần chỉ mươi ngày và chỉ ở phạm vi một vài đô thị cần thiết. 

 Tôi không nói quá đâu:

- Chỉ thị 16 có hiệu lực thi hành trên phạm vi cả nước, tính đến nay đã hơn 18 tháng (31/3/2020 - 4/9/2021), nó vượt lên trên Pháp Luật (Hiến pháp và các Luật) hiện hành.  

- Nội dung Chỉ thị nầy áp dụng theo nguyên tắc bất di bất dịch, chỉ được phép nâng cao chớ không được hạ thấp.   

- Chỉ thị 16 trải qua nhiều bước bổ sung như việc: Cấm chợ, ngăn đường cản lối / Nhà cách ly nhà, người cách ly người, ai ở đâu thì ở đó / Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”… – thế nhân gọi là Chỉ thị 16 cộng (16+)

- Chưa vừa,  Chỉ thị 16+ còn cho phép tập trung dân lại xét nghiệm đại trà, moi móc mũi, họng từng người 3 ngày một lần để tìm hung thủ.

Chỉ thị 16+ “phủ sóng” trên cả nước, dân chúng tôi ở tỉnh Tiền Giang suốt hơn tháng qua cũng lâm khổ nạn phong toả và xét nghiệm. Gia đình tôi cũng sắp hụt hơi: Tội nghiệp các cô, chú “bạch bào” thi hành công vụ, bất chấp hiểm nguy, đã 5 lần gọi bà xã tôi đến moi mũi, họng mà vẫn chưa tìm ra hung thủ, họ nói sẽ còn moi tiếp. Riêng tôi, thấy xét nghiệm đại trà theo lối chà mù rồi cũng bỏ đó, chẳng ích lợi gì, tôi nói ứng phó:“Theo Hiến định, thân thể tôi thuộc quyền sở hữu của tôi…?”. Thế là các cô, chú “bạch bào”  ngớ người rồi tha - không moi mũi, họng tôi.

Từ khi dịch phát sinh lần thứ 4 đến nay đã gần 2 tháng, cũng như mọi người, tôi bị cấm ra khỏi nhà, ngoài có chi ăn nấy không hợp khẩu vị, suy dinh dưỡng, mặt mày tái mét như gà mái ấp, còn ghiền thuốc hút, tóc dài phủ tai lại gặp phải hạn “bà chằng” nắng, nóng, nực, ngứa ngái chịu không xiết, phải tự dùng kéo tỉa bớt tóc!.

Quá mệt mõi vì chỉ thị 16+, ở không làm gì, tôi viết 2 bài có nội dung  yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch xem xét lại Chỉ thị 16. Trước khi gởi, tôi đắn đo: Nếu gởi cho các vị lãnh đạo thì sọt rác là nơi dành cho nó, còn gởi cho báo “quốc doanh” thì, dầu họ có uống hàng xâu mật Gấu, cũng không dám đăng. Cuối cùng tôi gởi lên mang Xã hội, cho trang  điện tử Dân Quyền.VN, được trang nầy đang đăng miễn phí, không nhuận bút. Hai bài nầy có nội dung tóm tắt:

Ngày 17/8/2021 tôi gởi bài “Cần xét lại chủ trương, biện pháp chống Dịch”, có nội dung: Phong toả theo Chỉ thị 16 không còn phù hợp. Cốt lõi của chỉ thị 16 là phong toả trên phạm vi toàn quốc: “Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”,“cấm chợ ngăn sông”, “rào dường đón ngõ… không còn ý nghĩa nữa. Vì dịch đã xâm nhập sâu rộng trên cả nước, trong cộng đồng, từng ngõ ngách, thậm chí vào nội tạng con người. Nó đã lây lan sâu rộng, việc phong toả, khoanh vùng để ngừa Dịch lây lan không còn tác dụng, chỉ gây khó cho việc quan hệ tương hỗ cho nhau, nhứt là giao thương hàng hoá thiết yếu như lương thực thực phẩm và hàng nghệ giữa các vùng, nơi thiếu, nơi thừa phải huỷ bỏ, gây thiệt hại đáng kề về vật chất và tinh thần đối với nhân dân. Theo tôi nên kết thúc càng sớm càng tốt việc phong toả quá thô bạo, đầy tai hại nầy. Trước mắt chưa thể triệt tiêu được Dịch thì nên tìm cách vô hiệu hoá nó, tạm thời chung sống với nó… .

Ngày 27/8/2021 tôi gởi bài “VN chống dịch nặng về bạo lực”. Trong bài có đoạn: Nên xoá bỏ lịnh phong toả vì dịch đã lan tràn, phong toả chẳng còn có ý nghĩa gì?. Xoá phong toả để người dân tự lo ăn, lo sức khoẻ cho mình, nhà nước đỡ bao cấp và không phải cậy nhờ vào Quân đội làm hậu cần nữa. Nhưng, dầu có xoá phong toả cũng đừng quên thúc ép mọi người phải thực hiện triệt để Thông điệp 5K mà Bộ Y tế đã đưa ra đề hạn chế đến mức thấp nhứt lây lan dịch bịnh…  .

Những hiện tượng lạ xuất hiện theo trình tự trước sau trong thời gian ngắn:

1/ Ngày 18/8/2021, Biên tập viên VTV (Truyền hình Việt Nam), trong chương trình “Đối diện”, Quang Anh nói: “Sống chung với COVID-19 là luận điệu của những kẻ rắp tâm chống phá…!”. Dầu chỉ là biên tập viên, nhưng Quang Anh đựa vào Đảng và Chính quyền, đã từng tha hồ chụp mũ, lăn mạ, chửi bới… bất kỳ ai nói trái (phản biện) chủ trương của Đảng, của Chính quyền dù đó là sự góp ý chân thành. “Ăn cây nào rào cây ấy” đã trở thành phương châm, “trên tung dưới hứng” đã trở thành hành động hàng ngày của nhiều chớ không phải chỉ có một Quang Anh? - Nếu chỉ trách riêng anh ta là không công bằng?.

2/ Sáng ngày 29/8/2021, Chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo phòng chống Dịch với 1.060 quan chức xã, phường, huyện, quận…thuộc 20 tỉnh, thành. Ông Phạm Minh Chính nhận xét: Những ngày qua, các địa phương đã quyết liệt triển khai nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội. Chủ trương lấy xã, phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ trong phòng, chống dịch là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Hoạt động tăng cường giãn cách xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người dân di chuyển trên đường phố giảm rõ rệt. Đặc biệt, các “pháo đài y tế” tại xã, phường đang phát huy hiệu quả”. (Theo nhà báo Tiến Dũng).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp trực tuyến - Ảnh: VGP

Ông Chính cũng nói trong cuộc họp:“Trên cả nước hiện có 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương không tham dự cuộc họp nầy là do các đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia vừa trực tiếp kiểm tra, làm việc tại các địa phương này từ 26-27/8/2021”.

Trước khi kết thúc cuộc họp, ông Chính nhấn mạnh 11 việc các địa phương, cơ sở phải hết sức chú trọng trong triển khai và tổ chức thực hiện:

Thứ nhất: Khi áp dụng Chỉ thị 16, phải thực hiện thật nghiêm, thật chặt các biện pháp giãn cách xã hội, lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhiệm vụ này.

Thứ hai: Bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng những đối tượng gặp khó khăn, không để ai lọt lại phía sau… 

Thứ ba: Công tác thu dung, điều trị, giảm tử vong, giảm ca bệnh nặng.

Thứ tư: Thực hiện tốt chiến lược 5K+vaccine và thuốc, các biện pháp công nghệ.

Thứ năm: Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Thứ sáu: Huy động nhân sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị .

Thứ bảy: Nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong "vùng đỏ" sang những nơi an toàn…

Thứ tám: Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện… 

Thứ chín: Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc... 

Thứ mười: Công tác tuyên truyền và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh. Phải chủ động trong thông tin… 

Mười một: Kịp thời đúc rút các kinh nghiệm hay, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình tốt, xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm, làm không hiệu quả, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

3/ Chiều ngày 30/8/2021,Trước cảnh khó khăn, mất mát, khổ đau của người dân, trong cuộc họp Thành uỷ mở rộng nầy, ông Nguyễn văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP HCM sau khi xin lỗi với nhân dân về việc dập dịch chưa đạt được kết quả như mong muốn, ông Nên nói trong cuộc họp:“Thành phố Hồ Chí Minh không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 được, nhưng cũng chưa thể nới rộng khi chúng ta chưa đủ điều kiện…” (báo Pháp Luật Online).

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM

4/ Chiều ngày 1/9/2021 , Mới hôm sàng 29/8/2021, trong cuộc họp trực tuyến với 1.060 quan chức cấp cơ sở và địa phưng thuộc 20 tỉnh, thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn đôn đốc cán bộ các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ thị 16+ quyết liệt hơn thì, chiều hôm nay (1/9/2021), sau khi trao đổi ý kiến với 70 nhà khoa học về Y tế, ông Chính lại đồng quan điểm với ông  Nên. Ông cho rằng: Không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì gây khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn”. Ông còn nói thêm: “Nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung , thích ứng” với dịch bệnh. Vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định. "Ứng dụng khoa học trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh". 

 

Thủ tướng trao đổi với các nhà khoa học, chiều 1/9/2021. Ảnh: Nhật Bắc

Xin đừng vội mừng, ông Nên và ông Chính chỉ mới nói định hướng mang tính chất “câu giờ”, việc xoá phong toả (“phóng sinh”) cho nhân dân còn phải đợi đến khi nào có điều kiện?. Vậy là chỉ thị 16+ vẫn còn hiệu lực thi hành, đừng hí hững phát biểu lung tung,  gánh Dư luận viên, Biên tâp viên chửi bới… không kịp vuốt mặt.

Việc “ông nói gà, bà nói vịt”, “sớm nắng, chiều mưa” vẫn đang độ hưng thời. Đúng là việc chống Dịch “đa sư hư bịnh”?! -/-


 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire