12/11/2021

Hết giết chó đến giết mèo !

Thiện Tùng

08/11/2021

 

 Mèo – vua phá phách. Ảnh minh hoạ


Vụ giết đàn chó của anh Phạm Minh Hùng ở Cà Mau còn gây xôn xao dư luận, giờ lại đến một Việt kiều có tên Nguyễn văn Lịch bẫy giết mèo ở Nhựt cũng gây tranh cãi.


Ngày 02/11/2021, Voa Tiếng Việt đưa tin: “Qua điều tra, Cảnh sát Nhật nói rằng: “Vụ việc xảy ra lúc khoảng 6h30 sáng 23/10/2021 khi các nhân chứng nhìn thấy việc làm của ông Nguyễn văn Lịch mà họ cho là dùng dây để  đánh bẫy và  giết chết  một con mèo của nhà hàng xóm, treo nó lộn ngược trên ban công của căn hộ ở tầng 1 của ông này”. Cảnh sát tỉnh Ibaraki nói rằng: “Ông Lịch đã bị bắt vì  đã vi phạm đạo luật về chăm sóc và bảo vệ động vật của Nhật”.

Các nhân chứng là người Nhật sống gần nhà ông Lịch đã báo vụ bẫy mèo nầy ngay cho nhà chức trách. Cảnh sát ứng phó cấp tốc đến hiện trường, nhưng con mèo đã chết. Trả lời với cảnh sát điều tra, ông Lịch nói “Tôi không có ý định giết nó”.

Bản tin của Yahoo Japan, về vụ này thu hút 163 lời bình luận của người Nhựt bày tỏ bức xúc, bất bình về vụ bẫy giết mèo nầy.

Anh Việt Hùng, một người Việt Nam sinh sống, làm việc ở Nhựt Bản trong 8 năm qua  nói với VOA về sự bất bình và nghi ngờ của người Nhựt đối với ông Lịch: “Anh ta coi tính mạng con mèo là gì vậy?”. “Không có ý định giết ư?”.  “Anh ta làm  với ý định gì ai mà biết được?”…   

Anh  Việt Hùng cho biết, vụ việc nầy xảy ra ở thành phố Joso, chỉ cách Tokyo khoảng 50 km. Với hiểu biết của mình, anh Hùng nhận định: “Ông Lịch có thể đối mặt với án tù lên đến 2 năm hoặc bị phạt số tiền tương đương 400 triệu đồng Việt Nam”.

Lẽ ra tôi phải dành thời gian tham gia vào những chuyện đại sự, không phí thời giờ nói hay viết việc “tiêu, hành, tỏi…” về chó, mèo nầy. Việc chó, mèo… tuy là chuyện nhỏ nhặt, nhưng nó có liên quan đến con người, phải giải quyết sao cho đạt lý, thấu tình trên cơ sở đạo lý và pháp lý. Nếu không, bảo vệ quyền của người nầy lại vi phạm quyền của người khác.

Đành rằng, vật nuôi tất nhiên có chủ sở hữu. Nhưng chủ sở hữu mà để vật nuôi của mình xâm hại đến lợi quyền của người khác thì chủ sở hữu vật nuôi phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nếu không, sẽ bị tước đi quyền sở hữu đối với vật nuôi đó?.

Có câu: “Nhập gia phải tuỳ tục”. Có nghĩa là khi đến nhà nào, quốc gia nào, anh/chị phải tôn trọng những điều nơi đó quy định - nếu  tự thấy mình không thể tuân thủ nổi những luật lệ khắc khe thì tốt hơn hết là đừng đến đó. Ông Lịch đến cư trú trên đất Nhựt, phải tuân thủ luật lệ nước Nhựt. Dầu mèo xa lạ đến nhà mình quậy phá, ông Lịch vẫn không được quyền bẫy giết nó – đó là luật lệ của nước Nhựt.

Theo quan sát của tôi, bản tính con chó khác con mèo ở chỗ: Con chó không bao giờ tự ý vào nhà người khác, có chăng, nó chỉ tháp tùng theo chủ. Còn con mèo thì khác, ngày với đôi mắt lừ đừ trông có vẻ hiền hậu, đêm tối rồi biết: nó vươn đôi mắt như cặp  đèn pha, đến bất cứ nơi nào nếu nó muốn, nó quậy làng phá xóm không sao chịu xiết.

Nhà tôi không có nuôi mèo, nhưng mèo hàng xóm đến quậy phá thường xuyên. Người ta thường nhắc nhở “chó treo, mèo đậy”, đậy gì tối nó cũng sục sạo, cại phá nồi niêu kiếm ăn, rượt cắn lộn kêu la ỏm tỏi không sao ngủ được với chúng. Thậm chí, chúng không kiêng kỵ nơi thờ phụng, đôi khi mèo cái còn tìm chỗ kín đẻ con, ỉa đái tùm lum.

Tôi không ăn thịt những loại thú có lông mao, nhưng tôi cũng cố bẫy để triệt tiêu lũ mèo phá phách nầy nhưng chưa có lần nào thành công. Một số người có kinh nghiệm, khi bẫy bắt được lũ mèo phá phách, xem như mình lập được công với xóm giềng, làm thịt mèo rồi rủ bè bạn nhậu công khai giữa thanh thiên bạch nhựt. Thế mà, chẳng thấy một ai dám nhận đó là mèo của mình, chớ đừng nói chi đến việc kêu nài hay kiện tụng như ở bên Nhựt. Có câu: “Giữ mèo quá khó, giữ chó dễ hơn” – chó chỉ ở dưới đất, còn mèo thì chạy nhảy, leo trèo, phá phách… khó ngăn cản.  

Không chỉ có mèo, ở quê tôi, người ta nuôi vịt thả lan, mùa lúa chín nó không thèm về chuồng, ở miết trong những đám lúa chín, tha hồ ăn, phá lúa của của dân trong vùng. Những chủ ruộng lúa làm đăng, đó bắt hàng đàn vịt ú na ú nần về nhốt, làm thịt ăn hàng ngày mà chẳng thấy chủ vịt nào nhận đó là vịt của mình – họ đâu dại, nếu nhận đó là vịt của mình thì phải bồi thường lúa giá trị gấp nhiều lần giá trị đàn vịt.

Theo tôi, về vật nuôi, luật pháp Việt Nam không nên máy móc như ở Nhựt mà, phải tế nhị hơn, sao cho thấu tình đạt lý, tránh được  tình trạng bảo vệ quyền của người nầy lại xâm phạm quyền của người khác?.  -/-

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire