08/11/2021

Quốc hội: Dự án Cát Linh - Hà Đông là chính sách sai lầm để lại hậu quả lâu dài

TS. Phạm Quý Thọ

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử hôm 20/9/2018 -
AFP

Tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thành phố  Hồ Chí Minh và Hà Nội trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 15 đang là chủ đề nóng thu hút sự chú ý của dư luận và giới quan sát. Báo cáo cho biết năm dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đội vốn hơn 80 ngàn tỷ (hơn ba tỷ USD). Hơn thế, tính chất phức tạp, “nhiều tai tiếng” kéo dài vẫn là căn bệnh nan y và đang để lại những hậu quả lớn về vật chất và tinh thần cho đất nước. 


Đặc biệt là Dự án Cát Linh - Hà Đông, liên quan đến Tổng thầu EPC, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, thiết kế năm 2008, bắt đầu khởi công năm 2011, mười lần điều chỉnh vốn, đội vốn hơn 205%, bốn lần dời ngày hoạt động thương mại, nhưng vẫn chưa thể nghiệm thu và, giữa tháng 10/2021 Bộ Tài chính Việt Nam đã phải ứng tiền từ quỹ tích lũy để trả nợ gốc khoản vay theo cam kết của Chính phủ theo Hiệp định đã ký.

Là chính sách sai lầm, Dự án Cát Linh - Hà Đông đang để lại hậu quả nặng nề khiến công luận bức xúc. Giới chuyên môn đánh giá về kỹ thuật, công nghệ và hiệu quả kinh tế không cao, vô số những bài học được rút ra từ đây, từ việc ký kết dự án, hợp đồng EPC (cung ứng vật tư, kỹ thuật thiết kế và kiêm luôn khâu thi công xây dựng, với số vốn của Nhà nước trên 30%) theo thông lệ quốc tế, năng lực thiết kế, năng lực quản lý, điều hành như chuẩn bị nguồn lực, tổ chức thi công, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư, phối hợp các nhà thầu phụ… Dư luận chỉ trích rằng nó không giải toả ách tắc giao thông mà trái lại góp phần làm trầm trọng thêm, xấu về mặt mỹ quan không gian thành phố và, nhìn chung, giống các dự án công khác, đó là nơi chia chác lợi ích nhóm, quan chức trục lợi, “lại quả”, làm giàu, rằng niềm tin của nhân dân bị tổn thương và lo lắng nợ xấu có thể để lại hậu quả lâu dài như rơi vào bẫy nợ khiến phụ thuộc chính trị…

Lịch sử hình thành các dự án đường sắt đô thị từ tham vọng có hệ thống vận tải khối lượng lớn như một số nước phát triển khi dân số các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh có mật độ cao và tăng nhanh. Ý tưởng “hấp dẫn” từ những cuối những năm 1990 được quy hoạch tầm nhìn đến năm 2020, sau đó điều chỉnh đến 2030  rồi đến 2050 thành chính sách hiện hành. Theo đó, Hà Nội sẽ có 11 tuyến đường sắt và tầu điện ngầm (metro) với tổng chiều dài gần một trăm năm mươi km và TP. Hồ Chí Minh với hệ thống bao gồm 13 tuyến với tổng chiều dài hơn hai trăm km. Tuy nhiên, đến nay chưa một tuyến nào được “cắt băng khánh thành” đưa vào sử dụng để có thể ca ngợi thành tích hay ít ra để đúc rút kinh nghiệm.

Các nhà lý luận chính sách công chỉ ra rằng “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, bởi vậy việc xây dựng và thực thi chính sách công phải xuất phát từ nhu cầu và hướng tới người dân, gọi là chính sách “từ dưới lên”, nhưng đó là lý thuyết của thể chế dân chủ. Đối với chế độ toàn trị điều kiện tiên quyết của chính sách công là duy trì chế độ, quyền lực tuyệt đối của Đảng, và vì vậy chính sách công được xây dựng “từ trên xuống.” Sự khác biệt cơ bản giữa hai kiểu chính sách là “từ dưới lên” thể hiện tính chất pháp quyền và, ngược lại, “từ trên xuống” bộc lộ tính chất pháp trị. Ngoài ra, đặc điểm quan trọng thường được giới chuyên gia phê phán về sự thiếu minh bạch và chế độ trách nhiệm giải trình.

Những chính sách “từ trên xuống” mang bản chất của chế độ, thường được quyết định bởi ý chí của các nhà lãnh đạo chế độ. Thực tế chỉ ra rằng kiểu chính sách này là chưa có tiền lệ và không tuân theo quy luật tự nhiên, nên thường là “dò đá qua sông”, chi phí cao “thử - sai”. Nếu có mắc sai lầm thì các nhà lãnh đạo thường đổ lỗi cho việc thực thi, cho hoàn cảnh hay những yếu tố chẳng liên quan, nhưng thực ra, lỗi là ở ngay từ tầm nhìn quy hoạch và xây dựng chính sách. Chế độ được ra đời bởi cách mạng, những người lãnh đạo mang ý chí cách mạng và luôn thể hiện nó trong thời chiến cũng như thời bình, trong lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Phê phán, chỉ trích là điều khó chấp nhận, góp ý cũng cần kiên trì và thận trọng.

Ngoài ra, sự hạn chế hiểu biết và yếu kém năng lực quản lý kinh tế xã hội của quan chức cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho sai lầm chính sách trở nên nghiêm trọng hơn. Liên quan đến sai lầm chính sách nói chung và dự án Cát Linh - Hà Đông nói riêng có thể chia sẻ quan điểm của Giáo sư kinh tế của trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, Trần Văn Thọ. Ông là người con xa quê gốc Việt, luôn nặng lòng với quê hương, được mời làm thành viên Tổ tư vấn cho Thủ tướng, đã có nhiều đóng góp về tư duy kinh tế. Mới đây, ông có viết bài “Thế giới không phải chỉ có Trung Quốc” trên “Diễn Đàn” (Forum) kể về “hai sự kiện” chính sách mà lãnh đạo Việt Nam, nếu “nhìn xa, trông rộng” thì có thể tránh được nhiều sai lầm. Trước hết, về chính sách cải cách ruộng đất ở Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là hiệu quả, tác động tích cực đến kinh tế và xã hội, tránh được sai lầm như đã từng ở Việt Nam năm 1953. Đối với Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông, hợp đồng EPC với Trung Quốc, vị giáo sư này có mặt trong buổi gặp của cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng với giới báo chí hồi tháng 6/2015 và chứng kiến vị quan chức này phát biểu, rằng nước nào cho vay cũng đặt điều kiện phải dùng tiền đó để mua trang thiết bị (mua 13 con tàu của Trung Quốc) của họ, chẳng hạn, “Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng như vậy.” GS Thọ đã phản biện rằng “điều này hoàn toàn sai” cả về nhận thức chủ quan và mơ hồ thực tế về vốn vay nước ngoài. Sự kiện được kể trên cho thấy “nhiều lãnh đạo, quan chức Việt Nam, những người quyết định vay vốn nước ngoài, không hiểu hoặc không chịu tìm hiểu tình hình và chế độ hiện hành trên thế giới để so sánh điều kiện của Trung Quốc với các nước khác, từ đó quyết định chọn nước đối tác có lợi nhất cho Việt Nam. Từ trường hợp này và tương tự có thể “hiểu được lý do tại sao Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc trong nhiều phương diện.”

Các cử tri đang đòi hỏi các đại biểu Quốc hội khoá 15 nhìn thẳng vào những tồn đọng của các dự án đường sắt đô thị, trong đó có dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, có được đánh giá toàn diện và độc lập, đặc biệt về khía cạnh chính sách từ hoạch định đến giám sát thực thi, vốn là chức năng chủ yếu của cơ quan lập pháp. Vấn đề tồn đọng đã kéo dài nhiều năm và phức tạp khiến việc quy trách nhiệm giải trình là khó khăn, nhưng bài học về chính sách cần được đúc rút cho công tác lập pháp và giám sát.

2021-11-01

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire