22/11/2021

Bênh vực việc làm hợp đạo lý

Nguyễn Đình Cống

 

Đó là việc ông Nguyễn Đình Bin công bố bài “Nhận huy hiệu 60 năm tuổi đảng và suy ngẫm..” trình bày những tâm tư về hiện tình của Đảng và Đất nước, việc ông Mạc Văn Trang đăng bài “ Nguyễn Đình Bin- Một đảng viên mà tôi quý trọng” trình bày tình cảm và nhận xét về ông Bin. Tôi hưởng ứng, đánh giá cao việc làm của hai ông, nghĩ rằng đó là việc hợp đạo lý. Chắc rằng nhiều người cũng nghĩ như vậy.


Tôi bênh vực vì có người chống lại với giọng điệu quá khích. Chống lại ý kiến người khác bằng phản biện là bình thường, đáng hoan nghênh, nhưng quá khích thì có hại cho cả hai bên. Tôi nói đến vài ý kiến của Tue-Hai Nguyen (THN) nhận được qua thông tin của bạn bè.

THN phê phán Mạc Văn Trang đánh giá nhầm ông Bin và cho rằng việc ông Bin “Học theo lời dạy của Bác Hồ” là sai lầm. THN viết : “Như thế, tôi sắp Anh (MV Trang) và NĐ Bin vào hạng QUYẾT TÂM NGU, chẳng có gì OAN cho 2 người cả”. Rồi THN còn mỉa mai : “Nếu quý trọng đảng viên Bin, ông Trang có thể nhờ ông Bin giới thiệu tái gia nhập đảng”. THN còn viết: “Rất thẳng thắn, Ông Trang nên bình tâm mà suy ngẫm”.

 

Viết bài này tôi xin dùng câu của ông THN để tự nhắc mình và nhắc ông, rằng “Ông Tue-Hai Nguyen nên bình tâm mà suy ngẫm”.

 

Tôi đoán THN là người chống cộng, chống Hồ rất kiên quyết và đang ở nước ngoài vì thế  chưa thông cảm được với chúng tôi, những người đang đấu tranh chống độc tài toàn trị để dân chủ hóa đất nước. Biết chống ai là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là biết phải làm gì, có thể làm được gì và làm như thế nào.

Trước hết nói về đảng viên. Trong họ có hai con người chung sống. Con người chính trị và con người công dân. Trong khi con người chính trị bắt họ phải kiên trì Mác Lê, trung thành với lý tưởng cộng sản, phải phục tùng mệnh lệnh của lãnh đạo đảng, biến họ thành công cụ đắc lực  thì con người công dân hướng họ tới những việc lương thiện, tử tế, vì nước vì dân.

Xin đừng đánh đồng tất cả các đảng viên đều giống nhau. Hãy phân biệt họ và tin cậy vào những ai mà con người công dân còn chiếm ưu thế, họ có lương tri, biết phân biệt phải trái, tuy có bj nhồi sọ về đấu tranh giai cấp, về chủ nghĩa Mác Lê nhưng họ vẫn giữ được bản chất lương thiện, tử tế. Bản chất đó có thể đã bộc lộ, đang còn bị ẩn giấu, sẽ bộc lộ khi gặp điều kiện thuận tiện. Trong tập hợp đảng viên có một số ngu trung, cuồng tín, tôn thờ khẩu hiệu ‘còn đảng còn minh’, nhưng đó chỉ là số ít.

Trong dân gian có câu “Người ấy là đảng viên nhưng mà tốt” đã thể hiện cách đánh giá công bằng đối với những đảng viên còn giữ được sự lương thiện, tử tế.

Mạc Văn Trang đã tự tuyên bố bỏ đảng. Ông là một trong những người có giác ngộ và dũng cảm. Ông quý trọng đảng viên Nguyễn Đình Bin là quý trong phần con người công dân của ông ta chứ không phải quý trọng gì con người chính trị. Thế mà THN mỉa mai rằng ông Trang có thể nhờ ông Bin giới thiệu để tái gia nhập đảng. Đó là lời xúc phạm.

 

Để đấu tranh cho dân chủ hóa bằng con đường hòa bình cần tập hợp lực lượng. Lực lượng đó cần hiểu biết. Sự hiểu biết chủ yếu đến từ những người có khả năng nâng cao dân trí về chính trị, về nhân quyền, về dân quyền và hoạt động cho các việc đó.

Ở trong nước Việt bây giờ, những người như Mạc Văn Trang, Nguyễn Đình Bin được xem là đang có vai trò trong hoạt động nâng cao dân trí. Đành rằng các ông chưa thật hoàn hảo, còn có vài nhược điểm nào đó, nhưng bảo hai ông không chỉ ngu mà QUYẾT TÂM NGU thì những người chưa theo kịp hai ông là loại gì, như tôi đây là loại gì. Tôi viết là bênh vực việc làm của hai ông, đồng thời cũng để tự bênh vực.

 

THN tập trung ý kiến phê phán ông Hồ. Việc phê phán là được, nhưng quan trọng cần giữ  khách quan, trung thực. Tôi từng viết một số bài phản biện việc học tập ông. THN kể ra một số việc liên quan đến ông Hồ chủ yếu là nói theo người khác cộng với suy diễn chứ không được như những người đã có nhiều tiếp xúc trực tiếp với ông Hồ như Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Trần Đĩnh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Đăng Mạnh. Mà nghe kể và suy diễn thì dễ bị “tam sao thất bản”. Tôi không tôn sùng và bênh vực ông Hồ, nhưng theo chỗ tôi biết thì THN đã  kể ra một số việc có thật về hình thức, nhưng quy kết về bản chất khác với điều tôi rút ra được qua dày công suy ngẫm..

Trong vụ Trần Dân Tiên, có khả năng ông Hồ bị oan vì lỗi của Tuyên huấn và Hội đồng lý luận khi cho rằng đó là một bút danh của ông. Đã có nghiên cứu cho rằng Trần Dân Tiên chính là Đặng Thái Mai (nhưng cũng chỉ là nghiên cứu). Về cha già dân tộc. Đầu tiên không phải ông tự xưng mà do bọn nịnh hót. Tuy vậy ông có lỗi là không phản bác, không cãi chính mà tự nhận. Về Nguyễn Thị Năm, Nhân văn Giai phẩm, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường và các trí thức, về cái chết của cô Xuân. Đúng là ông phải chịu trách nhiệm, nhưng quy kết như THN  là có phần không được công bằng.

Ông Hồ có những ràng buộc, những hạn chế do đó đã phạm phải một số sai sót về công việc và đạo đức cá nhân, người ta đã lợi dụng ông sau khi ông chết để bày ra trò học tập này nọ. Một số người vì quen mồm hoặc vì một lý do nào đó mà nói rằng ‘Học theo lời dạy của Bác Hồ”. Điều này trong nhiều trường hợp có thể lượng thứ.

 

Xét một con người, như ông Trang, ông Bin khi các ông đã trên dưới 80 tuổi, nên quan tâm đến quá trình và bản chất. Tôi bênh vực việc làm của hai ông, cho rằng nó hợp đạo lý chứ không phải như Tue-Hai Nguyên vội vàng kết luận.


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire