21/10/2021

Nguyễn Đức Thắng: THƯ GỬI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ DỰ THẢO QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Nguyễn Đức Thắng: "Giá mà đất nước mình có Luật biểu tình thì tôi sẽ là người đầu tiên đứng trước cổng Bộ Công thương để phản đối bản dự thảo Quy hoạch điện VIII. Vì nó hủy hoại môi trường sinh thái, có hại cho chính ngành điện và rất có hại cho đất nước. Chính vì vậy, tôi đã có thư kiến nghị gửi Tứ trụ Triều đình. Tại thư kiến nghị tôi đã viết “Với Tờ trình quy hoạch điện VIII như vậy Bộ Công thương sẽ đeo mặt nạ cho Thủ tướng Phạm Minh Chính đi tham dự Hội nghị COP26 của Liên Hợp quốc về chống BĐKH sẽ tổ chức từ 31/10 – 12/11/2021 tại Glasgow Vương Quốc Anh”".


Ngày đăng: 18-10-2021 - 17:42:03

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----o0o-----

 

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi:

 

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Bộ trưởng Bộ Công thương

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

(Về bốn Quy hoạch điện quốc gia liền kề đều chết yểu và Qui hoạch điện VIII là đi ngược xu thế Thế giới, có hại cho ngành điện, rất có hại cho đất nước)

 

 

Tôi tên là Nguyễn Đức Thắng, cán bộ Nhà nước về hưu năm 2008, có quá trình công tác, khởi đầu tại Viện Kỹ thuật quân sự, tiếp đến là Viện Khoa học Việt Nam và cuối cùng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi xin phép được trình bầy những trăn trở liên quan đến Đề án Quy hoạch điện VIII tại Tờ trình số 6277/Ttr-BCT ngày 08/10/2021 của Bộ Công thương như dưới đây:

 

I. BỐN QUY HOẠCH ĐIỆN LỰC QUỐC GIA LIỀN KỀ ĐỀU CHẾT YỂU

 

100% những thông tin dưới đây toàn là những Thực tế/Sự thật để các Quí lãnh đạo suy ngẫm về KHOA HỌC QUY HOẠCH ngành điện lực quốc gia, ngành kinh tế quan trọng trụ cột nhất của đất nước:

 

QHĐ 5: có tên đầy đủ là Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 95/2001/QĐ-TTg ngày  22/6/2001. Sau 5 năm thực hiện, đến năm 2006 phải bỏ, làm mới.   

 

QHĐ 6: có tên đầy đủ là Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 ra đời tại quyết định số 110/2007/QĐ-TTg, ngày 18/7/2007. Sau 3 năm thực hiện, đến năm 2010 phải bỏ, làm mới.

 

QHĐ 7: có tên đầy đủ là Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 ra đời tại quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011. Sau 4 năm thực hiện đến năm 2015 phải bỏ, làm mới.

 

QHĐ 7 ĐIỀU CHỈNH: có tên đầy đủ là Điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, ra đời tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Sau 3 năm thực hiện đến tháng 5/2019 phải bỏ, làm mới, sẽ là bản QHĐ 8.

 

Vậy tại sao bốn quy hoạch điện quốc gia liền kề đều bị chết yểu?. Thường dân chỉ biết ngao ngán, thở dài và trả lời “Kém quá, yếu quá, chết là phải”. Các nhà khoa học thuộc những lĩnh vực khác sẽ nặng trĩu, u buồn. Vì Cục Điện lực và Năng lượng  tái tạo và Viện Năng lượng là hai đơn vị đầu ngành của đất nước về điện và năng lượng. Mọi tinh hoa và trí tuệ về điện và năng lượng của cả đất nước đều tập trung vào họ. Quyền lực cũng được thâu tóm vào tay họ.

 

Trong dân gian có câu “quá tam ba lần”. Sai, hỏng một lần là chuyện bình thường; không có vấn đề gì. Sai, hỏng lần hai phải rất thận trọng. Vì phạm vi tác động của bản quy hoạch là cho toàn đất nước. Không được phép sai tiếp lần 3. Thế mà cả bốn bản Quy hoạch điện lực quốc gia nói trên đều bị chết yểu. Tác giả của chúng duy nhất chỉ có một. Đó là Bộ Công thương.

 

Không gì có thể biện minh được. Kể cả đưa ra hơn 1.000 trang chứa vô vàn thông tin, tài liệu, số liệu, bản vẽ, phụ lục, bảng biểu, đồ thị, sơ đồ đính kèm đều trở nên vô nghĩa, vì không thể làm CĂN CỨ KHOA HỌC kéo dài tuổi thọ của bản quy hoạch đến 10 năm hay 15 năm. Hơn 1.000 trang này được lưu lại và chỉnh sửa để trở thành những nội dung đồ sộ của bản Quy hoạch điện quốc gia tiếp theo.

 

Các đời Thủ tướng Chính phủ đều là người ký phê duyệt bốn bản quy hoạch điện quốc gia nói trên cũng không có thông tin, không biết là cả 4 quy hoạch liền kề đều bị chết yểu. Nếu Tứ trụ Triều đình mà biết thông tin này chắc sẽ bị sốc nặng hơn người dân. Vì họ luôn lo lắng và trăn trở với việc thực hiện nguyện vọng của Bác Hồ viết ra từ năm 1945 là đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm Châu.

 

Bốn Quy hoạch điện lực quốc gia liền kề bị chết yểu. Đó là sự thật 100%. Tuy nhiên ở đất nước ta từ lâu đã có câu ca “Mất mùa bởi tại thiên tai. Được mùa bởi tại thiên tài Bộ Nông”. Vì quyền uy của Bộ quản lý Nhà nước quá to lớn. Họ vừa là người soạn thảo quy hoạch, vừa thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, vừa là người nhận xét đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch và họ cũng vừa là người phán xử đúng/sai nếu có tổ chức nào tranh luận, góp ý về quy hoạch. Đó là một thể chế quản lý “vừa đá bóng, vừa thổi còi” làm cho ta có tiến so với ta, nhưng tụt hậu so với bạn.

 

Tại Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về QHĐ 8, về những nguyên nhân làm đổ vỡ bản QHĐ 7 điều chỉnh,  Bộ Công thương qui tội cho: 1) Do lãnh đạo các địa phương thực hiện không nghiêm quy hoạch, muốn đẩy nhiệt điện than đi nơi khác. 2) Do các chủ đầu tư yếu kém về năng lực chuyên môn và tài chính. 3) Do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, khó khăn, phức tạp. 4) Do lưới điện miền Trung là quá yếu không thể để điện gió và điện mặt trời phát triển quá nóng làm rã lưới điện, nguy hại đến an ninh năng lượng quốc gia v.v.. Tuy nhiên điều này hoàn toàn trái ngược với những nghị quyết của Đảng và quan điểm  của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Quyền lực càng cao, trách nhiệm phải càng lớn”.

 

II. VẬY QUY HOẠCH ĐIỆN VIII SẼ TIẾP TỤC CHẾT YỂU?

 

Số phận của nó các Quí lãnh đạo có thể tự dự đoán được trên những Thực tế/Sự thật dưới đây:

Nhiệt điện than được Bộ Công thương quán triệt là sợi chỉ đỏ xuyên suốt không gian và thời gian trên đất nước Việt Nam. Đó chính là QUAN ĐIỂM TỤT HẬU SO VỚI THẾ GIỚI. Làm quy hoạch mà luôn nhìn về phía sau và nhìn ngay xuống chân (dựa trên những số liệu điện hiện tại) theo tôi là nguyên nhân gốc rễ để cả bốn quy hoạch điện lực quốc gia bị chết yểu. Quan điểm tai hại này của Bộ Công thương tiếp tục duy trì sang đến bản Quy hoạch điện VIII.

Căn cứ Tờ trình của Bộ Công thương, ngày 28/5/2019 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 638/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII. Đây là quyết định kích hoạt cho công việc làm Quy hoạch điện VIII. Sau gần 2,5 năm vật lộn, nhào nặn, gia công, đánh bóng, ngày 08/10/2021 Bộ Công thương có Tờ trình số 6277/Ttr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII với cơ cấu trụ cột như bảng dưới đây: MÔ HÌNH TƯƠNG LAI NGÀNH ĐIỆN VIỆT NAM


TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2045 SẼ CÓ 613.047 NGƯỜI CHẾT YỂU (PREMATURE DEATH) VÌ NHIỆT ĐIỆN THAN

 

Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã tổ chức hội thảo quốc tế "Than - nhiệt điện than: những điều chưa biết". Trưởng nhóm chuyên gia, ông Lauri Myllyvirta cho biết “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”.

Các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin này. Có báo đưa tin dưới tiêu đề “Nhiệt điện than kẻ giết người thầm lặng”. Vậy thực hiện quy hoạch điện VIII này đến năm 2045 sẽ có tất cả bao nhiêu người Việt Nam bị chết yểu?

 

Tính toán cụ thể như sau: Năm 2011 có 4.300 người chết, năm 2030 có 25.000 chết, vậy bình quân tốc độ chết là 9,71%/năm. Từ năm 2011 đến năm 2020 tổng số đã chết là 67.553 người. Tổng số sẽ chết từ năm 2021 đến năm 2030 là 170.494 người. Sau năm 2030 bình quân mỗi năm chết 25.000 người, như vậy đến năm 2045 sẽ có 25.000 x 15 = 375.000 người. Cộng lại từ năm 2011 đến năm 2045 sẽ là 67.553 + 170.494 + 375.000 = 613.047 người chết yểu vì nhiệt điện than.

Bộ Công thương nghĩ sao về số người chết yểu trên khi vào ngày đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

 

Cựu ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã đến Việt Nam để khuyên “Việt Nam không nên là tù nhân của nhiệt điện than

 

III. VẬY MÔ HÌNH ĐIỆN TRONG TƯƠNG LAI CỦA THẾ GIỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO?

 

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế IRENA mà Việt Nam là nước cô đơn hiếm hoi đứng ngoài, và Tập đoàn Tài chính Năng lượng Bloomberg Energy Finance: Bình quân tỷ trọng sản lượng nhiệt điện than của toàn Thế giới đạt đỉnh cao nhất vào năm 2013 là 41,3%. Từ năm 2014 chính thức giảm và giảm vĩnh viễn, giảm liên tục xuống 24,4% vào năm 2030; giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050. Không bao giờ nhiệt điện than có cơ hội tăng trở lại. Thậm chí, IEA tại báo cáo Net Zero by 2050 A Roadmap for the Global Energy Sector (Phát thải thuần các bon bằng 0 vào năm 2050 và Lộ trình cho Ngành Năng lượng toàn cầu) khẳng định đó là lộ trình khả thi về công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, tài chính và xã hội (đồng thuận). Theo đó vào năm 2030 nhiệt điện than giảm về 8%, vào năm 2050 sẽ là 0% (hết, không còn nhiệt điện than). Đó là thể hiện trách nhiệm to lớn của cộng đồng quốc tế đối với chống biến đổi khí hậu, nguy cơ lớn nhất, hiện hữu sẽ HỦY  DIỆT TRÁI ĐẤT. Hai cường quốc lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có đánh nhau ở đâu thì đánh nhưng đối với chống BĐKH họ luôn bắt tay, đồng thuận, vì cần phải cứu lấy ĐIỀU KIỆN SINH TỒN CHO LOÀI NGƯỜI. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21/9/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Chả lẽ Bộ Công thương lại chấp nhận “tiền bẩn” để xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới?

 

Quốc hội Việt Nam đã phê  chuẩn Thỏa thuận lịch sử Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là luôn chung tay góp sức cùng cộng đồng thế giới chống BĐKH. Tại Tờ trình số 6277/Ttr-BCT của Bộ Công thương, hệ thống điện Việt Nam có qui mô thứ 2 Đông Nam Á và thứ 23 thế giới, thế mà lại đi ngược 180 độ với xu thế phát triển điện năng của thế giới. Với Tờ trình quy hoạch điện VIII như vậy Bộ Công thương sẽ đeo mặt nạ cho Thủ tướng Phạm Minh Chính đi tham dự Hội nghị COP26 của Liên Hợp quốc về chống BĐKH sẽ tổ chức từ 31/10 – 12/11/2021 tại Glasgow Vương Quốc Anh.

 

Đến năm 2050 (Theo Bloomberg New Energy Outlook 2018): Ở qui mô trung bình toàn Thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%. Toàn Châu Âu, điện NLTT chiếm đến 87%. Nước Đức tổng điện mặt trời và điện gió chiếm 74%, tổng điện NLTT chiếm 84%. Nước Anh điện NLTT lên 83%. Nước Mỹ, điện than và điện hạt nhân sẽ biến mất, mặc dù trữ lượng “vàng đen”, sản xuất và xuất khẩu “vàng đen” ở nước Mỹ là lớn nhất Thế giới. Điện NLTT sẽ chiếm 55%, 45% còn lại là điện khí ga. Nước Úc, điện gió và điện mặt trời đóng vai trò trụ cột, chủ lực; nhiệt điện than sẽ biến mất khỏi Úc, mặc dù Úc là vương quốc của nhiều mỏ than và xuất khẩu than (chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc). Trung Quốc: tổng điện gió và mặt trời sẽ chiếm 46% đưa tổng điện NLTT lên 62%. Ấn Độ sẽ có điện mặt trời và điện gió rẻ nhất Thế giới và tổng điện NLTT sẽ là 75%. Nhật Bản, điện mặt trời là 43%, điện NLTT sẽ chiếm 75%. Hàn Quốc, điện khí ga và NLTT sẽ chiếm 71% còn lại là điện hạt nhân và điện than.

 

IV. AN NINH NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI SẼ DỰA VÀO CÁI GÌ?

 

Cũng theo IEA, IRENA và Bloomberg Energy Finance: Thế giới từ năm 2025 trở đi sẽ chủ yếu dựa vào 3 trụ cột sau: NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO + LƯU TRỮ NĂNG LƯỢNG + HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG (Renewable energy + Energy storage + Energy efficiency). Vì khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, làm cho giá cả của công nghệ, trang thiết bị, vật tư, linh phụ kiện liên quan đang trở nên vô cùng rẻ. Điện NLTT đang trở nên rẻ nhất so với điện nhiên liệu hóa thạch. Sức gió không mất tiền mua, tự đến làm quay cánh quạt tuabin phát điện. Ánh nắng mặt trời không mất tiền mua, tự tìm đến chiếu vào các tấm quang điện để sản xuất điện. Điện NLTT không cần tàu bè vận chuyển, kho bãi, bến cảng để tiếp nhận và chứa nhiên liệu hàng ngày như điện nhiên liệu hóa thạch.

 

Điện mặt trời dư thừa ban trưa, điện gió dư thừa ban trưa hay ban đêm đều được tích trữ lại dưới dạng hóa năng trong pin hoặc được sử dụng để điện phân nước để sản xuất khí hydro hóa lỏng (hydrogen liquid, loại nhiên liệu siêu sạch, khi cháy với ô xy trong không khí chỉ thải ra hơi nước). Pin trước tiên được tự động sử dụng vào lúc điện lưới yếu, sẽ có vai trò trụ cột trong điều tiết/điều độ điện tức thì. Điện NLTT được lưu trữ trong pin hiện đang làm cuộc cách mạng chuyển xe con chạy xăng sang xe điện. Sau năm 2030 hydro lỏng sẽ là nhiên liệu thay thế dầu diesel để chạy ô tô vận tải, xe siêu trường, siêu trọng và tàu biển vượt đại dương. Sau năm 2050 nhiên liệu sinh học hay nhiên liệu tổng hợp sẽ thay thế xăng cho máy bay. Thực sự thế giới đang tiến tới triệt tiêu than và giảm thiểu sử dụng xăng, dầu là những nhiên liệu hóa thạch. Cũng theo tính toán của IEA nhờ đẩy mạnh sử dụng NLTT và hiệu quả năng lượng nên vào năm 2030 qui mô nền kinh tế thế giới tăng 40% so với năm 2020, tuy nhiên sử dụng năng lượng lại ít hơn 7%.

 

V. CÓ LỢI ÍCH NHÓM TRONG XÂY DỰNG QUY HOẠCH ĐIỆN VIII?

 

Đã cả chục năm nay Bộ Công thương đối diện với công luận xã hội, phản biện của các tổ chức dân sự - xã hội về nhiệt điện than. Bộ Công thương cũng thừa biết khát vọng về điện xanh, phát triển sạch của Tứ trụ Triều đình. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi là Thủ tướng Chính phủ ông luôn kiên định “Không đánh đổi môi trường và đạo đức xã hội để lấy kinh tế”.

 

Thế nhưng Bộ Công thương đã rất khôn khéo, che đậy bằng việc tung ra vô vàn những thông tin phụ, thứ yếu để đánh lừa quan chức Bộ, ngành khác và chính trị gia khi đọc vào bản Quy hoạch điện. Họ nói và nhấn mạnh rất nhiều về CÔNG SUẤT (MW), thứ mà nếu so sánh giữa nhiệt điện than và điện NLTT không khác nhau là mấy. Ví dụ, cụ thể đến hết năm 2020 tổng công suất lắp đặt nhiệt điện than là 21.383MW chiếm tỷ lệ 30,8% và của Điện mặt trời là 16.506MW chiếm tỷ lệ 23,8%. Nếu nhìn theo những số liệu về công suất, các quan chức thẩm định sẽ nghĩ rằng tỷ lệ Điện mặt trời ngay từ năm 2020 đã là cao rồi, tốt rồi; không nên đòi hỏi hơn nữa. Tuy nhiên Bộ Công thương thừa biết là phải khoảng 3 – 4 lần công suất điện mặt trời mới tạo ra được sản lượng điện bằng 1 công suất nhiệt điện than. Vì điện mặt trời khi có mây và vào ban đêm là tắt. Tương tự điện gió khi lặng gió là không có điện. Thứ mà người dân, người tiêu dùng sài được không phải là công suất (MW) mà là điện năng kWh, là sản lượng điện = công suất x thời gian. Bộ Công thương đã khôn khéo, nói rất ít, loáng thoáng về sản lượng điện. Nếu nói về sản lượng thì nhiệt điện than vào năm 2020 đã chiếm đến 50% (khoảng 117 tỷ kWh), trong khi điện mặt trời chỉ chiếm có 3,7% mà thôi (khoảng 8,7 tỷ kWh). Tỷ lệ vô cùng thấp này có thể do rất nhiều công suất điện mặt trời lắp đặt dồn dập hoàn thành vào cuối năm 2020. Khi so sánh giữa các loại hình điện với nhau, xét về khoa học và đạo đức cần so sánh sản lượng điện, đặc biệt khi báo cáo với các chính trị gia, các chính khách.

 

Cũng cả chục năm nay Bộ Công thương thừa biết là quan điểm về An ninh năng lượng của thế giới sẽ là: Năng lượng tái tạo + Lưu trữ năng lượng + Hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, tại dự thảo Quy hoạch điện VIII chỉ có một trụ cột chủ lực là NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH. Năng lượng tái tạo là què, cụt. Hoàn toàn vắng thiếu hai trụ cột: Lưu trữ năng lượng và Hiệu quả sử dụng năng lượng. Việt Nam bình quân 10 năm gần đây sản lượng điện tăng khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, sử dụng điện kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí bình quân 15 – 20%. THẾ GIỚI LUÔN COI VỐN ĐẦU TƯ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG CÓ ÍCH HƠN, HIỆU QUẢ HƠN VỐN ĐẦU TƯ GIA TĂNG SẢN LƯỢNG ĐIỆN.

 

Nếu Bộ Công thương cam đoan với Tứ trụ Triều đình, với nhân dân là không có lợi ích nhóm nhiệt điện than trong xây dựng bản dự thảo Quy hoạch điện VIII. Tất cả là do yếu kém chuyên môn, không có khoa học, không có tầm nhìn, thì Bộ Công thương nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài, thậm chí thuê cả CEO nước ngoài trong quản lý ngành điện. Giao cho họ đề bài đơn giản sau “Xây dựng quy hoạch điện VIII đến năm 2050 theo hướng phát triển trung bình của thế giới, cùng cộng đồng thế giới góp phần chống biến đổi khí hậu”. Tại sao lại không được thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài? Nền bóng đá Việt Nam nếu không có ông Pak Hang Seo người Hàn Quốc, thì không thể có kỳ tích như hiện nay, không thể bắt quốc tế phải đứng lên chào cờ và nghe quốc ca Việt Nam. Cá nhân tôi tin rằng nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính biết được đầy đủ những thông tin trên, chắc chắn ông sẽ không ký cho ra đời bản dự thảo quy hoạch điện tai hại này. TAI HẠI CHO CHÍNH NGÀNH ĐIỆN VÀ CHO CẢ ĐẤT NƯỚC.

 

Kính trình các Quí lãnh đạo xem xét, quyết định.

 

Nguyễn Đức Thắng, ĐT: 0352344233 Email: ndthangndt@yahoo.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire